Quang Tuấn: “Từ lúc bắt đầu, tôi xác định muốn trở thành diễn viên thực lực”
LifestyleMusic & Film

Quang Tuấn: “Từ lúc bắt đầu, tôi xác định muốn trở thành diễn viên thực lực”

Khi diễn viên Quang Tuấn ngồi vào ghế phía đối diện, tôi và anh không bắt đầu bằng những lời chào hỏi, mà đi thẳng vào những bàn luận về series “Tết Ở Làng Địa Ngục”. Ánh mắt Quang Tuấn trở nên sống động, gương mặt vừa có chút hào hứng vừa có chút hồi hộp lắng nghe phản hồi của người khán giả trước mặt. Riêng tôi không giấu được sự phấn khích và có chút xúc động, khi đang mỉm cười với tôi là người diễn viên sau gần 20 năm vẫn như một, nỗ lực trong từng cơ hội được trao và khiêm nhường với những thành tựu đạt được.

17 NĂM VÀ HƠN THẾ NỮA…

Sự nghiệp diễn xuất đến nay của anh cũng đã được 17 năm (2006-2023), sở hữu các tác phẩm truyền hình và điện ảnh trên dưới 50 tựa phim. Có thể thấy kinh nghiệm diễn xuất của anh quá dày dạn và đã có những am hiểu nhất định về hai địa hạt nói trên. Tuy nhiên thì, thời điểm anh bước qua lĩnh vực điện ảnh, những sự quen thuộc nào của truyền hình đã làm khó anh trong việc thích nghi với điện ảnh?

Trước khi thử nghiệm với điện ảnh, tôi đã có một thời gian quen với sân khấu kịch và truyền hình. Về kịch, nó mang tính biểu diễn nhiều và đôi khi người nghệ sĩ phải hoá trang giọng nói, nên trông có vẻ như người biểu diễn đang “làm quá” lên. Truyền hình yêu cầu mọi thứ nhẹ hơn và đời hơn một chút. Nhưng theo quan điểm hồi xưa, phim truyền hình là phim dành cho những bà nội trợ, mình phải nói sao cho khán giả hiểu, để những chị em vừa loay hoay bên gian bếp vừa nghe hiểu được nội dung phim thông qua lời thoại của mình, nên diễn viên phải diễn hơi quá một chút.

Sang đến điện ảnh, nó là một chương mới hoàn toàn, đòi hỏi sự chân thật từ cử chỉ, cơ mặt đến ánh mắt, diễn không khéo là mất đi sự chân thật ngay. Nên người diễn viên phải biết tiết chế, điều chỉnh cho phù hợp. Hơn mười năm hoạt động trong lĩnh vực truyền hình và kịch phần nào khiến tôi hoang mang khi dấn thân vào điện ảnh. Đối với tôi, điện ảnh là một cái gì đó ghê gớm lắm, vì cái gì cũng phải thật 100%.

Ngay cả bây giờ để vào một vai nào đó, tôi xin nhận kịch bản trước một tháng đến một tháng rưỡi để đọc và vào vai. Mỗi nhân vật đều có nét đặc trưng riêng đến từ nghề nghiệp hoặc bối cảnh, mình phải học trước để thu nạp những thói quen đó, nếu không thì khán giả sẽ nhận ra ngay sự lóng ngóng trên phim của mình. Với series “Tết Ở Làng Địa Ngục”, không chỉ để râu nuôi tóc, tôi còn xin lên làng trước để tập đi bộ cho thuần thục. Mình là người miền núi, nếu gặp sỏi đá mà bước trượt thì khán giả họ không tin.

Bù lại, truyền hình và kịch đòi hỏi sự tập trung cao độ của người diễn viên vì đó là một chặng đường dài. Đặc thù của kịch là nếu mình rớt tâm lý trong một phân đoạn nào đó, những cảnh quay tiếp theo sẽ chệch choạc ngay. Tôi áp dụng sự tập trung cao độ ấy khi quay điện ảnh. Và ngược lại, những kỹ năng diễn sao cho chân thật, tự nhiên của điện ảnh cũng giúp tôi làm dịu đi “sự biểu diễn” lại. Khi xem một tác phẩm nào đó, khán giả cũng muốn chiêm nghiệm những cuộc đời, để từ đó soi chiếu vào cuộc đời họ, không ai muốn xem những điều thuần tuý thuộc về kỹ thuật biểu diễn.

Tôi nghĩ quan trọng hơn hết là phải biết gạn lọc và ứng dụng những kinh nghiệm và kỹ năng mình có trong từng lĩnh vực, để nâng cao chất lượng diễn xuất.

Chỉ còn vài năm nữa, vài dự án nữa là anh đã chạm mốc hai thập kỷ diễn xuất. Nhìn lại cả một quá trình phấn đấu rất dài của mình, cảm xúc lúc này của anh thế nào?

Tôi cảm thấy rất vui vì được đạo diễn, đồng nghiệp và khán giả yêu thương, nhìn nhận, đánh giá công tâm và hạnh phúc nhất là vẫn sống được với nghề tới hôm nay. Ngay từ những ngày đầu nghĩ về đam mê diễn xuất, tôi xác định mình phải phấn đấu để trở thành một diễn viên thực lực.

Hồi còn đi học, cô chủ nhiệm chia sẻ rất thẳng thắn nhiều câu chuyện về nghề để giúp các học sinh định hướng và hiểu đúng về nghề, tránh lãng phí thời gian học rồi chẳng đi đến đâu. Tôi cũng bày tỏ về hoài bão của mình, và cô cũng nói đây là một quãng đường gian nan. May mắn làm sao khi tôi vẫn vững vàng trên hành trình của mình.

Trong suốt nhiều năm qua, những thăng trầm của một người diễn viên hẳn anh nếm qua không sót dư vị nào…

Thật ra, đôi khi tôi cảm thấy chạnh lòng. Có nhiều lúc tôi cảm thấy nản nhưng không biết vì sao, dù rõ ràng công việc của mình cũng thuận lợi. Những lúc như vậy, tôi thường chọn đến xem các bạn trẻ diễn kịch, các bạn máu lửa lắm, chỉn chu và hết lòng với vai diễn của họ. Tôi được truyền lửa rất nhiều. Các anh đạo diễn cũng khích lệ và khuyên tôi hãy tiếp tục kiên trì với sự chọn lựa của mình, rồi thời gian sẽ hồi đáp.

Một tác phẩm ghi lại dấu ấn lớn của anh trong điện ảnh chắc chắn không thể là cái tên nào khác ngoài phim kinh dị “Thất Sơn Tâm Linh”, vai sát nhân thầy Huỳnh. Trong suốt chiều dài hoạt động nghệ thuật của anh, có lẽ sự lột xác này gây ngạc nhiên nhiều nhất vì không ai nghĩ một người có gương mặt thế này lại hoá thân hợp lý như vậy vào vai sát nhân. Trải nghiệm lần đầu đóng phim kinh dị của anh như thế nào?

Tính ra thì đạo diễn Trần Cảnh Đôn là người đầu tiên dám giao vai phản diện cho tôi trong bộ phim “Trái Đắng”, người khai thác tôi ở một khía cạnh mới, mà chính bản thân tôi cũng chưa từng nghĩ tới. Nhưng trải nghiệm lần đầu đóng phim kinh dị và còn trong một vai sát nhân là cực kỳ khó. Sự tưởng tượng của mình với mong muốn của đạo diễn khác nhau hoàn toàn.

Nhân vật thầy Huỳnh dù có lý tưởng của riêng anh ta nhưng sai lệch về tâm tý và tư tưởng ngay từ đầu. Anh Hàm muốn những cảnh nào đã lộ rõ bản chất thật thì diễn cho ra, còn chưa thì phải diễn theo kiểu “úp mở”, tạo cho khán giả hai luồng suy nghĩ về nhân vật. Nó rất khó, đòi hỏi mình phải suy nghĩ rất nhiều, thử nghiệm nhiều hơn ở cách diễn bằng mắt.

Tiếp sau đó, “Tro Tàn Rực Rỡ” đưa cái tên Quang Tuấn đến gần với khán giả yêu thích điện ảnh hơn, nhưng vai diễn lần này vừa ít thoại lại vừa nặng tâm lý, vừa đáng thương vừa đáng ghét. Đây có phải là một bài toán khó nhất mà anh từng giải không?

Đúng, đây là bài toán khó với tôi. Anh Chuyên casting cho hai nhân vật Tam và Nhàn rất lâu mãi chưa được, cho đến một ngày, đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh giới thiệu tôi.

Sau khi hai anh em nói chuyện xong, tôi nói đây là một vai diễn khó và tôi khá thích trải nghiệm này.

Khi mình làm kịch bản kỹ với đạo diễn trên giấy thì khi ra hiện trường mọi thứ thuận lợi hơn nhiều, cái khó là truyền tải được tinh thần của nhân vật. Tam đốt nhà vì anh ấy không giải toả được. Giá mà sau khi con bị chết đuối, vô tình đánh vợ làm vợ xảy thai, một ngày mất đi hai đứa con… Tam có thể bộc bạch lòng mình. Trong ánh lửa, Tam tìm thấy sự đê mê của mình, giải toả được tâm trạng, thấy được hình ảnh các con, những tháng ngày hạnh phúc của gia đình. Tôi hay nằm góc ở mé sông để nuôi tâm lý của mình. Làm sao để ánh mắt thể hiện một sự u uất cũng là một thử thách.

“CHÂN THẬT” VÀ “CẢM XÚC” QUYẾT ĐỊNH TẤT CẢ

Sau “Thất Sơn Tâm Linh” và “Tro Tàn Rực Rỡ”, tôi lại có cơ hội gặp anh trong “Tết Ở Làng Địa Ngục”. Anh vào một vai nặng tâm lý, khá kiệm lời và được đặt trong một bối cảnh quỷ dị và chết chóc. Dù có những yếu tố quen thuộc đến từ những trải nghiệm đóng phim trước, anh đã thiết lập nhân vật của mình như thế nào trong series lần này?

Sự đặc biệt ở lần này là tôi được đóng phim cổ trang, không đi giết người nữa mà cứu người (cười). Vai ông Thập vừa khó vừa dễ, dễ ở chỗ theo một mạch tâm lý nhân vật mà diễn, khó ở chỗ truyền tải tinh thần của ông Thập và cả bộ phim. Những sự kiện xung quanh ông Thập đều liên quan đến ngôi làng của mình. Cái khó là lý giải làm sao cho việc ông Thập là “người được chọn”, nhân vật có thể xuống và lên núi mà không phát điên. Ông Thập gánh trên vai trọng trách bảo vệ làng và cũng là người kể chuyện. Làm sao để xâu chuỗi, kết nối những câu chuyện quanh nhân vật là đề bài khó.

Trường đoạn tâm lý nào đẩy sức chịu đựng của anh lên cực hạn?

Cao trào đỉnh điểm là phân đoạn ở những tập cuối. Sau khi phát hiện ra nguồn cơn của mọi thứ, chính tay tôi phải giải quyết mối đe doạ này để bảo vệ làng. Đó là một cảnh quay rất khó, ánh mắt của bạn diễn nhìn tôi khiến tôi rất ám ảnh và cảm thấy rùng mình.

Từ lúc đọc kịch bản đến lúc ra phim trường, anh có bao nhiêu thời gian để thích nghi với bối cảnh, hoà nhập với đoàn phim và những gì đang diễn ra xung quanh mình?

Khoảng gần hai tháng. Khi nhận kịch bản, tôi suy nghĩ nhiều về cách diễn, tìm tòi thêm phim tư liệu ngày xưa để xem cách người ta ăn nói, đi đứng. Lúc đó chưa có phục trang chính thức, mọi thứ cũng chỉ nằm trong trí tưởng tượng của mình. Sau đó lên Hà Giang, tôi tập làm quen với ngựa, leo núi, nói chuyện với người trong làng. Trên phim trường, tôi “nhây” lắm, ai cũng không tha, vì tôi thấy nó cần thiết để tạo nên những kết nối thân thuộc của chúng tôi, cũng như không tạo cảm giác xa cách khi lên phim.

Series đòi hỏi một diễn viên phải điều chỉnh trạng thái và phân bổ sức lực như thế nào?

Lợi thế của phim dài tập là mình dễ truyền tải câu chuyện hơn, bất lợi là mình phải biết phân sức. Diễn viên phải đọc rất kỹ kịch bản để biết phân bổ lực diễn phù hợp. Có thể những buổi quay đầu tiên là các phân cảnh gần cuối, sau đó mới quay ngược lại những cảnh mở màn. Nên nếu diễn viên không giữ đúng trạng thái, đo đúng tâm lý của nhân vật, thì đoạn cao trào lại diễn nhẹ và những tập “làm quen” với khán giả lại diễn nặng. Trạng thái bị chênh và thiết lập nhân vật bị gãy.

Anh từng chia sẻ mình nỗ lực hoàn thiện mỗi ngày để mỗi khi có dự án khó, dự án đòi hỏi nhiều về diễn xuất, anh sẽ là người được nhớ đến. Điều này nói lên gì về tính cách của Quang Tuấn? Một người có hoài bão lớn với nghề hay một người quyết tâm chinh phục những ngọn núi trong sự nghiệp?

Thật ra, không hẳn là chinh phục. Diễn xuất với tôi không gì nằm ngoài sự đam mê. Mỗi một vai diễn tôi nhận được đều là những niềm vui, sự trải nghiệm. Chúng mang tới nhiều cuộc phiêu lưu mới và trao cho tôi cơ hội được sống nhiều cuộc đời khác nhau.

Sau cùng, những bài học nào đắt giá nhất mà anh tích luỹ được trong mười mấy năm diễn xuất đã qua?

Chân thật và cảm xúc. Theo quan điểm của tôi, cảm xúc quyết định tất cả, nếu không chạm vào trái tim của khán giả, không làm cho họ nhớ mình, là thất bại. Để có cái chạm đó thì mọi thứ mình làm phải chân thật.

Trước khi đi sâu vào diễn xuất và chuyên môn của bạn, người xem phải tin vào điều họ thấy trước đã.

Cảm xúc thì không nói, nhưng bằng cách nào để tạo nên cái “thật” đó?

Một bí quyết sẽ giúp người diễn viên phát huy tốt nhân vật đó là phải biết nương theo bối cảnh. Bạn không thể mặc định lối diễn của mình mà phớt lờ những yếu tố xung quanh. Diễn viên giỏi là người biết quan sát bối cảnh, vì nó hỗ trợ cho bạn rất nhiều trong việc hoá thân vào nhân vật chân thật hơn.

Cảm ơn những chia sẻ của anh.

Ảnh: Tổng hợp
 

Related Article