Các anh tài mang kỷ nguyên vàng của điện ảnh Hồng Kông trở lại?
Music & FilmLifestyle

Các anh tài mang kỷ nguyên vàng của điện ảnh Hồng Kông trở lại?

Gặt hái doanh thu khả quan tại thị trường châu Á, “Cửu Long Thành Trại: Vây Thành” vụt sáng trở thành tựa phim Hoa ngữ nổi bật nhất hiện nay, báo hiệu những triển vọng của sự trở lại của “ông trùm” thể loại xã hội đen?

“Cửu Long Thành Trại: Vây Thành” (Twilight of the Warriors: Walled In)  theo báo chí đưa tin, đã nhận tràng pháo tay tán dương kéo dài 10 phút ở Cannes, trong buổi ra mắt thuộc hạng mục “Suất chiếu nửa đêm”, sau khi có màn trình diễn phòng vé khả quan tại quê nhà. Trước “Cửu Long Thành Trại: Vây Thành”, rạp phim tại Hồng Kông rất ảm đạm, tình trạng kéo dài từ những năm 2010s đến hiện tại, thậm chí tổng doanh thu 2023 là thấp nhất trong vòng 20 năm đổ lại, dù vẫn có phim vượt trội.

Vài năm gần đây, nhiều ngôi sao kỳ cựu Hồng Kông quay trở lại với hi vọng “cứu” nền công nghiệp nước này song không gây tiếng vang đủ lớn để cạnh tranh với các ngành công nghiệp điện ảnh quá mạnh (như Hàn, Trung, Đài…). Để tạo nên làn sóng mới cho doanh thu phòng vé, có lẽ “Cửu Long Thành Trại: Vây Thành” là bước tiến đáng ghi nhận.

Tác phẩm có nội dung xoay quanh cuộc báo thù đẫm máu giữa các phe cánh vốn từng là huynh đệ, chính vì ham mê quyền lực mà sẵn sàng thanh trừng lẫn nhau. Hệ quả không chỉ tồn tại ở thế hệ cha ông, mà con cháu cũng bị liên lụy. Mặc dù có nội dung phim theo lối truyền thông, băng đảng và phe cánh đấu đá lẫn nhau… song sức hút của phim nằm ở nhịp điệu và cách dàn dựng độc đáo của Trịnh Bảo Thụy. Lấy bối cảnh thành phố Cửu Long (đã bị phá hủy đầu những năm 90s), ekip làm phim đã nỗ lực xây dựng bối cảnh, thổi hồn vào các cảnh phim, mang đậm hơi thở thập niên 80s. Không chỉ thế, người xem được dịp chứng kiến một tác phẩm hành động hiếm hoi có mật độ bạo lực dày đặc từ đầu đến cuối. Mạch phim nhanh, nội dung dễ hiểu và ngập tràn yếu tố gợi nhớ quá khứ… đã giúp phim ghi điểm dễ dàng.

Không có ngôn ngữ điện ảnh độc đáo, nhưng việc Trịnh Bảo Thụy chọn dẫn dắt bộ phim theo lối cổ điển, chấm phá những nét tinh tế… cũng đủ làm người hâm mộ phim Hồng Kông dâng trào cảm xúc. Hơn nữa, yếu tố lịch sử gắn liền với “mảnh đất” có một không hai – Cửu Long thành trại, hẳn sẽ chạm đến nhiều khán giả đặc biệt đã từng có ký ức tại nơi mà từng được ví như “thành phố tội lỗi” lẫy lừng. Dù tàn bạo nhưng nghĩa tình, khốc liệt nhưng chân thực, chuyện phim cũ song cảm xúc mang thì luôn mới mẻ. Đó là cảm xúc nửa tiếc nuối quá khứ đau nhưng đẹp, nửa mong ngóng tương lai đầy hy vọng!

Cánh chim đầu đàn

Vào đầu những năm 2000s, đây được cho là phút vang bóng cuối cùng trước khi trồi sụt của phim ảnh Hồng Kông, các nhà sản xuất tầm cỡ đã muốn thực hiện dự án mang đậm tính sử thi với loạt tên tuổi lớn như Châu Nhuận Phát, Lưu Đức Hoa, Lương Triều Vỹ, Viên Vịnh Nghi… cùng dàn khách mời mang tầm quốc tế như James McAvoy, Nicolas Cage… Thế nhưng vì nhiều lý do mà cả hai đạo diễn Ngô Vũ Sâm và Đỗ Kỳ Phong đã rút lui khỏi dự án. Cần nhắc lại rằng, Đỗ Kỳ Phong là tên tuổi rất được các nhà tuyển phim quốc tế ưa thích, phim của ông giai đoạn đầu những năm 2000s liên tục được mời tham gia Cannes, Berlin và cả Venice. Dù chưa một lần thắng giải ở ba LHP hàng đầu nhưng họ Đỗ nổi tiếng với phong cách dàn dựng phim xã hội đen rất riêng biệt, không trộn lẫn. Ngô Vũ Sâm ngược lại, gây tiếng vang ở Bắc Mĩ và đã có một số phim Hollywood ở chất lượng coi được. Rõ ràng, dự án ban đầu trông rất hứa hẹn vì “gom” gần như toàn bộ ngôi sao phòng vé bấy giờ.

Sau khi Ngô Vũ Sâm và Đỗ Kỳ Phong rời đi, hãng phim Media Asia công bố dự án phim có tên “Dragon City” với Quách Tử Kiện đảm nhận vai trò đạo diễn và Chân Tử Đan đóng chính đồng thời chịu trách nhiệm chỉ đạo võ thuật cho phim. Thời điểm 2013, họ Quách vừa mới gây tiếng vang với “Journey to the West: Conquering the Demons” doanh thu lên đến 215 triệu USD tuy nhiên đây lại là tác phẩm gắn mác Trung Quốc do bỏ vốn 100%, vì vậy Media Asia thật sự kì vọng họ Quách có thể đẩy mạnh thị trường Hồng Kông với “Dragon City”. Nhưng rồi, Chân Tử Đan bận bịu với loạt dự án đến từ Hollywood còn Quách Tử Kiện cũng bận rộn làm phim mới nên dự án tiếp tục bị bỏ ngỏ. Chỉ sau khi Trịnh Bảo Thụy – một đạo diễn thế hệ tiếp nối họ Đỗ, vào cuộc, dự án mới “lăn bánh”.

247 năm làm nghề, là tổng khối lượng thâm niên các nam diễn viên gạo cội lẫn thế hệ trẻ có mặt trong “Cửu Long Thành Trại: Vây Thành”. Họ tất cả đều là những cái tên quen thuộc với lứa khán giả yêu phim Hoa ngữ những năm 90s thế kỷ trước, có thể nói đã hết chất liệu để khai thác, thậm chí có phần già cỗi và dần phai mờ theo dòng chảy phim ảnh Hồng Kông. Thế nhưng, bằng tâm huyết và nỗ lực, tác phẩm hành động có thời lượng hai giờ với vô vàn hình cảnh bắt mắt, dường như đã xoa dịu “cơn khát” được xem một tác phẩm “bom tấn” xứng tầm với nội lực phim ảnh xứ Cảng thơm. Cũng phải mất hơn 20 năm để dự án phim đi đến kết quả cuối cùng và gần 16 năm kể từ “Triangle” của Đỗ Kỳ Phong để một phim truyện Hồng Kông được mời tham gia LHP Cannes 2024.

Tuy thay đổi gần như toàn bộ dàn diễn viên, song có một cái tên gây bất ngờ là Cổ Thiên Lạc – người được mời vào dự án từ đầu năm 2000 trong vai nhóm tứ đại huynh đệ nhưng sau hơn 20 năm thì lại đảm nhận vai trò khác trong phim – Long Quyền Phong, tiền bối của Trần Lạc Quân. Đây là điểm cộng thú vị, bởi Cổ Thiên Lạc trong suốt 30 năm sự nghiệp luôn gắn bó với Ảnh đàn Hồng Kông, cùng nhau tạo ra một số phim ăn khách nhất nhì lịch sử đương đại bao gồm “Warriors of Future”, “Little Big Master”… Sau nhiều năm miệt mài lao động, họ Cổ cũng giành được Ảnh đế với “Paradox” và không có dấu hiệu “đuối sức” khi có hơn 10 dự án đang “xếp hàng” chờ!

Nhìn vào Cổ Thiên Lạc, có thể thấy điện ảnh Hồng Kông không nhiều gương mặt mới, chủ yếu vẫn là các diễn viên ngoài ngũ tuần nắm giữ các vai diễn, dự án trọng điểm. Những Quách Phú Thành, Hồng Kim Bảo, Lâm Phong của “Cửu Long Thành Trại: Vây Thành” hay Lương Triều Vỹ, Lưu Thanh Vân, Lâm Gia Đống, Tạ Đình Phong… của phim ảnh Hồng Kông nói chung đều sẽ có chỗ đứng vững chắc, bền bỉ, khó thay thế. Thế hệ trẻ hơn khá ít tiếng vang (đặc biệt được xướng tên trong hạng mục Gương mặt mới của giải Kim Tượng) chưa tỏa hào quang ngôi sao, nhan sắc thua xa thời đỉnh cao của Tứ đại thiên vương oanh tạc ngành giải trí Hồng Kông nhiều năm trước. Điều này có vẻ rất lạ khi Đài Loan và Trung Quốc liên tục có những gương mặt mới, không chỉ tài năng mà nhan sắc cũng gây thương nhớ. Người ta lo ngại rằng liệu giữ mãi các anh tài “cổ thụ” thì Hồng Kông có thể “khỏe mạnh” hoặc xa hơn là tạo nên làn sóng mới?

Gừng càng già càng cay, song thưởng thức mãi cũng sẽ tới lúc khán giả, người hâm mộ cần được “tưới mát” bằng những diễn viên trẻ đẹp, cùng phong cách làm phim mới mẻ. Không phủ nhận “Cửu Long Thành Trại: Vây Thành” là một phim xuất sắc, song nếu cứ mãi trình làng các phim tương tự, liệu khán giả có ngán ngẩm và vòng lặp thất bại có thể xảy ra? Điện ảnh Hoa ngữ có lượng người xem đông đảo, nhưng nhiều năm qua đã bị các LHP quốc tế… làm lơ cũng chỉ vì “không mới mẻ” hoặc chưa đủ “nội lực”. Làm đây, “Black Dog” của Trung Quốc đã thắng giải quan trọng Un Certain Regard, trong khi “A Sun” của Đài Loan lọt Top 15 Phim quốc tế hay nhất tại Oscar 2019! Những ví dụ này cho thấy phim Hoa ngữ đang chung sức “đấu” với sự trỗi dậy từ Hàn Quốc, Nhật Bản trong khi phim Hồng Kông vắng bóng.

Hứa hẹn phương Đông

Sau khi “Cửu Long Thành Trại: Vây Thành” chinh phục thị trường châu Á, chính phủ Hồng Kông nhân cơ hội này phát triển du lịch dựa trên những chất liệu sẵn có, trong đó  sử dụng các bối cảnh phim, cũng như một số địa điểm, chi tiết, vật dụng… trong phim để phác họa nên một Hồng Kông hiện tại, một trong những cách du lịch văn hóa khá hiệu quả và có thể lấp đầy tình yêu phim ảnh lẫn du lịch của các khán giả đủ mọi độ tuổi. Trước đây, vào thời điểm huy hoàng, các tác phẩm như “City of Glass” (1998) hay “Infernal Affairs” (2002) đã lôi kéo không ít người hâm mộ sang Hồng Kông thưởng ngoạn, góp phần thúc đẩy kinh tế nước này.

Thành công của “Cửu Long Thành Trại: Vây Thành” kéo theo kỳ vọng dành cho Trịnh Bảo Thụy, cũng như dàn diễn viên tham gia phim, trong đó có cả tác động đối với những dự án phim “bị bỏ quên” vì nhiều lý do. Trịnh Bảo Thụy từng tạo dấu ấn với “Limbo” – một phim neo noir ấn tượng, tuy nhiên tác phẩm này lại không được quảng bá rộng rãi như “Cửu Long Thành Trại: Vây Thành” nên vì vậy chưa được đón nhận một cách xứng tầm. “Cửu Long Thành Trại: Vây Thành” được mời đến Cannes phần lớn dựa vào thành tích phòng vé khá ổn áp của “Limbo” khi chiếu tại Pháp hồi tháng 9 năm 2021. Sẽ còn khá sớm để nói về dự án mới của Trịnh Bảo Thụy nhưng nếu anh trở lại với phong cách arthouse của “Limbo”, rất có thể cơ hội cạnh tranh giải thưởng quốc tế không bao xa.

“Cửu Long Thành Trại: Vây Thành” có thể tạo cảm hứng cho những dự án “đóng băng” mà nổi cộm nhất là “Sons of the Neon Night” và “Back to the Past” đều có sự góp mặt của Cổ Thiên Lạc. “Back to the Past” hoàn tất ghi hình vào 2019, từng tung trailer vào năm 2021 nhưng đến nay vẫn chưa có lịch phát hành. Kết hợp yếu tố sci-fi và lịch sử, được xem là thể loại “khó nhằn” với phim ảnh Hoa ngữ nói chung và châu Á nói riêng; “Sons of the Neon Night” ngược lại lấy đề tài tội phạm quen thuộc và do đạo diễn rất trẻ Mạch Tuấn Long thực hiện, song lại vướng những tranh cãi đáng tiếc dẫn tới việc phim “cất kho” suốt từ 2018 đến nay. Nguồn cơn bắt đầu từ việc nam chính Kim Thành Vũ và họ Mạch có nhiều mâu thuẫn suốt quá trình ghi hình, nhưng sự tình liên đới tới các những diễn viên cùng tham gia phim như Nhậm Hiền Tề hay Cổ Thiên Lạc… Nếu tác phẩm được biên tập lại, có thể “Sons of the Neon Night” sẽ tạo nên cú hích cho chính Mạch Tuấn Long, khi nhìn vào thành tích của bộ phim có chủ đề tương tự là “Cửu Long Thành Trại: Vây Thành”.

Sau hai năm chịu ảnh hưởng nặng nề từ Covid-19, phim ảnh Hoa ngữ đặc biệt là Hồng Kông đang gắng sức trở lại “đường đua” phòng vé bởi thị phần khán giả béo bở, với các phim đã hoàn thành và rất nhiều dự án được công bố 5 năm trở lại đây. Tất cả đều đang đặt kì vọng sẽ giúp Hồng Kông tạo nên bước ngoặt mới. Nó giống như cái kết của “Cửu Long Thành Trại: Vây Thành”, mặc dù thành phố trong ký ức bao thế hệ bị đập bỏ, “thay áo mới” nhưng sự thay đổi và tầm nhìn xa là điều cần thiết để phát triển, dựa trên nền tảng vững chắc mà phim ảnh xứ này tạo dựng.

Ảnh: Tổng hợp
 

Related Article