“Hố sâu đói khát” phần 2 (The Platform) tuy ra mắt trên nền tảng thay vì chiếu rạp, song được đánh giá là một trong những bom tấn đình đám của Tây Ban Nha trong năm 2024.
Sau khi ra mắt vào năm 2019, “Hố sâu đói khát” tạo hiệu ứng tốt nhờ kịch bản mới lạ, cùng như chuỗi hình tượng ẩn dụ giàu tính nhân bản. Cũng vì thế mà từ khi mới bấm máy, phần hai của tác phẩm nhận nhiều sự quan tâm từ giới mộ điệu.
Truyện ngụ ngôn kinh dị về bậc thang xã hội
Ở phần đầu tiên, nam chính Goreng (Ivan Massagué thủ vai) bị lừa vào một nhà tù kỳ lạ. Nơi đây được thiết kế với dạng tháp, gồm 333 tầng, 666 tù nhân. Mỗi ngày, một bàn tiệc thịnh soạn sẽ được đưa từ tầng cao nhất đến tầng cuối cùng, đóng vai trò là nguồn lương thực duy nhất của các tù nhân. Như vậy, càng trên cao thì người tù càng được ăn uống như vua chúa, còn những kẻ thấp hơn chỉ biết ăn đồ thừa, có tầng thì đến cặn cũng không còn. Cuối phần một, Goreng quyết định “phá vỡ” quy tắc nơi đây khi tự dấn thân xuống tầng thấp nhất, đồng thời đưa một cô bé lên thang chuyền đến tầng trên cùng. .
Lần trở lại, biên kịch mang đến một góc nhìn khác về nhà tù này, với một loạt nhân vật mới mẻ hơn. Perempuan (Milena Smit) là nữ nghệ sĩ tự tìm đến nhà tù dọc để gột rửa tâm hồn, sau một bi kịch trong quá khứ. Bạn tù đầu tiên của Perempuan là Zamiatin (Hovik Keuchkerian), một gã hộ pháp có sở thích phóng hỏa.
Để bảo đảm khẩu phần ăn, một nhóm tù nhân đã lập nên đội trị an, gồm các “tông đồ” chuyên săn lùng và trừng phạt những kẻ tham ăn, ích kỷ. Luật lệ những tưởng sẽ tạo nên sự công bằng, rốt cuộc lại bị độc tài hóa bởi gã tông đồ cực đoan Dagin Babi (Óscar Jaenada). Perempuan và Zamiatin giờ đây không phải chỉ chống lại sự đói khát, mà còn cả sự man rợ từ chính con người.
Giống với phần trước, phim mượn chuyện nhà giam để đả kích mặt tối xã hội. 666 là con số của quỷ, còn các tù nhân là tội đồ bị nhốt dưới hỏa ngục. Kể cả trong chốn địa ngục đó, những người sống vẫn cố gắng phân tầng xã hội, cũng như đưa ra các luật lệ.
Nhiều khán giả từng thắc mắc tại sao các tù nhân không lập ra các quy tắc phân chia lương thực để cùng sinh tồn, thay vì hãm hại nhau. Lần này, đạo diễn Galder Gaztelu-Urrutia gửi gắm thông điệp rằng dù có quy tắc, bản chất con người vẫn rất khó lường. Rất khó để phân định giữa thực thi pháp luật và lạm quyền, độc tài hóa, khi mà nhân loại luôn đề cao cái tôi hơn là đoàn thể.
Sau khi đặt ra đức tin, nhà làm phim đập đổ niềm tin của hai nhân vật chính, khi họ phải chứng kiến nhiều điều tàn khốc xảy ra từ sau khi luật lệ được ban hành. Từ đây, nữ chính đứng giữa hai lần lanh mà kết cục nào cũng đều tệ như nhau: Hoặc ở lại và chấp nhận theo sự phán quyết của các tông đồ, hay vùng lên và đối mặt với những hiểm nguy không thể nào tưởng tượng được.
Cũng cần dành lời khen cho màn hóa thân lần này của Milena Smit. Tuyến vai của nữ diễn viên sinh năm 1996 thể hiện được sự phức tạp về nội tâm, tách biệt với hình mẫu nữ anh hùng thời đại mới rập khuôn ở Hollywood. Nhân vật có quá khứ không trong sạch, khi gặp nghịch cảnh cũng phải sử dụng mưu mô để sinh tồn. Cô cũng không hoàn hảo, có nhiều lúc yếu đuối, bỏ cuộc, phụ thuộc; mang đến cảm xúc chân thực cho người xem.
Các truyền đạt thông điệp rườm rà, khó hiểu
Các đoạn cắt hiện tại và tương lai quá khứ chồng chéo lên nhau, cùng những bản màu đỏ đặc trưng, tuy ấn tượng nhưng lại chói mắt và dễ mang đến cảm xúc mệt mỏi cho người xem. Còn nhớ ở phần một, kịch bản vẫn giàu giá trị nhân bản, nhưng cách diễn đạt lại mạch lạc, có điểm nhấn hơn. Ở phần phim này, tất cả như một mớ bòng bong, nhìn ngoài thì có vẻ kỳ bí đấy, nhưng bên trong lại quá xáo trộn và rời rạc.
Đóng vai trò là phần mở rộng cho thương hiệu, “Hố sâu đói khát” 2 không thành công trong việc cung cấp thêm thông tin cho người xem. Cả bộ phim là hàng loạt những lý thuyết có vẻ đao to búa lớn, song vẫn chưa giải quyết được hai câu hỏi cần thiết: Ai tạo ra nhà tù này, và họ làm thế nhằm mục đích gì. Tác phẩm thay vì trả lời các câu hỏi từ trước, lại đặt ra những nghi vấn mới, không tìm được điểm chạm trong lòng khán giả.
Phim còn tỏ ra kém cỏi trong việc xây dựng dàn nhân vật phụ. Đành rằng họ là những mảnh ghép cần thiết để bức tranh nhà tù 333 tầng đa chiều và sinh động hơn, tuy nhiên những gương mặt mới lại thiếu cá tính nếu so sánh với phần 1. Họ đến, nói vài câu thoại vĩ mô, rồi hết vai. Chúng ta không có cô gái điên mỗi ngày đi từ tầng trên đến tầng thấp nhất để tìm con, cũng không có lão già láu cá luôn trực chờ làm thịt nhân vật chính.
Kể cả tay phản diện Dagin Babi được giới thiệu là kẻ nguy hiểm, khó đối phó, thì thực ra cũng chỉ giỏi “võ mồm”. Nhà làm phim tỏ ra lúng túng trong việc khắc họa sự đáng sợ của kẻ này, cũng không làm nổi bật được những khủng hoảng tâm lý mà hắn gieo rắc lên nhân vật chính. Chẳng thế mà cái kết của gã cũng rất nhạt nhòa, nếu không muốn nói là hời hợt.
“Hố sâu đói khát”2 dù có kịch bản không quá tệ, tuy nhiên lại là một phần tiếp theo không thực sự cần thiết, cho một thương hiệu phim vốn đã rất nổi tiếng. Nhà làm phim đi loanh quanh không tìm thấy được bờ trong tác phẩm mới, để lại nhiều dấu chấm hỏi cho người xem, hơn là sự thỏa mãn. Kể cả khi thông điệp chính của bộ phim là con người sẽ luôn mắc kẹt vĩnh viễn trong những “nhà tù” của cuộc đời, kể cả khi các nhân vật sẽ không bao giờ tìm ra lối thoát, xin hãy tìm ra lối thoát cho người xem!