Home Life Arts & Culture 10 dự án kiến trúc sẽ định hình thế giới vào năm 2025
Tháng Ba vừa qua, giải thưởng danh giá Pritzker đã được trao cho kiến trúc sư người Nhật Riken Yamamoto, người tiên phong trong thiết kế nhà ở. Đáng chú ý, một ngôi trường nhỏ ở ngoại ô Úc cũng đã được vinh danh là tòa nhà mới xuất sắc nhất tại Liên hoan Kiến trúc Thế giới.
Trong năm 2025, các dự án hạ tầng quy mô lớn vẫn sẽ tiếp tục thu hút sự chú ý. Tuy nhiên, những thiết kế nhỏ gọn, đặc biệt là các công trình có tiêu chí bảo vệ môi trường, cũng sẽ nhận được sự quan tâm đáng kể. Từ những tòa nhà gỗ sáng tạo đến một trong những sân bay lớn nhất châu Á, năm tới hứa hẹn mang đến nhiều bước tiến mới trong lĩnh vực kiến trúc. Dưới đây là 10 dự án đáng chú ý dự kiến sẽ mở cửa trong 12 tháng tới, thể hiện những ưu tiên đang thay đổi của thế giới kiến trúc.
Chợ cá lớn thứ ba thế giới đang chuẩn bị mở rộng hơn nữa. Hơn 8 năm sau khi chính quyền bang New South Wales công bố kế hoạch di dời chợ cá lịch sử của Sydney – được hình thành từ những năm 1870 và tọa lạc tại địa điểm hiện tại từ năm 1966 – tòa nhà mới sáng bóng với bốn tầng sắp khai trương trên một khu đất liền kề rộng 3.6 hecta.
Bằng sự sáng tạo của đội ngũ 3XN Architects và công ty BVN (Úc), chợ cá mới hứa hẹn mang đến cho du khách một “trải nghiệm chợ cá đa giác quan”. Công trình này khéo léo kết hợp giữa cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch và các hoạt động chức năng của một chợ bán buôn. Khu vực hậu cần và vận hành được bố trí dưới tầng hầm, trong khi các tầng trên là khu vực chợ cho du khách và phòng đấu giá, nơi các nhà hàng và nhà bán lẻ đấu giá cho những mẻ cá tươi ngay khi chúng cập bến qua các cầu phao.
Dự án này cũng sẽ góp phần làm mới một khu công nghiệp bên bến cảng, với các cửa hàng, nhà hàng, một lối đi dạo và công viên đô thị. Điểm nhấn của công trình là mái nhà uốn lượn đặc trưng được lắp 350 tấm pin năng lượng mặt trời hình tam giác.
Công trình Grand Ring (Vòng mái lớn) là biểu tượng của Expo 2025 với ý nghĩa toàn thế giới đoàn kết thành một thể thống nhất, đồng thời cũng thể hiện rõ nét đặc sắc của văn hóa Nhật Bản. Grand Ring là cấu trúc vòng tròn khổng lồ bằng gỗ do kiến trúc sư Fujimoto Sou thiết kế theo quan niệm “Thống nhất trong đa dạng.” Từ tháng 4-10, Osaka dự kiến sẽ chào đón khoảng 28 triệu du khách tới Expo 2025, nơi khoảng 40 quốc gia sẽ xây dựng các gian triển lãm riêng biệt tại đây.
Các địa điểm tổ chức Expo thường thể hiện triết lý thiết kế của nước chủ nhà. Khi Osaka lần đầu đăng cai Expo vào năm 1970, họ đã xây dựng một mái khung không gian khổng lồ do các kiến trúc sư tiên phong hàng đầu Nhật Bản thiết kế. Trong thời đại mà các công trình gỗ trở thành lựa chọn thay thế cho bê tông thải nhiều carbon, việc Grand Ring được thiết kế mang đậm phong cách Nhật Bản là điều hoàn toàn phù hợp với xu hướng toàn cầu.
Sử dụng gỗ tuyết tùng và gỗ bách địa phương (cùng với gỗ thông Scotland), tầm nhìn của Fujimoto là kết hợp các phương pháp xây dựng hiện đại với kỹ thuật nối mối gỗ truyền thống thường thấy ở các đền, miếu thờ Nhật Bản. Với diện tích gần 60.000 mét vuông, đây sẽ là một trong những công trình gỗ lớn nhất thế giới. Mặc dù ban đầu nó chỉ được dự kiến là công trình tạm thời, nhưng vẫn đang diễn ra các cuộc thảo luận về việc liệu có nên và bằng cách nào bảo tồn cấu trúc này.
Kiến trúc hữu cơ thường được ca ngợi vì khả năng hòa mình vào cảnh quan, thậm chí gần như biến mất hoàn toàn, để lại dấu vết ít nhất có thể lên môi trường xung quanh. Trong số những công trình mới ra mắt năm nay, có lẽ không công trình nào thể hiện điều này rõ nét hơn trường học Canadian do hãng kiến trúc Sordo Madaleno thiết kế tại Cholula, Mexico.
Khuôn viên yên bình của trường được lấy cảm hứng từ địa hình vùng này — cụ thể là kim tự tháp tiền Tây Ban Nha gần đó và núi lửa Popocatépetl, tạo nên một phông nền hùng vĩ. Ngôi trường được bố trí quanh bảy cấu trúc hình tròn giống như những ngọn đồi xếp chồng lên nhau, với bề mặt bậc thang tạo thành những không gian xanh để học sinh khám phá.
Campuchia đang thay thế sân bay quốc tế tại thủ đô Phnom Penh bằng một sân bay mới có khả năng phục vụ lượng khách gấp sáu lần. Nằm trong kế hoạch đầy tham vọng nhằm tăng cường du lịch và trở thành trung tâm hàng không khu vực, sân bay quốc tế Techo mới có công suất ban đầu là 13 triệu hành khách mỗi năm, và dự kiến sẽ tăng lên 30 triệu.
Tòa nhà nhà ga, cách trung tâm thành phố 12 dặm về phía nam, sẽ là một trong những công trình lớn nhất Đông Nam Á. Theo các kiến trúc sư, kế hoạch sử dụng năng lượng từ một trang trại năng lượng mặt trời tại chỗ còn giúp sân bay này trở thành một trong những công trình thân thiện với môi trường nhất thế giới.
Lấy cảm hứng từ thiết kế truyền thống của Campuchia, mái chính của nhà ga được nâng đỡ bởi hàng loạt các “cây” gỗ cấu trúc (cây thật cũng sẽ mọc lên qua một khoảng trống lớn ở trung tâm). Các bản vẽ kỹ thuật số cho thấy cấu trúc khung thép dạng lưới lọc ánh sáng ban ngày, chiếu sáng một không gian nội thất tràn ngập cây xanh nhiệt đới, trong khi hành khách sẽ di chuyển đến cổng qua hai cánh gió có hình dạng như cánh máy bay.
Một dự án mở rộng quy mô lớn tại South Station của Boston, trung tâm vận tải mặt đất nhộn nhịp nhất New England, đang dần hoàn thiện trong năm nay. Khi hoàn thành, dự án tái phát triển sẽ tăng công suất phục vụ của nhà ga lên 50% cho xe buýt và 70% cho tàu hỏa.
Về mặt kiến trúc, thách thức đối với công ty Pelli Clarke & Partners không chỉ là tái thiết kế khu vực sảnh chờ của nhà ga và xây dựng một tòa tháp chọc trời 51 tầng phía trên, mà còn phải tôn trọng tòa nhà ga gốc theo phong cách Tân Cổ điển. Được liệt kê trong Sổ Đăng ký Quốc gia Địa danh Lịch sử của Mỹ, tòa nhà này đã tồn tại từ năm 1899.
Sự tương phản giữa lớp kính sáng bóng của tòa tháp và những bức tường đá cổ kính là điều không thể tránh khỏi. Tuy nhiên, hình dáng mềm mại, điêu khắc của tòa tháp được thiết kế nhằm bổ sung và tôn lên vẻ đẹp lịch sử của nhà ga cũ. Trong khi đó, sảnh chờ mở rộng với những vòm cong mang lại cho du khách một cảm giác hoành tráng hơn khi bước vào thành phố.
Francis Kéré, người châu Phi đầu tiên giành giải Pritzker – được ví như “Nobel của kiến trúc” – đang tận dụng tầm ảnh hưởng toàn cầu của mình để thay đổi môi trường xây dựng tại quê hương châu Phi.
Kiến trúc sư người Burkina Faso này từ lâu đã là người ủng hộ mạnh mẽ cho thiết kế “bản địa,” tập trung vào việc sử dụng các vật liệu xây dựng và kỹ thuật truyền thống. Tầm nhìn của ông cho chi nhánh mới của Goethe-Institut, trung tâm giao lưu văn hóa Đức, tại Senegal là một minh chứng điển hình.
Tòa nhà rộng 1.700 mét vuông với những đường cong nhẹ nhàng được thiết kế để phản chiếu bóng dáng của những tán cây xung quanh. Công trình chủ yếu được xây dựng từ gạch địa phương, làm từ đất nén và sắp xếp theo dạng lưới để khuyến khích thông gió tự nhiên. Bởi theo Kéré thì “Càng sử dụng nhiều, bạn càng có thể thúc đẩy kinh tế địa phương và truyền bá kiến thức địa phương, điều này cũng làm người dân tự hào”.
Hơn một thập kỷ sau khi tòa nhà Trụ sở CCTV tại Bắc Kinh được khánh thành và trở thành biểu tượng của kiến trúc đương đại Trung Quốc, Ole Scheeren, đồng thiết kế công trình này, vẫn tiếp tục để lại dấu ấn của mình tại đất nước tỷ dân. Công ty kiến trúc của ông, Büro Ole Scheeren, hiện đang thực hiện nhiều dự án lớn tại các thành phố Trung Quốc, từ Thâm Quyến đến Nam Kinh.
Nổi bật trong số đó là Urban Glen, một cặp tháp được thiết kế theo dạng bậc thang đầy ấn tượng, với gần 900.000 bộ vuông không gian văn phòng, khách sạn và giải trí tại thành phố Hàng Châu phía đông. Giống như những ngọn đồi bao quanh Hàng Châu ba mặt, hai khối kiến trúc này – trong đó có một khối là nơi đặt khách sạn Rosewood – dường như đổ xuống một thung lũng nhân tạo với các sân thượng mái, cửa hàng và nghệ thuật công cộng.
Những năm 2020 chứng kiến Ả Rập Saudi công bố hàng loạt dự án kiến trúc khổng lồ, từ một thành phố mới được sắp xếp theo dạng đường thẳng đến một tòa nhà chọc trời hình khối sẽ trở thành một trong những công trình lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, kế hoạch trang bị cho thủ đô Riyadh một hệ thống metro rất cần thiết đã được ấp ủ từ hơn một thập kỷ trước.
Với sáu tuyến, mạng lưới rộng lớn này được kỳ vọng sẽ thay đổi cách vận hành của thành phố, với sức chứa 3.6 triệu hành khách mỗi ngày. Trên mặt đất, các ga metro đang trở thành những điểm nhấn thị giác, với sự tham gia của những công ty kiến trúc danh tiếng như Zaha Hadid Architects và công ty Gerber Architekten của Đức, được mời thiết kế một số trong tổng số 85 ga.
Dự án đã được khánh thành vào tháng 11 và nhiều tuyến đã đi vào hoạt động từ tháng trước, nhưng toàn bộ dự án sẽ chưa hoàn thành cho đến năm mới. Có lẽ nhà ga nổi bật nhất chưa khai trương là Qasr Al Hokm do công ty nổi tiếng của Na Uy Snøhetta thiết kế — với mái che bằng thép không gỉ ấn tượng vừa cung cấp bóng mát vừa dẫn ánh sáng tự nhiên vào không gian nội thất rộng lớn.
Châu Âu tiếp tục mở rộng giới hạn trong xây dựng bằng gỗ, khi Pháp hiện yêu cầu tất cả các công trình công cộng mới phải sử dụng ít nhất 50% gỗ. Trong khi đó, Luxembourg sắp chào đón một trong những tòa nhà gỗ lai lớn nhất châu lục: Trung tâm Kinh doanh Skypark. Với diện tích sàn hơn 844.000 bộ vuông, tòa nhà được xây dựng bằng hơn 542.000 bộ khối gỗ – đủ để lấp đầy 6 bể bơi Olympic – trong khi mặt tiền bằng đồng được làm từ 80% kim loại tái chế.
Với các cạnh bo tròn mềm mại, hình dáng độc đáo của tòa nhà có thể được hiểu như hai dải so le, uốn lượn giao thoa nhau dọc theo khu đất. Các điểm giao nhau tạo ra một loạt các sân trong và không gian mái, đảm bảo rằng các cư dân không bao giờ cách xa hơn 50 mét so với một sân thượng xanh.
Tòa nhà, giai đoạn đầu tiên sẽ hoàn thành vào tháng Hai, chủ yếu bao gồm không gian văn phòng, ngoài ra còn có cửa hàng và khách sạn. Tuy nhiên, các sân trong ở tầng trệt sẽ mở cửa cho người đi qua, và những người yêu thích máy bay, khi có thể tận hưởng tầm nhìn ra sân bay Luxembourg bên cạnh.
Gần chín năm qua, công ty của cố kiến trúc sư Zaha Hadid vẫn tiếp tục di sản của bà, tạo ra hàng chục thiết kế mới mang tinh thần và phong cách của người được mệnh danh là “Nữ hoàng của những đường cong”. Tuy nhiên, Cầu Danjiang ở Đài Loan, được công bố vào năm 2015 — một năm trước khi Hadid qua đời, sẽ là một trong những dự án cuối cùng mà bà đích thân giám sát.
Công trình dài 3.018 feet sẽ kết nối bốn tuyến đường cao tốc lớn bắc qua cửa sông Tamsui, con sông chảy qua thủ đô Đài Bắc của Đài Loan. Cầu có thiết kế mảnh mai đáng ngạc nhiên, với toàn bộ kết cấu được nâng đỡ bởi một cột bê tông duy nhất (theo mô tả của dự án, cột này “giảm thiểu” tác động thị giác của cây cầu đối với môi trường xung quanh). Dẫu vậy, khi khánh thành vào cuối năm nay, đây sẽ trở thành cây cầu dây văng bất đối xứng dài nhất thế giới được chống đỡ bởi một cột duy nhất.
Thiết kế này là minh chứng cho phong cách độc đáo của Hadid: ngay cả khi chỉ có một cột trụ để thể hiện, các đường cong mềm mại và hình dáng uốn lượn của cầu vẫn mang đậm dấu ấn đặc trưng của bà.
MEN’S FOLIO, tạp chí quốc tế về thời trang và phong cách sống dành cho Quý Ông sành điệu, có bề dày hơn 25 năm kể từ ngày thành lập đầu tiên vào năm 1997 tại Singapore. Men’s Folio mang sứ mệnh quảng bá tài năng châu Á, cũng như xu hướng thời trang nổi bật nhất qua các mùa. Hiện ấn phẩm đã có mặt tại đa quốc gia, hoạt động mạnh mẽ ở các nước Đông Nam Á, và chính thức có mặt tại Việt Nam vào tháng 11/2020. Ấn phẩm Men’s Folio Vietnam hội tụ những bài viết tinh hoa, hình ảnh bắt mắt, giới thiệu những nhân vật danh tiếng của ngành công nghiệp thời trang và giải trí Việt Nam. Cùng cái nhìn tổng quan về xu hướng, thời trang và phong cách sống nổi bật nhất dành cho phái mạnh theo từng mùa/năm.
Copyright © 2024 Luxuo Media Vietnam. All Rights Reserved. Website Developed by Tony Toàn