Dựa trên nền tảng của nghệ thuật rối nước cổ truyền, vở diễn “Rối Mơ” (Life Puppets) là một sản phẩm sân khấu đa không gian, đa thời gian, đa ngôn ngữ, được coi như “linh hồn” của nhà hát Đó – một công trình nghệ thuật biểu tượng đạt tiêu chuẩn quốc tế tại Nha Trang.
Vở diễn “Rối Mơ” – Đẹp như một giấc mơ
Được giới chuyên môn và truyền thông quốc tế nhận định là “tác phẩm phải xem khi đến Việt Nam”, “Rối Mơ” mang lại nhiều giá trị cộng hưởng chưa từng có tiền lệ, kết hợp hài hòa giữa con rối và con người, giữa nghệ nhân và nghệ sĩ, giữa nhà sản xuất và đạo diễn, giữa bảo tồn và tiếp biến. Vở diễn đưa người xem vào một giấc mơ, nơi không có ranh giới thực ảo, không còn tồn tại khái niệm về không gian hay thời gian, nhường chỗ cho sự thăng hoa của cảm xúc và trí tưởng tượng tuyệt vời.
Để thực hiện một vở diễn hoành tráng kéo dài 60 phút, toàn bộ đội ngũ sản xuất đã dành hơn 15 năm nghiên cứu kỹ lưỡng và tỉ mỉ, với một niềm tin mãnh liệt tìm lại hào quang cho những chất liệu dân gian truyền thống.
Không chỉ cách tân di sản rối nước độc đáo của Việt Nam cùng nhiều loại hình rối mới, “Rối Mơ” còn mang đến sự kết hợp mới lạ với hình thức múa đương đại, cùng với đó là sự dẫn dắt của nhạc khí, nhạc bản địa Đông Nam Á. Toàn bộ phần âm nhạc và trình diễn trực tiếp trên sân khấu sẽ do dàn nhạc dân tộc bản địa Việt Nam đầu tiên – SEASOL (Southest Asia Soul) – đảm nhiệm. Những thanh âm đầy mê hoặc của đàn môi, đàn tính, đàn goong, kèn lá, cồng chiêng, trống baranưng, trống gineng,… làm nền cho sự đồng hiện của con rối và con người, hòa quyện với đầy tâm tư trong từng chi tiết, hứa hẹn đưa người xem vào một “giấc mơ” thăng hoa từ thanh âm, hình ảnh đến cảm xúc.
Mang đậm chất “văn hoá bản địa”, “Rối Mơ” sử dụng những đạo cụ được chế tác thủ công tỉ mỉ bởi những nghệ nhân tài hoa, biểu diễn hoàn toàn trực tiếp thay vì thu âm, lập trình trước. Do vậy, các yếu tố sản xuất sẽ được điều khiển theo diễn biến trên sân khấu và cảm hứng sáng tạo của những người nghệ sĩ.
Bên cạnh rối nước, các loại hình nghệ thuật khác cùng được lồng ghép khéo léo nhằm tăng sức truyền tải, điển hình như nghệ thuật rối dây kết hợp với trò chơi tangram trình diễn lần đầu tiên trên thế giới, hay rối bóng thủ công và diễn hoạt hình kết hợp cùng nghệ thuật múa đương đại ấn tượng. Đặc biệt, chiếc xe đạp quen thuộc nay lại trở thành bộ máy điều khiển con rối, thể hiện được sức sáng tạo độc đáo của đội ngũ sản xuất. Kỹ thuật cảm biến chuyển động (motion capture) cũng được ứng dụng trực tiếp trên sân khấu, tạo nên các chuyển động thú vị cho nhân vật và sự tinh tế trong từng phân cảnh.
Dù nhấn mạnh các giá trị truyền thống, “Rối Mơ” lại sử dụng ngôn ngữ kể chuyện rất hiện đại, hấp dẫn, pha chút hài hước để truyền tải về cuộc đời của những con rối. “Rối Mơ” kể câu chuyện về 12 con giáp – biểu tượng văn hóa đặc trưng của phương Đông, thông qua 12 nhân vật được thổi hồn để bộc lộ những cá tính, những “tam hợp”, “tứ hành xung” đầy sống động. “Rối Mơ” được chia thành từng phân cảnh nhỏ, với 6 màn diễn là 6 giấc mơ đồng hiện, giống như những mảnh ghép của cuộc sống, tạo nên tổng thể câu chuyện.
Có thể nói, đây là một tác phẩm đủ chiều sâu cho những người muốn chiêm nghiệm, nhưng cũng đồng thời đủ giải trí và hấp dẫn cho mọi lứa tuổi thông qua những trải nghiệm sáng tạo chưa từng có.
Nhà hát Đó – Nhà hát của những giấc mơ
Nhà hát Đó – Đó Theatre, là một nơi phải đến của nghệ sĩ, nghệ nhân và những người yêu cái đẹp. Lấy cảm hứng từ cái đó – một nông cụ dân gian phổ biến của người Việt dùng để đánh bắt cá tôm, nhà hát Đó được thiết kế và xây dựng như một cái đó khổng lồ, toạ lạc trên bờ biển Bãi Tiên. Cùng với các công trình hiện đại xung quanh, nhà hát Đó tạo nên sự kết hợp giữa kiến trúc truyền thống và tương lai, đem đến trọn vẹn những xúc cảm của nghệ thuật dân gian Việt Nam cũng như thế giới.
Ghi tên mình là nhà hát đầu tiên trong lịch sử đất nước thời kì đổi mới, nhà hát Đó đáp ứng những tiêu chuẩn quốc tế cùng kiến trúc mang đậm bản sắc dân tộc độc đáo. Nơi đây được thiết kế theo loại hình đa sân khấu: trên cạn, trên cao, trên không và dưới nước, tạo điều kiện thuận lợi cho các nghệ sĩ thoả sức sáng tạo trình diễn.
Là show diễn được “đo ni đóng giày” cho nhà hát Đó, “Rối Mơ” không chỉ là sân khấu biểu diễn thông thường, mà còn là một tác phẩm nghệ thuật văn hóa bản địa đặc sắc, nơi các nghệ sĩ đa tài tỏa sáng với sự tinh tế và đam mê không giới hạn. Bởi vậy, người ta mới gọi nhà hát Đó là “nhà hát của những giấc mơ”, nơi nuôi dưỡng và thổi bùng lên niềm đam mê với nghệ thuật và những giá trị cổ truyền. Với trẻ nhỏ, “Rối Mơ” là một màn biểu diễn rực rỡ sắc màu, sống động mà tuổi thơ chúng chẳng thể quên. “Rối Mơ” qua lăng kính những người trưởng thành lại là bức tranh hiện thực phản ánh về xã hội, về cuộc sống mưu sinh.