Hoàng Dũng: “Trong quỹ đạo tròn xoay hướng tâm, tôi ngày càng đến gần tôi”

  • by Thương Phạm
  • July 22, 2025

Có những quỹ đạo xoay tròn nhưng không phải vòng lặp vô nghĩa mà đi lên – chậm rãi, bền bỉ và chất chứa cả một hành trình trưởng thành. “Xoay Tròn”, album mới nhất của Hoàng Dũng, chính là một minh chứng cho điều đó. Một chuyển động nội tâm có gạn lọc của người nghệ sĩ đã đi qua một thập kỷ làm nghề, đủ lâu để chiêm nghiệm, đủ “tỉnh” để kể lại bằng âm nhạc.

Dự án “Xoay Tròn” kỉ niệm 10 năm lần này để lại cho tôi ấn tượng đầu tiên là về mặt thị giác. Vì vậy, tôi muốn biết ý nghĩa của concept lần này, những chấm tròn màu sắc và cả cái tên “Xoay Tròn”? 

“Xoay Tròn” là một dự án mà tôi đã ấp ủ trong khoảng hai năm rưỡi, với nhiều công đoạn gối đầu nhau để tiết kiệm thời gian. Tôi nhìn “Xoay Tròn” như một chuyến du ngoạn nhiều màu sắc mà người làm sáng tạo – tôi hoặc bất kỳ ai – là nhân vật chính. Trong chuyến du ngoạn đó, tôi nhận ra rằng quỹ đạo của mình không phải là đường thẳng tịnh tiến, mà là xoay những cung tròn liên tục theo thời gian.

“Xoay Tròn” là một chuyển động có gia tốc hướng tâm, đây là phép ẩn dụ cho quá trình phát triển của một người không rời xa khỏi bản chất của mình. 

Phần nhận diện hình ảnh của album là 15 dải màu gradient tượng trưng cho 15 track nhạc, hay là 15 trải nghiệm mà tôi gặp phải trong suốt quá trình trưởng thành. Có những gam màu rực rỡ, ấm áp của tình yêu, có những vệt u ám của nỗi buồn và sự sợ hãi, cùng những mảng màu trung tính của sự mơ hồ hay chấp nhận thực tại. Qua những lần lên ý tưởng, tôi và ekip của mình nhất trí rằng chúng ta đều là những “tờ giấy trắng” khi mới sinh ra, và nhờ những trải nghiệm “tô màu” lên mình khiến cho mỗi người trở thành một bức tranh độc bản và tỏa sáng theo cách riêng.

Có một điều thú vị là cái tên “Xoay Tròn” không phải do tôi đặt. Tôi tự nhận thấy rằng mình không có khả năng gói gọn ngôn từ thành một cái tên, tôi chỉ viết và sắp xếp những ý niệm của mình thành câu từ và giai điệu một cách ngẫu nhiên. Tuy nhiên, nhờ có sự thấu hiểu và đồng hành của ekip, cái tên “Xoay Tròn” mới ra đời. Tôi nghĩ kết quả của sự phối hợp tập thể giúp dự án thành hình chính là điều thú vị nhất. Nhân đây, tôi xin được cảm ơn Giám đốc sáng tạo Duy Đào và những cộng sự thuộc Studio DUY vì ý tưởng độc đáo này.

Xoay tròn tức là xoay quanh tâm, với tôi, điều này vừa đại diện cho sự tập trung, giữ mình trong trục chuyển động không phân tâm; vừa thể hiện chu kỳ lặp lại nhàm chán, quay về điểm bắt đầu, thậm chí mắc kẹt không có lối thoát. Anh suy nghĩ thế nào?

Thực ra, quỹ đạo tôi muốn nói đến trong “Xoay Tròn” không phải là một vòng tròn khép kín, mà là hình xoắn ốc chuyển động hướng lên trên. Điều này nhấn mạnh rằng: Chúng ta có thể lặp đi lặp lại rất nhiều công việc giống nhau trong nhiều ngày, nhưng bản thân ta, mỗi ngày thức dậy, đã là một phiên bản mới.

Vị trí bắt đầu của ta lúc này không phải là cùng một điểm, mà có thể ở một tầng cao hơn khi ta hướng về phía trước, hoặc thấp hơn nếu gặp sự tiêu cực. Hướng lên hay hướng xuống, đó hoàn toàn là quỹ đạo riêng tuỳ thuộc vào góc nhìn của từng người. Nếu dành thời gian trải nghiệm trọn vẹn album “Xoay Tròn” từ đầu đến cuối, tôi tin mọi người sẽ cảm nhận được hành trình ấy được cài cắm tinh tế qua phần audio.

Không phải câu hát nào cũng cần trau chuốt để trở nên đắt giá, đôi khi, một dòng vụt qua trong vô thức lại khiến chính người viết tâm đắc mãi về sau. Trong “Xoay Tròn”, có ca khúc nào khiến anh phải bất ngờ về ngôn từ của mình không? Và khi sáng tác, điều gì thường là điểm bắt đầu – một giai điệu, một hình ảnh hay một cảm xúc thoáng qua?

Tôi là người cẩn trọng trong việc sử dụng ngôn từ, nên cảm hứng bất chợt không xảy ra quá thường xuyên. Nhưng cũng chính vì thế, những khoảnh khắc hiếm hoi ấy lại trở nên đặc biệt với tôi. Chẳng hạn như câu hát trong track “Không Quan Trọng” là một trong những lần hiếm hoi tôi không suy nghĩ quá nhiều, chỉ đơn giản là để cảm xúc và hình ảnh dẫn lối:

“Quá nhiều thuốc lá cho ngày hôm nay

Là một buổi sáng hiếm hoi thức dậy 

Là một ly nước không đầy

Trong tiếng loa phát thanh là một ngôn ngữ không giống anh hay nghe 

Một đôi ngoại quốc lang thang vừa ghé”

Còn trong quá trình sáng tác, tôi không theo một công thức cố định. Tôi có một kho các ý tưởng phục vụ cho việc sáng tạo, bao gồm các câu hát, đoạn thơ, melody, vòng hòa thanh, thậm chí là hình ảnh mà tôi vẽ ra hoặc lượm nhặt ở trên mạng. Mỗi một trải nghiệm đều có cách tiếp cận khác nhau bằng những rung cảm khác nhau. Chẳng hạn như track “Tách” được viết ra khi tôi đang viết mô tả cho một tấm ảnh đăng lên mạng. “Trời mưa tí tách, trà trong đáy tách, đều chưa muốn tách em” – câu hát bắt nguồn từ một điểm bắt đầu thú vị như vậy thôi!

Từ “Yên” đến “Xoay Tròn”, anh gọi đó là một bước nhảy vọt về cái tôi âm nhạc hay là một chặng đường nhịp nhàng, gom góp đủ sự “yên” để đến lúc cần thì “xoay”?

Tôi vẫn luôn là tôi thôi! Tôi không nghĩ mình đã trải nghiệm một điều gì đó thần kỳ hay khác thường để bỗng chốc tạo ra bước nhảy vọt. Tất cả những gì tôi mang vào album hay concert lần này là kinh nghiệm sống, trải nghiệm làm nghề, những thứ mới khám phá,… trong nhiều năm mà đôi khi, tôi chưa có đủ cơ hội để nói cho khán giả biết về chúng. Tuy nhiên, concert là một dịp thích hợp để làm điều đó.

“25”, “Yên” và bây giờ là “Xoay Tròn”, đây là lần thứ ba tôi tổ chức concert, nhưng lần nào cũng mang cảm giác như lần đầu. Vậy nên, cảm giác lo lắng và hồi hộp là điều khó tránh. Nhưng tôi nghĩ đó lại là điều hay vì nó giúp mình giữ được sự hồn nhiên, để thật sự tận hưởng tất cả những gì mình đang làm.

Concert lần này có gì đặc biệt hơn, mới mẻ hơn so với hai lần trước? Khán giả có thể mong đợi điều gì ở Hoàng Dũng qua dự án âm nhạc kỷ niệm 10 năm này?

Tôi rất hãnh diện khi được nói rằng mình và ekip sẽ cố gắng hết sức để mang đến cho khán giả trải nghiệm tuyệt vời nhất. Thật may mắn khi lần này tôi có cơ hội được cộng tác với những chuyên gia hàng đầu trong ngành tổ chức sự kiện, cũng như đem về rất nhiều những công nghệ hiện đại về âm thanh và ánh sáng để concert mãn nhãn, mãn nhĩ nhất có thể. Thị trường đang thay đổi và cập nhật rất nhanh, và tôi cũng muốn khán giả của mình được hưởng những quyền lợi đó.

Concert lần này của tôi còn có sự góp mặt của các nghệ sĩ khách mời – Đen, Vũ, Nân. Họ đều là những người tôi ngưỡng mộ và yêu mến. Dù chưa từng hợp tác nhưng tôi cảm thấy có nhiều sự tương đồng giữa tôi và họ trong quá trình phát triển và ngôn ngữ nghệ thuật. Tôi nghĩ sẽ có nhiều điều thú vị diễn ra tại concert sắp tới. 

Người ta thường có một vài thói quen nhỏ để giữ mình không trôi quá xa khỏi “quỹ đạo”, có người nằm im, có người đi đâu đó thật xa, có người vùi mình trong âm nhạc,… Với anh, khi thấy bản thân bắt đầu chênh vênh, anh thường làm gì để điều khiển “trục tâm” của mình?

Tôi là người rất tin vào trực giác của bản thân. Mỗi lần lo sợ về việc chệch hướng, tôi thử thách trực giác của mình bằng cách tưởng tượng nếu như tôi làm ngược lại thì mọi việc sẽ như thế nào. Tôi nghĩ đối mặt với vấn đề của bản thân là cách tốt nhất để hiểu chính mình. Đến bây giờ tôi vẫn tin vào cách làm này. Thỉnh thoảng, có những ngày không vướng bận điều gì cả, tôi sẽ chỉ nằm, yên lặng và ngẫm nghĩ thôi. Đó như là cách để tôi phục hồi năng lượng cho mình, mà lâu lắm rồi tôi không có cảm giác được tĩnh lặng.

Hành trình 5-10 năm tiếp theo, anh muốn định vị bản thân mình ở đâu và như thế nào trong dòng chảy âm nhạc?

Hiện tại, tôi cảm thấy bản thân mình đã trưởng thành hơn rất nhiều, và có lẽ phù hợp với lứa tuổi của tôi. Điều đáng trân trọng nhất mà tôi học được là chấp nhận bản thân mình và trân trọng những trải nghiệm đến với mình, dù trải nghiệm đó tốt hay không. Chặng đường tiếp theo, tôi vẫn sẽ là một Hoàng Dũng chuyên kể những câu chuyện về cuộc sống và sự đồng điệu qua những sản phẩm âm nhạc độc lập. Tôi sẽ tiếp tục sống với âm nhạc, dùng chính âm nhạc của mình để nuôi sống bản thân và những người xung quanh.

Cảm ơn những chia sẻ của anh.

library