Ẩn: Khim Đặng – Họa sĩ trẻ tự tạo dựng “di sản” niềm vui
LifestyleArts & Culture

Ẩn: Khim Đặng – Họa sĩ trẻ tự tạo dựng “di sản” niềm vui

Tại triển lãm “Thả hổ về trời” trong không gian S’mores Saigon Coffee – nơi có những mảng tường bám màu thời gian và đậm nét văn hóa Chợ Lớn, Khim Đặng xuất hiện với một phong thái rất “nghệ”: mái tóc dài buộc gọn phía sau, đeo cặp kính râm, diện chiếc áo thun in tranh anh vẽ và do chính anh sản xuất.

Có thể dễ dàng nhận ra đặc trưng trong các tác phẩm của Khim Đặng là sự xuất hiện của con hổ. Từ khoảnh khắc nào, anh quyết định đưa con vật này vào trong những tác phẩm nghệ thuật của mình? 

Đó là một sự vô tình! Trước khi hoạt động tự do, tôi đã có khoảng thời gian 3 năm làm việc tại studio của anh Tuấn Andrew Nguyễn – một người anh cũng là người thầy với tôi. Lúc đó, tôi nghiên cứu về động vật ở Việt Nam, bao gồm con hổ và có rất nhiều tư liệu về loài vật này. Nhưng mãi khoảng 2 năm sau, tôi mới bắt đầu lục lại đống tư liệu đó và thấy có quá nhiều cái hay nên tôi quyết định chọn đại một nghiên cứu rồi bắt đầu vẽ về hổ Đông Dương. Hổ Đông Dương là loài hổ đặc hữu tại khu vực 3 nước Việt Nam, Lào và Campuchia, đây cũng là loài hổ đầu tiên tôi được thấy tại sở thú năm 5 tuổi. Ngoài ra, một phần thế giới xung quanh tôi luôn vô tình xuất hiện con vật này, bạn bè thấy hổ là rủ tôi xem. Sau đó, tôi cứ thế mà vẽ, vẽ và vẽ liên tục rồi dần có một kho tác phẩm về hổ.

Sau một thời gian tìm hiểu và vẽ hổ, anh Khim Đặng có khám phá hay chiêm nghiệm được điều gì hay ho về loài vật này không?

Thực tế, tôi không nghiên cứu hay tìm hiểu quá kĩ càng về tập tính hay tính cách mà con người thường đặt cho con hổ như dũng mãnh, độc lập, liều lĩnh,… để vẽ nên một con hổ mang những dáng vẻ đó. Tôi vẽ loài hổ với những cấu trúc, bản dạng biến hóa phong phú từ chính định hướng, cảm nhận và tư duy của bản thân.

Mong muốn của tôi là những con hổ tôi vẽ sẽ trở thành vị thần và được con người tôn thờ bởi vì nếu thật vậy, hổ sẽ không bị bắt hay làm hại nữa.

Nói một chút về triển lãm “Thả hổ về trời” đang diễn ra của anh. Ai cũng biết rằng hổ là “chúa sơn lâm” gắn với núi rừng, và người ta thường nói “thả hồ về rừng”. Vậy ý nghĩa câu chuyện “thả hồ về trời” của anh Khim Đặng là gì? 

Tôi nghĩ “thả hổ về rừng” cũng chỉ là câu nói thuận miệng, nằm trong tục ngữ, văn hoá của mình thôi chứ không phải là một chân lý hay quy tắc. Tôi chọn cách nói “thả hổ về trời” vì những con hổ trong tác phẩm triển lãm này được thể hiện qua hình tượng con diều. Khi thả diều, chúng ta phải ràng buộc nó bằng một sợi dây, cầm sợi dây thì diều vẫn bay trên trời, còn không muốn thả nữa thì kéo về. Mọi thứ trong cuộc sống này cũng có mối liên kết bởi sợi dây vô hình tương tự.

Cho nên, “thả hổ về trời” giống như cuộc đối thoại giữa tôi và môi trường tự nhiên, với mong muốn có thể bảo vệ bằng cách ràng buộc. Ở thời điểm hiện tại, thả hổ hay bất cứ con vật nào về rừng cũng không đảm bảo được liệu chúng có thể tự tồn tại trong tự nhiên không, thậm chí rủi ro sinh tồn còn thấp hơn là nuôi hay bảo tồn trong khu giả lập rừng. 

Anh đã mất bao lâu để hoàn thành những tác phẩm trong triển lãm “Thả hổ về trời”?

Triển lãm “Thả hổ về trời” được tôi nhen nhóm thực hiện hồi đầu năm 2022. Sau khi có ý tưởng, tôi làm dần dần cho đến khi gom đủ một lượng tác phẩm để mở triển lãm nhỏ này. Đây cũng là lần đầu tiên tôi làm việc trên các chất liệu vật lý như canvas, thảm,… Trước đây, tôi chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật đương đại với vai trò Art fabricator (chế tác nghệ thuật), vẽ tranh kỹ thuật số,… nên cuộc thử nghiệm lần này là một trải nghiệm mới mẻ và thú vị. Đối với tôi, thực hành nghệ thuật sẽ không bao giờ dừng lại hay áp đặt phong cách vào một chất liệu. Bản thân là một nghệ sĩ tự do nên tôi càng sẵn sàng thử sức với tất cả mọi thứ. 

Để định vị mình là ai, phong cách của mình là gì trong cộng đồng họa sĩ, anh có mất nhiều thời gian? Và hành trình đó diễn ra như thế nào?

Tôi cần khá nhiều thời gian vì trước đây, tôi không có định hình nghệ thuật hay được học một cách hàn lâm mà cứ vẽ liên tục trong suốt 10 năm. Ở mỗi mốc thời gian khác nhau thì lại có một lượng người biết đến những tác phẩm của tôi. Và đến hiện tại, tôi không buộc mình phải theo đuổi định hướng này hay phong cách kia.

Những gì do tôi vẽ ra chính là phong cách của tôi, nó xuất phát từ bản năng, từ chính trí tưởng tượng và tư duy của tôi, đó là phong cách mang tên Đặng-Công-Khiêm. 

Cảm giác của anh như thế nào sau khi hoàn thiện một tác phẩm?

Tôi không có ý định tìm kiếm sự hài lòng tuyệt đối và áp đặt nó lên những tác phẩm của mình, mặc dù tôi rất thích những gì mình làm ra. Khi cảm thấy đến đó là đủ rồi, có thể đem chia sẻ đến mọi người nghĩa là tôi đã ấn định tác phẩm. Tôi muốn mọi người thưởng thức và tận hưởng những sản phẩm của mình qua từng mốc thời gian. Đến 10 năm sau, họ vẫn thấy tác phẩm đó nhưng ở một phiên bản khác đi một chút chẳng hạn. Tất nhiên, những tác phẩm hiện giờ của mình, tôi hoàn toàn có thể làm tiếp, vẽ thêm nền hoặc các chi tiết khác. 

Tôi để ý thấy Khim Đặng có cách đặt tên cho những sản phẩm của mình cực kì sáng tạo và mặn mà như “Đục nước béo phì”, “Được nước làm thinh”, “Trăm nghe một thấy”,… Có vẻ như tiếng Việt cũng là một nguồn cảm hứng dồi dào cho anh? 

Đối với tôi, tiếng Việt là ngôn ngữ đặc biệt, tôi rất tự hào và yêu tiếng Việt, đặc biệt là những từ ngữ bình dân trong văn nói mà mọi người có thể dùng bất cứ lúc nào. Tuy nhiên, đến một thời gian, tôi tự nhận thấy những điều bình dị ấy đang dần biến mất. Bây giờ, khi muốn so sánh, họ dùng cách nói rất thực tế thay vì dùng thành ngữ, ca dao, tục ngữ như ông bà, cha mẹ mình hồi xưa. Cho nên, tôi muốn làm ra những tác phẩm đó trước là để khích lệ chính mình tìm và tạo ra niềm vui theo đúng nghĩa đen, sau là tôi muốn những nét đẹp từ văn hóa và tiếng Việt có thể dễ dàng tiếp cận thế hệ trẻ.

Những bạn trẻ thời nay có vẻ không còn muốn nghe nhiều về ca dao, tục ngữ nên tôi dùng cách nói đó để truyền cảm hứng cho các bạn như một gợi ý rằng mình có thể dùng chúng theo một cách sáng tạo như vậy.

Sau cùng, tôi không mong muốn thương mại hóa những điều đó và cũng không cho phép bản thân hay ai đó mang ra buôn bán. Tôi cứ giữ tinh thần làm cho mọi thứ vui vẻ hết mức có thể. 

Được biết, Khim Đặng còn sở hữu thương hiệu easybadwork để “sản xuất ra sản phẩm phục vụ chính anh. Trong quá trình sản xuất thì vô tình sử dụng không hết nên anh đã mang đi bán bớt”. Tôi tò mò muốn biết lý do anh muốn tự sản xuất sản phẩm cho mình, thị trường thời trang ngoài kia đã “làm gì” anh chăng?

Thực sự, tôi cũng chỉ là một hạt cát trong thị trường thời trang mà thôi! Ý định tạo ra easybadwork của tôi xuất phát từ việc mọi người hay hỏi sao tôi không làm quần áo có in tác phẩm của mình. Tôi thấy cũng hay hay nên quyết định làm ra 10 cái áo đầu tiên để mặc và tặng người quen. Nhận được nhiều sự ủng hộ và yêu thích từ mọi người, tôi mới làm nhiều hơn. Doanh thu hay những con số chưa bao giờ là mục tiêu mà tôi hướng đến khi tạo ra easybadwork. 

Đến bây giờ, tự tôi cảm thấy thương hiệu của mình cực kỳ… vô hại, nó âm thầm xuất hiện và vẫn luôn như vậy suốt thời gian qua. Điều đặc biệt ở easybadwork là không nhập thêm, không sale-off, không chạy quảng cáo,… tôi cứ làm ra để bán, bán không hết thì cất trong nhà. Đến hiện tại, tôi có khoảng 130 item và mỗi mẫu đều được lưu trữ. Tôi còn dành hẳn một thùng to đựng 80 mấy mẫu áo thun, đây cũng như một cách tôi tự sưu tầm đồ của mình. easybadwork của hiện tại rất vừa vặn với những gì tôi muốn ở “đứa con” này. 

Vẽ tranh là một trong những công việc giúp anh có được thu nhập. Vậy đồng tiền có bao giờ chi phối nét vẽ của anh?

Từ trước, bản thân tôi phải làm những công việc khác nhau như đạo diễn mỹ thuật, thiết kế đồ họa, thiết kế bối cảnh, họa sĩ minh họa, phục vụ, giữ xe,… để có thu nhập. Tôi chưa kiếm được nhiều tiền từ việc mình làm nghệ sĩ tự do và cũng không có khái niệm làm nghệ sĩ để giàu hơn. Nghệ sĩ là mục tiêu sống, là đam mê, là niềm vui của tôi. Những tác phẩm tôi tạo ra cho chính mình, nếu bán được thì vui còn không thì chẳng sao.

Bởi vì tôi bắt đầu mọi thứ bằng niềm vui nên tôi muốn đến khi mất đi, những điều ấy sẽ trở thành di sản – di sản niềm vui của Khim Đặng, không phải là mấy triệu đô hay một con số nào đó. 

Khim Đặng sẽ bồi đắp thêm cho “di sản niềm vui” ấy của mình bằng những dự định gì? 

Tôi vẫn tiếp tục sáng tác và đem niềm vui đến cho mọi người. Tôi không có mục tiêu trở thành người nổi tiếng hay có những đích đến cao xa. Tôi sẽ làm và luôn trong tâm thế tận hưởng chút một niềm vui, nỗi đau, khó khăn,… Ngoài ra, tôi cũng cố gắng mang tác phẩm của mình ứng dụng lên nhiều lĩnh vực khác nữa, bên cạnh thời trang. 

Ảnh: NVCC
 

Related Article