Drink-in: Những thức uống mang “hương vị” Sài Gòn sẽ có mùi vị thế nào?
LifestyleWine & Dine

Drink-in: Những thức uống mang “hương vị” Sài Gòn sẽ có mùi vị thế nào?

Miêu tả Sài Gòn không phải là điều dễ dàng. Nét đặc sắc của Sài Gòn có thể được cảm nhận qua những điều vụn vặt, nơi những con hẻm ta đi qua, những khu phố sầm uất… Nếu chúng ta có thể gói những nét độc đáo của Sài Gòn vào trong những ly thức uống thì liệu hương vị sẽ như thế nào? Chúng tôi đã tìm thấy phần nào đó câu trả lời cùng với Renaissance Riverside Saigon.

Herbal Blossom

Được thành lập bởi cộng đồng Hoa kiều từ thế kỷ 18, họ đã mang theo nhiều phong tục, tập quán và kiến thức y học cổ truyền. Khi dạo quanh các con phố trong khu Chợ Lớn, ta sẽ dễ dàng bắt gặp những cửa hàng thảo dược truyền thống vẫn tồn tại và phát triển, trở thành một phần không thể thiếu của đời sống và văn hóa nơi đây.

Một cửa hàng thảo dược truyền thống tại Chợ Lớn thường có một không gian nhỏ, nhưng đầy ắp các loại thảo mộc, rễ cây, hoa và quả khô được sắp xếp trong các kệ hoặc ngăn kéo gỗ. Mỗi loại thảo dược đều có công dụng riêng, từ chữa bệnh cảm cúm, đau nhức đến điều hòa khí huyết, cải thiện sức khỏe tổng thể. Kỷ tử, táo đỏ, cúc hoa, gừng, và nhân sâm ở đây thường được dùng để làm các loại dầu và thuốc ngâm, nhưng sẽ thế nào nếu những nguyên liệu này xuất hiện trong món cocktail?

Ohayo Saigon

Lịch sử giao thương giữa Nhật Bản và Việt Nam đã kéo dài hàng thế kỷ. Tuy vậy, cộng đồng người Nhật sinh sống và làm việc tại Việt Nam chỉ thực sự phát triển mạnh mẽ trong những thập kỷ gần đây đặc biệt là ở Sài Gòn, nhờ vào sự gia tăng đầu tư nước ngoài và các quỹ phát triển. Những nhà hàng, quán rượu nhỏ được mở ra xung quanh khu vực đường Thái Văn Lung, Lê Thánh Tôn và Phạm Viết Chánh, ban đầu chủ yếu để phục vụ cho cộng đồng người Nhật.

Qua thời gian, những con phố này đã trở thành địa điểm lý tưởng cho cả cộng đồng người Việt cũng như khách nước ngoài muốn trải nghiệm văn hóa và ẩm thực thuần Nhật tại Sài Gòn. Nơi đây cũng là chỗ mà ta dễ dàng tìm thấy nguyên liệu đặc trưng trong ẩm thực Nhật bản: wasabi. Vị cay nồng đặc trưng của wasabi rất hợp khi ăn kèm với sashimi, nhưng điều bất ngờ mà nó mang lại chính là cảm giác thú vị khi ta thêm vào thành phần của một ly cocktail, và biết cách cân bằng với vị ngọt phù hợp.

“Đá Me”

Được người Pháp trồng để tạo bóng mát cho những con đường ở Quận 1 theo hình thức quy hoạch ô bàn cờ, những cây me giờ đây đã trở thành một phần không thể thiếu trong vẻ đẹp của trung tâm của Sài Gòn. Mặc dù chưa được công nhận là nguyên liệu đặc trưng “quốc gia” trong ẩm thực Việt Nam, nhưng quả me đã khéo léo len lỏi vào nền ẩm thực của thành phố này qua món Đá Me. Đơn giản nhưng hấp dẫn khi được phục vụ trên vỉa hè, chuyên gia pha chế tại Renaissance đã thử nghiệm cách để nâng tầm món ăn vặt sau giờ học này thành một loại thức uống pha chế độc đáo dành cho người lớn đầy tinh tế.

“Nước Mía”

Việt Nam sản xuất 11 triệu tấn mía mỗi năm, trong đó 80% đến từ các tỉnh miền Nam. Tuy nhiên, hầu hết mọi người chỉ tiếp xúc với loại cây nhiệt đới này qua món Nước Mía. Mặc dù đối mặt với sự cạnh tranh từ các loại nước ngọt thời thượng, thức uống tươi mát và phần nào mang dấu ấn lịch sử văn hóa dân gian này vẫn được bán khắp Sài Gòn. Không có gì ngạc nhiên khi một số người đã lớn lên cùng Nước Mía giờ đây lại háo hức thử nghiệm hương vị đặc trưng của thời thơ ấu trong các loại thức uống pha chế dành cho người trưởng thành.

“Cà Phê Trứng”

Từ một sản phẩm khai thác trong thời kỳ thuộc địa đến một thức uống mang đậm bản sắc văn hóa, cà phê đã trải qua một chặng đường dài ở Việt Nam. Qua thời gian, các phong cách quán cà phê đã mở rộng, đón nhận nhiều xu hướng thẩm mỹ khác nhau, bao gồm cả những địa điểm thu hút giới trẻ và thân thiện với mạng xã hội. Sự đổi mới trong công thức cũng không ngừng thay đổi, với một số xu hướng như cà phê muối và cà phê trứng dần trở thành những món đặc trưng. Tất cả những yếu tố này đã được cân nhắc kỹ lưỡng khi sáng tạo ra món thức uống độc bản này.

“Bia Hơi”

Với mức tiêu thụ hơn 45 lít bia bình quân đầu người mỗi năm, người Việt có thói quen uống khá nhiều bia, dù là trên những chiếc ghế nhựa, trong các quán karaoke, billiards, câu lạc bộ đêm hay tại bàn ăn gia đình. Con số này càng ấn tượng hơn khi xét đến việc Việt Nam thậm chí không trồng một trong những nguyên liệu quan trọng của bia: hoa bia (hops). Dù là bia thủ công sang trọng, Saigon Special cổ điển, hay Bia Hơi truyền thống, tất cả hoa bia đều phải nhập khẩu. Các chuyên gia pha chế ở đây thậm chí còn sử dụng hoa bia để tạo ra hương vị và mùi thơm giống bia mà không cần qua quá trình ủ.

Ảnh: Tổng hợp
 

Related Article