*Lưu ý: Bài viết tiết lộ nội dung phim
Trước “Light Shop”, loạt phim “Alice in Borderland” cũng nhắc đến khái niệm này. Trong phim Nhật dựa trên manga cùng tên, cõi cận tử là nơi diễn ra những trò chơi sinh tồn tàn khốc, mà chỉ những ai đủ dũng khí mới có thể vượt qua và giành được tấm vé trở về nhân giới.
Ngược lại, “Light Shop” có phần thi vị và liêu trai hơn. 8 tập phim gồm những câu chuyện với tuyến nhân vật khác biệt, sống trong một khu phố luôn bị bao vây bởi màn đêm. Chỉ có ba dạng thực thể tồn tại nơi đây: linh hồn những người đang bất tỉnh, những bóng ma còn tiếc nuối duyên trần, và người chủ bí ẩn của Cửa hàng Ánh sáng. Anh ngồi trong cơ ngơi của mình, đón tiếp những linh hồn lạc lối. Họ phải tìm được “chiếc bóng đèn” của mình và tỉnh lại, hoặc sẽ mãi mắc kẹt nơi đây.
Ở vài tập đầu, “Light Shop” khiến người xem nghĩ tác phẩm thuộc thể loại hợp tuyển (anthology), với những mẫu truyện tưởng chừng không liên quan. Đó là người đàn ông mỗi đêm bắt chuyến bus muộn đều đối mặt với một cô gái mang chiếc va-li kỳ bí. Một người phụ nữ dọn vào ngôi nhà mới có nhiều dấu hiệu bị ma ám. Hay vị thanh tra cực đoan, dù đối mặt với các thế lực siêu nhiên vẫn quyết định theo đuổi một vụ án dị biệt. Ở nơi khác, nhóm y – bác sĩ đang cố gắng giành sự sống cho rất nhiều nạn nhân của vụ tai nạn thảm khốc.
Các câu chuyện trong “Light Shop” thường lấy bối cảnh buổi đêm, khoảng thời gian mà mắt thường khó nhìn ra sự thật và hư ảo. Đây cũng là lúc đúng và sai trở nên nhập nhằng. Chỉ với vài bối cảnh lặp lại, tác phẩm mang đến sự ngột ngạt, bí bách, khi chúng ta có “hiểu biết” nhiều hơn các nhân vật trên phim. Biên kịch chủ đích cho khán giả “góc nhìn thượng đế” (God’s View), để người xem từ trên cao quan sát được toàn bộ nhân vật trong thế giới cận tử này. Có cô con gái tưởng mẹ mình phát điên, thực ra không nhận thức được mẹ đang tìm mọi cách bảo vệ cô. Hay người phụ nữ luôn bám theo gã đàn ông trên chuyến xe bus, vốn không mang tà niệm gì cả.
Tác phẩm liên tục đánh đố sự tập trung của người xem, bởi các tuyến nhân vật và sự kiện diễn ra không theo thứ tự thời gian. “Light Shop” sở hữu nhiều cú “twist” khiến khán giả phải ngã ngửa. Những hình hài dị dạng tưởng chừng là tuyến phản diện, thực chất có sứ mạng, nỗi niềm riêng. Phim chọn đặt máy quay đưa người xem theo chân các hồn ma, nhằm lý giải lý do họ có những hành động kỳ dị.
Vì vậy, nếu ai từng thắc mắc tại sao linh hồn khi muốn giao tiếp với người sống lại chọn cách hù dọa thay vì nói chuyện đường hoàng, hay vì sao có các truyền thuyết đô thị như “người bạn luôn vắng mặt trong lớp”, “người phụ nữ hỏi đường”;… “Light Shop” đều có lời giải đáp cực kỳ sáng tạo.
Các tín ngưỡng, đặc biệt là Phật giáo, khuyên con người đừng quá đau khổ vì sinh ly tử biệt. Trong phim, cõi cận tử nối liền nhân gian và âm giới mang đến một góc nhìn tuy đau đớn nhưng cũng tích cực hơn về câu chuyện này. Đó là nơi người thân đã khuất vẫn dõi theo người sống, hay những linh hồn tội lỗi đi tìm sự cứu chuộc.
Qua 8 tập phim, khán giả bồi hồi cảm xúc khi được biết vị tài xế từng gây ra tai nạn tìm đủ cách để mang các hành khách của mình đến Cửa hàng ánh sáng, dẫu biết bản thân ông không thể nào bước vào đó nữa. Có người cầm được bóng đèn của mình trên tay, nhưng quyết định đập vỡ để được ở bên bóng hình mà họ yêu – giải thích cho khái niệm Hồi quang phản chiếu trong y học.
Một thông điệp đáng nhớ trong loạt phim là người sống xứng đáng được yêu thương, nhưng người chết không không đáng bị cô độc. Ngoài chủ tiệm đèn, khán giả còn gặp gỡ một nhân vật khác là người quản lý nhà xác. “Light Shop” không đưa ra lời giải thích, mà chỉ cho ông ta khả năng trò chuyện với những tử thi. Ông là người trang điểm, bầu bạn với các xác chết. Ông lắng nghe, cảm thông, rồi trấn an để họ nhẹ lòng mà ra đi. Thông qua nhân vật, “Light Shop” cũng lý giải vì sao có tập tục phải giữ xác ba ngày trước khi đem chôn cất; bởi đó vừa là thời gian để linh hồn từ biệt người thân, nhưng đồng thời cũng là cơ hội cho những ai đang cố tìm kiếm bóng đèn sinh mệnh để trở về.
Xem “Light Shop”, người viết chợt nhớ lại một đoạn hội thoại giữa hai chị em Giấc Mơ và Cái Chết trong loạt phim “The Sandman” (2022). Có dịp đi dạo cùng Cái Chết, Giấc Mơ hỏi rằng: “Không hiểu vì sao con người sợ đến thế giới của chị, trong khi luôn khao khát được đến thế giới của em, dù nó tàn khốc hơn nhiều”. Ai cũng sợ cái chết, nhưng hiếm ai sợ việc nằm mơ, dù nhiều khi sự cô độc giữa cõi ta bà đáng sợ hơn rất nhiều.
Nhìn chung, “Light Shop” là series phim kinh dị nhưng gây sợ thì ít, mang đến nỗi buồn thì nhiều. Tác phẩm gửi gắm nhiều thông điệp nhân văn, trong đó có cả việc phải quý trọng sự sống, cũng như đừng quá đau đớn khi người ta yêu lìa đời. Bởi mọi sinh mệnh luôn kết nối với nhau bằng ánh sáng, bằng sự nhung nhớ, nên không có cuộc chia tay nào là mãi mãi.
MEN’S FOLIO, tạp chí quốc tế về thời trang và phong cách sống dành cho Quý Ông sành điệu, có bề dày hơn 25 năm kể từ ngày thành lập đầu tiên vào năm 1997 tại Singapore. Men’s Folio mang sứ mệnh quảng bá tài năng châu Á, cũng như xu hướng thời trang nổi bật nhất qua các mùa. Hiện ấn phẩm đã có mặt tại đa quốc gia, hoạt động mạnh mẽ ở các nước Đông Nam Á, và chính thức có mặt tại Việt Nam vào tháng 11/2020. Ấn phẩm Men’s Folio Vietnam hội tụ những bài viết tinh hoa, hình ảnh bắt mắt, giới thiệu những nhân vật danh tiếng của ngành công nghiệp thời trang và giải trí Việt Nam. Cùng cái nhìn tổng quan về xu hướng, thời trang và phong cách sống nổi bật nhất dành cho phái mạnh theo từng mùa/năm.
Copyright © 2024 Luxuo Media Vietnam. All Rights Reserved. Website Developed by Tony Toàn