Đạo diễn Trần Hữu Tấn có lặp lại chính mình với phim “Cám”?
LifestyleMusic & Film

Đạo diễn Trần Hữu Tấn có lặp lại chính mình với phim “Cám”?

Sau những dấu ấn của “Tết ở làng địa ngục” hay “Kẻ ăn hồn”, đạo diễn Trần Hữu Tấn sẽ trở lại với “Cám” sẽ chính thức ra rạp vào ngày 20/9/2024. Nhiều người hy vọng phim mới của nam đạo diễn có thể cải thiện các thiếu sót để hiện thực hóa mong muốn giúp phim kinh dị Việt sáng sủa hơn.

Những lần dậm chân và sự khởi sắc với “Kẻ ăn hồn”

Trần Hữu Tấn là một trong những đạo diễn Việt hiếm hoi chọn gắn mình với dòng phim kinh dị. Anh đã có cho mình 4 tác phẩm kinh dị chiếu rạp gồm “Bắc Kim Thang”, “Kẻ ăn hồn”, “Rừng thế mạng”, “Chuyện ma gần nhà” và gần đây nhất là “Kẻ ăn hồn”. Bên cạnh đó, nam đạo diễn cũng là người chỉ đạo của series phim truyền hình “Tết ở làng địa ngục”.

Những dự án đầu tay như “Bắc Kim Thang”, “Rừng thế mạng”, “Chuyện ma gần nhà” có thể nói là những sự dậm chân của đạo diễn Trần Hữu Tấn. Kịch bản của các phim đều có nhiều lỗ hổng, đạo diễn vẫn còn khá nhập nhằng trong lối kể chuyện giữa phim thương mại và nghệ thuật.

Năm 2019, “Bắc Kim Thang” được đánh giá là có đề tài hấp dẫn. Nhưng khi ra mắt, phim lại bị nhận xét là một vụ án trinh thám nội bộ gia tộc được “dặm thêm” một số cú hù dọa lỗi mốt.

Nếu “Bắc Kim Thang” bị rề rà thì “Rừng thế mạng” lại dùng quá ít thời lượng cho hành trình sinh tồn mặc dù đây là thể loại phim hướng tới. Phim thiếu cao trào, đến khi kết thúc nhiều khán giả vẫn còn hoang mang vì một số điểm trong phim chưa được giải đáp đến nơi đến chốn.

“Chuyện ma gần nhà” lại tạo được hiệu ứng truyền miệng tốt. Tuy nhiên, tác phẩm của đạo diễn Trần Hữu Tấn cũng vấp phải bình luận trái chiều gay gắt từ giới phê bình phim vì cách kể chuyện vụng về, cách xử lý đường dây câu chuyện thiếu sự xuyên suốt.

Chia sẻ với báo chí, anh cho rằng cái tôi cao của một đạo diễn, chưa biết lắng nghe cũng như hiểu được thị hiếu của khán giả xung quanh khiến cho cả 3 tác phẩm bị dậm chân tại chỗ, lặp lại thiếu sót.

Đến khi làm “Kẻ ăn hồn” và “Tết ở làng địa ngục”, đạo diễn Trần Hữu Tấn cho thấy mình đã có nhiều kinh nghiệm cũng như biết cách quan sát và lắng nghe khán giả nhiều hơn.

Ở lần tái xuất với “Tết ở làng địa ngục”, đạo diễn Trần Hữu Tấn gây bất ngờ với độ đầu tư chỉn chu, kỹ lưỡng trong từng khâu. Ngay từ những thước phim mở đầu, vô vàn đại cảnh hùng vĩ được bắt trọn vào khung hình, điểm thêm sự kỳ bí và liêu trai cổ xưa cho ngôi làng. Rút kinh nghiệm từ “Bắc Kim Thang”, nam đạo diễn tạo cảm giác rùng rợn ngay từ phần nhìn. Toàn bộ trang phục được sử dụng trong phim vừa tôn lên dấu ấn truyền thống, vừa hợp bối cảnh ma mị.

Song, kịch bản của series lại quá lỏng lẻo, thể hiện rõ sự quá sức của đạo diễn Trần Hữu Tấn khi đem một câu chuyện đồ sộ của nhà văn Thảo Trang chuyển thể thành phim. Tác phẩm sa vào vết xe đổ muôn thuở của vị đạo diễn là “đầu voi đuôi chuột”.

So với “Tết ở làng địa ngục”, phim điện ảnh “Kẻ ăn hồn” có diễn tiến mạch lạc, gọn gàng và dễ hiểu hơn. Phim biết cách làm khán giả sợ hãi thông qua những cảnh máu me được tạo nên nhờ kỹ thuật hoá trang cùng với âm thanh có âm lượng to, được “điểm xuyết” bằng những chi tiết đắt giá như đom đóm câu hồn, đò chở vong và mồ hôi máu.

Đạo diễn Trần Hữu Tấn  cũng khắc phục được vấn đề lạm dụng tông màu nóng, thành công trong việc lôi cuốn người xem vào câu chuyện thông qua việc sử dụng các cảnh quay ấn tượng về sự hùng vĩ của núi rừng Đông Bắc.

Tự nhận xét về “Kẻ ăn hồn”, đạo diễn Trần Hữu Tấn cho rằng đây là tác phẩm hài lòng nhất tới thời điểm hiện tại bởi bản thân đã khắc phục được những thiếu sót của mình ở 4 tác phẩm trước. Bộ phim cũng trở thành một tín hiệu vui, một nguồn động lực lớn để anh tiếp tục cống hiến cho khán giả.

Những tưởng đây sẽ trở thành tác phẩm tròn vị nhất của Trần Hữu Tấn thì khâu diễn xuất của phim lại khiến trải nghiệm của khán giả giảm sút. Đóng cùng Hoàng Hà, Võ Điền Gia Huy chênh lệch về khả năng biểu cảm lẫn đài từ. Ở một số đoạn nhân vật bộc lộ nội tâm, đối diện trước biến cố, diễn viên 26 tuổi chưa đẩy được tâm lý lên cao trào, ánh mắt thiếu sinh động.

Tác phẩm cũng bị mất cân đối về mặt kịch bản. Mở đầu của phim có phần dài dòng, trong khi phần cuối diễn biến nhanh chóng. Đáng tiếc là thời lượng dành cho nhân vật Thập Nương (Lan Phương) quá ít, và các cảnh kinh dị liên quan đến nhân vật này cũng bị giới hạn, làm giảm đi sự “nặng đô” của một bộ phim kinh dị.

Tóm lại, trong hai tác phẩm năm 2023, đạo diễn Trần Hữu Tấn đã cho thấy sự lắng nghe của mình đối với khán giả và giới phê bình. Song, nhược điểm lớn nhất của vị đạo diễn là cách kể chuyện, tạo điểm nhấn cho các tình tiết và việc cân đối thời lượng vẫn chưa được khắc phục.

Kỳ vọng vào một cú bật tròn trịa

Các nhà làm phim Việt đang có xu hướng sử dụng chất liệu văn hóa dân gian trong tác phẩm của mình. Từ nay đến cuối năm, có ít nhất 4 phim mang màu sắc kinh dị, tâm linh sẽ ra mắt, trong đó có “Cám” của đạo diễn Trần Hữu Tấn. Bên cạnh đó còn có “Ma da” của đạo diễn Nguyễn Hữu Hoàng, “Làm giàu với ma” của đạo diễn Nguyễn Nhật Trung và “Linh Miêu” của đạo diễn Lưu Thành Luân dự kiến khởi chiếu vào 22/11.

“Cám” của đạo diễn Trần Hữu Tấn tiếp tục phát huy thế mạnh của đoàn phim trong việc khai thác các yếu tố văn hóa dân gian để tạo nên một tác phẩm kinh dị độc đáo, mang đậm bản sắc hóa. Ekip cũng tiết lộ đây sẽ là phim kinh dị được đầu tư lớn nhất trong lịch sử điện ảnh Việt, có chiến lược phát hành dài hơi, tốn tổng cộng 3 năm để nghiên cứu và sản xuất.

Điều khiến khán giả kỳ vọng nhất là khâu nội dung. Tấm Cám vốn là câu chuyện cổ tích quen thuộc được yêu thích với mọi lứa tuổi khán giả ở Việt Nam. Việc đưa lên màn ảnh dị bản kinh dị đẫm máu từ câu truyện cổ tích này được đánh giá là mới lạ, hấp dẫn.

Với “Cám”, người xem cũng hy vọng được chứng kiến một lối kể chuyện mới mẻ hơn, các thủ pháp nghệ thuật cũng được vận dụng chắc tay hơn. Thời lượng phân bổ hợp lý hơn, tránh “đầu voi đuôi chuột” hoặc phần đầu lan man còn phần đuôi dồn dập.

“Cám” được kỳ vọng sẽ trở thành một tác phẩm kinh dị tròn trịa, vụt sáng phòng vé những tháng cuối năm. Sự cầu thị của các đạo diễn Trần Hữu Tấn nói riêng và các đạo diễn phim kinh dị Việt nói chung cũng giúp củng cố một niềm tin về một tương lai tươi sáng hơn cho dòng phim phải chịu nhiều thành kiến này ở Việt Nam.

Ảnh: Tổng hợp
Bài: Ngân Anh
 

Related Article