Thương hiệu Ben & Tod mang “Cảm hứng Việt Nam” vào show diễn đầu tiên
NewsStyle

Thương hiệu Ben & Tod mang “Cảm hứng Việt Nam” vào show diễn đầu tiên

Buổi trình diễn thời trang “Cảm Hứng Việt Nam” của thương hiệu Ben & Tod mang đến 2 bộ sưu tập kết hợp cùng nhà thiết kế Hoàng Xuân Sơn và Hà Nhật Tiến, nhằm đề cao cá tính bản thân, mong muốn người trẻ Việt dám mạnh mẽ thể hiện chính mình.

Tối 14/12, sự kiện thời trang đầu tiên của thương hiệu Ben & Tod mang tên “Cảm hứng Việt Nam” diễn ra thành công với sự góp mặt của những nghệ sĩ tên tuổi, giới mộ điệu và đặc biệt là sự lấp đầy các hàng ghế từ những khách hàng. Show diễn của thương hiệu Việt được đầu tư quy mô, tập trung vào tính cốt lõi của một buổi trình diễn thời trang thực thụ. 

Sự kiện lần này của hãng ra mắt hai bộ sưu tập đặc biệt kết hợp cùng nhà thiết kế Hoàng Xuân Sơn và Hà Nhật Tiến. Cả hai nhà thiết kế Việt đều mang đến những tinh thần khác nhau thể hiện quá trình trưởng thành của người đàn ông Ben & Tod. Mỗi bộ sưu tập chính là góc nhìn của họ về cuộc sống.

Nếu như “Raise Your Voice” của Hà Nhật Tiến thể hiện tinh thần của những chàng trai trẻ, muốn nói lên khát khao, đam mê tuổi trẻ và khẳng định cá tính bản thân. Thì, bộ sưu tập “The Tran Dynasty” của Hoàng Xuân Sơn lại là hành trình của một người đàn ông ở độ tuổi trưởng thành, có sự chững chạc trong quyết định của chính mình cùng tình yêu dành cho nền văn hóa Việt Nam.

Sàn diễn thời trang đúng nghĩa

Sàn diễn chính là điểm ấn tượng với giới mộ điệu, khi thương hiệu Ben & Tod biết cách tạo nên sự giao hòa giữa 2 bộ sưu tập với tinh thần khác biệt cùng cách dàn dựng đúng chuẩn mô-tuýp những sàn runway quốc tế. Hàng ghế khán giả được xếp thành từng bậc vừa đủ để mỗi người có cảm nhận riêng về không gian và thiết kế trong buổi diễn.

Ngoài ra, để có sự kết nối giữa hai bộ sưu tập, màn hình chiếu được đặt giữa trung tâm để giới thiệu nhà thiết kế nào đang trình diễn bằng một sự tinh giản tối đa, để người xem tập trung vào tính cốt lõi của bộ sưu tập, tinh thần thời trang phải được đặt lên hàng đầu. Mặt sàn runway được trải thảm tráng gương, tạo hiệu ứng phản chiếu như cách chúng ta vẫn luôn nhìn thấy mình giữa xã hội rộng lớn ngoài kia. 

Sự kiện thời trang đầu tiên là dịp để Ben & Tod chứng minh cho thị trường và giới mộ điệu nhìn nhận một màu sắc rất khác, riêng biệt mà từ trước đến nay mọi người chưa từng nhìn thấy về thương hiệu, những thiết kế ứng dụng vẫn có thể được biến tấu để đưa lên một sàn diễn thời trang chuyên nghiệp. 

Với sự ra mắt hai bộ sưu tập “The Tran Dynasty”“Raise Your Voice”, nhãn hàng Việt tự tin rằng tính nghệ thuật, sự bứt phá về phong cách thời trang của nam giới sẽ được trung hòa, kết hợp với tính ứng dụng sẵn có để đáp ứng nhu cầu ăn mặc của người tiêu dùng ở thời đại mới.

Nhà thiết kế Hoàng Xuân Sơn với “The Tran Dynasty”

Ở bộ sưu tập đầu tiên “The Tran Dynasty”, nhà thiết kế Hoàng Xuân Sơn lấy cảm hứng từ những hoa văn thời trang Nhà Trần. Bởi, anh luôn mong muốn thế hệ trẻ được tiếp cận với kiến trúc, mỹ thuật của thời Trần, một cột mốc văn hóa rất hưng thịnh. Trong quá trình lên ý tưởng cho bộ sưu tập, nhà thiết kế cũng chú tâm đến những nét vẽ và cách tạo hình mộc mạc diễn tả cuộc sống hàng ngày hay những con thú được gọi là tứ linh có sự phân biệt rất rõ ràng trong hoàn cảnh xã hội ngày đó.

Các mô-tuýp trang trí trong thời nhà Trần có một sự kế thừa và phát triển những gì tinh hoa nhất của các thời kỳ trước để lại. Mặc dù không tập trung nhiều vào sự phá cách trên cấu trúc trang phục, nhưng bộ sưu tập lại sử dụng những hoa văn của thời nhà Trần vào từng thiết kế như cách đặt để họa tiết thêu trên áo dài, một bộ suit hay chiếc áo sơ mi có phom dáng thoải mái, phù hợp với tinh thần thời trang ứng dụng.

Gam màu cũng ưu tiên những sắc thái trung tính phù hợp với hình tượng một người đàn ông trưởng thành cùng cách nhấn nhá nổi bật bằng phụ kiện túi xách, khăn choàng cổ hay chiếc nút áo mạ vàng tựa như đám mây trong các tác phẩm của nghệ thuật của thời nhà Trần. 

Tính cá nhân trong “Raise Your Voice” của nhà thiết kế Hà Nhật Tiến

Nếu như nhà thiết kế Trần Xuân Sơn tôn vinh những giá trị văn hóa của người Việt, thì bộ sưu tập “Raise Your Voice” của Hà Nhật Tiến lại là cách để anh nói lên khát vọng, tiếng nói của người trẻ Việt. Bộ sưu tập không chỉ là những chiếc áo, mà còn là giọng nói mạnh mẽ của thế hệ trẻ, lời kể về những giấc mơ, niềm tin và ước vọng để xây dựng một nền thời trang mới. 

Sự khác biệt trong các thiết kế của Hà Nhật Tiến chính là cách anh cho mọi người thấy tầm nhìn của bản thân trong thời trang, luôn đi cùng thời đại. Qua rồi thời những người trẻ gò bó bản thân vào những bộ trang phục cơ bản, họ cần những điều giúp thể hiện cái tôi cá nhân. Hà Nhật Tiến đã đáp ứng được nhu cầu của thế hệ trẻ, khi các thiết kế của anh tập trung vào những phom dáng rộng thoải mái, không gò bó vào bất cứ quy tắc phối màu hay họa tiết nào, miễn sao thể hiện được cá tính người mặc. Màu cam có thể phối cùng xanh, nâu, beige, thậm chí trang phục lấp lánh ánh bạc hay bất kì họa tiết nào cũng có thể phối cùng nhau và phụ kiện chính là điều cuối cùng để bật lên tính cá nhân của mỗi người. 

Không dừng lại ở đó, Hà Nhật Tiến cũng mang đến cho người xem về cách mà giới trẻ nói lên tình yêu dành cho thương hiệu Ben & Tod thông qua cách đặt để logo của hãng ở bất cứ vị trí nào trên bộ trang phục. Tuy nhiên, không phải là việc xử lý cách trang trí họa tiết theo lối cũ, mà từ sự sáng tạo hoàn toàn mới. Ký tự đầu trong tên thương hiệu được biến tấu bằng nhiều mô-tuýp khác nhau từ cách sắp xếp trong khung, ngẫu hứng bất chợt trên chiếc áo sơ mi, khăn choàng cổ lụa hay đính kết thủ công với những mảnh kim loại tạo hình thành chữ B ấn tượng.

Một yếu tố cốt lõi của bộ sưu tập đến từ những hình ảnh cách điệu âm thanh sẽ được chuyển thành các chi tiết trang trí hoặc các đường rã và ghép thú vị trên sản phẩm để tạo điểm nhấn như cách mà thương hiệu muốn nhấn mạnh: “Đôi lúc chúng ta không cần phải nói lên tôi là ai giữa thời đại này, chỉ cần nhìn vào bạn thôi người khác tự khắc sẽ biết”. 

Bước đi mạo hiểm của Ben & Tod

Sau buổi diễn thời trang, điều mọi người nhắc nhiều nhất chính là sự đầu tư, chỉn chu của Ben & Tod khi ra mắt 2 bộ sưu tập kết hợp cùng những nhà thiết kế có tên tuổi trong ngành thời trang. Tuy nhiên, nhiều người lại cho rằng 2 bộ sưu tập lần này định hướng hình ảnh hoàn toàn có sự trái ngược nhau khi một bên hướng về người đàn ông có một sự trưởng thành, bên còn lại chọn cách tiếp cận với tệp khách hàng thuộc thế hệ Gen Z. Hai đối tượng khó có sự giao thoa với nhau, tạo nên sự đối nghịch khi người tiêu dùng muốn tiếp cận đến thương hiệu.

Tuy nhiên, phải xét cho cùng thì hướng đi mới của Ben & Tod lại mang đến một sự đa dạng cho khách hàng, phục vụ tất cả nhu cầu của họ cho quá trình trưởng thành của một người đàn ông. Ai rồi cũng sẽ trải qua một thời tuổi trẻ rồi đến khi trưởng thành, lập gia đình và thương hiệu lại như một người bạn đồng hành cùng người đàn ông trong suốt quá trình này.

Vẫn biết, sự thay đổi của Ben & Tod lần này mang hướng đi hoàn toàn tích cực và chú trọng nhiều hơn về tính thời trang cho các sản phẩm, nhưng ở một khía cạnh khác lại mạo hiểm cho thương hiệu ở thời điểm hiện tại, khi đối với khách hàng sẽ là một sự thay đổi đột ngột hướng đi với những thiết kế trái ngược với sản phẩm cơ bản hiện được trưng bày ở cửa hàng, tạo nên “cú sốc nhẹ” cho những người từng dành tình cảm cho Ben & Tod trong suốt nhiều năm.

Tựu trung lại, việc thương hiệu có những bước đi mạo hiểm cũng là một điều thú vị, bởi phải có sự thay đổi mới phát triển và tạo nên sự đa dạng cho ngành thời trang Việt Nam. Biết đâu, việc quyết định lần này của Ben & Tod là điều đúng đắn và sẽ mang đến cho thương hiệu nhiều sự quan tâm hơn từ giới mộ điệu Việt, cũng như mở rộng tệp khách hàng tiềm năng yêu thích thời trang và tăng trưởng doanh thu trong những năm về sau hay nói xa hơn chính là đem những tinh hoa của văn hóa Việt nam đến với thị trường thời trang quốc tế.

Ảnh: Kiếng Cận
 

Related Article