Gương mặt trang bìa Tiến Linh: “Tôi sẽ mãi chạy, mãi thi đấu, cống hiến hết sức vì màu cờ sắc áo”

  • by Thai Khang Pham
  • May 7, 2025

Không chỉ là người ghi bàn, Tiền đạo Nguyễn Tiến Linh còn mang trên vai cả kỳ vọng của một thế hệ yêu bóng đá. Phía sau những khoảnh khắc bùng nổ trên sân cỏ là một cầu thủ đầy trăn trở với áp lực, tổn thương và cả những giấc mơ không nói thành lời.

Cảm giác khi người hâm mộ không gọi tên Tiến Linh là một cầu thủ, mà họ cho rằng đây là “Người phải ghi bàn cho Việt Nam” – anh thấy tự hào hay áp lực?

Linh nghĩ cả hai danh xưng đều đáng tự hào. Với danh nghĩa một cầu thủ, Linh được tin tưởng để góp mặt trong danh sách của tuyển quốc gia vốn dĩ đã là một niềm tự hào. Được ra sân và giao trọng trách thì càng tự hào hơn nữa. Vì Linh phải có năng lực thì mới được tin tưởng chứ. Nên cứ được chạy trên sân cùng đồng đội là bản thân luôn tự hào và hiểu được trách nhiệm của mình thế nào. Áp lực chắc hẳn phải có nhưng, Linh luôn biến nó thành loại “áp lực” tích cực giống một kiểu động lực để mình phải luôn chạy về phía trước.

Điều gì về tiền đạo Tiến Linh mà mọi người nghĩ là đúng, nhưng thực ra hoàn toàn sai?

Chắc chắn phải có rồi. Đó là bản thân Linh luôn cố gắng kiên trì, phấn đấu mỗi giờ mỗi ngày. Chứ không phải tiền đạo chỉ trông chờ vào may mắn mà ghi bàn.

Người hâm mộ thấy một Tiến Linh bản lĩnh trên sân cỏ, nhưng khi ở một mình, anh có từng cảm thấy bản thân yếu đuối?

Là con người chắc chắn ai cũng sẽ có những khoảnh khắc yếu lòng thôi. Linh cũng vậy. Sau mỗi thất bại thì bản thân cũng không thể vui được. Nhưng, với bản lĩnh một người đàn ông, Linh chỉ cho phép nỗi buồn ngắn thôi và ngày hôm sau thì phải là một ngày mới. Với Linh cũng hay xúc động khi nhắc về gia đình, về bố mẹ. 

Đằng sau mỗi bàn thắng, có điều gì mà khán giả chưa bao giờ được biết? 

Những giây phút mệt nhoài, đôi bàn chân chai sần, sưng tấy hay rướm máu là điều mà Linh ít khi chia sẻ. Bố mẹ ban đầu nhìn thấy những khoảnh khắc đó thì cũng xót con lắm, sau dần cũng quen. Linh cũng phải tự động viên bản thân vượt qua những lúc như vậy, vì rõ ràng để đến được với vinh quang trong thể thao thì chẳng có con đường nào trải hoa hồng cả.

Khoảnh khắc nào trong quá khứ mà anh cảm thấy mình đã đánh mất chính mình vì áp lực hoặc danh tiếng không?

Linh nghĩ là nhiều đấy, nhất là khi còn trẻ tuổi, khá bồng bột. Linh chỉ biết nuông chiều cảm xúc của bản thân, mà hiếm khi nghĩ cho người khác, nên dễ bộc lộ biểu cảm hay thái độ chưa tốt lắm.Sau những vấp ngã, Linh cũng hiểu ra rằng ai cũng có những nỗi lòng riêng và bản thân cũng vậy, nên sau này Linh cố gắng hòa đồng nhất với mọi người xung quanh mình. Có thể cũng gọi là cùng nhau chia sẻ năng lượng tích cực. 

Đảm đương vị trí tiền đạo, mọi người thường chỉ nhìn vào bàn thắng, có khi nào anh cảm thấy bị “đánh giá sai” chỉ vì không ghi bàn?

Lúc trẻ thì Linh cũng rất buồn, thậm chí tự trách sao mọi người luôn mang những bàn thắng để bàn tán rồi đổ lỗi. Nhưng, càng thi đấu nhiều, Linh nhận ra dư luận thuận chiều hay trái chiều cũng là một phần trong thế giới bóng đá chuyên nghiệp. 

Linh là tiền đạo, người ta kỳ vọng ghi bàn là hoàn toàn đúng. Điều này giống như một hậu vệ, khán giả sẽ kỳ vọng cầu thủ đó phải cản phá được bóng vậy thôi. Mỗi vị trí có vai trò riêng, khán giả tức giận có nghĩa là họ đang yêu đội bóng đấy. Đây là cách Linh chuyển áp lực thành dạng “áp lực tích cực”. Sai hay đúng cũng chỉ là một vài lời bình phẩm và nhiệm vụ của Tiến Linh khi ra sân là phải ghi thật nhiều bàn thắng và phải cố gắng hết sức vì đội tuyển Việt Nam. 

Áp lực từ kỳ vọng “phải ghi bàn” có bao giờ khiến anh lo sợ? Và nếu có, anh vượt qua nó như thế nào?

Linh không quá e ngại áp lực ghi bàn, vì bản thân hiểu đó là sứ mệnh cao cả nhất của mình. Sẽ có những thời điểm thể trạng của Linh không đạt được độ hoàn hảo nhất, thì chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến phong độ trên sân. Nên bản thân sẽ tự giải tỏa cho chính mình về mặt tâm lý, chấp nhận tính thời điểm vốn có trong thể thao chuyên nghiệp để nghỉ ngơi một chút rồi phấn đấu gấp đôi cho những trận sau đó.

Anh có nghĩ người hâm mộ đôi khi quên mất rằng một tiền đạo cũng là con người – có cảm xúc, có ngày tỏa sáng và có ngày im lặng?

Đa phần trong tâm trí của khán giả cầu thủ thì phải đá thật hay tiền đạo phải ghi bàn, ca sĩ thì phải hát hay, còn diễn viên thì phải diễn giỏi. Nhưng, phía sau công việc thì Linh cũng chỉ là một chàng trai đang trong độ tuổi trưởng thành, cũng có nhiều va vấp, những niềm vui nỗi buồn như mọi người.

Thật lòng thì tôi cũng không thể đòi hỏi thêm ở khán giả, được mọi người biết đến đã là một niềm hạnh phúc trong cuộc đời. Khi bước ra sân, biết rằng hàng triệu người đang chờ đợi Linh ghi bàn, cảm giác đó đặc biệt lắm, khó diễn tả cho đúng nhất, vừa hồi hộp lại vừa phấn khích, áp lực cũng lại sung mãn, vừa phân tâm mà cũng rất tập trung. Vui nhưng cũng không cười nhiều được, mà buồn thì cũng không dám khóc. Nói quá hơn một chút thì nó là một kiểu “doping tinh thần” rất đặc biệt.  

Nhiều người cho rằng cầu thủ giỏi thì phải “lì đòn”, phải chai sạn cảm xúc, nhưng anh có từng khóc vì bóng đá không? 

Linh cũng là một con người, nên không thể nào gọi là chai sạn cảm xúc. Lần gần nhất mà Linh khóc mà cả nước ai cũng biết chính là cùng đồng đội đoạt Huy chương Vàng SEA Games trên sân nhà Mỹ Đình. Không hiểu sao lúc đó bản thân cảm xúc quá, cầm cờ đi quanh sân chào khán giả mà khóc suốt không ngừng và gào lên “Cuộc đời này không bao giờ có lần thứ hai như thế này nữa”. 

Sau này lúc vô địch ASEAN Cup vừa rồi cũng sắp khóc, thì Văn Toàn chạy tới trêu “Khóc đi khóc đi! Cuộc đời này không có lần thứ ba như thế này nữa”. Thế là mắc cười quá không khóc luôn. 

Với anh, điều khó nhất không phải là ghi bàn mà là một điều nào khác?

Tiến Linh hôm nay phải tốt hơn Tiến Linh của ngày hôm qua. Mục tiêu này giống như ngọn lửa âm ỉ, cháy mãi trong lòng. Điều này chắc chắn rất khó nhưng, không có mục tiêu khó vậy thì bản thân sẽ bị dừng lại. Khi những người khác đang đi tiếp mà Linh dừng lại nghĩa là đi lùi, nên có khó mấy thì Linh cũng sẽ phải phấn đấu làm được. 

Anh có sợ mình sẽ đến một lúc không còn đủ động lực để tiếp tục thi đấu nữa không?

Đã là cầu thủ chuyên nghiệp thì Linh không nghĩ không có động lực thi đấu đâu. Linh sẽ thi đấu cho đến khi nào tuổi tác và sức khỏe không cho phép nữa. Khao khát được mang giày ra sân cỏ từ trước đến giờ trong Linh vẫn luôn mạnh mẽ như trước giờ, không thay đổi!

Nếu được nói một điều với người hâm mộ – những người yêu anh, kỳ vọng ở anh, thậm chí từng thất vọng vì anh – anh sẽ nói gì?

Linh xin dành lời cảm ơn trân trọng và sâu sắc đến người hâm mộ đã đồng hành cùng Linh và đội tuyển trong suốt thời gian qua. Nếu không có sự đồng hành, động viên đáng trân trọng này, chắc chắn đội tuyển sẽ không có được thành tựu như ngày hôm nay. Kể cả đó là những lời chỉ trích thì Linh cũng trân trọng, cảm ơn vì đã được là một phần trong hành trình bóng đá đầy cảm xúc của mọi người! Bóng đá là môn tập thể, nghĩa là của cả tập thể cầu thủ, ban huấn luyện lẫn người hâm mộ. Linh mong mọi người sẽ tiếp tục đến sân cổ vũ cho đội tuyển nhiều hơn nữa. Có tiếng hò reo của khán giả thì anh em cầu thủ thi đấu sung sức và phấn chấn hơn hẳn!

Cuối cùng, điều gì khiến Tiến Linh tiếp tục ra sân, tiếp tục chạy, tiếp tục chiến đấu, dù biết rằng mỗi bước chân đều gắn với áp lực vô hình?

Linh sẽ mãi chạy, mãi thi đấu, cống hiến hết sức vì màu cờ sắc áo. Dưới chân mình là những rào cản vô hình, nhưng xung quanh mình lại là sự động viên, ủng hộ lớn lao từ hàng triệu trái tim yêu bóng đá Việt Nam. Vì thế, Linh sẽ phải phấn đấu hết sức có thể. Vì thể thao là không ngừng cố gắng. 

Art Director: Văn Minh Thư
Photographer: An Bảo
Stylist: Dylan
Make up & Hair Stylist: Vàng Chiêng, Thành Vy – Thảo Uyên team
Videographer: Thịnh Lương
Lighting: Trần Trường, Nguyễn Hữu Mạnh
Stylist’s Assistant: Linh Vicc
Assistant: Minh Mẫn
Set Design Executive: Nina Nguyen
Fashion: HUGO, Maison Kitsuné

library