#ValentineinBloom: Quẩn quanh chuyện yêu (Phần 1) – Ta có đang lãng mạn hoá cảm xúc?

  • by Huyền My Trương
  • February 13, 2025

Trong mọi tình huống biểu thị cảm giác yêu thích, quý mến, ta thường chỉ quanh quẩn dùng từ “thích” hoặc “yêu”. Khi nhìn thấy một chiếc túi xách mới được ra mắt, bạn nói rằng mình “thích” nó. Khi tò mò về món ăn vặt mà bạn thân không thể sống thiếu, bạn sẽ hỏi “cậu thích bánh tráng tới vậy à?”. Khi bạn muốn bày tỏ tình cảm với người thân, bạn thổ lộ “con yêu mẹ/con yêu cả nhà mình”,…

Điều này đồng nghĩa với việc con người có xu hướng thông dịch và gán nhãn sai phản ứng cơ thể, thiếu từ ngữ chuẩn xác để nói về cảm xúc khiến cho tình cảm của bạn trở nên nhập nhằng, rằng nhiều lúc bạn nghĩ bạn yêu một người nhưng thực sự không phải, rằng đôi khi bạn nói bạn thích ai đó ở mức xã giao nhưng lại bị gán nhãn thành tình yêu nam nữ.

Nhưng đồng thời chúng ta cũng chưa định nghĩa tình yêu là thế nào. Yêu một người và thích cảm giác ở cạnh người đó có phải là một không? Làm sao để biết rằng đó là yêu chứ không phải một thứ tình cảm tích cực và tốt đẹp nào đó khác như ngưỡng mộ hay quý mến? Trong số những mối tình đi đến hồi kết bao nhiêu là do tình cảm nhạt dần theo thời gian, bao nhiêu là do lầm tưởng về tình yêu?

(Quan hệ) tình cảm của con người có vô vàn cách để gọi tên, để hiểu và phân loại

Tôi có thói quen dùng từ “thích” để diễn tả cảm xúc của mình với một ai hay điều gì đó. Tôi thích con mèo vàng béo ú. Tôi thích món bánh tiramisu vị cacao. Tôi thích người bạn hay mượn sách giúp mình ở thư viện trường. Tôi thích chú bảo vệ luôn quay sẵn đầu xe cho tôi mỗi khi tan làm. Đây là những trường hợp bình thường vì theo góc nhìn của tôi, từ “thích” này rất đơn giản.

Nhưng mỗi lần tôi dùng chữ “thích” với một đối tượng cụ thể, đa phần sẽ dẫn đến sự hiểu nhầm. Nếu tôi dùng từ này cho người khác giới, người nghe sẽ hiểu chữ thích thành điều gì đó lãng mạn giữa hai người, kiểu “bạn đang thích người ta theo kiểu nam nữ chứ gì, nghe là biết!”, hay đôi lúc đi xa hơn thành “tôi muốn làm người yêu của người tôi vừa nói thích”. Chẳng lẽ không có cách nào để bày tỏ sự yêu thích của mình sao? Dĩ nhiên là có, nhưng nói thế nào để không bị hiểu lầm?

Theo quan niệm của các nhà triết học Hy Lạp cổ đại, “yêu” được mô tả bởi nhiều cái tên khác nhau:

Storge, tình thân. Đây là thứ tình cảm thân thuộc nhất bởi nó nảy nở giữa cha mẹ và con cái, giữa anh chị em ruột thịt, giữa chủ với thú cưng ở cùng lâu ngày hay với ngôi nhà mình sống từ thuở nhỏ,… Xét về bản năng, storge được khơi dậy khi nhu cầu nguyên thủy – sự sống còn và bảo vệ khỏi các nguy hiểm bên ngoài cũng như sự tồn tại giống loài, duy trì huyết thống của con người được đáp ứng.

Eros, tình yêu lãng mạn thôi thúc ta đến với một người vì mục tiêu cụ thể nào đó. Kiểu tình yêu này tạo ra phản ứng khiến con người muốn bước vào quan hệ tình cảm với người khác – bao gồm sự tác động bởi hormone endorphin, pheromones và các chất dẫn truyền thần kinh tạo ra phản ứng hóa học giữa hai người. Sự hấp dẫn về ngoại hình và ham muốn tình dục là những phản ứng trong não tạo ra sự hưng phấn, động lực và phần thưởng – thúc đẩy chúng ta dành nhiều thời gian cho người đó (dẫn chứng là một nghiên cứu khoa học sẽ nằm ở phần sau).

Philia, tình bạn. Từ này trong tiếng Hy Lạp có nghĩa là tình bạn và yêu thích, miêu tả mối quan hệ giữa những người bạn thân nhưng cũng có thể là giữa hai người yêu nhau có nền tảng là một tình bạn sâu sắc với nhau. Theo C.S. Lewis, người chắp bút quyển sách “Bốn tình yêu” (The Four Loves), ông cho rằng philia là tình cảm nặng về “phần hồn”, ít “phần xác” nhất, loạt hành động của tình bạn ít mang màu sắc vị kỷ nhất.

Apage, tình yêu cao cả vô điều kiện, thường được dùng trong tín ngưỡng tôn giáo. Đây là kiểu tình yêu được ban tặng vô điều kiện cho tất cả mọi người, dù là bạn hay là thù, dù là người yêu hay người cũ. Nhiều ý kiến cho rằng Apage được trải nghiệm như “sự giác ngộ”, chúng ta sẽ cảm nhận tình cảm đó từ sâu bên trong mà không bị ép buộc hay có sự ràng buộc nào; Hoặc một hình thức tinh thần của tình yêu đối với người khác, hướng ta đến sự kiên nhẫn, cảm thông và bao dung.

Khi chuyển ngữ một thứ tiếng, thường sẽ có vài yếu tố, sắc thái, ý nghĩa bị mất đi. Nhưng vấn đề của tôi trong tình huống thể hiện cảm xúc thì khi dùng từ thích (theo kiểu philia) thì thường bị mọi người hiểu nhầm thành yêu (theo kiểu eros). 

Ta có đang lãng mạn hóa mọi thứ? 

Có lần tôi cảm thấy phiền lòng vì những vấn đề liên quan đến nhóm bạn ở trường đại học, khi mẹ hỏi thăm, tôi đã trả lời rằng “Con đang gặp khó khăn với các mối quan hệ”, vậy mà mẹ tự suy diễn “các mối quan hệ” thành tôi có nhiều chuyện tình tay ba với người khác và giờ bị lật tẩy nên mới có vấn đề. Lãng mạn hóa là một lý do, đi cùng với đó là thái độ làm quá của người nghe dẫn đến sự nhập nhằng giữa yêu và thích, hoặc giữa loại thích này với một loại thích khác. Bạn có thể thích nhiều thứ, nhiều người cùng một lúc, như tôi thích những người bạn hay đồng nghiệp vì nhiều lý do khác nhau, nhưng “sự thích” đó không nhất thiết phải đi đến kết quả là một mối quan hệ tình cảm.

Chúng ta không thể đổ lỗi sự hiểu nhầm này do thiếu thốn trong vốn từ bày tỏ cảm xúc, mà còn do cách hiểu một từ theo nhiều nghĩa và xu hướng lãng mạn hóa của mỗi người. Khi tôi nói từ chiếc lá, liệu hình ảnh hiện lên trong đầu chúng ta có giống nhau không? Nó có thể là lá xanh hoặc lá vàng úa, là chiếc lá còn đẫm sương sớm hay lá rơi bên hiên nhà.

Đối với các từ trừu tượng bộc lộ xúc cảm như buồn, vui, yêu, thích, hạnh phúc, khổ đau,… càng không có thước đo hay giới hạn nào. Thích, yêu của người này sẽ khác với thích, yêu của người khác. Nếu ngày bé bạn nói với bố mẹ bạn thích chơi với cậu bạn cùng bàn, chắc chắn họ sẽ mắng bạn vì tội “mới bây lớn đã tập tành yêu đương”. Người lớn vô tình gộp cái “thích chơi” kia vào kiểu yêu đương lãng mạn của các cặp đôi mà quên mất, thích đôi khi chỉ là cảm giác yêu mến, tốt đẹp về đối phương mà thôi. Cùng với đó, phim ảnh, sách truyện cũng ưu ái việc thể hiện tình yêu một cách hoàn mỹ, rằng chỉ cần chạm mắt nhau cũng có thể nảy sinh được tình yêu và mọi người từ đó chỉ cần nghe thấy từ thích liền khẳng định bạn đang yêu.

Tình cảm giữa hai người có thể khác nhau như thế nào dựa trên hàng triệu yếu tố khác biệt, ý nghĩa của từ ngữ đôi lúc không rõ ràng, quẩn quanh hai từ “yêu” hoặc “thích” cũng có thể khiến bản thân bạn nhầm lẫn.

Ngay từ đầu là bạn thích một cách đơn giản nhưng qua lời của mọi người xung quanh lại thành phức tạp, dần dần sau này bạn thấy hơi thích thích ai bạn cũng bị đứng giữa lằn ranh giữa thích thoáng qua hay thích đậm sâu, nghe có vẻ hơi không có chính kiến nhưng rõ ràng, trong môi trường sống hằng ngày có rất nhiều yếu tố ảnh hưởng đến suy nghĩ của bạn.

Xem tiếp tại ĐÂY.

Bài: Nhựt Chi
Ảnh: Tổng hợp

library