Làn sóng trẻ của điện ảnh Việt
LifestyleMusic & Film

Làn sóng trẻ của điện ảnh Việt

Tương lai của điện ảnh Việt Nam đang được viết nên bởi những đạo diễn trẻ tài năng. Họ không chỉ mang đến những bộ phim hay mà còn tạo ra một làn sóng mới cho điện ảnh nước nhà.

Điện ảnh Việt Nam đang trải qua một giai đoạn phát triển mạnh mẽ với sự góp sức không nhỏ của thế hệ đạo diễn trẻ. Những cái tên như Trần Thanh Huy, Phạm Ngọc Lân, Phạm Thiên Ân, Hà Lệ Diễm đã tạo nên những dấu ấn đậm nét, không chỉ ở thị trường trong nước mà còn trên trường quốc tế. Dù là những đạo diễn trẻ, nhưng họ đã khẳng định được vị thế và tài năng của mình tại bộ môn nghệ thuật này. Với những thành tích đó, họ cũng trở thành những tấm gương sáng, truyền cảm hứng cho thế hệ làm phim trẻ và góp phần đưa điện ảnh Việt Nam vươn xa hơn nữa.

Trần Thanh Huy

Đạo diễn Trần Thanh Huy là một gương mặt tiêu biểu trong thế hệ đạo diễn trẻ, mang lại làn gió mới cho điện ảnh Việt Nam. Dù không xuất thân từ một gia đình có truyền thống nghệ thuật, Huy đã dành trọn tình yêu và niềm đam mê lớn lao cho điện ảnh, luôn theo đuổi sự hoàn thiện trong từng tác phẩm của mình. Bộ phim đầu tay của anh, “Ròm”, đã trải qua quá trình chỉnh sửa đến 27 lần, cho thấy sự tỉ mỉ và cẩn trọng của anh trong công việc. Nỗ lực này đã được đền đáp bằng giải thưởng “Làn sóng mới” tại Liên hoan phim quốc tế Busan 2019. Không dừng lại ở đó, trong hai năm 2020 và 2021, “Ròm” tiếp tục gặt hái thành công với hai giải thưởng: “Phim điện ảnh đầu tay xuất sắc nhất” tại Liên hoan phim quốc tế Fantasia và “Phim được yêu thích nhất” tại Lễ trao giải Mai Vàng.

Đạo diễn Trần Thanh Huy (phải) và nam chính phim “Ròm” (trái) – cũng là em trai của anh

“Ròm” là kết quả của 6 năm làm việc miệt mài, trong đó có 3 năm tập trung sản xuất của ekip. Bộ phim dựa trên ý tưởng về cuộc sống bấp bênh của những đứa trẻ đường phố làm nghề “cò đề” và bán vé dò. Ý tưởng này được đạo diễn Trần Thanh Huy phát triển từ phim ngắn tốt nghiệp “16:30” – tác phẩm đoạt giải Cánh diều vàng năm 2012 và được trình chiếu tại Liên hoan phim Cannes 2013. Việc chuyển thể từ “16:30” thành một phim điện ảnh dài hơi như “Ròm” là một hành trình gian nan, đòi hỏi sự kiên trì và nỗ lực không ngừng từ vị đạo diễn và đội ngũ của anh.

Trần Thanh Huy nhấn mạnh rằng kiên trì và ý chí là yếu tố quan trọng nhất để tạo ra một tác phẩm đặc biệt. Đối với anh, điện ảnh đến như một cái duyên, nơi anh tìm thấy sự đồng điệu về cảm xúc và sự thỏa mãn trong sáng tạo. Anh chia sẻ rằng “nghề chọn người”. Thông qua những khóa học làm phim, anh dần khám phá được niềm vui và mong muốn sáng tạo thêm nhiều bộ phim khác. Nam đạo diễn cũng cho rằng sự rung cảm cá nhân đối với cuộc đời là điều không thể thiếu, nó giúp anh luôn duy trì được nguồn cảm hứng và sáng tạo.

Sau thành công của “Ròm”, nam đạo diễn chuẩn bị cho tác phẩm chiếu rạp thứ hai cũng như ra mắt series trực tuyến “Đi về phía lửa” – một dự án mang tính thương mại xoay quanh cuộc sống của những người lính cứu hỏa. Bộ phim này nhận được nhiều đánh giá tích cực về kịch bản, hình ảnh và cách xây dựng nhân vật, khẳng định tài năng và sự tiến bộ của Trần Thanh Huy khi theo đuổi điện ảnh.

Phạm Thiên Ân

Cũng giống Trần Thanh Huy, Phạm Thiên Ân là một đạo diễn độc lập. Nhắc đến anh, người ta nhắc tới hành trình từ những thước phim đám cưới tới chiến thắng bất ngờ tại LHP Cannes. 

Câu chuyện của Phạm Thiên Ân như một lời khẳng định: Đam mê không có giới hạn, và khi ta dám theo đuổi ước mơ, những điều kỳ diệu sẽ đến.

Để nuôi sống đam mê, đạo diễn Phạm Thiên Ân làm nghề quay video đám cưới, vợ anh làm trang trí tiệc. Thời gian đầu sang Mỹ sinh sống, gia đình khuyên Phạm Thiên Ân học một số nghề khắc để ổn định kế sinh nhai. Thời gian đó, đạo diễn trẻ như được “tỉnh thức”. Anh bắt đầu lục lại những giá trị cốt lõi, sâu xa nhất trong mình và tự đặt rất nhiều câu hỏi: Mình sống vì cái gì, đức tin của mình có ý nghĩa ra sao, điều gì trong cuộc đời này mới thật sự quan trọng…? Và rồi, chính những trăn trở ấy đã trở thành chất liệu nuôi dưỡng tâm hồn nhân vật Thiện trong “Bên trong vỏ kén vàng”, bộ phim đã tạo nên tiếng vang lớn cho điện ảnh Việt Nam khi thắng giải Camera d’Or tại LHP Cannes 2023. 

Tác phẩm đầu tiên mang đi quốc tế của anh là phim ngắn “Câm lặng” tại LHP ngắn quốc tế Palm Spring (Mỹ). Và sau đó một năm – 2019, anh lần đầu tiên đến LHP Cannes tại Pháp với phim ngắn “Hãy tỉnh thức và sẵn sàng” – tiền thân của tác phẩm “Bên trong vỏ kén vàng”. 

Tự nhận mình là một người vui vẻ, nhanh nhẹn nhưng anh lại thích làm phim buồn và chậm. Các tác phẩm gần đây của Phạm Thiên Ân đều chứa đựng những triết lý tôn giáo. Với anh, điện ảnh là ơn gọi, là tiếng nói từ tâm tưởng. 

Đạo diễn Trần Anh Hùng – một trong những người anh lớn của điện ảnh Việt Nam nhận xét phim của Phạm Thiên Ân “đạt được một độ bí ẩn và thiêng liêng rất hiếm trong điện ảnh”. Lợi thế của đạo diễn trẻ là khả năng dàn cảnh mà nói như đạo diễn Trần Anh Hùng rằng “có khả năng dàn cảnh là có hết, để ngôn ngữ điện ảnh được thể hiện một cách lộng lẫy”.

Phạm Ngọc Lân

Đầu năm 2024, bộ phim “Cu li không bao giờ khóc” của đạo diễn Phạm Ngọc Lân được Liên hoan phim Berlin, một trong những liên hoan phim quốc tế lâu đời nhất thế giới, trao giải phim dài đầu tay xuất sắc nhất. Tin vui này nối dài tiếp chiến thắng của những vị đạo diễn trẻ Việt Nam, củng cố vị thế của chúng ta trên bản đồ thế giới. 

Phạm Ngọc Lân được nhiều LHP săn đón kể từ những bộ phim đầu tay của mình. 

Tên tuổi Phạm Ngọc Lân không xa lạ với những người quan tâm đến điện ảnh độc lập nước nhà. Trước khi gây ấn tượng mạnh với phim dài đầu tay, Phạm Ngọc Lân cũng có nhiều năm miệt mài với các phim ngắn mang tính thể nghiệm độc đáo: “Chuyện mọi nhà” (2012), “Một thành phố khác” (2016), “Một khu đất tốt” (2019) và “Dòng sông không nhìn thấy” (2020) đều gây ấn tượng mạnh và giành nhiều giải tại các LHP lớn trên thế giới. Đặc biệt ngay ở phim ngắn thứ hai “Một thành phố khác”, đạo diễn Phạm Ngọc Lân đã được các LHP quốc tế chào đón nồng hậu. Nam đạo diễn đã nhiều lần chứng minh tài năng của mình và từng được tranh giải ở hạng mục phim ngắn của LHP Berlin 2019 với dự án “Một khu đất tốt”.

Phim của Phạm Ngọc Lân mang màu sắc hiện đại và toát lên sự khác biệt. Cách xử lý về việc kể chuyện, về không gian, thời gian và diễn xuất của anh rất hiếm thấy ở phim Việt. Nói như đạo diễn Phan Đăng Di, phim của Phạm Ngọc Lân “thuộc vào dòng chảy những tác phẩm đặt mục tiêu và có khát khao đổi mới ngôn ngữ điện ảnh, đồng thời cũng mang một cảm thức hài hước và u buồn rất hiện đại”. Đó cũng là lý do việc “Cu li không bao giờ khóc” được trình chiếu tại hạng mục Panorama (Toàn cảnh) của LHP Berlin lại khiến giới mộ điệu vỡ òa đến thế. Bởi nó cho thấy một tư duy phá vỡ lối mòn của đạo diễn Phạm Ngọc Lân được công nhân. Vẫn là câu chuyện quen thuộc về số phận người phụ nữ trong xã hội đương đại, nhưng cách nhìn nhận lại hoàn toàn mới mẻ.

Với người hâm mộ loại hình nghệ thuật thứ 7 tại Việt Nam, đạo diễn Phạm Ngọc Lân là một trong những người trẻ dũng cảm, dám thử, dám đổi mới để lấp đầy một số khoảng trống giữa cách thức làm phim thương mại và phim nhà nước.

Hà Lệ Diễm

Năm 2023 là một năm rực rỡ của điện ảnh Việt. Bên cạnh thành công của những đạo diễn làm phim thương mại trong nước, có một thế hệ đạo diễn trẻ đang ngày đêm say mê sáng tạo để đưa những đứa con tinh thần của mình ra thế giới. Họ kể những câu chuyện mang đậm bản sắc Việt Nam với khán giả quốc tế và đạt được những sự ghi nhận nhất định. Nói về giai đoạn đó, không thể không nói tới phim tài liệu “Những đứa trẻ trong sương” của đạo diễn Hà Lệ Diễm. 

Đạo diễn Hà Lệ Diễm là một nữ đạo diễn phim độc lập gây tiếng vang khi tác phẩm đầu tay lọt vào top 15  danh sách rút gọn đề cử giải thưởng Oscar.

Tác phẩm lọt vào top 15 danh sách rút gọn đề cử giải thưởng Oscar và 12 giải thưởng danh giá tại các LHP trong nước và quốc tế. Từng là một phóng viên, nữ đạo diễn nhận ra tính chất nhanh chóng, tốc độ của nghề báo đã khiến cô cảm thấy không thể thỏa mãn đam mê kể chuyện của mình, bởi cô không đủ thời gian để đầu tư cho nhân vật. Sau này khi bén duyên điện ảnh, cô gái trẻ mặc sực kể chuyện với chiếc máy quay trong tay. 

Trở thành một nhà làm phim tài liệu độc lập, cô đã lường trước được những khó khăn mà không phải ai cũng dám đối diện. Thế nhưng thành công của đứa con đầu lòng “Con Đi Trường Học” khi đạt Cánh diều bạc năm 2013 (Không có Cánh diều vàng), đã thôi thúc và trở thành bệ phóng giúp Hà Lệ Diễm tiếp tục theo đuổi hành trình làm phim tài liệu đầy thử thách. Và bằng tài năng của mình, Hà Lệ Diễm đã đưa những câu chuyện rất Việt Nam đến với thế giới thông qua “Những đứa trẻ trong sương”. Một mình một máy, bộ phim thành hình sau hơn 3 tháng nữ đạo diễn sống cùng gia đình Di, nhân vật chính trong bộ phim tài liệu. Phim khiến khán giả ngất ngây với vẻ đẹp của núi rừng Tây Bắc và cuộc sống dù thiếu thốn nhưng vẫn mộng mơ như chốn tiên cảnh của người dân nơi đây. 

Nhìn lại hành trình của Hà Lệ Diễm, khán giả nể phục một cô nàng dân tộc nhỏ bé nhưng đầy bản lĩnh và kỳ vọng vào những sáng tạo, cống hiến của cô cho điện ảnh nước nhà trong tương lai. 

Ảnh: Tổng hợp
Bài: Ngân Anh 
 

Related Article