Áo Trấn thủ: “Người đồng chí” kiên cường một thời cùng quân đội Việt Nam
Style

Áo Trấn thủ: “Người đồng chí” kiên cường một thời cùng quân đội Việt Nam

Áo Trấn thủ là trang phục chống rét phổ biến của quân đội Việt Nam, giai đoạn chiến tranh chống Pháp và chống Mỹ. Với phom dáng bình dị mà kiên cường, chiếc áo trở thành một trong những biểu tượng vững chắc về hình ảnh chiến sỹ Việt Nam hào hùng ngày nào.

 

Mùa đông năm 1946, mùa đông ập đến chiến trận Việt Bắc khi đất nước đang trong tình cảnh kinh tế khó khăn. Dân và quân đều phải sống trong thiếu thốn, đói nghèo và giá lạnh. Trước tình cảnh ấy, chủ tịch Hồ Chí Minh đã phát động phong trào may áo chống rét cho chiến sĩ, sau được chính phủ Việt Nam phát triển thành phong trào “Mùa đông binh sỹ”. Thuộc phong trào, Quân Nhu Cục, tiền thân của ngành Quân nhu Tổng cục Hậu cần, được giao nhiệm vụ nghiên cứu và thiết kế kiểu áo giữ ấm tiện dụng cho binh sĩ cùng các nhà may. Và từ đó, chiếc áo Trấn thủ ra đời. Áo được được may cấp cho tất cả bộ đội từ năm 1947.

Đặc điểm

Áo Trấn thủ thường có màu xanh olive phổ biến ở quân đội. Chiếc áo có phom dáng cụt tay kiểu áo gillett hoặc dài tay, ôm sát người gọn nhẹ, cài nút, và có cổ áo cao giữ ấm. Chiếc áo vải được chần bông thành từng ô hình quả trám. Áo gồm hai mảnh trước và sau, được nối liền ở cạnh sườn và một bên vai.

Trong những năm tháng chiến tranh, nguyên liệu may áo khá khan hiếm hiếm, đặc biệt là sợi bông (Algodón), vốn được biết đến như là một loại xơ mềm, mịn, mọc trong quả bông, hoặc vỏ bọc. Chính vì thế, các nhà may đã phải sử dụng lông vịt, vỏ cây sui đập dập, phơi khô xem như giải pháp thay thế cho sợi bông. Còn nút áo, họ thường thay bằng dây vải buộc hoặc nút áo bằng giấy tẩm sơn.

“Đồng chí” kiên cường cùng lịch sử

Sự ra đời của chiếc áo trấn thủ có liên hệ mật thiết đến chiến dịch “Mùa đông binh sỹ” của chính phủ Việt Nam thời bấy giờ. Khi chiến dịch được phát động cho toàn thể nhân dân, chủ tịch Hồ Chí Minh đã quyên góp chiếc áo sợi duy nhất của mình cho quỹ. Chiếc áo được Ủy ban Vận động Trung ương tổ chức bán đấu giá, và đạt mức giá là 3,500 đồng Đông Dương, tương đương 200 cây vàng. Số tiền này được chính phủ sử dụng nhằm mua vải may áo ấm tặng bộ đội.

Ngày 25/9/1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư cho Chủ tịch Ủy ban Trung ương “Mùa đông binh sỹ” với nội dung: “…Ủy ban Trung ương Mùa đông kháng chiến giúp binh sỹ chỉ quyên vải vóc quần áo, hoặc công may. Nhưng tôi không biết may, không có vải mà do chỉ có hai bộ đã cũ. Vậy tôi xin quyên góp một tháng lương là 1000 đồng nhờ cụ mua giùm vật liệu và may giùm mấy chiếc áo chiến sỹ gọi là chút lòng thành…”

Không chỉ được nhận diện rộng rãi ở tầng lớp quân nhân, áo Trấn thủ còn xuất hiện rất nhiều trên các tác phẩm của nhiều văn-nghệ sĩ, như một người “đồng chí” kiên cường cùng lịch sử nước nhà. Tiêu biểu trong số đó là các bài thơ Áo Trấn Thủ, bài hát Áo Mùa Đông của Đỗ Nhuận,… và các bức tranh cổ động-tuyên truyền. Ngoài ra, về công đoạn sản xuất, nhiều tầng lớp lao động lớn bé cùng tham gia vào công cuộc làm nên chiếc áo giữ ấm lịch sử, tiền đề cho những chiến công hiển hách của quân đội Việt Nam.

Chiếc áo trấn thủ Bác Hồ tặng chiến sĩ Lê Thống Nhất năm 1955.

Chiếc áo trấn thủ của cụ Nguyễn Đức Lô được lưu giữ tại Bảo tàng Lực lượng vũ trang Việt Bắc, Quân khu 1.

Cùng với mũ ca lô, dép cao su,… áo Trấn thủ góp phần hoàn thiện vẻ đẹp chân chất, bình dị mà kiên cường của người chiến sỹ trong lịch đấu tranh giành độc lập của Việt Nam. Hiện nay, những hiện vật về chiếc áo Trấn thủ vẫn được lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam của anh hùng Tô Vĩnh Diện, đồng chí Huỳnh Chi, Thiếu tướng Bùi Nam Hà, đồng chí Nguyễn Văn Thòa (do Chủ tịch Hồ Chí Minh đích thân trao tặng),…

Hiện nay, chiếc áo Trấn thủ được tái hiện và bày bán tại các cửa hàng Cộng Cà Phê, bạn có thể tìm đến và tham khảo.

 

 

Related Article