Giữa thị trường âm nhạc sôi động, tươi trẻ như hiện tại, nhạc sĩ Đỗ Bảo cùng những giai điệu tình ca sâu sắc vẫn luôn có một chỗ đứng nhất định trong lòng người yêu âm nhạc Việt.
Năm nay vừa vặn là dấu mốc đánh dấu 3 thập kỷ không ngừng cống hiến cho nghệ thuật của nhạc sĩ Đỗ Bảo, đồng thời cũng là điểm khởi đầu cho một chương mới đáng mong chờ. Ở thời điểm mang ý nghĩa lớn như vậy, Men’s Folio rất vinh hạnh vì có cơ hội trò chuyện cùng nhạc sĩ Đỗ Bảo về những chiêm nghiệm và góc nhìn của anh đối với âm nhạc trong suốt thời gian qua.
“Một mình bao la”, tôi rất thích cách đặt để những con chữ này cạnh nhau và những ý nghĩa anh gửi gắm vào. Nên trước tiên, tôi muốn biết khoảnh khắc/bối cảnh nào đã đưa ý tưởng này đến với nhạc sĩ và “chuyển hóa” nó thành một cái tên cho live concert kỷ niệm 30 năm của mình?
“Một mình bao la” là tên của một trong 6 ca khúc mới được biểu diễn tại liveshow concert của tôi. Ban đầu, bản thân tôi cảm thấy hơi ngại khi nói ra cái tên đó, dù hay nhưng có lẽ sẽ mang đến chút cảm giác băn khoăn cho khán giả và đồng nghiệp. Bởi làm ra một chương trình quy mô mà dùng từ “một mình” thì có vẻ không hợp lý lắm. Tuy nhiên, đạo diễn chương trình Linh Nguyễn, người chọn cho tôi cái tên này lại nói rằng “Một mình bao la” rất phù hợp để nói về tôi và hành trình âm nhạc 30 năm qua.
Khi lựa chọn “Một mình bao la” làm tên cho một bài hát, tôi không nghĩ điều gì quá lớn lao, nó chỉ đơn giản là một bản tình ca nói về việc một mình trong cơn mưa mùa hè. Sau này, khi đặt vào bối cảnh liveshow, tôi cảm thấy “Một mình bao la” cũng đúng để nói về 30 năm âm nhạc của mình. Có quá nhiều cánh cổng rộng mở đến với nhiều chiều bao la trong tưởng tượng của tôi như thời gian, đời sống, tình yêu,… Vì vậy khi đặt “một mình” vào đó sẽ tạo cảm giác tương phản nổi bật. Nó cho thấy mối tương quan con người với “tự nhiên” xung quanh.
Cho nên có thể nói “Một mình bao la” không chỉ là cái tên ca khúc nữa mà nó chứa đựng thẩm mỹ, nhân sinh quan, suy niệm về không gian, tự nhiên của tôi.
Trong suốt chặng đường “Một mình bao la” 30 năm vừa qua, có điều gì khiến nhạc sĩ phải nuối tiếc không?
Tôi không nghĩ mình phải tiếc nuối vì điều gì cả. Từng giai điệu, câu từ hay toàn bộ hệ sinh thái không chỉ cho bản thân mà cho các nghệ sĩ khác, đều được tôi làm để không phải tiếc nuối. Tôi cảm thấy vui khi được sống trong âm nhạc và đem đến cuộc đời những điều tốt đẹp nhất. Mỗi ngày tôi vẫn bước ra đường với một bộ quần áo bình thường, đi một cái xe bình thường, ngồi quán cà phê chẳng ai biết tôi là ai cả.
Tôi cảm thấy cuộc sống của mình hạnh phúc theo cách bình dị đó nên chẳng có gì khiến tôi phải thấy tiếc nuối.
Hơn nữa, tôi không làm nhạc để vinh thân, trở thành trung tâm đám đông hay được tung hô như một ngôi sao, tôi chỉ cần âm nhạc của mình đến và ở lại trong lòng mọi người là nguồn năng lượng đẹp, để ai cũng cảm thấy cuộc sống tốt hơn, tức là nó hữu ích một cách cụ thể và bền vững.
Âm nhạc của nhạc sĩ Đỗ Bảo, xuất phát từ não hay trái tim?
Với tôi thì tốt nhất là đến từ cả hai, nhưng ưu ái trái tim hơn một chút. Mọi người luôn biết trái tim là nơi ẩn chứa tình cảm, sự ấm áp, nhân văn của con người, nếu không xuất phát từ nó thì tác phẩm không chạm được đến người nghe. Nhưng thiếu đi tư duy của một con người chắc chắn sẽ không tìm ra lối đi phù hợp để tiếng nói, sản phẩm của mình hoà hợp với nhân loại, tiếp cận được số đông.
Ngược lại, nếu chỉ có lý trí của bộ não thôi thì lại chẳng khác nào “trò chơi trí xảo”. Con người không giống những loài khác bởi vì có trái tim, do đó không xuất phát từ trái tim thì những gì ta làm ra không phải câu chuyện của con người nữa rồi. Do đó, tôi cân bằng cả hai nguồn này.
Mỗi một ca khúc đều có một số phận. Số tốt hay xấu, có phải do nhạc sĩ “định đoạt” không, thưa anh?
Sự thành công của một ca khúc nói riêng hay sản phẩm nghệ thuật nói chung không thể phụ thuộc vào một yếu tố mà là sự cộng hưởng của rất nhiều thứ, vì vậy, nói rằng nhạc sĩ “định đoạt” thôi thì sẽ không công bằng. Địa lý, thời tiết, khí hậu, tư duy thẩm mỹ, sự phát triển của nền dân trí, cách nhận định truyền thông, ca sĩ thể hiện,… đều có thể làm nên số phận cho một ca khúc nhưng tiên quyết vẫn là nhạc sĩ bởi đó là người đưa ra chỉnh thể ban đầu.
Người thể hiện ca khúc cũng cực kỳ quan trọng bởi họ không khác nào một người mẹ dẫn tay “đứa trẻ” đưa nó ra cuộc sống. Do đó, ca sĩ cũng có trách nhiệm và quyền năng lớn với số phận tác phẩm.
Nhạc sĩ Đỗ Bảo có một con đường hoạt động âm nhạc khá độc lập. Tác phẩm của anh không “chiều chuộng” số đông, cũng không chịu tác động bởi những xu thế âm nhạc hiện hành theo thời đại. Do đó, có đúng không nếu nói anh không gặp áp lực khi làm nhạc?
Tôi nghĩ để có được sự độc lập đó, tôi cũng phải qua một khoảng thời gian dài xây dựng và duy trì. Nói một cách không khiêm tốn thì đó là quá trình nỗ lực tạo cho mình một điều kiện tốt nhất để làm sáng tạo.
Tuy nhiên, độc lập không có nghĩa là tôi bàng quan với mọi thứ xung quanh, bởi vì mình cũng phải biết thế giới ngoài kia đang diễn ra những gì, cần gì,… để mang đến những giá trị mới mẻ và hữu ích, chứ không đơn thuần làm theo ý thích của mình.
Còn nói về áp lực thì đúng là tôi không cảm thấy điều đó, nhất là ở thời điểm này. Sau 30 năm theo đuổi âm nhạc, giờ không còn là lúc tôi khoe khoang về trình độ hay phải làm điều gì đó theo xu hướng thời đại, thị trường đang chuộng. Thay vào đó, giờ là lúc tôi viết những gì mình còn chưa viết, mở rộng hệ sinh thái, làm đầy gia tài tác phẩm,…
Khán giả tìm đến nhạc của Đỗ Bảo để cảm thấu, chiêm nghiệm và học hỏi thêm những tầng nghĩa của cuộc sống. Còn với chính nhạc sĩ, anh đi tìm những điều đó ở đâu và như thế nào?
Tôi cũng chỉ là một giảng viên hàng ngày đi dạy và có nhịp sống như bao người thôi. Nhưng chính nhờ cuộc sống đời thường đó, tôi tìm thấy nhiều chất liệu sáng tác mà có thể nhiều người không thấy.
Mọi khoảnh khắc trong đời sống đều có thể cho tôi một chuyến du hành về mặt nhận thức, dù là nói chuyện với anh xe ôm hay nhân vật VIP nào đó, dù là những điều cực kỳ bình thường hay vĩ mô,…
Tôi thấy cuộc sống như vậy rất thú vị và cảm xúc âm nhạc của mình cũng được nuôi dưỡng rất tốt. Chẳng hạn như gần đây, tôi đi một chuyến xe ôm công nghệ, cậu sinh viên chở tôi khi ấy đã nói về tình yêu của thế hệ ngày nay. Cậu ấy nói không dám yêu ai bởi vì con gái bây giờ thế này, thế kia, chỉ cần một buổi tối hẹn hò cũng có thể tiêu hết sạch số tiền kiếm được trong ngày. Đó là một trong những câu chuyện đời thường đầy tính thực tế, thông tin sinh động mà tôi được nghe. Tôi cập nhật cuộc sống bằng chính cách đó và cũng rất thích những chất liệu cuộc sống đời thường như vậy.
Nhạc sĩ có hình dung như thế nào về hành trình tiếp theo của mình, kể từ sau live concert kỷ niệm 30 năm vừa rồi?
Hiện tại, tôi chưa nghĩ nhiều. Tôi cảm thấy rất hạnh phúc khi mình vừa đi qua một hành trình không ngừng nghỉ, quá đỗi thành công, đáng nhớ và tự hào. Vì vậy, đây có lẽ là lúc tôi cần thời gian tạm lắng mọi thứ. Trước mắt, chỉ có hai việc nhẹ nhàng đã đi đến giai đoạn cuối cùng mà tôi cần hoàn thiện là ra mắt cuốn sách nhạc đã được làm 7-8 năm nay và hoàn thành album cho ca sĩ Tấn Minh.
Bên cạnh đó, tôi vẫn là một con người của xã hội, có công việc giảng dạy và gia đình riêng nên cũng cần ổn định để trở lại với những trách nhiệm đời thường đó. Nhưng trong tương lai, nếu “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” thì biết đâu một ngày nào đó, tôi sẽ có một concert ở nước ngoài chẳng hạn.
Cảm ơn những chia sẻ của anh.