“Hồng tỷ Nam Kinh” và những khoảng trống không tên trong tâm hồn đàn ông

  • by Huyền My Trương
  • July 10, 2025

Giữa một xã hội đặt nặng vai trò giới và những kỳ vọng mặc định về “nam tính”, vụ việc “Hồng tỷ” – một người đàn ông giả gái đã quay lén và phát tán nhiều video tình dục với hàng loạt nam giới – không chỉ khiến công chúng sốc vì sự sai phạm đạo đức và pháp lý, mà còn mở ra một cánh cửa để nhìn sâu hơn vào những tầng lớp tâm lý khó gọi tên.

Vụ việc “Hồng Tỷ” tại Nam Kinh, Trung Quốc, liên quan đến một người đàn ông cải trang phụ nữ để quay lén và phát tán trái phép hàng loạt video quan hệ tình dục với các nam giới khác. Nạn nhân phần lớn nhận ra giới tính thật nhưng vẫn tiếp tục quan hệ. Vụ việc gây rúng động vì tính chất xâm phạm quyền riêng tư, đạo đức, và gây ra tranh cãi lớn về tâm lý, giới tính và truyền thông mạng xã hội.

Nhiều câu hỏi lớn về những góc khuất tâm lý được đặt ra vào lúc này, mà một trong số đó là phải chăng đàn ông vốn không chỉ yêu bằng mắt như ta vẫn hay nói. Bởi lẽ theo một số video cho thấy, nạn nhân dù đã nhận ra đối tượng có dáng người, giọng nói, lồng ngực… không phù hợp giới tính nữ, nhưng vẫn tiếp tục quan hệ. Điều này cho thấy họ không hoàn toàn bị lừa, mà đã chấp nhận có chủ đích trước khi đến gặp. Thực hư giới tính của “Hồng tỷ” dù đã rõ mười mươi, nhưng sự cộng hưởng và sẻ chia cảm xúc là có, thế nên nảy sinh vấn đề tình dục lại càng khiến nhiều người cảm thấy sốc hơn cả.

Khi đàn ông cô đơn nhưng vẫn phải tỏ ra mình ổn

Câu hỏi đau đáu sau vụ việc là: Tại sao nhiều người vẫn “hợp tác” dù biết rõ đối phương không phải phụ nữ?

Câu trả lời có thể nằm ở sự thiếu hụt kết nối cảm xúc nghiêm trọng trong một bộ phận đàn ông. Trong xã hội Á Đông nơi sự mạnh mẽ, quyết đoán, kiểm soát bản thân vẫn là tiêu chuẩn mặc định của “một người đàn ông đúng nghĩa” – những cảm xúc như cô đơn, tổn thương, thiếu thốn sự lắng nghe lại trở thành điều đáng xấu hổ.

Khi không thể chia sẻ, họ tìm đến các ứng dụng hẹn hò hay những mối quan hệ phi chính thống, nơi họ có thể buông bỏ mặt nạ, thậm chí “nhắm mắt cho qua” giới tính thật của người kia, miễn sao có một chút cảm giác được kết nối.

Họ không “yêu bằng mắt”, mà bằng khát khao được đồng cảm

Trái với định kiến phổ biến rằng đàn ông yêu bằng mắt, hành vi của những người đàn ông trong vụ việc lại cho thấy một thực tế phức tạp hơn: Họ bị thu hút bởi cảm giác được thấu hiểu, sự chăm sóc dịu dàng và đồng điệu về cảm xúc, kể cả khi những yếu tố “nữ tính” ấy chỉ mang tính biểu hiện, không phải bản chất.

Giọng nói ngọt ngào, ánh nhìn trìu mến, sự chú tâm và cách diễn đạt cảm xúc đóng vai trò như một “màng lọc” khiến giới tính sinh học trở nên mờ nhạt. Họ không hoàn toàn bị lừa, họ cho phép bản thân được buông lỏng, được hoà mình trong chốc lát, để cảm nhận điều mà bên ngoài cánh cửa kia, họ không thể có được dù có khao khát đến mấy.

Sự mù mờ giới tính hay là một dạng mơ hồ bản dạng

Vụ việc cũng gợi lại một câu hỏi khó: Đâu là ranh giới giữa sự biểu đạt giới và bản dạng giới thật sự? Có thể, nhiều người đàn ông trong những clip đó không đơn thuần là “nạn nhân”. Trước tiên hết, họ bước vào mối quan hệ này tin chắc đều có đầy đủ tri giác, nhận thức được mình đang làm gì và với ai. Họ không phải là những người bên lề xã hội, càng không phải là những người có ngoại hình dưới mức trung bình.

Trong quá trình “thiết lập mối quan hệ”, “Hồng tỷ” thường yêu cầu họ mang theo một món đồ cụ thể khi gặp mặt, như một hình thức “điều kiện hóa” hoặc kiểm tra độ nghiêm túc. Tất nhiên, “nghi thức” này tạo cảm giác thân mật, riêng tư nhằm giúp người tham gia cảm thấy mình đang trong một mối quan hệ đặc biệt, từ đó dễ dàng chia sẻ, mất cảnh giác hoặc bước vào vùng cảm xúc khó kiểm soát. Giữa hai bên mà nói đã hình thành một sự tương tác có sự chấp thuận ngầm. Nên về phía những người đàn ông, có lẽ họ cũng đang thử nghiệm giới hạn bản thân, khám phá sự linh hoạt của bản dạng giới mà chính họ chưa từng gọi tên.

Và trong một xã hội vốn dè dặt với các khuynh hướng giới ngoài chuẩn dị tính, những mối quan hệ như thế này, dù chỉ một lần, cũng có thể đóng vai trò như cánh cửa tạm bợ dẫn đến một sự khám phá sâu hơn: Tôi là ai, tôi cảm nhận thế nào về thân thể, sự thân mật, và đâu là ranh giới giữa khao khát và sự định danh?

Tình dục hay sự hiện diện?

Trong thời đại nơi công nghệ kết nối nhưng cũng tách rời con người khỏi đời sống thực, tình dục dần trở thành hình thức cuối cùng để xác nhận rằng mình còn tồn tại, còn đáng khao khát, còn có ai đó nhớ đến.

Việc những người đàn ông “nhắm mắt cho qua” có thể không đến từ sự cả tin, mà từ một nỗi khát thèm hiện diện, được chạm vào, được nhìn thấy, được ai đó – dù là ảo ảnh – phản hồi lại nỗi cô độc của chính họ.

“Cái bóng” trong tâm lý học là phần mà ta không muốn đối diện: những yếu điểm, mong manh, hoặc xu hướng vượt khỏi chuẩn mực xã hội. Vụ “Hồng tỷ” là một cú soi rọi vào cái bóng ấy, không chỉ của từng cá nhân mà còn của cả cộng đồng, nơi sự im lặng trở thành chuẩn mực, nơi đàn ông không được yếu đuối, và nơi người ta giễu cợt nạn nhân nhiều hơn là đặt câu hỏi về tổn thương sâu xa.

Vụ việc rồi sẽ khép lại, đúng sai giờ đã không còn nằm ở ranh giới đạo đức, mà là trên phạm vi rộng lớn và sâu sắc hơn. Và nếu ta muốn một xã hội nơi các mối quan hệ trở nên lành mạnh hơn – dù là cảm xúc hay tình dục – ta phải dám nhìn sâu vào những vùng xám, nơi mà nỗi cô đơn, bản dạng giới, khao khát kết nối và giới hạn đạo đức luôn va chạm vào nhau và đan lấy nhau một cách âm thầm. Vấn đề vì vậy đã trở nên phức tạp hơn, nên cần được xem xét ở bình diện cao hơn, nơi mà không chỉ lý trí mà sự trắc ẩn, lòng nhân ái và sự bao dung là những điều kiện cần hơn hết.

Ảnh: Tổng hợp

library