Dù mới lên sóng tháng 3, mini-series “Adolescence” đã nhanh chóng chiếm lĩnh vị trí đầu bảng xếp hạng phim truyền hình của Netflix suốt 7 ngày liên tiếp (14/3 – 21/3), đồng thời dẫn đầu tại 80 quốc gia như Anh, Mỹ, Đức, Pháp, Úc, Brazil, Chile, Argentina… Theo thống kê của trang Rotten Tomatoes, bộ phim ghi nhận 100% phản hồi tích cực từ giới phê bình với hơn 40 bài đánh giá, khẳng định sức hút và chất lượng nội dung. Số lượng người xem của phim gấp bốn lần tác phẩm “Running Point” do Kate Hudson đóng chính, với 6 triệu lượt khán giả. Trong khi đó, điểm IMDb của phim đạt mức 8.4/10 với hơn 13.000 lượt đánh giá từ công chúng.
Mini-series bốn tập này do bộ đôi Stephen Graham và Jack Thorne sáng tạo kiêm biên kịch, và Philip Barantini đạo diễn. Chuyện phim xoay quanh Miller Jamie (Owen Cooper) bị cáo buộc sát hại bạn cùng lớp. Cuộc sống của các thành viên gia đình cậu, nhất là người cha Eddie Miller (Stephen Graham), bị đảo lộn trong suốt quá điều tra.
Điểm mấu chốt của “Adolescence” không nằm ở việc truy tìm dấu vết tội phạm, bởi từ lúc đầu phim đã khẳng định hung thủ chính là cậu bé Jamie – 13 tuổi, thậm chí các điều tra viên còn đưa ra những bằng chứng đầy thuyết phục. Điều bộ phim thực sự muốn khán giả khám phá là động cơ ẩn sau tội ác này. Điều gì đã đẩy một đứa trẻ đến bờ vực của tội ác? Đó chỉ là hành động bộc phát, hay còn điều gì ẩn giấu bên trong? Qua các phiên thẩm vấn căng thẳng, những buổi trị liệu tâm lý, lời khai từ người thân và những mảnh ký ức chắp vá của cậu bé, từng bước hé lộ những tổn thương và khoảng trống trong quá trình trưởng thành của cậu bé.
Cùng với đó, “Adolescence” cũng đặt ra câu hỏi nhức nhối dành cho các bậc phụ huynh: Liệu họ đã thực sự hiểu con mình? Và họ đã đủ quan tâm để bảo vệ những đứa trẻ khỏi cả thế giới bên ngoài và những bóng tối trong tâm hồn chúng? Chính những câu hỏi không có lời hồi đáp này đã giúp bộ phim trở nên thực tế và chạm đến trái tim người xem.
Không mang đến những cú twist “xoắn não”, “Adolescence” khiến người xem không thể rời mắt trước mỗi tập phim. Một trong những điểm làm cho tác phẩm trở nên khác biệt là mỗi tập phim đều được quay one-take (hoặc one-shot). Trong điện ảnh, one-take là một kỹ thuật đòi hỏi sự chuẩn bị kỹ lưỡng và khả năng phối hợp nhịp nhàng giữa các bộ phận. Có hai hình thức one-take chính: one-take hoàn toàn, tức là quay liền mạch toàn bộ thời lượng phim; và one-take giả, nghĩa là ghép nối các phân đoạn một cách khéo léo để tạo cảm giác liền mạch.
Bốn tập phim của “Adolescence” là bốn cú one-take dài khoảng 50-60 phút, mang đến cảm giác chân thực và gai góc đến nghẹt thở. Ban đầu, nhiều người hoài nghi về tính chân thực của những cảnh quay dài đến 50 – 60 phút, cho rằng có sự cắt ghép tinh vi. Nhưng thực tế đã chứng minh, dự án đã thực hiện những cú máy one-take hoàn toàn, không hề cắt cảnh, xuyên suốt cả 4 tập phim. Để đạt được điều này, đạo diễn Philip Barantini và quay phim Matthew Lewis đã lên kế hoạch chi tiết và tiến hành nhiều buổi diễn tập để đồng bộ hóa chuyển động của máy quay với diễn xuất của diễn viên. Họ sử dụng máy quay DJI Ronin 4D, cho phép chuyển đổi mượt mà giữa các góc quay khác nhau, tạo nên trải nghiệm liền mạch cho người xem.
Robert Lloyd – nhà phê bình truyền hình của Los Angeles Times, nhận xét rằng việc sử dụng one-shot giúp bộ phim truyền tải một câu chuyện mạnh mẽ một cách hiệu quả. Ông cho rằng kỹ thuật này tạo ra sự chân thực và gần gũi, giúp khán giả kết nối sâu sắc hơn với nhân vật và tình huống trong phim. Còn tác giả Stuart Heritage, trong bài viết cho The Guardian, đề cập đến sự phức tạp và công phu trong việc thực hiện các cảnh quay one-shot của “Adolescence”. Ông cũng chia sẻ về những chi tiết hậu trường thú vị, như việc sử dụng drone để tạo ra những cảnh quay ấn tượng và cách đội ngũ sản xuất phối hợp để đạt được kết quả mong muốn.
“Manosphere” được định nghĩa là một cộng đồng trực tuyến do nam giới thống trị, tích cực thúc đẩy quan điểm sai lầm về phụ nữ và nêu các luận điệu chống nữ quyền. Những cộng đồng này bao gồm nhiều nhóm khác nhau như: “Men’s Rights Activists” (Những nhà hoạt động vì quyền nam giới), “Men Going Their Own Way” (Những người đàn ông chọn lối đi riêng), “Pick-Up Artists” (Những nghệ sĩ tán tỉnh) và “Incels” (Những người độc thân không tự nguyện).
Cụm từ “Manosphere” sử dụng lần đầu tiên vào năm 2009, sau đó phổ biến rộng rãi bởi IronWood trong một cuốn sách tập hợp những bài blog và forum trên mạng mang tên “The Manosphere: Một hy vọng mới cho tính nam”. Vào những năm 2010, khi Internet còn là một lãnh địa chưa được khai phá, thế giới đã nhận ra tiềm năng to lớn của các tổ chức phi chính phủ hoạt động trên mạng. Bên cạnh sự xuất hiện của những tổ chức đấu tranh cho bình đẳng xã hội như WikiLeaks và Anonymous, các cộng đồng thuộc manosphere cũng bắt đầu hình thành trên các nền tảng như 4chan và Reddit.
Trong “Adolescence”, cậu bé Jamie cũng là con mồi cho văn hóa “manosphere” này. Cậu bị cuốn vào các cộng đồng trực tuyến mang tính chất nam tính độc hại, nơi thường xuyên truyền bá tư tưởng thù ghét phụ nữ và bạo lực. Chính những diễn đàn này ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý và hành vi của Jamie, dẫn đến hành động cực đoan. Sự căm hận và bạo lực tích tụ trong Jamie không chỉ dừng lại ở lời nói. Cậu bé vốn đã bị cô lập và tổn thương. bởi những lời chế giễu lẫn miệt thị từ đám trẻ lớn tuổi hơn (trong đó có cả Katie, nạn nhân của cậu), dần đánh mất khả năng phân biệt đúng sai. Bị gọi là “incel”, bị chế nhạo vì không đạt được những tiêu chuẩn nam tính “chuẩn mực” như sự nổi tiếng hay sự yêu thích từ các bạn nữ, Jamie chìm sâu vào thế giới ảo của những diễn đàn “red pill” (cộng đồng nam giới phản đối nữ quyền), nơi những kẻ “alpha male” thao túng tâm lý và truyền bá tư tưởng hạ thấp phụ nữ.
Jamie tin rằng 80% phụ nữ chỉ bị hấp dẫn và chiếm đoạt bởi 20% đàn ông đứng đầu. Cậu tham gia vào việc phát tán ảnh khỏa thân của bạn nữ, bình luận miệt thị về cơ thể họ, trong khi bản thân vẫn còn là một thiếu niên đang dậy thì. Nguy hiểm hơn, Jamie tin rằng việc một cô gái bị lộ ảnh khỏa thân, bị chê bai hình thể sẽ khiến cô ta “mất giá”, trở nên yếu đuối và dễ bị thao túng. Cậu ta lên kế hoạch tiếp cận, tán tỉnh và hẹn hò với Katie, tin rằng cô bé sẽ chấp nhận vì sự “yếu đuối” của mình. Thế nhưng, khi Katie từ chối và cười nhạo lại, Jamie vỡ mộng. Cơn giận dữ bùng nổ, cậu ta tấn công Katie bằng dao.
Trong quá trình điều tra, Jamie che giấu sự thật về những ảnh hưởng từ các diễn đàn trực tuyến. Cậu ta tỏ ra lạnh lùng và không hợp tác với các nam cảnh sát lẫn chuyên gia tâm lý. Chỉ khi một nữ chuyên gia tâm lý xuất hiện và khéo léo khai thác, Jamie mới dần lộ diện con người thật. Trong nỗ lực gây ấn tượng và thao túng tâm lý nữ chuyên gia, cậu ta bộc lộ những tư tưởng lệch lạc và cơn “male rage” bạo lực, cho thấy mức độ nguy hiểm của cậu ta đã đạt đến cực hạn.
Bằng cách khắc họa chân thực quá trình Jamie bị cực đoan hóa, “Adolescence” đặt ra câu hỏi về trách nhiệm của xã hội trong việc bảo vệ thanh thiếu niên khỏi những ảnh hưởng tiêu cực trên mạng. Bộ phim kêu gọi sự chú ý đến việc giáo dục giới tính, tầm quan trọng của việc xây dựng mối quan hệ gia đình lành mạnh và sự cần thiết của việc giám sát nội dung trực tuyến mà thanh thiếu niên tiếp cận. Theo phân tích của The Guardian, bộ phim cho thấy sự gia tăng của bạo lực nam giới, nam tính độc hại và sự thù ghét phụ nữ trực tuyến không chỉ là hư cấu mà còn là thực tế không thể tránh khỏi.
Song song với câu chuyện của Jamie, “Adolescence” cũng tập trung vào mối quan hệ giữa cậu và cha mình là Eddie. Ở Eddie hiện lên hình mẫu người đàn ông truyền thống – lao động chân tay, trụ cột gia đình. Tuy nhiên, ông thường xuyên thể hiện sự tức giận và thất vọng, đặc biệt trong mối quan hệ với vợ và con gái. Điều này tạo ra một môi trường gia đình căng thẳng khiến Jamie không cảm thấy an toàn để chia sẻ cảm xúc hoặc tìm kiếm sự hướng dẫn từ cha mình.
Không chỉ vậy, Eddie cố gắng “uốn nắn” con trai mình trở nên mạnh mẽ hơn bằng cách đưa cậu tham gia vào đội bóng. Nhưng Jamie không có năng khiếu và thất bại trên sân cỏ, cậu trở thành mục tiêu chế giễu cho bạn bè và thậm chí là cả những bậc phụ huynh khác. Trong khoảnh khắc tủi hổ và cô đơn ấy, Jamie quay sang tìm kiếm sự an ủi từ cha mình, nhưng cậu chỉ nhận về cái ngoảnh mặt. Sự thiếu vắng này đã để lại một khoảng trống lớn trong tâm hồn Jamie.
Hành vi của Eddie bao gồm việc thể hiện nam tính theo cách tiêu cực và thiếu kiểm soát cảm xúc, đã tạo ra một hình mẫu không lành mạnh cho Jamie. Cậu quan sát và học theo cách cha mình đối phó với căng thẳng và xung đột, dẫn đến việc cậu cũng thể hiện sự tức giận và bạo lực trong các tình huống tương tự. Đặc biệt, trong giai đoạn dậy thì đầy biến động, lúc cậu đang cố gắng định hình bản thân, Jamie đã mất đi sự kết nối với cha mẹ mình. Vì họ chìm đắm trong guồng quay mưu sinh đã không nhận ra sự thay đổi trong con trai. Họ nghĩ rằng việc Jamie khép mình trong bốn bức tường cả ngày là dấu hiệu của sự ngoan ngoãn. Nhưng đối với một đứa trẻ đang lạc lối và cô đơn, việc tiếp xúc với những luồng tư tưởng độc hại trên mạng chỉ làm cho tình hình trở nên tồi tệ hơn. Sự thiếu vắng một hình mẫu đúng mực, cô đơn và lạc lõng, cùng với những tác động tiêu cực từ thế giới ảo, đã tạo ra không gian độc hại, đẩy Jamie đến con đường tội lỗi.
Quả thật, tâm lý con người vốn phức tạp và luôn giằng co giữa thiện và ác, điềm tĩnh và phẫn nộ. Hiểu được cơ chế này là chìa khóa để tránh những hậu quả đáng tiếc. Về bản chất, hành vi bộc phát của Eddie và Jamie đều xuất phát từ cùng một cơ chế, chỉ khác nhau ở khả năng kiểm soát cơn giận. Với một người đàn ông từng trải như Eddie, việc kiềm chế cảm xúc có thể dễ dàng hơn, nhưng với một cậu bé đang tuổi dậy thì như Jamie, đó là một thử thách quá lớn. Tờ The Times nhấn mạnh rằng khủng hoảng thực sự không nằm ở các cậu bé tuổi teen, thay vào đó là người cha của họ, những người không cung cấp được sự hướng dẫn và hỗ trợ cần thiết.
Khoảnh khắc cuối tập 4, người đàn ông mạnh mẽ từng bước cùng Jamie vào phòng đối chất với điều tra viên, giờ đây đã không thể kìm nén được cảm xúc khi bước vào phòng con trai mình. Eddie bật khóc nức nở, ôm lấy con gấu bông nhỏ, đắp chăn cho nó một cách cẩn thận như thể Jamie vẫn đang nằm đó. Sau đó, ông để lại câu nói đầy day dứt: “Bố xin lỗi, con trai. Lẽ ra bố nên cố gắng hơn”.
Câu nói này không đơn thuần lời tự trách của một người cha, mà còn là hồi chuông cảnh tỉnh cho tất cả các bậc phụ huynh. Nó cho thấy sự hối hận muộn màng của Eddie, vì ông nhận ra rằng mình đã không đủ quan tâm và thấu hiểu con trai mình. Ông đã quá tập trung vào việc xây dựng hình ảnh một người đàn ông mạnh mẽ, mà quên mất rằng Jamie cũng cần sự yêu thương, chia sẻ và định hướng. Khoảnh khắc đó cũng cho thấy sự bất lực của Eddie, bởi ông nhận ra rằng mình không thể quay ngược thời gian để sửa chữa những sai lầm đã gây ra. Ông chỉ có thể ôm lấy những kỷ niệm còn sót lại và tự trách mình vì đã không làm tốt hơn.
Ngoài ra, câu nói “Lẽ ra bố nên cố gắng hơn” cũng là một lời nhắc nhở đầy ám ảnh về tầm quan trọng của việc xây dựng mối quan hệ tốt đẹp với con cái. Nó cho thấy rằng, dù cuộc sống có khó khăn và bận rộn đến đâu, cha mẹ cũng cần dành thời gian và sự quan tâm cho con mình. Bởi vì, khi mọi chuyện đã quá muộn, những lời hối hận sẽ không thể bù đắp được những tổn thương đã gây ra.
MEN’S FOLIO, tạp chí quốc tế về thời trang và phong cách sống dành cho Quý Ông sành điệu, có bề dày hơn 25 năm kể từ ngày thành lập đầu tiên vào năm 1997 tại Singapore. Men’s Folio mang sứ mệnh quảng bá tài năng châu Á, cũng như xu hướng thời trang nổi bật nhất qua các mùa. Hiện ấn phẩm đã có mặt tại đa quốc gia, hoạt động mạnh mẽ ở các nước Đông Nam Á, và chính thức có mặt tại Việt Nam vào tháng 11/2020. Ấn phẩm Men’s Folio Vietnam hội tụ những bài viết tinh hoa, hình ảnh bắt mắt, giới thiệu những nhân vật danh tiếng của ngành công nghiệp thời trang và giải trí Việt Nam. Cùng cái nhìn tổng quan về xu hướng, thời trang và phong cách sống nổi bật nhất dành cho phái mạnh theo từng mùa/năm.
Copyright © 2024 Luxuo Media Vietnam. All Rights Reserved. Website Developed by Tony Toàn