“Cu li không bao giờ khóc ”: Thư tình gửi một thời vang bóng
Music & Film

“Cu li không bao giờ khóc ”: Thư tình gửi một thời vang bóng

Phim xoay quanh nhân vật bà Nguyện (NSND Minh Châu thủ vai), vừa trở về từ chuyến đi châu Âu để mai táng cho người chồng ngoại quốc. Mang theo hũ tro của chồng và con cu li ông để lại, bà đón nhận tin cháu gái lỡ có bầu với cậu bạn trai kém tuổi. Giữa bộn bề, rối ren, cuộc gặp gỡ với cậu nhân viên phòng trà đã đưa bà trở về thanh xuân và giải quyết những xung đột trong lòng. 

Cu li – hình ảnh giàu tính biểu tượng 

Tựa phim đã khơi gợi sự tò mò của khán giả ngay từ cái nhìn đầu tiên. Theo lý giải của Phạm Ngọc Lân, Cu li (coolie) là một từ mượn để nói về lao động cấp thấp trong xã hội xưa. Đạo diễn đặc biệt nghĩ về thế hệ đi xuất khẩu lao động theo diện DDR thuộc khối xã hội chủ nghĩa. Anh cũng muốn thông qua phim để kể về những thân phận nhỏ bé nhưng kiên cường, giàu đức hy sinh. 

Với đạo diễn Phạm Ngọc Lân, “cu li” không chỉ là một loài linh trưởng nhỏ sống ở rừng nhiệt đới, mà còn là biểu tượng cho những giá trị truyền thống dần bị lãng quên. Trong khi bà Nguyện nâng niu cu li, cô cháu gái coi nó như một con khỉ phiền phức. Hình ảnh con cu li, một loài vật nhỏ bé nhưng kiên cường, trở thành ẩn dụ sâu sắc về sự trường tồn của cuộc sống. Qua hình ảnh con cu li, đạo diễn muốn gửi gắm thông điệp về việc trân trọng quá khứ, về sự kết nối giữa con người và thiên nhiên.

Lá lông cu li còn là một loài cây có khả năng chữa lành vết thương. Cu li trong phim như người bạn tri âm và sợi dây gắn kết bà Nguyện với quá khứ, với ký ức tươi đẹp. Bản thân cu li cũng làm đạo diễn liên tưởng đôi mắt có chiều sâu của NSND Minh Châu, và cho anh cảm hứng khi phát triển tác phẩm.

Trong phim, ánh mắt trong veo của con cu li như một tấm gương phản chiếu tâm hồn của mỗi nhân vật, soi rọi vào những góc khuất sâu kín nhất. Qua đó, người xem thấy được những nỗi niềm, khát khao và cả những giới hạn của con người.

Câu chuyện dễ chạm, dễ đồng cảm 

Là phim nghệ thuật nhưng “Cu li không bao giờ khóc” truyền tải một câu chuyện nhỏ nhắn với thời lượng vừa vặn. Chuyện trong phim cũng là chuyện mọi nhà. Khoảng cách và xung đột thế hệ, nỗi cô đơn của tuổi già… được khắc họa chân thực và giản dị. Bà Nguyện, với nỗi đau chất chứa và sự cô đơn bao trùm, luôn lạc lõng giữa nhịp sống hiện đại. Nỗi ám ảnh quá khứ là câu chuyện của cả một thế hệ, đặc biệt là những người hồi hương sau thời gian xa xứ.

Bên cạnh đó, bộ phim còn khai thác câu chuyện của thế hệ trẻ, với trăn trở về hôn nhân và định hướng tương lai, áp lực guồng quay mà đại diện là cô cháu Vân (Hà Phương) và bạn trai, Quang (Xuân An). Với lối kể mộc mạc, tinh tế, đạo diễn đôi khi chêm một số tình huống dí dỏm và trào phúng để bày tỏ quan điểm về hạnh phúc và chủ nghĩa hiện sinh. 

Điểm nhấn của “Cu li không bao giờ khóc” nằm ở cách xây dựng mối quan hệ giữa các nhân vật. Họ thờ ơ với cuộc sống, khát khao thoát ly hiện thực và mải miết tìm kiếm cõi “thiên thai” xa vời vợi. Mỗi nhân vật đều mang trong mình những bí mật và nỗi niềm riêng, nhưng họ lại gắn kết với nhau bằng những sợi dây tình cảm vô hình. 

Mối quan hệ giữa bà Nguyện và cậu bồi bàn (Hoàng Hà) được khai thác ý nhị, dưới góc nhìn mới mẻ và nhân ái. Chuyến đi của hai người về đập thuỷ điện, cũng là nơi bà và người chồng quá cố nên duyên, đã giúp bà thay đổi nhận thức và tìm lại bản ngã. 

Hình ảnh người khuyết tật trong phim không hề mang màu sắc bi luỵ. Họ xuất hiện sống động, hoà nhập vào cuộc sống thường nhật, tạo nên bức tranh đa dạng và tính nhân văn của bộ phim. 

Với nhịp điệu chậm rãi và gam màu trắng đen trầm lắng, bộ phim đưa khán giả trở về những miền ký ức sâu thẳm. Mỗi khung hình khiến người xem thả trôi theo dòng cảm xúc, để lắng nghe tiếng lòng mình. 

Vẻ đẹp của thời-không 

Có thể nói, “Cu li không bao giờ khóc” hướng tới những giá trị truyền thống và văn hoá đang bị mai một. Thời gian trong phim không đơn thuần là thước đo sự thay đổi, mà còn là cầu nối giữa quá khứ và hiện tại, giữa các thế hệ. Qua hồi tưởng của bà Nguyện, cảm thức về thời đã xa là giai điệu tình ca Liên Xô cũ, bản nhạc tiền chiến đầy hào hùng, là công trình đập thuỷ điện nơi chứng kiến thời khắc đổi thay của dân tộc, là khi con người sống chân thành, sôi nổi và không vụ lợi… 

Các nhân vật trong phim gồm nhiều lứa tuổi như vòng đời con người. Phim nhắc ta về quy luật sinh lão bệnh tử, nhưng cũng khẳng định sức mạnh của tình yêu và hy vọng. Nỗi buồn trong phim vì thế mà lãng mạn tựa bài thơ. Đặc biệt là những góc máy tĩnh thu trọn mọi xúc cảm của nhân vật. 

Không gian cũng đóng vai trò quan trọng trong việc tạo nên vẻ đẹp của thời gian. Thành phố trong phim không được gọi tên cụ thể nhưng mang đậm dấu ấn Hà Nội. Khán giả không khỏi xôn xao với những con ngõ nhỏ, căn nhà cấp bốn ven sông Hồng, buổi sinh hoạt văn nghệ của tổ dân phố, phòng trà nơi hội người cao tuổi tụ tập, chuyến xe buýt, cho đến địa điểm xa hoa hơn như tiệm nhẫn, công trường đô thị, tàu điện Cát Linh… 

Với “Cu li không bao giờ khóc”, Phạm Ngọc Lân khẳng định tài năng kể chuyện bằng hình ảnh của mình. Qua ống kính của anh, khán giả như lạc vào thế giới hư thực, nơi quá khứ và hiện tại hòa quyện một cách tinh tế. Cảnh bà Nguyện thả trôi tro cốt chồng trên dòng sông cuồn cuộn, giữa thiên nhiên hùng vĩ, là minh chứng rõ nét, gợi lên bao suy tư về sự vô thường của cuộc đời. Tình yêu, thù hận rồi cũng thành tro bụi trước sự khắc nghiệt của thời gian. 

Việc buông bỏ quá khứ không đồng nghĩa với việc lãng quên nó. Bà Nguyện học cách chấp nhận sự mất mát và tìm thấy bình yên trong hiện tại. Tuy nhiên, những kỷ niệm đẹp vẫn luôn được bà trân trọng và lưu giữ.

Không ngoa khi nói “Cu li không bao giờ khóc” mang trong mình một “hơi thở điện ảnh”, gợi nhớ đến những tác phẩm kinh điển của các bậc thầy như Tarkovsky, Ozu hay Kurosawa, Hầu Hiếu Hiền, Apichatpong… Bộ phim không chỉ là sản phẩm của điện ảnh Việt Nam đương đại, mà còn là lời tri ân tới những thế hệ nghệ sĩ đi trước, những người đã góp phần xây dựng nên nền điện ảnh nước nhà.

Điều đặc biệt là mỗi diễn viên ngoài đời có mối quan hệ với NSND Minh Châu. NSƯT Thanh Hiền (vai bà thông gia) từng là bạn học cùng Khoá 2 khoa Diễn viên Điện ảnh, diễn viên Quốc Tuấn (vai Thủ trưởng cơ quan cũ) là đồng nghiệp ở Hãng phim truyện Việt Nam và nghệ sĩ Thương Tín (vai ông Sinh) là bạn của chồng bà lúc sinh thời. Bản thân diễn viên trẻ Hoàng Hà cũng có nhiêu duyên nợ với NSND Minh Châu khi cả hai chung các phim ngắn trước đây của Phạm Ngọc Lân. Vì vậy, những câu thoại như những lời tâm sự từ tận đáy lòng họ, khiến người xem không khỏi xúc động.

Là một phim phi cốt truyện, việc trực diện đi vào đời sống bà Nguyện, có thể khiến khán giả đại chúng lúc đầu chưa kịp nắm bắt hoàn cảnh và nhập tâm vào cảm xúc nhân vật. Một số tình tiết lan man, chưa được kết nối chặt chẽ. Bên cạnh đó, lời thoại và lời bình trong phim đôi khi còn gượng gạo, chưa tự nhiên. 

Dù vậy, với hơn 7 năm đầu tư nghiêm túc và tâm huyết của Phạm Ngọc Lân cùng cộng sự, “Cu li không bao giờ khóc” là một tác phẩm đáng để khám phá. Bộ phim một lần nữa khẳng định phong cách làm phim độc đáo của anh sau chùm phim ngắn “Chuyện mọi nhà”, “Thành phố khác”, “Một khu đất tốt”, “Giòng sông không nhìn thấy”

Tựu trung, “Cu li không bao giờ khóc” đã dẫn khán giả đi qua nhiều cung bậc cảm xúc, để rồi lắng đọng với thông điệp sâu sắc: cuộc sống là dòng chảy không ngừng, và sự chấp nhận là chiếc chìa khoá để mở ra cánh cửa tươi sáng hơn. Bộ phim khép lại nhưng dư âm vẫn còn đọng đó, gợi mở cho mỗi người những suy ngẫm về đời, về mình, về quá khứ, hiện tại và tương lai. 

Bài: Phạm Hằng
Ảnh: Tổng hợp
 

Related Article