BizLab: General Manager Nguyễn Thanh Đạo – “Tôi không chắc ở RedDoor vui nhưng bình yên”
LifestyleArts & CultureMF TVBusiness

BizLab: General Manager Nguyễn Thanh Đạo – “Tôi không chắc ở RedDoor vui nhưng bình yên”

Bản thân tôi là người rất khó tính trong việc đưa ra quyết định, và chuyện chọn một cửa hàng cà phê cũng vậy. Tôi biết đến RedDoor từ lời giới thiệu của một người bạn, lúc này cũng chưa lưu tâm lắm, cho đến khi nhận được lời mời của chị Đạo đến cửa hàng RedDoor ở Đồng Khởi vào một buổi tối Trung thu. Nếu chị Đạo nói, rằng ở RedDoor không chắc vui nhưng sẽ bình yên, thì với cảm xúc lần đầu của tôi, thì ở RedDoor, dẫu chưa biết hương và vị cà phê thế nào, nhưng sự thân tình và bầu không khí “ai đến đều là người nhà” đã thuyết phục được tôi.

REDDOOR… HƠN CẢ NHỮNG BÀI HỌC VỀ CÀ PHÊ

RedDoor có nghĩa là gì? Tại sao màu chủ đạo của thương hiệu là xanh dương và đỏ?

“RedDoor” có nghĩa là “cửa đỏ”. Nhưng “màu đỏ” trong định nghĩa của chúng tôi có chút đặc biệt. Màu đỏ là sắc thái trong câu “sơn son thếp vàng”, có nghĩa là một màu đỏ tươi thắm. Những ngôi nhà RedDoor mong muốn một ngày của khách hàng luôn tươi mới và rực rỡ. Màu xanh của RedDoor là màu “true blue”, trong không gian của RedDoor có treo những tác phẩm tranh được vẽ bằng màu này. Màu đỏ tươi và màu xanh thắm có sự tương phản nhưng đồng thời mang một ý nghĩa nhất định.

Hãy mô tả bản thân chị bằng một món uống của RedDoor?

Tôi không phải là người nghiện caffein, tức là không uống cà phê một ngày cũng chẳng sao. Nhưng mỗi sáng thức giấc, tôi sẽ muốn thưởng thức một ly cà phê vì tôi thích mùi hương của cà phê khi mới xay ra.

RedDoor được biết tới là ngôi nhà có nhiều nhà rang đến từ nhiều nơi trên thế giới và các loại robusta chất lượng cao với đa dạng cách thức sơ chế khác nhau. Dẫu vậy, tôi không thực sự quá thích một món uống cụ thể nhưng lại thích phương pháp pha cà phê thủ công bằng giấy lọc; vì tôi có thể chọn nhiều loại hạt khác nhau, và trong menu, món uống này được gọi là “pour over”. Hương vị của nó phong phú và sẽ biến đổi trong suốt quá trình thưởng thức. Sự linh hoạt của nó cũng giống với việc chúng ta chọn cách ứng xử phù hợp với từng người và vào từng thời điểm. Do đó, không gì phù hợp hơn “pour over” để mọi người có thể dễ dàng hình dung về tôi.

Ly cà phê đầu tiên chị uống là ở đâu, khi nào?

Hồi nhỏ, khi còn vài tháng tuổi, tôi đã biết mùi vị của cà phê rồi (cười). Con nít trong nhà đều được bố mẹ cho nếm thử các món ăn thức uống để biết mùi này vị kia một chút. Thông thường, vào một khung giờ nhất định, sáng hoặc trưa, mọi người sẽ pha một ca cà phê lớn và chia nhau cùng uống. Đó là khoảng thời gian mà gia đình sẽ quây quần và trò chuyện cùng nhau.

Khởi đầu nào cũng luôn xuất phát từ một ý tưởng, RedDoor đã được thành hình như thế nào, thưa chị?

Những người sáng lập RedDoor cà phê có mong muốn trải nghiệm nhiều hương vị khác nhau trong cuộc sống. Chúng tôi thích trải nghiệm sự phức tạp của hương vị. Cà phê đã đến với chúng tôi vì một lẽ tự nhiên như thế. Đó cũng là lý do mà RedDoor tự nói về mình, là nơi nhường chỗ cho hiện tại và thưởng thức một ly cà phê (cười).

Tất tả chúng tôi chưa ai từng kinh doanh cà phê trước đây. Dù từng làm những công việc liên quan đến ngành khoa học như hoá học, sinh học nhưng cũng không biết pha cà phê hay khoa học về cà phê là những gì. Chúng tôi chỉ ấp ủ duy nhất một mong ước, đó là tạo nên một không gian để mọi người cùng tụ họp.

Ngày bước đi trên một chặng hành trình mới với RedDoor tại Lê Văn Sĩ gần như là một cuộc chơi nhiều hơn một sự nghiêm túc với cà phê.

Trong quá trình sau đó, suy nghĩ nghiêm túc với cà phê dần thành hình và ngày càng thôi thúc tôi trong việc phải trau dồi bản thân nhiều hơn, về từng loại thức uống, pha chế, rang cà phê, sơ chế cà phê…

Khó khăn và thử thách để tạo được thương hiệu trong lòng người yêu thích cà phê là gì, nhất là khi chị và những người bạn của mình không hề biết gì về “bộ môn” này?

Trong quan niệm của tôi, thương hiệu là hiệu được nhiều người thương, nếu thương hiệu của mình được nhiều người biến đến tức là được yêu mến rất nhiều. Chuyện học về cà phê không phải khó khăn quá lớn, nhưng để tạo những kết nối chân thành mới khó. Xuất phát điểm với mong muốn kết nối con người với nhau, tức là chúng tôi phải cố gắng vượt qua những rào cản của chính mình.

Chúng tôi đều là người hướng nội, không giỏi giao tiếp, nên không chỉ phải học cách mở lòng với mọi người, mà đó còn phải là những cảm xúc thiệt tình.

Mặt khác, cũng chính vì RedDoor chưa bao giờ quảng cáo nên chúng tôi càng phải học cách kết nối người này với người khác. Chúng tôi bắt đầu tìm hiểu và đa dạng thêm những dịch vụ và sản phẩm có thể cung cấp cho khách hàng. Sự cảm mến và hài lòng của mọi người sẽ giúp hiệu RedDoor được nhiều người thương hơn.

NƠI NHỮNG KẾT NỐI ĐA THẾ HỆ THÀNH HÌNH

Trong 6 cửa hàng của RedDoor thì dịch vụ, menu, thiết kế, địa điểm (Sài Gòn, Hội An), tên gọi (ví dụ như là Reddoor, yellow and blue – a cafe by RedDoor, Cafe des Copains…) đều có những sự khác biệt nhất định. Vì sao thế? Và với sự không nhất quán về mô hình như vậy, hẳn cũng đòi hỏi kỹ năng vận hành của đội ngũ phải tốt, chị nhỉ?

Cảm ơn bạn về sự quan tâm dành cho RedDoor. Các quán cà phê của RedDoor có quy mô nhỏ và độc lập với nhau, nên không gian và menu sẽ không giống, trải nghiệm vì vậy cũng đa dạng hơn. Việc cung cấp dịch vụ với chúng tôi không gì nằm ngoài chuyện người đến sẽ muốn quay trở lại nhiều lần. Nếu có những ngày bạn không đi làm, đi học, hoặc tan làm, tan trường nhưng chưa muốn về nhà ngay và cũng cần chốn để tạm lánh mình, thì RedDoor muốn trở thành mái nhà mà các bạn có thể thoải mái lui tới.

Về mặt không gian, mỗi căn RedDoor đều khác nhau. Việc Reddoor mở thêm một chi nhánh hay cửa hàng mới, không nhất thiết phải được hoạch định từ trước. Chỉ cần đúng thời gian, đúng thời điểm gặp một kết nối phù hợp thì chúng tôi sẵn sàng cho việc có thêm một cửa hàng. RedDoor hướng tới khi mở thêm một cửa hàng, đó là giữ vững giá trị mình đang theo đuổi – sự tiếp nối giữa các thế hệ. Chúng tôi luôn thể hiện tinh thần này trong mỗi thiết kế ở từng quán.

Bằng cách không đập đi xây lại các căn nhà, RedDoor nương theo khung sườn nhà cũ và khoác lên chúng những màu áo mới như một cách gìn giữ, trân trọng những ký ức đẹp mà ngôi nhà đã có.

Chủ nhà làm việc với chúng tôi cũng an tâm vì chúng tôi không… phá nhà (cười). Điều này phần nào cũng giúp chi phí đầu tư hiệu quả hơn, thay vì tìm kiếm một mặt bằng và xây mới hoàn toàn. Chúng tôi có kinh nghiệm vận hành nhiều công ty/tập đoàn khác trước đây nên cứ vận dụng những kinh nghiệm đã có, còn trong quá trình phát triển thì sẽ tinh chỉnh dần.

Nói riêng về menu một chút, chúng có sự khác biệt giữa các chi nhánh. Vậy việc ra mắt sản phẩm mới thì mất bao lâu và cần đảm bảo những yếu tố nào?

Thông thường, RedDoor cố gắng đưa những đặc trưng của một mùa bổ sung vào thực đơn của mình. Dù thời gian để tạo ra mỗi món uống là khác nhau nhưng chúng tôi có một số tiêu chí nhất định. Hầu như các món cà phê sẽ không có đường, còn sữa đặc thì có quán tôi dùng một loại mua ở ngoài, có quán tôi nấu sữa tươi thành sữa đặc để có vị đặc biệt hơn. Những món nước khác liên quan cà phê mà tôi thấy cái bạn gen Z rất thích đó là Cold Brew Mocktail.

Bên cạnh đó, chúng tôi cũng tổ chức những buổi workshop cho mọi người thử những món mà các bạn nghĩ là khó uống. Ở RedDoor, không nhất thiết các bạn phải uống đúng công thức quán làm ra, mà có thể yêu cầu về định lượng hoặc tự tay pha chế. Tất cả đều chúng tôi quan tâm là sự trải nghiệm của khách hàng và thông qua đó, họ cũng hiểu được phần nào cách ra đời của một ly cà phê.

Nếu có một lời đề nghị mở rộng chuỗi RedDoor từ một đối tác bất kỳ thì chị nghĩ như thế nào?

Tôi nghĩ tại sao không? Đó là cách mà RedDoor đang mở những căn nhà tiếp theo. Nếu như có ai đưa ra lời đề nghị, những lúc như vậy, chúng tôi sẽ tự hỏi rằng “Tại sao không?” và khi chẳng nghĩ ra được một cái ý không nào, thì cứ làm thôi.

Cho tới thời điểm hiện tại, đâu là điều mà chị tự tin nhất khi “giới thiệu” về RedDoor?

Tôi luôn tự tin rằng RedDoor là nơi có nhiều lựa chọn về hạt cà phê nhất. Thông thường, chúng tôi có 20-30 loại hạt cà phê. Nếu ai tò mò về sự khác biệt giữa các hạt cà phê thì RedDoor là nơi có thể pha cho bạn 30 ly cà phê khác nhau trong một tháng. Có những khách hàng đã đến quán từ năm 17 tuổi cho đến tận bây giờ vẫn thường xuyên ghé thăm. Cho nên, điều mà tôi thấy vui, đó là lứa tuổi nào cũng có thể đến RedDoor thưởng thức cà phê và cảm thấy phù hợp. Tôi không chắc ở RedDoor vui nhưng bình yên.

Thời đại mới, tệp khách hàng đa phần là gen Z, luôn thích sự đổi mới và sáng tạo liên tục. Không chỉ đơn thuần là bán cà phê, RedDoor đã có những phương án nào để có thể chinh phục các “khách hàng trẻ khó tính” này?

Chúng tôi không có ý muốn chinh phục (cười). Khi những bạn gen Z đến quán thì các bạn tìm kiếm sự kết nối, chúng tôi cũng vậy. Dù ở thế hệ nào, sự kết nối luôn là nhu cầu. RedDoor mong muốn có được điều đó, chúng tôi vui vì mình đã làm được điều đó. Ở RedDoor, các bàn không cách xa nhau và cũng không có quá nhiều bàn nên mọi người có thể dễ dàng xích lại gần nhau. Đến một ngày nào đó, bàn này gọi “í ới” qua bàn khác thì tôi thấy đó đã là sự thành công của mình.

Cảm ơn những chia sẻ của chị.

—–

VỀ BIZLAB VIDEO SERIES MÙA 3:

Khởi nghiệp dễ hay khó, người trẻ nên bắt đầu với mô hình kinh doanh trong mơ của họ từ đâu, việc vận dụng yếu tố văn hoá và sự kết nối giữa người với người nên được biểu đạt như thế nào… là nguồn cảm hứng lớn của chúng tôi trong việc tìm kiếm những hình mẫu doanh nghiệp giới thiệu đến bạn đọc.

Ở một thời đại mà cách vài bước chân, chúng ta có thể dễ dàng bắt gặp các cửa hàng cà phê; và bản thân những quán cà phê đang là điểm đến làm việc phổ biến hiện nay cho thấy sự đổi mới mạnh mẽ, sự đa dạng trong concept và ngày càng gia tăng với một mật độ chóng mặt, bất chấp sự cạnh tranh khắc nghiệt… thôi thúc chúng tôi chọn các cửa hàng cà phê khởi động cho mùa 3 – People in Cafe and Business Culture.

– Xem thêm những tập đã phát sóng trên kênh Youtube của Men’s Folio.

– Cập nhật thêm thông tin về video series từ hashtag #BizLab trên các nền tảng Facebook và Instagram của Men’s Folio.

Ảnh: Tổng hợp
 

Related Article