Quality of Life – Tâm Bùi: Cuộc đời có mặt để thay đổi ta

  • by Huyền My Trương
  • May 16, 2025

Tôi nghĩ trong từng giai đoạn khác nhau trong đời, mỗi người sẽ bắt đầu tự hỏi “thế giới này vận hành theo quy luật nào”. Quá trình tìm kiếm câu trả lời dẫn dắt ta qua nhiều sự bừng ngộ. Có lẽ một cuộc sống cân bằng, trọn vẹn, ít muộn phiền phần nào bắt đầu từ đây.

Trong quyển sách “Cá Hồi” của mình, anh chia sẻ hy vọng có thể giúp độc giả trả lời được những câu hỏi lớn trong đời. Tôi muốn hỏi riêng Tâm Bùi, có những câu hỏi lớn nào mà anh đã tìm thấy lời đáp, tôi có thể biết thêm không?

Từ rất lâu rồi tôi cứ băn khoăn về mục đích mà mình xuất hiện trong cuộc đời này. Câu hỏi này xuất hiện từ lúc tôi còn rất nhỏ. Càng lớn lên, trải qua nhiều biến cố trong cuộc sống, tôi bắt đầu có thêm một câu hỏi mới là “thế giới này vận hành theo quy luật gì?”. Vậy là tôi bắt đầu tìm tòi, học hỏi từ sách vở lẫn từ những người thầy xung quanh.

Tôi tạm trả lời được cho mình câu hỏi đầu tiên, rằng mục đích của đời sống này là để tôi trải nghiệm, sai và sửa sai để càng ngày càng hoàn thiện mình hơn. Từ đó tôi có cái nhìn nhẹ nhàng hơn trước những khổ đau hay thất bại mà mình gặp phải và bình tĩnh nhìn ra bài học sau mỗi lần vấp ngã.

Còn câu hỏi thứ hai thì lớn hơn, nếu trả lời được câu hỏi này thì chắc chắn chúng ta sẽ giảm thiểu được rất nhiều khổ đau trong đời sống. Người ta khổ vì sống không đúng quy luật và họ cũng không nhận ra điều đó. Mà học những quy luật này ở đâu thì trường học không dạy, chúng ta phải tìm tòi trong kinh điển của cổ nhân hay những vị thầy tâm linh của mình. Và tôi vẫn đang đi trên hành trình này.

Bao nhiêu sự bừng tỉnh của anh có lẽ đã được gói ghém vào quyển sách “Cá Hồi”, nhưng nếu nêu lên vài lần cụ thể giúp định hình nên Tâm Bùi của hôm nay, đó là những sự kiện nào?

Cột mốc lớn nhất có lẽ là lúc người thương của tôi đi xuất gia mà tôi có viết trong quyển sách “Cá Hồi”. Lúc đó tôi rơi vào trạng thái bế tắc cùng cực, vừa đau khi nghĩ rằng tôi đã đánh mất người thương mãi mãi, vừa không thể tha thứ cho mình khi đã không kịp ngăn cản quyết định của bạn. Lúc ở tận cùng của bế tắc thì dường như sẽ có một sức mạnh sinh tồn rất lớn.

Bế tắc càng lớn bao nhiêu thì sức mạnh này nó càng khủng khiếp bấy nhiêu. Và lúc đó tôi mới quyết tâm tìm ra lời giải cho những khổ đau mà mình đang gặp phải.

Sự dịch chuyển đáng nhớ của anh có thể là hành trình trở thành một nhiếp ảnh gia, sau này là travel blogger. Tôi nghĩ rằng rào cản lớn nhất của mình là chính mình. Nhớ lại thời điểm đó, anh đã làm điều đó như thế nào, để tiến về phía trước?

Hiện nay tôi vẫn đang dịch chuyển. Những khó khăn tôi đối mặt có thể mới hơn, khác hơn trong quá khứ, nhưng nhìn về bản thể thì nó không khác mấy. Nỗi sợ lớn nhất là khi tôi nghĩ rằng mình không làm được. 

Có thể đây là một khả năng thiên phú, khi tôi có thể dự cảm được rất tốt những điều mình cần phải làm, con người mà mình muốn trở thành. Nhưng khi bước vào kế hoạch để đi tới đích đến đó, có rất nhiều rào cản xuất hiện. Nỗi sợ thất bại, sự kém tự tin vào bản thân là hai rào cản lớn nhất. Mà để vượt qua nó, tôi phải đặt mình vào kỷ luật, không ngừng rèn luyện mỗi ngày. Điều giúp mình giảm tải áp lực là chia nhỏ từng mục tiêu, thực hiện từng bước một và phải thật đều đặn, nhất quán. Tôi cứ âm thầm rèn luyện, lấy ngắn nuôi dài để chờ đợi thời điểm thích hợp. Có lẽ kiên trì, bền bỉ và không nao núng là đức tính của những người tuổi Sửu.

Để trở thành một cái gì khác, ta phải bỏ đi những gì không cần thiết nữa. Điều này cũng không dễ dàng. Vứt bỏ một món đồ đối với nhiều người còn rất khó, huống chi phải vứt bỏ những suy nghĩ, những quan điểm có thể không còn phù hợp. Nhưng phải bỏ đi thì ta mới có đủ khoảng trống cho cái mới.

Tôi có thể hiểu rằng sự vận động, dù là bằng hình thức gì, theo phương cách nào, đều có khả năng giúp chuyển hóa khổ đau và những năng lượng xáo động bên trong mình không?

Tôi cũng nghĩ như bạn. Thế giới này luôn vận động, chúng ta dù đang ngồi yên, bên trong cơ thể và tâm trí vẫn đang vận động. Khi ta gặp phải một vấn đề nào đó, phải hành động thì mới thay đổi được tình thế, còn việc thay đổi theo chiều hướng nào thì chúng ta chưa bàn tới, nhưng phải hành động.

Ban đầu, tôi chọn đi khỏi nơi ở quen thuộc, gặp những cảnh vật mới, con người mới để giúp mình có nhiều trải nghiệm sống hơn. Nhưng có một nghịch lý là khi đi nhiều tới một mức độ nào đó, tôi nhận ra là mình phải học cách dừng lại. Đi để hiểu thế giới nhưng dừng lại là để hiểu mình. Phải có cả hai thì những vấn đề nội tại mới được giải quyết một cách rốt ráo.

Hoa không cần nở ở nơi đã gieo hạt cũng mang những sắc thái ý nghĩa như việc không cần cố định một đám mây, không cưỡng cầu, không kỳ vọng, không thành kiến, để mọi thứ thuận theo tự nhiên. Anh có nghĩ đây cũng là một cách giúp ta cân bằng cuộc sống, thoát khỏi những muộn phiền không? 

Tôi đang trên đường học về cách vận hành của thế giới. Khi đã thấu đạt được điều này rồi, con người ta sẽ sống sao cho đúng luật thì sẽ được an nhiên tự tại. Đây là một cách nói diễn dịch của “sống thuận tự nhiên”. 

Thuận tự nhiên không phải là sống buông xuôi cho mọi thứ ra sao thì ra, hoặc thích gì làm nấy, mà là chúng ta phải hiểu quy luật để thuận theo luật, từ đó sẽ không gặp rắc rối. Điều này cũng khá nhiều thách thức vì ta phải bắt đầu từ bỏ những thói quen cũ để thiết lập những thói quen mới. 

Tôi lấy một ví dụ nhỏ về việc thức dậy sớm. Con người là một tạo tác của tự nhiên. Trong tự nhiên có những nhịp điệu rõ rệt như ngày/đêm, nóng/lạnh, nắng/mưa… Sinh hoạt thuận tự nhiên về giấc ngủ là khi trời tối thì bắt đầu ngủ và dậy lúc mặt trời mọc. Lúc đó nhịp sinh học của cơ thể sẽ nhịp nhàng với môi trường, sức khoẻ của chúng ta cũng tốt hơn. Nhưng cuộc sống hiện đại rất nhiều cám dỗ, từ tiệc tùng, bạn bè tới những bộ phim hay có thể đốt hết thời gian buổi tối, ngủ muộn nên sáng cũng dậy trễ. Dần dần cơ thể bị lệch nhịp sinh học với môi trường mà chúng ta không hay biết.

Để điều chỉnh được giờ thức dậy từ 5-6h sáng là chúng ta phải thay đổi cả lối sống, thay đổi bạn bè, sắp xếp lại công việc… nói chung rất nhiều sự xáo trộn. Bù lại, cái lợi lâu dài của nó là chúng ta tránh được những muộn phiền từ bệnh tật. Người ta nói tự do là kỷ luật, nó rất đúng trong trường hợp này.

Năm nay, anh vừa bước qua tuổi 40, một cột mốc đẹp tiếp theo của đời người mà như anh nói thì “cuộc sống bắt đầu ở tuổi 40”. Những bài học anh đã chia sẻ cho chúng tôi cùng biết. Nhưng trong suốt 40 năm qua, ký ức hoặc hành trình gì là điều lưu lại trong tâm trí anh sâu sắc nhất, điều gì có khả năng làm anh lay động nhất? 

Tôi biết ơn vì mình được sinh ra trong một gia đình khó khăn, tôi phải tự lực vươn lên. Tôi vẫn nhớ cái ngày mẹ mua cho tôi chiếc va-li đầu tiên để tôi lên thành phố học đại học. Năm đó tôi 18 tuổi và chính thức xa gia đình, sống tự lập cho tới tận bây giờ. Đó là sự lựa chọn của mình và tôi vẫn luôn luôn cảm thấy tự hào về lựa chọn đầu tiên và đúng đắn đó. 

Lúc nhỏ tôi hay trách số phận là tại sao gia đình tôi không được như những gia đình bạn bè khác. Nhưng khi lớn lên, tôi thấy chính sự khó khăn đó đã cho tôi một khả năng sinh tồn rất tốt, bỏ tôi vào môi trường nào tôi cũng có cách để tồn tại. Có những chuyến tôi đi Ấn một mình, ở một tỉnh lẻ mấy tuần liền chỉ để chụp ảnh. Tôi vẫn có thể tìm cách tự đi chợ, tự nấu ăn trong một căn gác nhỏ. Tất cả những hành trình hôm nay đều được bắt đầu từ chiếc va-li năm 18 tuổi đó, một chuyến đi đầu đời không thể nào quên.

Tôi nghĩ việc chúng ta chưa bao giờ cảm thấy một ngày là đủ dài, có lẽ vì ta không thật sự sống trong mọi khoảnh khắc. Vừa đang ở hiện tại nhưng vừa lại nghĩ về ngày mai, về tương lai, hay một giờ tiếp theo. Làm sao để ta tập trung cho hiện tại nhiều hơn?

Có thể có rất nhiều phương pháp khác nhau để rèn luyện sự tập trung, trong đó tôi chọn cách ngồi thiền hàng ngày. Tôi thiền buổi sáng sau khi thức dậy và buổi tối trước khi đi ngủ, mỗi lần khoảng 30 phút đến 40 phút tùy điều kiện thời gian. 

Việc ngồi và đặt tâm trí vào hơi thở liên tục là rất khó vì chúng ta có thói quen suy nghĩ miên man. Mỗi khi ý nghĩ tới thì ta lại quay về hơi thở, cứ như vậy liên tục. Thời gian đầu có thể bạn sẽ cảm thấy chật vật, nhưng dần dần năng lực mang ý nghĩ quay về hơi thở trở nên mạnh mẽ hơn và đến một lúc ý nghĩ của bạn có thể trụ lại một chỗ liên tục từ 15 phút đến 30 phút. 

Tôi hay liên tưởng việc này với sở thích tập gym của mình, mà tôi gọi thiền là tập gym cho não. Ban đầu cơ bắp của ta còn yếu, ta nâng tạ rất nhẹ và mệt rất nhanh. Nhưng dần dần ta sẽ nâng được tạ nặng hơn, thời gian lâu hơn vì cơ bắp của ta đã phát triển rất nhiều so với ban đầu. Não cũng vậy, nếu được luyện tập thì não khoẻ hơn và tăng dần khả năng tập trung. Lúc này, hiệu quả công việc của chúng ta tăng cao, thời gian rút ngắn lại và ta dư dả thời giờ để làm nhiều việc khác.

Anh là một người có khả năng tự học rất tốt, hiện tại anh đang tìm hiểu về lĩnh vực/sở thích nào không? 

Hiện tại tôi đang phát triển mảng video về du lịch đa nền tảng. Tôi tự học hầu như mọi thứ từ quay phim, chỉnh sửa video đến hiểu các nền tảng mạng xã hội. Công việc khá nhiều nhưng tôi thấy vui vì được làm điều mình thích, và tôi thấy đó cũng là xu hướng cho tương lai. Tôi cũng đang nghiên cứu về các nền tảng podcast để sau này cũng bắt đầu sáng tạo nội dung. Và tương lai xa hơn, tôi muốn thực hiện những thước phim tài liệu về các trải nghiệm văn hóa. Còn rất nhiều thứ phải học từ bây giờ.

Anh có nói với tôi câu nói anh tâm đắc nhất là “Khi bạn khao khát một điều gì đó, cả vũ trụ sẽ hợp lực giúp bạn đạt được điều đó” (Nhà Giả Kim). Có một trải nghiệm/câu chuyện nào mà anh đã trải/thấy qua, để chọn (tin) câu nói này không? 

Nhân câu hỏi của bạn thì tôi xin kể lại niềm vui này. Đó là câu chuyện về quyển sách du ký “Bụi Đường Tuổi Trẻ”. Quyển sách này tôi xuất bản năm 2017, lúc đó tôi chưa hài lòng lắm về thiết kế bìa cũng như dàn trang của sách. Nhưng do thời điểm đã đến, tôi cần phải xuất bản cho kịp lúc vì không thể để lâu hơn. Mỗi lần làm là một lần khó và phát sinh nhiều chi phí, nên mãi sau này tôi vẫn chưa thể chỉnh sửa nó lại. Nhưng tôi vẫn không từ bỏ ý định đó.

Sau 7 năm, vào năm 2024, vì quyển sách “Cá Hồi” được nhiều bạn đọc đón nhận nên tôi đã thuyết phục được công ty phát hành sách tái bản lại “Bụi Đường Tuổi Trẻ” trong một diện mạo hoàn toàn mới. Mọi thứ được chỉnh sửa lại đúng như mong ước của mình. Và hiện tại thì quyển sách đã được gửi sang nhà in và sẽ đến tay các bạn đọc. Thêm một niềm vui nhỏ nữa là cả hai quyển sách sẽ sớm có phiên bản sách nói.

Bạn thấy đó, 7 năm cho một sự chờ đợi, với nhiều người thì nó không có gì to tát nhưng với tôi, điều làm tôi hạnh phúc chính là sự kết nối của mình với vũ trụ. Khi bạn đủ khát khao thì vũ trụ sẽ hồi đáp lại tất cả những tín hiệu mà bạn đã trao gửi. 

Cảm ơn những chia sẻ của anh.

Bài phỏng vấn được thực hiện trên ấn phẩm Men’s Folio Vietnam #27 – Quality of Life Issue

library