Abum “Minh Tinh” kết hợp cùng Văn Mai Hương đánh dấu một hành trình trưởng thành với nhiều những khía cạnh đáng tự hào của Hứa Kim Tuyền, mà như Tuyền chia sẻ thì: “Tôi thấy mình khiêm nhường hơn, bớt ngạo nghễ hơn…” Tôi nghĩ, một người đạt được những thành tựu nhất định đã khó, nhưng có thể chậm lại một chút, nhìn lại mình một chút, xem mình cần thay đổi hoặc cải thiện những điểm nào, mới là một thử thách, một hành động đáng được trân trọng.
Tất cả 8 track của bạn đều đến từ những trải nghiệm điện ảnh của riêng bạn, ý tưởng lẫn cảm hứng sáng tác này được khơi nguồn trong hoàn cảnh nào?
Thật ra, có rất nhiều khía cạnh khác nhau về cái việc tôi lấy cảm hứng từ những tác phẩm điện ảnh để tạo thành album “Minh Tinh”. Có một số ca khúc khởi nguồn từ trải nghiệm của bản thân tôi. Ví dụ như bài “Đại Minh Tinh”, nó cũng xuất phát từ mối tình của tôi và người yêu cũ, cả hai chia tay vì đặc thù nghề nghiệp của tôi khiến bạn ấy đôi lúc cảm thấy không được quan tâm nhiều. Sau đó, tôi tìm thấy điểm chung với những câu chuyện tình của Katy Perry và Taylor Swift, hay thậm chí là câu chuyện của Văn Mai Hương.
Hương kể cho tôi nghe rất nhiều câu chuyện, nhưng dù hiểu dù cảm được những gì Hương đã trải qua nhưng tôi vẫn cảm thấy thiêu thiếu cái gì đó, có thể là một khoảnh khắc, một tác động rất nhỏ từ cuộc sống mà nó thể “chạm” đến tôi, làm cảm xúc trong tôi dạt dào và bùng nổ hơn. Đơn cử như bài hát “Nam Bán Cầu” xoay quanh câu chuyện yêu xa, nó được thành hình nhờ một ngày nọ tôi vô tình xem phim “Past Lives” (Muôn kiếp nhân sinh).
Hoặc trường hợp của “Cơn Mưa Rào”, tôi được truyền cảm hứng từ bộ phim “You Are the Apple of My Eyes”; hay phần hình ảnh của “Mưa Tháng Sáu” được bao phủ bởi sự ảm đạm, u uất và mang hơi hướng cổ điển như các phim của bác Vương Gia Vệ. Tôi rất thích xem phim của bác, đặc biệt là “Trùng Khánh sâm lâm” (cười).
Tổng thể album này đang muốn truyền tải thông điệp hoặc đang kể một câu chuyện gì?
Thông điệp mà tôi muốn gửi gắm là mỗi cuộc tình mà chúng ta bước qua cũng tựa như một bộ phim. Đôi khi ta là vai chính, có lúc là vai phụ. Bộ phim có thể kết vui, kết buồn, hoặc kết mở nhưng đều cho chúng ta những trải nghiệm, và việc của mỗi người là hãy như những minh tinh, sống hết mình trong những cuộc tình đó. Khi kết thúc, ta có thể ngẩng cao đầu quay trở lại với cuộc sống bình thường, để luôn cảm nhận được sự tích cực trong tình yêu. Đó cũng là lý do mà album này không còn những tình yêu mù quáng hay độc hại.
Trong 8 ca khúc thì “Đại Minh Tinh” và “Mưa Tháng Sáu” được chọn ra mắt trước, tôi nghĩ đây hẳn là một sự tính toán mang tính chiến lược?
Việc chọn một single để “trình làng” không chỉ về mặt cảm xúc, chủ đề hay mặt nội dung, mà nó còn là một bài toán làm thế nào để album đến gần với khán giả nhất. “Mưa Tháng Sáu” là bài mà tôi nghĩ dễ nghe, dễ nhớ và dễ cảm nhất album để trở thành single mở đường cho cả một chuỗi dự án, và ít nhất nó phải đảm bảo thành công về yếu tố thương mại. Rất may mắn là ca khúc đã hoàn thành rất tốt sứ mệnh của nó và thậm chí còn vượt ngoài mong đợi.
Còn “Đại Minh Tinh” gần như là một bài hát thể hiện “tính cách” và tinh thần của album rõ nhất. Nếu như bài đầu tiên phải thành công về mặt thương mại, thì bài thứ hai phải có sức nặng về mặt ý nghĩa, để mọi người thấy album có chiều sâu, mang đến những giá trị nghệ thuật. Về phần âm nhạc, “Đại Minh Tinh” cũng là một sự thử nghiệm của tôi với pop orchestra và đòi hỏi rất nhiều tư duy, chất xám của tôi và producer phối khí Drum7. Chúng tôi biết thừa “Đại Minh Tinh” rất kén người nghe, vì sẽ rất ít người tìm thấy điểm chung với bài hát hay dễ dàng đồng cảm. Nhưng may mắn một lần nữa mỉm cười, “Đại Minh Tinh” được rất nhiều người yêu quý, trở thành xu hướng mới trên TikTok. Hai sự lựa chọn đều mang lại kết quả tốt đẹp là một tín hiệu để chúng tôi có thể tự tin ra mắt album.
Hồi trước, sự tính toán với tôi như một cái khuôn mà mình tự gò mình vào, vừa áp lực vừa mất vui; còn hiện tại, việc một bài hát có nội dung thế nào, đường hướng chiến lược truyền thông ra sao, giọng ca nào sẽ phù hợp nhất,… đã trở thành một điều hiển nhiên như hơi thở.
Tôi nghĩ lý do lớn nhất là tôi đã bắt đầu hiểu hơn về nghề của mình, cũng như sự thay đổi về nhu cầu của thị trường.
Bạn đang ở lứa tuổi có rất nhiều thử thách, trước là đến từ việc thế giới đang chia đều cơ hội cho tất cả mọi người, sau là bạn đang ở giữa thế hệ Y và thế hệ Z, nói nôm na là vậy. Bạn đón nhận tình huống này thế nào?
Nếu nói về ưu thế, tôi quá may mắn khi được sinh ra trong một thời đại mà mọi thứ hiện ra trước mắt. Nhiệm vụ của mình là gạn lọc và sắp xếp thông tin để tìm ra lối đi riêng. Nhưng thách thức là tất cả mọi người đều có cơ hội như nhau, thành ra mình phải động não gấp đôi, gấp ba, thậm chí là gấp nhiều lần thì mới mong tiến bộ. Bên cạnh đó, lứa của tôi không quá lớn nhưng cũng không còn trẻ, nên phải học hỏi cả hai chiều. Nhưng tôi cảm thấy ổn với những thử thách này vì tôi muốn tiến xa hơn trong sự nghiệp của mình.
Khoảnh khắc nào bạn thoát ra khỏi “chiếc kén” của mình?
Đó là một khoảng thời gian mà tôi bị căng thẳng và kiệt quệ. Không phải vì cường độ hay áp lực công việc, mà có nhiều thứ đã xảy ra cùng một thời điểm, buộc tôi phải đứng giữa hai sự lựa chọn, một là phải thay đổi để trở thành một con người mới, hai là vẫn chấp nhận con người cũ và đứng đó mãi mãi. Tuy thay đổi cũng đồng nghĩa phủ nhận hoàn toàn những điều mình đã từng nói, từng xây dựng,… nhưng tôi biết mình không thể chọn an toàn để rồi thụt lùi.
Và album “Minh Tinh” là minh chứng cho những nỗ lực đổi mới, phá vỡ những nhãn mác mình tự đóng khung mình và tập trung phát triển bản thân.
“Minh Tinh” là tổ hợp của những thể loại nhạc tôi chưa bao giờ làm, cũng như việc làm sao để người nghe sẽ ấn tượng với từng bài một, liên kết những ca khúc sao cho liền mạch cảm xúc và tôn lên chủ đề chính. Quan trọng hơn hết, tôi muốn xem bản thân mình có thể đi được bao xa, và tôi cũng nóng lòng chờ xem hành trình phía trước thế nào.
Đây cũng không phải lần đầu bạn song hành cùng Văn Mai Hương, ở lần hợp tác này, bạn nhận thấy những thay đổi rõ rệt nào, về Hương và về chính bạn?
Sáu năm quen biết, đồng hành và làm bạn với Hương, chưa bao giờ chúng tôi cãi nhau một tiếng nào. Chúng tôi đồng điệu trong âm nhạc và cuộc sống, hiểu và đồng cảm với nhau nhiều đến mức, đúng kiểu “một đứa dám viết, một đứa dám hát”. Nên nếu mọi người thấy sự thay đổi ở tôi như thế nào thì sẽ thấy điều tương tự ở Hương. Tôi thấy Hương ngày càng xinh đẹp, mạnh mẽ hơn và đặc biệt là cách hát, không phải hát cao hơn, hát khoẻ hơn mà hát tinh tế hơn. Trong buổi nghe thử, những sản phẩm của chúng tôi được nhận xét là vừa vặn và đời hơn. Tôi nghĩ đó là sự thay đổi đáng tự hào nhất của hai đứa (cười).
Bốn năm đều đặn mỗi năm một album, một sức sáng tạo bền bỉ, nhìn từ bên ngoài rất thuận lợi là vậy; nhưng bên trong quá trình làm việc, có những những trăn trở nào của bạn mà chúng tôi chưa được biết không?
Chắc chắn ai làm sáng tạo cũng sẽ có những thời điểm bị đuối sức. Chuyện đó xảy ra với tôi mỗi năm. Ví dụ như năm ngoái, đó là năm tôi tập trung kiếm tiền, làm nhạc quảng cáo rất nhiều, nhưng dần dà có cảm giác bị dậm chân tại chỗ. Đến khi muốn quay lại viết nhạc pop, tôi thấy mình loay hoay. Hay như đầu năm tới giờ, tôi ra được đúng hai bài với Văn Mai Hương là “Mưa Tháng Sáu” với “Đại Minh Tinh”, không tính mấy bài phục vụ mục đích thương mại hay những ca khúc làm từ mấy năm trước. Năm nay, tôi chỉ dồn lực tập trung sản xuất 8 track của Hương, một track nhạc phim và một track cho “The Masked Singer”, quá ít so với tần suất ra bài của những năm trước.
Trong năm nay, tôi tập trung cho việc phát triển bản thân nhiều hơn. Tôi học những thứ mình thích, có thể liên quan hoặc không liên quan đến âm nhạc. Năm nay, sau khi làm xong album thì tôi “cháy sạch” hoàn toàn. Một tháng kể từ ngày hoàn thành album, tôi không viết được gì. Để khắc phục tình trạng đuối sức, tôi quyết định cứ sau ba tháng sẽ cho mình khoảng một tháng nghỉ ngơi tái tạo nguồn năng lượng.
Có thể thấy, năm nay là một năm mà Hứa Kim Tuyền cho nhiều sự đột phá nhất định và điều này được thể hiện ở nhiều khía cạnh…
Đúng vậy. Năm nay là một năm chuyển mình của tôi, kể cả trong tình cảm hay cách đối nhân xử thế. Tôi thấy mình khiêm nhường hơn, bớt ngạo nghễ hơn; tôi kết nối với tâm hồn nhiều hơn, biết hài lòng với những thứ đang có, biết chặng đường sắp tới mình sẽ phải làm gì, phải sống thế nào, cần đóng góp cái gì cho xã hội, và đặc biệt là biết đặt ra những mục tiêu không chỉ mang tính cá nhân, mà còn cho những người xung quanh.
Tôi nghĩ công việc của một người làm trong lĩnh vực nghệ thuật nói chung, sẽ luôn gắn liền với hai trạng thái “cảm hứng” và “ngẫu hứng”. Những phỏng đoán này đúng chứ?
Bạn nói đúng nhưng diễn giải theo một cách khác, tôi nghĩ nguồn cảm hứng sẽ có hai dạng, tự động và thụ động. Dạng thụ động là những tác động xung quanh khơi nguồn cảm hứng cho mình; còn dạng chủ động là mình tự tạo ra cho mình. Nhưng cảm hứng thụ động có phần dễ hơn sự chủ động, vì nó là một sự nghiêm khắc khổ luyện.
Sự chủ động rèn luyện là vô cùng cần thiết vì khi những cơn ngẫu hứng tới, mình mới có đủ lực để biến nó thành những ý tưởng tuyệt vời và thật sự tạo ra thành phẩm chất lượng.
Bên cạnh các vai trò như nhạc sĩ/nhà soạn lời, sản xuất âm nhạc, đạo diễn âm nhạc, bạn còn là co-founder của S•HUBE Label, quản lý đầu ra mảng sáng tác, thường tham vấn và gợi ý giúp các về việc xây dựng ý tưởng. Khá nhiều vị trí công việc cần sự hiện diện của bạn, bạn quản lý và phân bổ nguồn thời gian của mình thế nào?
Vai trò của tôi trong S•HUBE là đảm bảo tiêu chuẩn và chất lượng đầu ra của phần nhạc. Nhưng tôi thích lan toả nguồn cảm hứng và trau dồi nhiều hơn bằng cách gặp gỡ và làm việc cùng mọi người. Đó là khoảng thời gian rất vui vì tất cả đang cùng nhau tạo ra những sản phẩm tốt nhất. Tôi không can thiệp quá sâu vào quá trình sáng tạo của các bạn để khi cần, mình có thể đưa những nhận định khách quan nhất. Tôi không gặp quá nhiều vấn đề trong việc phân bổ thời gian vì tôi cũng là người quản lý thời gian tốt. Mỗi ngày, tôi vẫn dành ra được 1-2 tiếng tập gym, 1-2 tiếng xem phim, đọc sách, chơi với mèo, vẫn có thời gian để dành cho công việc, để sáng tạo và nhiều hơn thế.
Từ bao giờ bạn biết mình muốn gắn bó với âm nhạc?
Từ hồi nhỏ. Ngày xưa, tôi làm báo để kiếm tiền đi học nhạc. Lúc đó, tôi nghĩ kể cả sau này mình không có duyên làm nhạc thì vẫn sẽ tiếp tục làm báo, hoặc những công việc liên quan đến âm nhạc, miễn là mình được sống trong thế giới có âm nhạc. Nhờ chương trình “Sing My Song”, tôi có cơ hội bước ra ánh sáng và theo nghề đến ngày hôm nay. Thật may, tôi trở thành người sáng tạo ra âm nhạc, đó là một phúc phần rất lớn. Tôi cảm thấy nó là một món quà, một đặc ân quá lớn.
Sẵn bạn là người có nhiều kinh nghiệm ở nhiều vai trò, tôi muốn hỏi bạn về một số quan điểm về sự cân bằng. Bạn nghĩ thế nào về việc chúng ta nên cố gắng cân bằng mọi thứ, và việc chúng ta không nên cố gắng cân bằng, vì có những thứ ở những thời điểm nhất định ta cần ưu tiên hơn?
Tôi nghĩ mệnh đề hai đúng nhưng mình cần nhắc bản thân cố gắng hướng về mệnh đề một. Cân bằng là quan trọng nhưng cũng phải hiểu và phải chấp nhận sự thật rằng, có những thứ mình sẽ phải ưu tiên hơn trong một số thời điểm nhất định. Nhiều lắm thì mình có thể cân bằng trong một thời gian ngắn, vì căn bản, cuộc đời này không có trạng thái cân bằng tuyệt đối. Đó là chưa kể, sức người có hạn, làm sao có thể làm được mọi thứ cùng một lúc. Chỉ có luôn ở trong tâm thế sẵn sàng, mình mới biết tiếp theo cần làm gì, tôi nghĩ vậy.
Cảm ơn những chia sẻ của bạn.