5 năm dưới sự dẫn dắt của Virginie Viard
Vào thời Virginie Viard, trong suốt 5 năm giữ vị trí giám đốc sáng tạo, dù phải đối mặt với sự chững lại của ngành công nghiệp xa xỉ, nhưng với bàn tay dẫn dắt của bà, CHANEL vẫn vượt qua những trở ngại và tăng đến 16% doanh thu, đạt gần 2 tỷ USD vào năm 2023. Từng là người cộng sự đáng tin cậy của Karl Lagerfeld sau khi ông qua đời, bà đã thay đổi những show diễn hoành tráng dưới thời Karl Lagerfeld bằng những bộ sưu tập thanh lịch, nữ tính và đơn giản hơn. Mặc dù mang đến kết quả tốt về mặt kinh doanh, nhưng giới mộ điệu lại không đánh giá cao tính sáng tạo trong các thiết kế. Điển hình là việc những bộ sưu tập, show diễn không để lại ấn tượng quá nhiều như thời Karl Lagerfeld, đổi lại còn bị nhận xét là quá đơn điệu và nhàm chán.
Các bộ trang phục của CHANEL chủ yếu mang tính ứng dụng cao, khá dễ mặc và phù hợp với nhiều người, song không để lại quá nhiều ấn tượng. Rõ ràng, Viard đã không cần bằng tốt 2 yếu tố là thương mại và thẩm mỹ. Vì thế, sau khi bà rời đi, nhiều cái tên sáng giá được kỳ vọng sẽ mang đến những kết quả đáng mong đợi cho nhà mốt Pháp thời gian tới.
Người kế nhiệm Virginie Viard sẽ là ai?
Với tất cả những điều mà Virginie Viard đã làm sau khi thay thế vị trí người tiền nhiệm, giới mộ điệu đã đưa ra rất nhiều đồn đoán về vị trí mới của nhà CHANEL . Chắc chắn, đây sẽ là một người có đủ khả năng để giữ gìn những giá trị di sản nhưng vẫn thừa cá tính, bản lĩnh để mang đến một hình ảnh táo bạo hơn cho CHANEL.
Nhiều cái tên đã xuất hiện trong danh sách dự đoán, hàng loạt căn cứ lẫn nghi vấn được đặt ra để tìm ra cái tên cuối cùng sẽ ngồi ở vị trí danh giá này. Đã có những lời đồn đoán về các đối thủ nặng ký như John Galliano hay Hedi Slimane sẽ về với CHANEL. Lời đồn về việc tạm biệt của John Galliano với Maison Margiela đã vẽ ra nhiều viễn cảnh cho tương lai của ông. Chỉ cần nghĩ tới bộ sưu tập Maison Margiela “Artisanal” mà ông trình bày vào tháng Giêng năm nay, cách mà ông thổi bùng sự thanh lịch, sành điệu cho CHANEL giống như những gì Lagerfeld đã làm cho CHANEL vào những năm 1980, đôi mắt thẩm mỹ tinh tế được mài giũa từ việc nghiên cứu lịch sử, văn hóa, nghệ thuật cùng kinh nghiệm dày dặn với thời trang xa xỉ, khiến anh trở thành ứng cử viên sáng giá cho vị trí này.
Hay việc Hedi Slimane rời CELINE, nhà thiết kế có những bộ sưu tập khiến các tín đồ “đứng ngồi không yên” với những tuyệt tác thời trang mang đậm giá trị thẩm mỹ. Tuy nhiên, Pavlovsky, chủ tịch CHANEL đã nói lên mối lo ngại về vấn đề DNA của họ, nghĩa là những cái tên quá cá tính và có một cái tôi cao sẽ phá vỡ DNA của thương hiệu.
Tiếp đó, nhà thiết kế Simon Porte Jacquemus cũng là ứng cử viên sáng giá cho vị trí này. Anh được mệnh danh là “chàng nghệ sĩ lãng mạn” của làng thời trang với những thiết kế đậm chất thơ, lấy cảm hứng từ miền Nam nước Pháp. Chất liệu nữ tính trong những thiết kế của Simon Porte Jacquemus hứa hẹn có thể giữ được những giá trị nguyên bản của CHANEL.
Mặt khác, một “đế chế” của sự tối giản mang tên Thom Browne cũng là một cái tên phù hợp. Nếu đến với Chanel, nhà thiết kế Mỹ Thom Browne có thể làm tốt việc cân bằng tính tối giản, tinh tế và truyền thống của thương hiệu với sự hiện đại, đổi mới.
Ngoài ra, nhiều cái tên như Sarah Burton, Pierpaolo Piccioli, Riccardo Tisci hay Marc Jacobs là những người từng vị trí giám đốc sáng tạo cao cấp trong quá khứ cũng được đề cập đến. Hoặc một người trẻ như Jonathan Anderson để mang đến một “làn gió mới” cho thương hiệu. Trong bề dày lịch sử lâu dài, chỉ mới ba người giữ vai trò giám đốc sáng tạo tại Cha, có thể nói, cái tên tiếp theo sẽ phải thật xứng đáng để kế thừa những giá trị mang tính di sản mà người tiền nhiệm đã làm.
Khó khăn CHANEL phải đối mặt
Ngược dòng lịch sử, đi đến hiện tại, có thể thấy CHANEL vẫn luôn làm tốt trong việc bảo vệ các giá trị di sản vốn có. Dù là nhà sáng lập Coco Chanel, cố thiết kế tiền nhiệm Karl Lagerfeld hay Virginie Viard đều luôn cố giữ gìn tính di sản mang tính huyền thoại này. Là những “đầu tàu” sáng tạo trong thời đại mới, việc lưu giữ những giá trị lịch sử của thương hiệu nhưng vẫn phải chạy đua với thời gian để đảm bảo mục đích thương mại là bài toán không hề dễ dàng. Và mỗi lần thay mới giám đốc sáng tạo, Chanel lại đứng trước bờ vực giữa cơ hội và rủi ro. Vì nếu chọn đúng cái tên sáng giá, họ sẽ tiếp tục kế thừa tốt những gì người tiền nhiệm đã làm, đồng thời tạo nên một “kỷ nguyên mới” với những bước tiến đột phá hơn. Còn nếu đó không phải gương mặt phù hợp, CHANEL sẽ đối mặt với việc sụp đổ những gì đã gầy dựng, gây thất vọng hy thậm chí là kéo thương hiệu đi xuống.
Ngoài ra, việc người mới bước khỏi cái bóng vĩ đại của Karl Lagerfeld là quá khó khăn, khi suốt 5 năm Virginie Viard đảm nhiệm vị trí, nhiều người vẫn chỉ hoài niệm tới thời hoàng kim mà Karl Lagerfeld từng mang lại. Sự sắc sảo, chiến lược, những bộ trang phục mang tính huyền thoại dưới thời Karl Lagerfeld đã để lại dấu ấn quá lớn, mà nếu không phải một người đủ xuất sắc, bản lĩnh sẽ khó có thể làm được.