Trước thềm diễn ra Oscar, “Anora” không phải là một ứng cử viên sáng giá cho ngôi vị “Phim xuất sắc”. Tuy nhiên, nhờ vào những giải thưởng quan trọng ở tiền Oscar như Directors Guild of America (DGA) hay Critics Choice Awards, bộ phim dần lấy lại phong độ và tạo ra cú bứt phá trên đường đua. Trước đó, tác phẩm cũng xuất sắc giành giải thưởng Cành cọ vàng tại LHP Cannes, đánh dấu một cột mốc quan trọng trên hành trình chinh phục giới phê bình và khán giả toàn cầu.
Chiến thắng tại Cannes đã mang đến cho “Anora” sự chú ý lớn từ giới truyền thông và khán giả, nhưng vẫn chưa đủ sức để khẳng định vị thế của bộ phim trong cuộc đua Oscar. Sự cạnh tranh khốc liệt giữa các ứng cử viên hàng đầu, cùng với những dự đoán và phân tích từ giới chuyên môn, đã khiến “Anora” trở thành một ẩn số khó đoán.
Bù lại, với phong cách làm phim độc đáo, câu chuyện đầy tính nhân văn và màn hóa thân xuất sắc của Mikey Madison, bộ phim dần chinh phục được trái tim của các thành viên Viện Hàn lâm. Sau bao nỗ lực, “Anora” đã được đáp đền bằng chiến thắng lịch sử với 5/6 giải thưởng quan trọng, trong đó có hạng mục “Phim xuất sắc nhất”. Cú hích này đã giúp dự án ghi tên mình vào danh sách tác phẩm xuất sắc từng giành giải “Phim hay nhất” Oscar, cùng với những dự án gần đây như “Oppenheimer”, “Everything Everywhere All at Once” và “Coda”. Thành tích này không chỉ là sự vinh danh cho một tác phẩm điện ảnh xuất sắc, mà còn là minh chứng cho sự thay đổi trong cách nhìn nhận của Viện Hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật Điện ảnh đối với dòng phim độc lập.
Không phải ngẫu nhiên, Sean Baker thành công mang về giải thưởng “Đạo diễn xuất sắc” tại kỳ Oscar năm nay. Anh luôn biết cách khiến người hâm mộ điện ảnh phải bất ngờ trong cách làm phim. Thay vì theo đuổi những dự án bom tấn với kinh phí khổng lồ, vị đạo diễn sinh năm 1971 tập trung sản xuất các dự án độc lập khai thác những đề tài nhạy cảm, những phận đời khó kể mà ít người dám chạm đến. Nhưng không vì thế, anh hạ bệ đi tính nhân văn trong câu chuyện. Ngược lại, Sean Baker luôn giữ một cái nhìn thấu cảm và đầy nhân văn, tìm kiếm những khoảnh khắc đẹp đẽ và ý nghĩa trong cuộc sống của những người “bên lề” xã hội. Anh nâng niu từng chi tiết nhỏ nhất, từ diễn xuất chân thực của dàn diễn viên không chuyên cho đến những khung hình đời thường đầy tính nghệ thuật, tạo nên những thước phim giàu cảm xúc và ám ảnh.
Và “Anora” cũng không ngoại lệ. Bộ phim tiếp tục thể hiện phong cách làm phim đặc trưng của Sean Baker, với câu chuyện về một vũ nữ thoát y và hành trình tìm kiếm hạnh phúc của nhân vật. Tuy nhiên, lần này, Sean Baker đã nâng tầm câu chuyện lên một tầm cao mới khi khéo léo kết hợp yếu tố cổ tích và hiện thực khắc nghiệt vào đứa con tinh thần, làm nên một phiên bản “phản Lọ Lem” đầy ám ảnh và sâu sắc.
Phim kể về câu chuyện của Ani (Mikey Madison), một vũ nữ thoát y làm việc tại hộp đêm cao cấp ở Manhattan (New York). Cuộc đời cô rẽ sang trang mới khi gặp Vanya (Mark Eydelshteyn), con trai một tài phiệt Nga tôn sùng văn hóa Mỹ. Vanya trả cho Ani 15.000 USD để đóng giả bạn gái trong một tuần. Từ đây, Vanya trở thành người bạn đồng hành hào phóng, đưa cô bước chân vào những buổi tiệc thâu đêm cùng các hoạt động xa xỉ của mình. Dần dà, mối quan hệ này phát triển thành tình yêu, nhưng họ phải đối mặt với sự phản đối từ gia đình Vanya vì những khác biệt về địa vị xã hội.
“Anora” được đánh giá là một truyện cổ tích hiện đại trên màn ảnh, nhưng không chọn lối kết thúc viên mãn, thay vào đó phơi bày hiện thực trần trụi. Câu chuyện ngôn tình thời hiện đại được tái hiện sinh động trong nửa đầu phim qua những khoảnh khắc ngọt ngào và lãng mạn giữa Ani và Vanya. Ngay sau đó, nửa sau phim lại là một thực tế phũ phàng, nơi những giấc mơ tan vỡ và những bí mật đen tối dần hé lộ. Từ việc bố mẹ Vanya phát hiện con trai họ kết hôn với một vũ nữ và quyết tâm tìm cách để ép đôi vợ chồng trẻ ly hôn, đến Ani vỡ mộng về người bạn đời của mình.
Với cách kể chuyện sắc sảo và đầy dụng ý, vị đạo diễn người Mỹ đã đi sâu vào những góc khuất của xã hội, phơi bày những mâu thuẫn và xung đột trong các mối quan hệ gia đình, tình yêu và vật chất. Qua đó, anh đã tạo nên một “Anora” nhiều tầng ý nghĩa ẩn dụ và đầy ám ảnh, khiến người xem không khỏi suy ngẫm về những giá trị và lựa chọn trong cuộc sống. Đạo diễn Greta Gerwig – Chủ tịch giám khảo của LHP Cannes 2024 nhận xét về “Anora: “Bộ phim này chiếm trọn trái tim tim chúng ta, nó khiến chúng ta cười, hy vọng và rồi làm tan nát trái tim”.
“Giấc mơ Mỹ” luôn là ước vọng của bao người. Nhưng chẳng mấy ai hiểu rõ cái giá phải trả cho giấc mơ này rất đắt. Bởi, nó luôn ẩn chứa những đánh đổi, thậm chí là đánh mất bản thân. Trong “Anora”, đạo diễn Sean Baker đã khéo léo lồng ghép sự phù phiếm về “Giấc mơ Mỹ” thông qua Ani và Vanya. Cả hai nhân vật đều có những xuất phát điểm khác biệt, nhưng sâu thẳm bên trong, họ lại cùng chung một chí hướng: rời bỏ gốc rễ để gia nhập xứ cờ hoa. Vanya khát khao lột xác, từ bỏ cái tên Vanya để trở thành một công dân Mỹ đích thực dưới cái tên “Ivan”. Tương tự, Anora cũng mong muốn được khoác lên mình một danh tính mới, trở thành “Ani” – một người phụ nữ tự do, độc lập, rũ bỏ quá khứ và làm chủ cuộc đời mình. Hai người đều tin rằng, sự thay đổi này sẽ mở ra một cánh cửa mới, một cuộc sống tốt đẹp hơn ở “miền đất hứa”.
Thế nhưng, “Giấc mơ Mỹ” không phải lúc nào cũng màu hồng như họ tưởng tượng. Đối với Ani, giấc mơ này không chỉ là một khát vọng, mà còn là một chiến lược sinh tồn. Làm công việc trong ngành công nghiệp tình dục, cô hiểu rõ sức mạnh của đồng tiền và quyền lực, những yếu tố có thể thay đổi cuộc đời cô chỉ trong một khoảnh khắc. Ani không ngần ngại sử dụng vẻ đẹp và sự quyến rũ của mình để thu hút những người đàn ông giàu có để giúp cô thoát khỏi cuộc sống hiện tại.
Mặt khác, Ani cũng là hiện thân cho triết lý “fake it till you make it” (tạm dịch: “giả vờ cho đến khi thành công”). Điều này được thể hiện rõ ở quyết định kết hôn cùng Vanya. Vì cô tin rằng, bằng cách kết hôn với một người đàn ông giàu có, bản thân có thể thay đổi hoàn toàn cuộc đời mình, bước chân vào một thế giới mới và được tự do làm chủ số phận.
Về phía Vanya, tuy xuất thân trong một gia đình trâm anh thế phiệt, nhưng cậu chưa từng thuộc về thế giới quá nhiều quy tắc, áp lực và kiểm soát đó. “Giấc mơ Mỹ” trong tâm trí Vanya không chỉ xuất phát từ việc sở hữu muốn khối tài sản kếch xù hay tận hưởng một cuộc sống xa hoa, mà còn là khao khát tự do, thoát khỏi sự kiểm soát của gia đình. Sự xuất hiện của Ani vừa vặn giúp anh thực hiện được điều đó. Vanya nhìn thấy ở Ani một người phụ nữ mạnh mẽ, độc lập và dám sống theo ý mình. Anh tin rằng bằng cách kết hôn với Ani, bản thân có thể thoát khỏi sự ràng buộc của gia đình, xây dựng một cuộc sống mới theo ý muốn của mình. Nhưng thực tế lại vô cùng phũ phàng, Vanya phải đối mặt với những khó khăn và thử thách, phải trả giá cho những lựa chọn của mình.
Thế giới trong “Anora” không phải phủ một màu hồng, trái lại là một bức khảm đa sắc, phản ánh những góc khuất và mâu thuẫn của xã hội đương đại. Sean Baker không ngần ngại khai thác những chủ đề gai góc như mại dâm, sự phân biệt giai cấp và sự tha hóa của đồng tiền, tạo nên một bức tranh hiện thực trần trụi và đầy ám ảnh. Bộ phim đặt ra những câu hỏi nhức nhối về giá trị của tình yêu, hạnh phúc trong một thế giới đầy rẫy những cám dỗ và ảo mộng, nơi những giấc mơ dễ dàng bị bóp méo và những giá trị đạo đức bị lung lay.
MEN’S FOLIO, tạp chí quốc tế về thời trang và phong cách sống dành cho Quý Ông sành điệu, có bề dày hơn 25 năm kể từ ngày thành lập đầu tiên vào năm 1997 tại Singapore. Men’s Folio mang sứ mệnh quảng bá tài năng châu Á, cũng như xu hướng thời trang nổi bật nhất qua các mùa. Hiện ấn phẩm đã có mặt tại đa quốc gia, hoạt động mạnh mẽ ở các nước Đông Nam Á, và chính thức có mặt tại Việt Nam vào tháng 11/2020. Ấn phẩm Men’s Folio Vietnam hội tụ những bài viết tinh hoa, hình ảnh bắt mắt, giới thiệu những nhân vật danh tiếng của ngành công nghiệp thời trang và giải trí Việt Nam. Cùng cái nhìn tổng quan về xu hướng, thời trang và phong cách sống nổi bật nhất dành cho phái mạnh theo từng mùa/năm.
Copyright © 2024 Luxuo Media Vietnam. All Rights Reserved. Website Developed by Tony Toàn