Ngày 17/7, “gã khổng lồ” thời trang đường phố Supreme đã bán cho EssilorLuxottica với giá 1,5 tỷ USD. Con số này ít hơn 6 triệu USD so với số tiền mà chủ sở hữu trước đó là VF Corporation đã trả cho Supreme vào năm 2020.
Trong thông cáo báo chí được công bố trước đó, tập đoàn EssilorLuxottica đã mua lại Supreme. Francesco Milleri và Paul du Saillant – Chủ tịch/Tổng giám đốc điều hành và Phó tổng giám đốc điều hành – đã khẳng định rằng họ sẽ nỗ lực để bảo tồn bản sắc thương hiệu cùng phương pháp tiếp cận thương mại hoàn toàn trực tiếp và trải nghiệm khách hàng dành cho thời đại mới của Supreme.
Việc đầu tư vào thương hiệu Supreme có là “bài toán” may rủi?
Việc vực dậy lại Supreme vẫn luôn là một dấu chấm hỏi khá lớn. Khi trong suốt nhiều năm qua, giá trị văn hóa của thương hiệu đã giảm sút, ngay cả trong bối cảnh thương hiệu đang phát triển theo kiểu mở rộng mạnh mẽ đến các thị trường khác nhau. Trong bốn năm qua, Supreme đã mở gần như nhiều cửa hàng mới trong hai thập kỷ đầu tiên. Bất chấp sự thúc đẩy này, các sản phẩm của Supreme không còn bán chạy như trước nữa.
Điều đó không hẳn là một dấu hiệu xấu cho thương hiệu, bởi Supreme vẫn có một số đông người hâm mộ từ trước đến nay cùng những sự kết hợp độc đáo cùng các thương hiệu nổi tiếng để tung ra bộ sưu tập theo mùa. Và, nhãn hàng có thể sản xuất tiếp các dòng sản phẩm phiên bản giới hạn cùng số lượng nhiều hơn để đáp ứng nhu cầu ở các cửa hàng mở rộng, mặc dù điều này không lý tưởng trong một ngành công nghiệp phụ thuộc vào tính độc quyền.
Hiện tại, điều đáng quan ngại nhất trước việc mua lại Supreme chính là các công ty đầu tư có thể biết cách xoay xở với nguồn vốn dồi dào cùng những hạng mục đầu tư vào branding, chiến dịch thời trang hay mở rộng nhiều cửa hàng mới, nhưng việc không biết rõ về văn hóa giới trẻ ở thời đại 2024 là một điều đáng quan ngại mà EssilorLuxottica cần phải nghiên cứu một cách kỹ lưỡng.
Bởi, các thương hiệu thời trang đường phố đang chứng kiến mức độ tương tác giảm đáng kể trên toàn cầu, mà xu hướng này đang ảnh hưởng đến các thương hiệu thời trang đường phố lớn hơn và mang tính doanh nghiệp hơn. Tất cả họ đều tiềm mọi cách để tiếp tục kiếm tiền từ các sản phẩm thời trang đường phố, nhưng không còn sự tăng trưởng nhanh chóng và đáng kể như giới đầu tư mong muốn, chắc chắn không tăng trưởng nhiều như các hãng trẻ hơn có nhiều cơ hội hơn để đạt được. Đây được xem như một công thức tốt cho sự ổn định, nhưng lại là tin xấu cho kỳ vọng tăng trưởng liên tục.
Thời của Supreme đã hết?
Trong bài viết của Highnosbiety từng nói về câu chuyện Supreme có thực sự “chết” trên chính ngai vàng của mình? Bởi, các sản phẩm của nhãn hàng thời trang đường phố không còn đủ sức hút đối với người hâm mộ, thậm chí họ còn có nguy cơ bị “soán ngôi” từ những thương hiệu đối thủ khác như Anti Social Social Club, Stüssy, Palace Skateboards…
Nhiều người hâm mộ cũng chia sẻ các bình luận trên diễn đàn, nhóm Discord, Instagram hoặc các video trên TikTok về sự suy yếu của đế chế thời trang đường phố Supreme trong những năm vừa qua. Cuối cùng, những lời đồn đoán về câu chuyện của Supreme có thể sẽ trở thành sự thật trong năm nay, nếu như hãng không thay đổi, vẫn giữ sự cứng nhắc khi sáng tạo nên các sản phẩm thời trang.
Trong lĩnh vực thời trang đường phố, cái “chết” không chỉ đề cập đến một thương hiệu không còn hoạt động, mà đơn giản chỉ muốn nói về một nhãn hàng đã mất đi sức ảnh hưởng văn hóa một thời đến những khách hàng, người hâm mộ. Một thương hiệu “chết” khi họ không còn đủ sức để tạo nên những xu hướng thời trang mới hoặc được cộng đồng đánh giá cao như những đối thủ của họ.
Supreme luôn được xem như một trong những ngôi sao từng sáng nhất của tập đoàn VF Corp, văn hóa thương hiệu được đánh giá cao hơn cả doanh số thực tế. Mặc dù, doanh thu của Supreme chưa đạt được như mục tiêu đặt ra là 600 triệu USD của VF Corp, nhưng tập đoàn cũng tin tưởng rằng sức hút của thương hiệu vẫn đủ lan tỏa đến cộng đồng yêu thời trang, để bù đắp khoản nợ mà họ phải trả khi mua Supreme với giá 2,1 tỷ USD vào năm 2020.
Tuy nhiên, nhìn vào thực tế Supreme đã không còn đủ sức hút với người hâm mộ như đối thủ Anti Social Social Club hiện được sở hữu bởi công ty quản lý thương hiệu của Martha Stewart. Anti Social Social Club không còn chất ngầu như nửa thập kỷ trước, nhưng đây là thương hiệu vẫn kiếm ra doanh số “khủng” và bán hết các sản phẩm thời trang chỉ trong thời gian ngắn.
Sự khác biệt rõ ràng khi Anti Social Social Club là một “sự thành công chớp nhoáng”. Trong khi đó, Supreme là một nét văn hóa đường phố những năm 1990. Nhưng, vấn đề là Supreme vẫn không có sự thay đổi nhiều kể từ thời điểm đó. Mặc dù, tính nhất quán và sự kiên định này cũng giúp Supreme thành công trong nhiều năm.
Thời gian đang thay đổi, kể cả khi Supreme không đổi. Trong thời đại 4.0, một thương hiệu thời trang phải liên tục cải tiến tư duy thiết kế hoặc “chết” và rõ ràng thương hiệu không có ý định cải tiến. Trong quá khứ, những bộ sưu tập hợp tác bình thường của hãng cũng được bán hết ngay lập tức.
Bộ sưu tập Xuân Hè 2023 của Supreme và The North Face không được khách hàng quan tâm hay quyết định chi tiêu mua sản phẩm dù đã ra mắt trong nhiều ngày. Trên thị trường kinh doanh sản phẩm cũ, các sản phẩm của thương hiệu không còn được giới trẻ khao khát, dù mức giá giảm chỉ dao động trong khoảng 100-500 USD, thấp hơn nhiều so với trước kia.
Trên SupremeCommunity, bảng xếp hạng sản phẩm hàng tuần từng thu hút hàng chục nghìn lượt bình chọn từ người hâm mộ, giờ đây con số chỉ dừng lại ở mức thấp nhất vài chục và cao nhất vài nghìn người. Trên thực tế, các thiết kế của thương hiệu không phải tệ hơn trước đây, nhưng việc giữ tư duy cũ khiến Supreme “chết dần” trên chính ngai vàng của mình. Thậm chí, các khách hàng trẻ thuộc thế hệ Gen Z coi thương hiệu là một sự già cỗi của thời trang đường phố.
Những màn hợp tác của Supreme với các nhãn hàng khác không còn là sự mong chờ, khao khát mà ở thời điểm hiện tại chúng hoàn toàn bị áp đảo bởi Palace Skateboards, thương hiệu tạo ra quá nhiều sự kết hợp ấn tượng trong năm 2022. Những đối thủ quá mạnh của thương hiệu còn có Stüssy – vua của streetwear – ở thời điểm hiện tại, vốn được săn đón bởi một cộng đồng lớn người dùng trên nền tảng TikTok và khách hàng yêu thời trang. Trong khi đó, Kith là một nhãn hiệu dễ dàng tiếp cận hơn so với Supreme, vẫn tiếp tục bán nhiều sản phẩm cho một tệp khách hàng quốc tế khổng lồ. Thậm chí, một vài thương hiệu nhỏ của Anh là Corteiz and Clints đang trên đà phát triển, có nguy cơ sẽ soán ngôi Supreme ở một tương lai không xa.
Tựu trung lại, Supreme vẫn là tên tuổi lớn với lượng khách hàng trung thành khổng lồ và vẫn bán được nhiều sản phẩm trong một năm. Một ngày nào đó, Supreme sẽ trở lại và vẫn là thương hiệu tuyệt vời nhất trên hành tinh, có thể là một sự hợp tác thứ hai với Louis Vuitton. Tuy nhiên ở thời điểm hiện tại, nhãn hiệu đã nhường ngôi vương cho các đối thủ khác, bởi không ai có thể đứng trên đỉnh mãi mãi.