Lịch sử đằng sau những đôi giày sneakers biểu tượng

  • by Thai Khang Pham
  • May 14, 2024

Trải qua rất nhiều sự thay đổi, giày sneakers dần vượt ra khỏi giới hạn ban đầu. Từ một món đồ phục vụ cho các vận động viên thể thao, những đôi giày này đã trở nên phổ biến trên toàn thế giới và sử dụng cho nhiều đối tượng, nhu cầu khác nhau.

Những năm 1900

Sneaker xuất hiện từ thế kỷ 18, khi đôi giày Plimsolls lần đầu tiên được phát minh, tiền thân của đôi giày hiện đại. Plimsolls là mẫu giày đế cao su, sản xuất chuyên dụng để đi biển, vì thế phần đế của thiết kế này thường có 1 vạch nằm ngang lấy cảm hứng từ đường kẻ thường thấy ở trên thân các con tàu cho biết mực nước tối đa. 

Với phần đế cao su, đôi Plimsolls đem đến sự thoải mái và dễ dàng trong vận động khác hẳn với những đôi giày đế cứng phổ biến thời bấy giờ. 

1917 

Plimsoll vẫn là mẫu giày phổ biến của bộ phận giới trẻ trong suốt đầu những năm 1900. Mãi đến năm 1917, đôi giày Keds bắt đầu được sản xuất hàng loạt, lan tỏa ở khắp mọi nơi và đủ sức cạnh tranh với Splimsoll. Về cơ bản những đôi giày Keds khác biệt với thân vải và đế cao su với sự tiện dụng và thoải mái mà chúng mang lại.

Lúc bấy giờ, Henry Nelson Mckinney – nhân viên làm việc cho công ty quảng cáo N.W. Ayer & Son đã gọi những đôi giày của Keds bằng “sneaker” bởi thiết kế mềm, nhẹ của lớp đế cao su giúp người dùng di chuyển một cách êm ái. 

Đầu những năm 1920

Sau khi thành lập Công ty giày Converse vào năm 1908 tại Massachusetts bởi Marquis Mills, Converse đã giới thiệu đôi giày bóng rổ đầu tiên vào năm 1917. Chúng là tiền thân của giày Converse All-Star hiện đại hay Chuck Taylor All-Star.

Cái tên Chuck Taylor All-Star ra đời khi Chuck Taylor, một cầu thủ bóng rổ bán chuyên nghiệp người Mỹ gia nhập công ty giày cao su Converse và khuyên nên thay đổi thiết kế. Theo lời khuyên của Chuck Taylor, công ty đã giới thiệu một thiết kế mới của The Converse All-Star vào năm 1923. Thiết kế này đã cải thiện tính linh hoạt và chuyển động của mắt cá chân. 

Converse All-Star trở thành đôi giày thể thao đầu tiên được người nổi tiếng chứng thực trong lịch sử.

Đầu những năm 1930

adidas được sáng lập bởi Adolf Dassler. Năm 1924, anh trai của Adolf là Rudolf cùng nhau mở công ty, đặt tên là Dassler Brothers Shoe Factory. Mặc dù, Adolf Dassler đã tạo ra một mẫu giày chạy bộ hiện đại vào năm 1925. Nhưng, đến năm 1936, thiết kế của ông mới được đón nhận rộng rãi khi vận động viên Jesse Owens, đồng thời cũng là chủ nhân của tấm huy chương vàng Olympic, mang một đôi giày của Dassler trong các trận đấu của kỳ thế vận hội.

1940-1950

Năm 1949, Rudolf Dassler rời Dassler Brothers Shoe Factory, thành lập thương hiệu riêng với tên Ruda. Sau này, ông đổi tên thành Puma, vì Ruda không mang tính thể thao. Năm 1952, Rudolf sáng tạo nên chiếc ủng bóng đá có đinh vít được gọi là “Super Atom” với sự hợp tác của huấn luyện viên đội tuyển quốc gia Tây Đức Sepp Herberger. Ngoài ra, đôi giày bóng đá của Puma được các cầu thủ Tây Đức tín nhiệm đầu tiên trong trận đấu của mình.

Năm 1960

Năm 1964, Blue Ribbon Sports, công ty tiền thân của Nike ra đời tại Oregon được thành lập bởi Knight và sự trợ giúp từ huấn luyện viên Bill Bowerman. Những năm đầu tiên thành lập, Blue Ribbon Sports đã phát triển nhanh chóng nhờ vào việc kinh doanh sản phẩm giày của thương hiệu Onitsuka Tiger ở Mỹ. 

Vào năm 1966, Bill Bowerman thiết kế ra đôi TG-24 kết hợp cùng Onitsuka Tiger. Do thế Thế vận hội Mexico sắp diễn ra nên đôi giày được đổi tên thành Mexico vào 1967. Đến 1968, Mexico lại được thay đổi thành Aztec, sau đó cái tên này sớm bị adidas phản đối vì giống với tên đôi giày Azteca Gold của họ. Cuối cùng, Cortez chính là cái tên chính thức của mẫu giày này. 

Cuối những năm 1960 

Lịch sử giày Superstar của adidas bắt đầu từ sàn đấu và đường phố New York. Lần đầu ra mắt thị trường sau giải vô địch NBA 1969, cái tên Superstar nhanh chóng trở thành tên gọi chính thức của thiết kế này. Nhiều năm sau, Originals Superstar của adidas len lỏi vào thế giới hip-hop, chiếm trọn cảm tình từ huyền thoại nhạc rap Run D.M.C. và khởi xướng trào lưu hợp tác sáng tạo. Ngày nay, các vận động viên, nghệ sĩ và ngôi sao không ngừng cá nhân hóa những đôi giày mang tính biểu tượng của adidas.

Năm 1970

Năm 1971, Bill Bowerman và Knight đổi tên công ty Blue Ribbon Sports thành Nike Inc. lấy cảm hứng từ nữ thần chiến thắng của Hy Lạp. Họ quyết định giới thiệu dòng giày riêng có tên Nike Cortez. 

Tại triển lãm thương mại của Hiệp hội thể thao Quốc gia ở Chicago, Nike giới thiệu thêm ba mẫu giày The Marathon, Obori và Cortez. Sau khi đảm bảo sự chứng thực vận động viên chuyên nghiệp đầu tiên của họ với Steve Prefontaine, Nike cũng giới thiệu ký hiệu Swoosh cho các thiết kế giày của mình. 

Cuối những năm 1970

Vans Old Skool ra mắt vào năm 1977 là loại giày trượt patin được gọi bằng tên “Style 36”. Với ý tưởng tạo một thiết kế giày nối tiếp thành công của Vans Authentic, bằng những nét vẽ nguệch ngoạc, Paul Van Doren đã tạo ra một bản phác thảo mà ông gọi là dải jazz.

Ông Van Doren đã quyết định kết hợp đường sọc này vào thiết kế của mẫu giày mới. Vans Old Skool là mẫu giày Vans đầu tiên có sọc hai bên thân giày mang tính biểu tượng, trở thành dấu ấn không thể nhầm lẫn của thương hiệu. 

Đầu những năm 1980 

Thương hiệu New Balance phát hành đôi 990v1 vào năm 1982 và mẫu giày này nhanh chóng được biết đến với cả thiết kế lẫn mức giá cao, trở thành thiết kế giày chạy bộ đầu tiên có mức giá 100 USD.  

Năm 1984 

Air Jordan 1 được Nike thiết kế dành riêng cho Michael Jordan vào năm 1984. Đôi giày gồm hai màu chủ đạo là đen và đỏ, lấy cảm hứng từ màu áo đầu của Chicago Bulls. Một sự kiện đáng nhớ với thiết kế này đó là David Stern – Uỷ viên hội đồng NBA bác bỏ và không để mẫu giày xuất hiện trên sân đấu với lý do thiết kế không có màu trắng giống với đồng phục của đồng đội.

Tuy nhiên, Michael Jordan vẫn quyết định mang thiết kế giày lên sàn đấu, chấp nhận nộp khoản tiền phạt 5000 USD cho mỗi trận đấu. Quyết định của thương hiệu hoàn toàn đúng và đôi Air Jordan 1 nhanh chóng trở thành sản phẩm được khao khát nhất mọi thời đại, thúc đẩy doanh thu đạt đến con số 19 triệu USD và trở thành một cột mốc quan trọng trong lịch sử phát triển sneakers. 

Năm 1987

Nike Air Max là một dòng sản phẩm giày lần đầu tiên được phát hành bởi công ty Nike Inc vào năm 1987. Mẫu giày được thiết kế bởi Tinker Hatfield một người vốn ban đầu là kiến trúc sư thiết kế cửa hàng cho Nike, ông cũng là người đã thiết kế nhiều mẫu giày Air Jordan. Công nghệ Nike Air được sáng chế bởi một nhân viên có tên là M. Frank Rudy sử dụng lớp đệm Nike Air ở toàn bộ phần đế giày. Phần trên của giày được làm từ nylon và vải nỉ tổng hợp. 

Năm 1989

Năm 1989, mẫu giày The Pump của Reebok chính thức ra mắt và trở thành một trong những mẫu sneaker đột phá nhất trong lịch sử của thương hiệu. Với công nghệ bơm khí tiên tiến, Reebok Pump cho phép người mang tùy chỉnh độ ôm chân của giày, mang lại cảm giác thoải mái và vừa vặn hơn bao giờ hết. Mẫu giày này nhanh chóng trở thành biểu tượng trong giới sneaker và được các ngôi sao thể thao, nghệ sĩ ưa chuộng.

Năm 1990 

Suốt những thập niên trước, khách hàng đã quen thuộc với các kiểu giày sneakers có dây buộc và đến những năm 1990 của thế kỷ 20, Puma cho ra mắt mẫu giày không dây độc đáo có tên Puma Disc. Tiếp đó là sự ra đời của Reebok Shaqnosis và Puma Mostros hai thiết kế giày ấn tượng được lựa chọn bởi các biểu tượng thời trang lúc bấy giờ là Madonna.

Năm 2000

Thập niên 2000 đánh dấu sự biến tấu vượt bật của những đôi giày sneakers. Tư duy sáng tạo không ngừng của các nhà thiết kế giúp những đôi giày vốn chỉ dùng để chơi thể thao trở thành một món đồ thời trang thiết yếu.

Không chỉ phát triển ở khả năng mới lạ trên thiết kế, những đôi giày sneakers trong thời điểm này còn được trang bị nhiều công nghệ và các tính năng vật lí liên quan đến khí động học.

Sự hợp tác giữa Nike và Apple cho ra mắt Nike + vào năm 2006 khiến cho giới yêu giày có cái nhìn khác về những đôi giày sneaker. Sản phẩm không chỉ dừng lại ở một đôi giày hỗ trợ cho việc chạy bộ mà còn tích hợp những tính năng thông minh khác như kết nối với iPod, hiển thị thông tin sức khỏe người dùng.

Ngoài ra, vào năm 2005, Nike cũng mô phỏng các chuyển động của một đôi chân trần và vận dụng các tính chất về khí động học lên mẫu giày Nike Free độc đáo. 

Năm 2010

Từ những năm 2010 trở đi, giới mộ điệu được chứng kiến những đôi sneakers đắt tiền từ các bộ sưu tập thời trang xa xỉ. Những đôi giày trong thập niên này gần như hoàn hảo cả về công nghệ và tính thời trang. Sự đòi hỏi khắt khe đến từ người tiêu dùng buộc các hãng giày phải liên tục đổi mới và bắt kịp xu hướng để không trở nên lỗi thời.

Sự phát triển của những đôi sneakers ngày càng được cải tiến và vượt trội hơn đem đến cho người dùng trải nghiệm tuyệt vời nhất. Công nghệ Boost của adidas hay Air Max của Nike gần như là những công nghệ đế khó có thể thay thế. Sự hợp tác của Nike với Off-white và Travis Scott, Casablanca cùng New Balance hay gần đây nhất là thương hiệu thời trang cao cấp Dior đã liên tục khiến giá trị của ngành công nghiệp sneakers tăng trưởng và lan tỏa toàn thế giới. 

Năm 2015

Vào năm 2013, Kanye West đã ký hợp đồng độc quyền với adidas để tạo ra dòng sản phẩm mang tên Yeezy. Đây là một bước quan trọng để nam nghệ sĩ có thể thể hiện sự sáng tạo của mình trong lĩnh vực thời trang và giày dép. Yeezy Boost 350 là một trong những dòng sản phẩm đáng chú ý nhất của Yeezy. Được ra mắt lần đầu vào năm 2015, đôi giày này nhanh chóng thu hút sự chú ý của giới mộ điệu thời trang và người hâm mộ Kanye West. Thiết kế thấp, dây buộc và chất liệu Primeknit đã tạo nên một phong cách độc đáo và tạo được sự phân biệt cho Yeezy Boost 350.