Tin nhắn, “overthinking” và thách thức quản lý cảm xúc nơi làm việc

  • by Thương Phạm
  • May 16, 2025

Một chữ “Ừ” ngắn ngủi, một dấu “?” cụt lủn hay một dòng tin nhắn không viết tắt, không chèn icon,… chỉ vậy thôi cũng đã khiến nhiều người cảm thấy rối như tơ vò với hàng loạt suy nghĩ hiện lên trong đầu. Liệu sếp có đang giận gì mình không? Mình đang làm phiền người ta hả? Hay họ không muốn nói chuyện với mình nữa?… 

Trong từ điển tiếng lóng của gen Z, những biểu hiện đó được gọi là “ô dề thinking” hay “overthinking”, tức là suy nghĩ quá mức. Việc rơi vào vòng xoáy “overthinking” khi nhận tin nhắn là một tâm lý phổ biến, nhất là với gen Z – những con người đã và đang gia nhập thị trường lao động.

Theo khảo sát của nhà xã hội học người Mỹ – Susan Nolen Hoeksema, “overthinking” không phải chuyện hiếm với giới trẻ. Có đến 73% người từ 25-35 tuổi rơi vào vòng xoáy suy nghĩ quá mức. Đối với nhóm trung niên 45-55 tuổi, con số này giảm còn 52%, còn những người trên 60 thì chỉ khoảng 20% bị cuốn vào cái bẫy “overthinking” mà thôi.

Dù gần đây, giới trẻ còn được gắn mác là “thế hệ cợt nhả” đầy lạc quan nhưng đối diện với những dòng tin nhắn trên màn hình, họ vẫn không tránh khỏi tâm lý lo lắng và suy nghĩ nhiều. Từ đó, ảnh hưởng không ít đến môi trường làm việc và các mối quan hệ. 

Tin nhắn – “mồi lửa” châm ngòi cho “overthinking”

Nếu như việc trò chuyện trực tiếp có ngữ cảnh rõ ràng – cử chỉ, ánh mắt, biểu cảm, giọng điệu,… giúp ta nắm bắt được tâm lý đối phương thì việc nhắn tin chỉ còn là những con chữ, dấu câu, emoji. Một chữ “Ừ” được nói ra kèm với cái gật đầu nhẹ, ánh mắt thân thiện thì không ai nghĩ gì. Nhưng cũng là chữ “Ừ” ấy, đặt một mình trong khung chat, lại trở thành sự cộc lốc, lạnh nhạt, mang lại cảm giác không muốn tiếp tục cuộc trò chuyện. Dù thực chất, người gửi chỉ đang bận, lười gõ dài dòng hoặc… không biết nói gì thêm.

Khi ngữ cảnh bị cắt xén, tối giản đến mức thiếu dữ liệu, tâm trí ta sẽ tự châm ngòi cho trí tưởng tượng để chế tạo bối cảnh nhưng thường là theo hướng tiêu cực. Chính vì vậy, trong môi trường giao tiếp số, khi những cuộc trò chuyện, giao tiếp được thực hiện hầu hết qua văn bản, màn hình,… thì việc “overthinking” như một phản ứng tự nhiên, bộc phát ra vì buộc phải tưởng tượng quá nhiều để lấp đầy khoảng trống thiếu ngữ cảnh.

Ở góc độ khoa học, bộ não con người được thiết kế như một cỗ máy xử lý thông tin, hoạt động không mệt mỏi để suy nghĩ, phân tích, tưởng tượng, lo lắng,… dù chúng ta có muốn hay không. Điều này bắt nguồn từ cơ chế sinh tồn: Não cần dự đoán trước nguy hiểm, học từ quá khứ và chuẩn bị cho tương lai. Chính vì bản năng luôn phải chú ý đến những nguy hiểm để phòng tránh mà não bộ chúng ta có xu hướng suy nghĩ, ghi nhớ và sử dụng thông tin tiêu cực nhiều hơn là tích cực. Hiện tượng này được gọi là “Negativity bias” – “Thiên kiến tiêu cực”.

Và cũng chính vì vậy, nếu không có khả năng quản lý cảm xúc, con người – vốn đã suy nghĩ liên tục không ngừng nghỉ – rất dễ bị cuốn vào vòng xoáy tiêu cực, lo âu không kiểm soát và tự tạo ra căng thẳng kéo dài. Trong thế giới hiện đại, mối đe dọa không còn là hổ rình ngoài hang mà là deadline, mâu thuẫn, nỗi sợ thất bại, sợ bị ghét bỏ,… khiến cho hệ thống cảnh báo đó lại hoạt động quá mức. Lúc này, quản lý cảm xúc chính là chìa khóa để ta không bị chính tâm trí của mình thao túng, giữ cho bản thân tỉnh táo, bình tĩnh và có thể phân biệt rõ: Cái gì là thực sự đáng lo, cái gì chỉ là sản phẩm của bộ não đang “overthinking”.

Từ “overthinking” đến cái bẫy âm thầm bào mòn cảm xúc chốn công sở

Trong môi trường công sở – đặc thù với việc phải giao tiếp thường xuyên để kết nối làm việc, “overthinking” âm thầm bào mòn khả năng làm chủ cảm xúc và hiệu suất làm việc. Chỉ một tin nhắn ngắn gọn từ sếp, một lời góp ý không đủ mềm mỏng, sự im lặng của đồng nghiệp, hay đơn giản là bình thường “thả tim” mà hôm nay chỉ “like” thôi cũng có thể khiến người trẻ suy diễn ra hàng loạt kịch bản tiêu cực cho một bộ phim tâm lý nặng đô dài tập. 

Khi cứ phải chiến đấu với những sự suy diễn trong đầu, năng lượng bị tiêu tốn vào việc đoán ý và bận tâm suy nghĩ của người khác thay vì tập trung vào công việc. Và khi cảm xúc không được kiểm soát, nơi làm việc dễ dàng biến thành một “trận chiến” cảm xúc, mỗi ngày đều cần rất nhiều nỗ lực để đối diện và sống sót qua các “level” căng thẳng. 

Nhiều người trẻ dần mang một lớp mặt nạ “ổn” vào nơi làm việc, nhưng bên trong lại là một mớ cảm xúc rối rắm, chồng chất từ ngày này qua ngày nọ. Việc gì cũng phải đoán ý, lời nào cũng phải cân đo, tâm trạng người khác thì lúc nào cũng trong tầm theo dõi… khiến cho công sở từ một nơi làm việc hiệu quả trở thành thử thách xã giao căng não. Dần dà, người ta mất tự tin, hình thành tâm lý phòng thủ, không dám bày tỏ, không dám hỏi,… Điều đáng nói là “overthinking” không chỉ mài mòn cảm xúc cá nhân mà còn vô tình kéo hiệu suất tập thể đi xuống, biến nơi làm việc thành một môi trường ngột ngạt và thiếu tin tưởng.

Ở khía cạnh cá nhân, “overthinking” có thể tạo ra những khoảng cách vô hình trong tình bạn, tình yêu hay mối quan hệ xã hội. Một lần “seen không rep”, một dòng tin cụt ngủn đều có thể bị phóng đại thành dấu hiệu của sự chán nản, ghét bỏ hay lạnh nhạt, dù sự thật có thể đơn giản chỉ là người ta đang bận. Khi không làm chủ được cảm xúc, mỗi người tự mắc kẹt trong sự suy diễn của bản thân thì khó tránh khỏi sự rạn nứt trong mối quan hệ.

Tắt chế độ “suy nghĩ quá mức” và làm chủ cảm xúc

Những cảm xúc tuy đến từ trí tưởng tượng, nhưng lại tạo ra tác động thật đến mối quan hệ ngoài đời. Do đó, việc làm chủ, quản lý cảm xúc cá nhân là một trong những kỹ năng quan trọng bậc nhất trong môi trường công sở hiện đại. 

Khi nhận một tin khiến mình bất an, thay vì hoài nghi bằng một mớ câu hỏi trong đầu như “Mình đã làm gì sai sao?”, “Họ không thích nói chuyện với mình nữa à?”,… thì đừng ngại giao tiếp rõ ràng và hỏi lại người gửi tin để chắc chắn về ý họ muốn truyền đạt. Việc chủ động hỏi sẽ giúp chúng ta tránh khỏi những hiểu lầm vô lý và giảm thiểu việc “overthinking” không cần thiết. Tóm lại, thay vì để tâm trí tự chạy vòng vo trong những suy đoán tiêu cực, hãy trao cơ hội cho sự thật, cho sự minh bạch bằng cách giao tiếp trực tiếp hoặc ít nhất là không vội vàng phán xét.

Viết ra những cảm xúc của mình cũng là một cách để giải tỏa những suy nghĩ “ố dề” khỏi tâm trí. Khi đặt bút xuống, ta không chỉ đơn thuần phóng thích những nỗi lo lắng, sự bực bội, mớ suy nghĩ hỗn độn đang mang trong người mà còn có thể nhìn nhận mọi thứ khách quan hơn. Ngoài ra, tham gia những hoạt động cải thiện sức khỏe tinh thần như thiền, yoga hay đơn giản hơn là tám chuyện cà phê cùng bạn bè, dạo quanh công viên vài vòng cũng đều có tác dụng rất tốt giúp tâm trạng được thoải mái, giảm căng thẳng.

Thỉnh thoảng tạm rời xa điện thoại, mạng xã hội hay công việc một chút thôi cũng đủ giúp tinh thần bạn nhẹ nhàng hơn, lấy lại năng lượng tích cực để đối mặt với các thử thách trong công việc và cuộc sống. Việc duy trì thói quen này đều đặn chính là một cách đầu tư thông minh cho sức khỏe tinh thần, giúp chúng ta xây dựng một trạng thái cân bằng và làm chủ cảm xúc tốt hơn.

Trong một thời đại mà công nghệ giúp chúng ta kết nối nhanh hơn nhưng thấu hiểu nhau chậm hơn, thì việc quản lý cảm xúc không còn là chuyện cá nhân mà là vấn đề mà tất cả mọi người đều cần quan tâm nếu muốn có những mối quan hệ bền vững, từ đồng nghiệp đến người thương. “Overthinking” chắc chắn sẽ không mất đi, đó là phản ứng tự nhiên của con người. Tuy nhiên, khi chúng ta biết cách tiết chế và điều khiển nó, chuyện những dòng chữ nhỏ bé làm “tụt mood” cả ngày hay lung lay một mối quan hệ đáng quý sẽ không còn đáng sợ nữa. 

Ảnh: Tổng hợp

library