Ái kỷ: Chiến lược nhân danh tình yêu và những “triết gia” thao túng tâm lý

  • by Huyền My Trương
  • April 1, 2025

Tình yêu vốn là sự giao thoa của hai tâm hồn, nơi con người tìm kiếm sự đồng điệu và sẻ chia. Nhưng không phải ai cũng yêu theo cách ấy. 

Đối với một người mang khuynh hướng ái kỷ, tình yêu không đơn thuần là sự kết nối hai trái tim, mà trở thành phương tiện để củng cố bản ngã. Nó có thể tạo nên những mối quan hệ đầy cuồng nhiệt, nhưng cũng tiềm ẩn chuỗi thao túng, kiểm soát và tổn thương tinh thần cho đối phương. Vậy bạn có bao giờ tự hỏi, liệu mình đang yêu một người hay chỉ đang yêu một hình bóng hoàn hảo do họ tạo ra?

Trung tâm của vũ trụ

Theo từ điển Oxford định nghĩa, ái kỷ (narcissism) là “thói quen đánh giá cao bản thân, đặc biệt về ngoại hình”. Tùy theo lĩnh vực bàn luận mà ái kỷ có thể mang ý nghĩa và mức độ khác nhau. Thuyết phổ biến nhất về nguồn gốc cái tên “ái kỷ” xuất phát từ thần thoại Hy Lạp, kể về chàng Narcissus có dung mạo tuấn tú, nhưng không thể yêu một ai. Một ngày nọ, Narcissus thấy bóng mình phản chiếu trên mặt nước, chàng đã say mê bản thân đến mức héo mòn và hóa thành bông hoa bên hồ. 

Ở khía cạnh tâm lý học, ái kỷ được hiểu là xu hướng đề cao bản thân một cách thái quá, luôn tìm kiếm sự ngưỡng mộ từ người khác và thiếu sự đồng cảm với họ. Nếu ái kỷ đạt đến mức độ nghiêm trọng, nó có thể phát triển thành rối loạn nhân cách ái kỷ (Narcissistic Personality Disorder – NPD), một dạng rối loạn tâm thần đặc trưng bởi sự tự cao, nhu cầu được tán dương và thiếu đồng cảm. Với những người ái kỷ khi bước vào mối quan hệ tình cảm sẽ không yêu đối phương theo cách thông thường, thay vào đó xem họ như công cụ để nâng tầm giá trị bản thân.

Theo nhà phân tâm học nổi tiếng – Sigmund Freud, ái kỷ là một giai đoạn tự nhiên trong sự phát triển tâm lý con người, nhưng nếu kéo dài hoặc phát triển quá mức, nó có thể gây cản trở khả năng yêu thương người khác. Trong tình yêu, người ái kỷ có xu hướng yêu chính hình ảnh của mình hơn là người yêu thực sự. Còn nhà tâm lý học xã Erich Fromm nhấn mạnh rằng người ái kỷ không thực sự có khả năng yêu vì họ coi người khác chỉ là sự mở rộng của bản thân. Họ yêu sự kiểm soát và quyền lực hơn là sự kết nối chân thật. 

Riêng Craig Malkin – tác giả cuốn “Rethinking Narcissism” đưa ra một cách tiếp cận mới, phân biệt giữa ái kỷ lành mạnh và ái kỷ cực đoan. Ông cho rằng một mức độ ái kỷ nhất định có thể giúp con người tự tin và hấp dẫn hơn trong tình yêu, tuy nhiên khi nó vượt quá giới hạn, mối quan hệ sẽ trở thành một cuộc chơi quyền lực đầy tổn thương.

Cái tôi độc hại

Thoạt nhìn, ái kỷ và self-love (tự luyến) có vẻ tương đồng là cả hai đều tập trung vào cái tôi. Tuy nhiên, khi đặt chúng lên bàn cân, sự khác biệt trở nên rõ ràng. Tự luyến là việc yêu thương và chấp nhận bản thân một cách lành mạnh. Đây là yếu tố quan trọng để duy trì lòng tự trọng và sức khỏe tinh thần. Tự luyến không đồng nghĩa với ái kỷ; ngược lại, nó giúp cá nhân hiểu rõ giá trị của mình mà không cần phải hạ thấp hay thao túng người khác. Trái lại, ái kỷ gieo rắc sự bất ổn và tổn thương cho cả người ái kỷ lẫn những người xung quanh.

Để hình dung rõ hơn, hãy nhìn vào nhân vật Dorian Gray trong tiểu thuyết “The Picture of Dorian Gray” (1981) của tác giả Oscar Wilde. Dorian là một thanh niên có ngoại hình xuất chúng, nhưng lại bị ám ảnh bởi vẻ đẹp và tuổi trẻ của mình. Sự ái kỷ của Dorian thể hiện qua việc anh ta say mê và coi trọng vẻ đẹp của bản thân hơn tất cả, dẫn đến việc sẵn sàng hy sinh đạo đức lẫn tình cảm của người khác để bảo vệ và duy trì sự hoàn hảo ngoại hình. Anh ta trở nên vô cảm, thiếu đồng cảm và hành động ích kỷ, không quan tâm đến hậu quả mà người khác phải chịu đựng do hành vi của mình. 

Hay trong những drama tình ái gần đây, mạng xã hội ngập tràn những lời biện minh từ các “chàng trai ái kỷ”. Họ là những người điều khiển tâm lý bậc thầy, thao túng cảm xúc bằng các lời lẽ hoa mỹ, nhưng lại trốn tránh trách nhiệm cho hành vi của mình. Điển hình, V.S. – một trong “tứ hoàng streamer”, nổi tiếng với chiêu thức “silent treatment”, bỏ mặc người yêu trong im lặng suốt nhiều ngày, rồi sau chia tay lại dùng những lời hoa mỹ để đổ lỗi. Trong khi đó, Content Creator Đ.L lại đóng vai nạn nhân, kể sự hy sinh của mình, nhưng thực chất là để đổ lỗi cho người khác. Đáng nói, việc anh ta tự hào về “đặc quyền” cho bạn gái cọ toilet nhà mình cho thấy sự thiếu tôn trọng và tư duy gia trưởng. Cả hai đều thể hiện sự thiếu đồng cảm, thao túng tâm lý và tự cao tự đại, xem tình yêu là công cụ để phô diễn cái tôi.

Chiến lược nhân danh tình yêu

Trong mê cung phức tạp của tình yêu, những người mang khuynh hướng ái kỷ thường sử dụng các chiến thuật tinh vi nhằm kiểm soát và chi phối đối phương. Họ biến tình yêu như một sân khấu của những “triết gia” thao túng tâm lý, còn đối phương là con rối. Vậy những “vở kịch” ấy được dàn dựng như thế nào?

Love bombing – Cơn lốc ngọt ngào 

“Love blooming” được xem như chiến thuật phổ biến của người ái kỷ khi bước vào một mối quan hệ tình cảm. Đây là một thuật ngữ chỉ hành vi thể hiện tình cảm một cách thái quá và dồn dập nhằm thao túng hoặc kiểm soát đối phương trong giai đoạn đầu của mối quan hệ. Hành vi này thường bao gồm việc liên tục khen ngợi, tặng quà đắt tiền và đưa ra những lời hứa hẹn về tương lai, tạo cảm giác mối quan hệ tiến triển nhanh chóng và hoàn hảo. Họ cũng có thể nói rằng “Chúng ta là định mệnh của nhau” chỉ sau vài ngày quen biết, khiến đối phương tin rằng đây là tình yêu đích thực. Sau tất cả chỉ là chiến thuật để khiến đối phương lệ thuộc vào họ. 

Các chuyên gia cảnh báo rằng “love bombing” có thể là dấu hiệu của một đối tác có xu hướng kiểm soát và là một hình thức lạm dụng tâm lý và cảm xúc. Chitra Raghavan, giảng viên tâm lý học tại Đại học Tư pháp Hình sự John Jay, mô tả “dội bom tình yêu” là khi một người sử dụng các cử chỉ lãng mạn hào nhoáng và liên hệ dồn dập để chiếm ưu thế trong mối quan hệ.

Song, cần lưu ý rằng sự quan tâm quá mức không phải lúc nào cũng xuất phát từ ái kỷ. Những người có kiểu gắn bó lo âu, do những tổn thương trong quá khứ như sự thiếu hụt tình cảm từ cha mẹ hoặc những đổ vỡ trong tình yêu, thường mang trong mình nỗi sợ bị bỏ rơi. Để xoa dịu nỗi sợ này, họ có thể thể hiện tình cảm một cách thái quá, tìm kiếm sự đảm bảo liên tục từ đối phương. Tuy nhiên, động cơ của họ khác biệt với người ái kỷ: họ hành động vì nỗi sợ, không phải vì mong muốn kiểm soát hay thao túng.

Gaslighting – Lý trí bị kiểm soát

“Gaslighting” là một thuật ngữ tâm lý học bắt nguồn từ vở kịch cùng tên “Gaslight” vào năm 1938 và chuyển thành phim năm 1944, nói về hành vi bạo hành tâm lý có hệ thống của nhân vật Jack đối với người vợ Bella. Trong chiến thuật này, thủ phạm phủ nhận toàn bộ ký nạn nhân khiến họ mất dần niềm tin vào bản thân. 

Theo Merriam-Webster, thuật ngữ này cũng có ý nghĩa phức tạp hơn là một lời nói dối, khi việc thao túng tâm lý để khiến nạn nhân tin rằng bản thân sai “thường là một phần của kế sách lớn hơn”. Ví dụ, nếu bạn cảm thấy đối phương trở nên lạnh nhạt, họ sẽ nói: “Em tưởng tượng quá nhiều rồi, anh vẫn yêu em như ngày đầu”. Điều này khiến đối phương bối rối và phụ thuộc hơn vào người ái kỷ.

Những dấu hiệu của sự thao túng có thể rất khó nhận biết, nhưng chúng thường xuất hiện dưới dạng sự nghi ngờ bản thân dai dẳng, khó khăn trong việc đưa ra quyết định độc lập, hoặc cảm giác bất an mơ hồ trong mối quan hệ. Bạn có thể cảm thấy mâu thuẫn giữa sự tốt đẹp của đối phương và cảm giác “có gì đó không ổn”. Khi cố gắng đối chất, bạn nhận ra mình liên tục rơi vào những cuộc trò chuyện không mong muốn, lặp đi lặp lại mà không có tiến triển. Tệ hơn, bạn thường xuyên phải là người xin lỗi hoặc bào chữa cho hành động của đối phương, ngay cả khi bạn cảm thấy có điều gì đó sai trái nhưng không thể xác định rõ ràng.

Các chuyên gia tâm lý quốc tế cảnh báo, gaslighting là một hình thức bạo hành tinh thần tinh vi, diễn ra âm thầm và khó nhận biết. Nạn nhân thường bị đẩy vào trạng thái hoang mang, nghi ngờ chính mình, đồng thời cảm thấy tội lỗi khi dám nghi ngờ kẻ thao túng. Sự xói mòn lòng tin vào bản thân này khiến họ dễ dàng bị kiểm soát và thao túng hơn, rơi vào vòng xoáy của sự phụ thuộc và tổn thương.

Chu kỳ yêu-ghét-bỏ rơi: Bẫy tình ái

Trong mối quan hệ với người có khuynh hướng ái kỷ, đối tác thường trải qua một chu kỳ ba giai đoạn độc hại: lý tưởng hóa, hạ thấp giá trị và bỏ rơi (Idealization – Devaluation – Discard). Giai đoạn đầu, họ được “oanh tạc” bằng sự quan tâm, ngọt ngào khiến đối phương cảm thấy mình là người đặc biệt. Dần dà, người ái kỷ dần lộ rõ bản chất kiểm soát, thao túng, hạ thấp giá trị đối phương bằng những lời chỉ trích, gây tổn thương tinh thần. Cuối cùng, lúc không còn nhận được lợi ích, họ sẽ lạnh nhạt hoặc chấm dứt mối quan hệ một cách đột ngột để lại đối phương trong trạng thái bối rối và tổn thương sâu sắc.

Theo các chuyên gia tâm lý, “mật ngọt chết ruồi” – những khoảnh khắc ngọt ngào ban đầu trong mối quan hệ với người ái kỷ – chính là “cú lừa”hoàn hảo. Nó khiến nạn nhân rơi vào trạng thái “lóa mắt”, tin tưởng tuyệt đối vào tình cảm của đối phương. Sau đó, khi phải đối mặt với sự thiếu thốn tình cảm và những hành vi bạo hành, nạn nhân lại càng trân trọng những khoảnh khắc quan tâm hiếm hoi, xem đó như “ánh sáng cuối đường hầm”. Vòng luẩn quẩn này khiến họ mắc kẹt trong mối quan hệ độc hại, khó lòng thoát ra.

Chu kỳ này có thể lặp đi lặp lại, gây ra vòng luẩn quẩn khiến nạn nhân khó thoát ra. Việc nhận thức được mô hình này là bước đầu tiên để bảo vệ bản thân khỏi những mối quan hệ độc hại và tìm kiếm sự hỗ trợ cần thiết.

Hoovering – Vòng xoáy níu kéo 

“Hoovering” là một chiêu trò thao túng tâm lý thường thấy ở những người ái kỷ, nhằm kéo nạn nhân trở lại mối quan hệ độc hại sau khi đã chia tay. Họ sử dụng nhiều cách thức khác nhau, từ việc thể hiện tình cảm thái quá, hứa hẹn thay đổi, đến việc liên lạc ngẫu nhiên, để khơi gợi cảm xúc và giành lại quyền kiểm soát. Điều này không xuất phát từ tình yêu chân thành, mà chỉ là nỗ lực để duy trì sự ảnh hưởng đến nạn nhân.

Để bảo vệ bản thân, việc nhận diện các dấu hiệu của vòng xoáy níu kéo là rất quan trọng. Những dấu hiệu này bao gồm sự thể hiện tình cảm đột ngột và mãnh liệt, lời hứa hẹn thay đổi mà không có hành động thực tế và những lần liên lạc không lý do. Các chuyên gia tâm lý khuyên rằng khi đối mặt với tình huống này, cần thiết lập ranh giới rõ ràng, hạn chế hoặc cắt đứt liên lạc, song tìm kiếm sự hỗ trợ từ những người xung quanh hoặc chuyên gia để vượt qua giai đoạn khó khăn.

Silent treatment – Im lặng lên tiếng

Trong thế giới của những người ái kỷ, “silent treatment” (sự im lặng trừng phạt) không chỉ là một hành động đơn thuần, mà đó như một công cụ thao túng tâm lý tinh vi. Họ sử dụng sự im lặng như một cách để trừng phạt, kiểm soát và chi phối người khác, biến đối phương thành con rối trong một vở kịch không hồi kết.

Điều đó được thể hiện rõ qua hành vi một người cố tình ngừng giao tiếp, không trả lời hoặc không tương tác với người khác để thể hiện sự giận dữ, thất vọng hoặc nhằm trừng phạt đối phương. Hành vi này có thể xảy ra trong các mối quan hệ cá nhân, gia đình hoặc bạn bè và thường được sử dụng như một chiến thuật thao túng tâm lý độc hại, khiến vấn đề trong mối quan hệ không được giải quyết, gây tổn thương và bức bối cho đối phương. ​

Giáo sư tâm lý học Joel Cooper nhận định rằng việc đột ngột từ chối giao tiếp với người thân yêu là tước đi một trong những nhu cầu cơ bản nhất của con người – quyền được bày tỏ và thể hiện quan điểm cá nhân. Tiến sĩ tâm lý Amelia Kelley cũng nhấn mạnh rằng “chiến tranh lạnh” có thể là một hình thức lạm dụng cảm xúc, gây tổn thương sâu sắc và phá hủy mối quan hệ. Việc nhận thức và hiểu rõ tác hại của hành vi này giúp chúng ta xây dựng các mối quan hệ lành mạnh, dựa trên sự tôn trọng và giao tiếp cởi mở. 

Có thể thấy, ái kỷ trong tình yêu như “cuộc tìm kiếm tình yêu không mệt mỏi”, một vòng luẩn quẩn của sự khao khát và thất vọng. Khi yêu một người ái kỷ, bạn có thể bị cuốn vào vòng xoáy đó mà không nhận ra, luôn cố gắng đáp ứng những kỳ vọng thay đổi liên tục của họ. Để bảo vệ bản thân, đừng biến mình thành “nguyên liệu” cho những trò chơi tâm lý của họ. 

Bài: Khánh Duyên
Ảnh: Tổng hợp

library