Ẩn: Hoạ sĩ Nguyễn Việt Cường – Người thay đổi ngôn ngữ cho những vật liệu “0 đồng”
LifestyleArts & Culture

Ẩn: Hoạ sĩ Nguyễn Việt Cường – Người thay đổi ngôn ngữ cho những vật liệu “0 đồng”

Trong không gian thưởng thức cocktail tại Ô Art Bar, anh Nguyễn Việt Cường, cùng với hai nghệ sĩ trẻ tài năng khác, đã mang đến những câu chuyện, góc nhìn mới về vòng lặp mưu sinh thông qua triển lãm “Tiếp diễn cuộc sống”. 

Với tinh thần phản kháng nhị nguyên và quan niệm về sự dịch chuyển của tự nhiên, nghệ sĩ Nguyễn Việt Cường thường nhặt nhạnh từ cuộc sống xung quanh những vật liệu rất “đời” bị bẵng quên. Gọi chúng bằng cái tên vật liệu “0 đồng”, anh miệt mài thử nghiệm rồi lại thử nghiệm, hướng tới cái đích cuối cùng là thay đổi ngôn ngữ cho những thứ tưởng chừng vô giá trị ấy.

Triển lãm giới thiệu những góc nhìn và thực hành nghệ thuật đa chiều rất mới mẻ với đại chúng Việt Nam. Tại sao anh Việt Cường lại có cảm hứng với chủ đề “mưu sinh” – một hoạt động quá đỗi “hiển nhiên” trong cuộc sống mà ta chỉ làm trong vô thức chứ ít khi nào chịu suy nghĩ về nó?

Sài Gòn là một nơi rất cởi mở và đa văn hoá, nên rất nhiều người đến mưu sinh. Mưu sinh là việc hiển nhiên mà ai cũng phải tự thân đối mặt ngay khi đạt được nhận thức của người trưởng thành nhưng điều đặc biệt khiến tôi muốn khai thác đề tài này chính là vòng lặp của mỗi người, phụ thuộc vào va chạm của họ với cuộc sống. Vậy nên tôi muốn tập trung vào quan sát, mở rộng tầm mắt, tạo ra những tác phẩm để truyền đi thông điệp rằng: sự tiếp diễn này luôn nằm sẵn trong tự nhiên và trong vòng tuần hoàn của mỗi sự sống. 

Lý do anh lựa chọn hình thức nghệ thuật này là gì? Anh có thể chia sẻ về quá trình tạo ra các tác phẩm của mình không?

Mặc dù tốt nghiệp khoa Sơn dầu tại ĐH Mỹ thuật TP.HCM, nhưng sơn dầu không giúp tôi thể hiện hết được những ý niệm trong tác phẩm của mình. Tôi cũng thử nghiệm với các chất liệu khác như lụa, hoặc vẽ trực tiếp lên trang phục của nhà thiết kế trong 5 năm làm cho một công ty thời trang nhưng sau cùng, tôi tìm về chất liệu cuộc sống – thứ khiến tôi muốn quan tâm, muốn tạo ra những tác phẩm mang tính thời sự, thực tế và đương đại. 

Từ suy nghĩ đó, tôi bắt đầu với những poster, tờ rơi được dán khắp ngóc ngách Sài Gòn mà rất ít ai để ý nhưng lại thu hút tôi bởi màu sắc và hiệu ứng thú vị về thị giác. Những tờ rơi luôn được dán chồng chéo lên nhau bởi người này người kia, thậm chí chính họ cũng sẽ quay trở lại tiếp tục dán đè lên. Nó cứ chồng chồng lớp lớp tương tự cuộc sống Sài Gòn, người ta đến rồi lại đi, rồi quay trở lại, luôn luân chuyển để mưu sinh. Đó cũng chính là chủ đề xuyên suốt triển lãm này: “Tiếp diễn cuộc sống”.

Sau khi thu gom, tôi phân mảnh và cắt chúng ra để phá vỡ kết cấu nhưng yếu tố về nội dung sẽ không mất đi, phông chữ, màu sắc, chất liệu cũng vẫn giữ lại. Đó là cách tôi thay đổi ngôn ngữ cho những vật liệu mình tìm được. Hơn một nửa tác phẩm trong triển lãm này được tôi ứng dụng phương pháp mà tôi gọi đó là “tạo giá trị cho những thứ bị vứt bỏ”.

Bên cạnh đó, không chỉ góp nhặt chất liệu, tôi còn sử dụng những “hình ảnh” của sự mưu sinh. Ví dụ như với bức tranh “Hủ tiếu gõ” là từ sự quan sát hành động khò bô xe của những người thợ sửa xe ngay lúc tôi đang ăn tô hủ tíu. Thế là tôi ứng dụng luôn cách họ sử dụng phản ứng nhiệt trên inox để thử nghiệm trên cái bàn hủ tíu, tạo ra tác phẩm cho mình.

Khi tìm hiểu về cuộc sống mưu sinh của những con người trên mảnh đất Sài Gòn, anh Việt Cường có câu chuyện thú vị nào đặc biệt muốn chia sẻ không?

Tôi muốn chia sẻ câu chuyện về một anh công nhân đợt dịch được tôi đưa vào trong tác phẩm “Mâm cơm”. Ăn, ở, ngủ, nghỉ tại chỗ làm cả tháng trời, cuộc sống của anh khổ đến mức miếng ăn cũng không còn cảm thấy ngon nữa, thậm chí tù túng cứ như ở trong tù. Bằng cảm xúc tức thời đó, tôi xin lại mâm cơm của anh, vẽ lên đó bằng sơn dầu, với bút pháp rất nhanh và dày, thể hiện sự giày xéo rất mạnh trong nội tâm.

Trong quá trình tạo ra tác phẩm cho triển lãm này, anh đã gặp phải những khó khăn gì?

Khó khăn lớn nhất có lẽ là lúc đi quan sát và góp nhặt những vật liệu. Khi đi gỡ những tờ rơi, tôi từng bị hăm doạ bởi những người đi dán quảng cáo, nên phải nghĩ cách mặc bộ đồ dân phòng mỗi lần đi gỡ. Chính những trải nghiệm thú vị như vậy đã kích thích tôi sinh ra ý tưởng, thay vì ngồi ở nhà suy luận lí thuyết rồi mới bắt đầu tưởng tượng. 

Từ đâu anh bắt đầu nảy ra ý tưởng làm nghệ thuật với những vật liệu nhặt nhạnh trong đời sống? Anh có thể chia sẻ thêm về lần đầu tiên sử dụng những vật liệu rất “đời” như vậy trong nghệ thuật không?

Tôi bắt đầu tìm ra được vật liệu cho riêng mình và gọi đó là vật liệu “0 đồng” kể từ đợt dịch. Khi ấy, tôi làm bộ tác phẩm “Sài Gòn hộp” từ những thùng carton vận chuyển hàng hoá online gom được từ những món đồ tự mua và thu nhặt ở quanh chung cư tôi sống. Những sự kiện diễn ra hằng ngày được tôi góp nhặt lại và vẽ trên các hộp giấy đó. Qua tác phẩm, tôi cảm thấy con người như đang sống trong những chiếc hộp, và phụ thuộc gần như hoàn toàn vào những món hàng hoá, hàng tiêu dùng. 

Hơn nữa, đó là giai đoạn mọi thứ thay đổi đột ngột, đa phần mọi người dành thời gian để lo sợ, còn tôi quyết định dùng để nghiên cứu, quan sát và sáng tạo. Khi đăng lên mạng xã hội, tôi nhận được sự ủng hộ và chia sẻ từ bạn bè, báo chí,… Điều đó cho tôi thấy mình đã thành công truyền đi năng lượng tích cực tới mọi người trong giai đoạn khó khăn như vậy.

Chắc hẳn anh cũng đã có lúc rơi vào trạng thái mất cảm hứng sáng tác. Làm thế nào anh có thể vượt qua những giai đoạn bí ý tưởng đó?

Tôi hay tự đặt câu hỏi và tìm đường hướng để đi đến cái đích của bản thân: sử dụng những vật liệu “0 đồng” để tạo ra những tác phẩm nghệ thuật, trước là để vui cho bản thân mình, sau là đem lại giá trị cho cộng đồng. Trong quá trình đó, tôi cứ thoải mái trải nghiệm, thả trôi theo dòng chảy, sống với nó,… tự nhiên sẽ tìm được niềm vui, đồng thời phải có sự nghiêm túc, cam kết với bản thân mới tạo ra được những tác phẩm ưng ý. 

Anh có từng nghĩ về việc sẽ khai thác chất liệu để làm nghệ thuật từ Kiên Giang – quê hương của anh không?

Đây là lần đầu tiên tôi chia sẻ về ý tưởng này. Kiên Giang là một tỉnh rất phát triển về khai thác – nuôi trồng và sản xuất xi măng nhưng hai ngành nghề này đang tác động rất lớn đến môi trường sống địa phương như khói bụi làm cây cối xung quanh phủ màu bạc, nước bị ô nhiễm không sử dụng được,… Với nông nghiệp, việc sử dụng quá nhiều phân bón và thuốc bảo vệ thực vật cũng khiến nguồn nước bị nhiễm độc rất nặng. Chính sự phát triển không có quy hoạch hợp lý như vậy đã ảnh hưởng rất lớn đến môi trường. Thế nên mới đây, tôi đã nảy ra ý tưởng sẽ sử dụng những bao xi măng, bao phân bón làm vật liệu cho các tác phẩm trong tương lai để truyền đi thông điệp về vấn đề đó.

Anh Việt Cường có dự định sẽ thử một phong cách mới, chất liệu mới trong tương lai không?

Đó là điều tất nhiên, cụ thể là gì thì tôi cũng chưa rõ, nhưng chắc chắn vẫn sẽ là những vật liệu “0 đồng” mà tôi tìm thấy. Ví dụ như tôi có thể sử dụng vật liệu từ một công trình kiến trúc nào đó bị đổ vỡ nhưng lại mang một câu chuyện lịch sử, thậm chí “trình diễn” ngay tại đó. Đó là sự đa dạng mà tôi theo đuổi khi thực hành nghệ thuật trong thời gian tới. 

Cảm ơn những chia sẻ của anh Việt Cường.

Bài: Hà Đào
Ảnh: NVCC
 

Related Article