Artist Chú Môi và những thể nghiệm phá cách, điên loạn, rực rỡ
Arts & CultureTalent Hub

Artist Chú Môi và những thể nghiệm phá cách, điên loạn, rực rỡ

Chú Môi – nghệ danh thú vị của artist Nguyễn Duy Anh hóa ra bắt nguồn từ chuyện đùa không mấy vui vẻ. Nhưng không sao, cái tên đặc biệt ấy giờ đây đã ghi được dấu ấn nổi bật riêng trong cộng đồng artist Việt Nam.

Chú Môi được biết đến thông qua những tác phẩm Collage Art – một hình thức sáng tạo nghệ thuật bằng cách cắt ghép và sắp xếp nhiều yếu tố thị giác khác nhau tạo ra một tổng thể truyền tải thông điệp. Sau này, anh còn mở rộng “địa bàn” sáng tạo của mình với tranh vẽ tay theo trường phái Lập thể.

Phá cách, điên loạn và rực rỡ – đó là ngôn ngữ nghệ thuật đặc trưng mà Chú Môi gửi gắm qua những tác phẩm của mình. Hơn cả một công việc, vẽ tranh còn là nơi mà Chú Môi thực hiện những cuộc đối thoại với chính mình. Trò chuyện với Chú Môi khiến tôi càng thêm chắc chắn năng khiếu vẽ là một điều kỳ diệu. Bởi những trang giấy, khung tranh chẳng khác nào một vũ trụ riêng – nơi ta tự do phơi bày cảm xúc, tâm tư cá nhân dưới những hình họa, bố cục, màu sắc,… chẳng có một quy tắc, khuôn khổ nào điều khiển mình!

Chú Môi để lại ấn tượng với tôi từ vài năm trước là một người hiếm hoi tại thị trường Việt Nam theo đuổi Collage Art, nhưng bây giờ, anh còn được biết đến với những tác phẩm vẽ tay. Tôi muốn biết, anh của hiện tại sẽ thích và hứng thú sáng tạo với mảng nào hơn?

Tôi thiên về vẽ tay hơn bởi tôi nhận ra mình có nhiều cảm hứng và thoải mái sáng tạo theo bản năng thay vì thao tác thông qua chuột, wacom, màn hình máy tính,… Tuy nhiên, không có nghĩa là sự hứng thú với Collage Art của tôi giảm đi, tôi vẫn luôn cảm thấy vui vì đã tạo ra được một kho Collage Art khá to và lan tỏa chúng đến nhiều người hơn.

Theo kinh nghiệm làm nghề của anh, liệu có tồn tại ranh giới giữa Collage Art và “mớ hỗn độn” không?

Collage Art chính xác là một mớ hỗn độn nhưng đó là sự hỗn độn có chủ đích, có sự sắp xếp, có logic tùy vào cách định nghĩa và nhìn nhận của mỗi người. Bởi Collage Art là một lĩnh vực khá trừu tượng nên tôi cũng không định hình cho bản thân một công thức rõ ràng.

Mọi thứ khi trở thành một thói quen rồi thì sẽ xuất phát từ bản năng, thấy chỗ nào hợp lý thì đặt vào chứ không còn tính toán nhiều.

Tôi cũng không có suy nghĩ rằng người khác phải nhìn thấy cái này hay hiểu được cái kia qua tác phẩm của tôi. Mọi người hoàn toàn có thể tự cảm nhận theo cách mà họ muốn và tôi cũng thích việc nhìn một thứ từ nhiều góc độ khác nhau.

Những năm gần đây, anh đều thực hiện một bức chân dung về mình khi bước sang tuổi mới. Ý tưởng này từ đâu anh có?

Mỗi tác phẩm ra đời vào lúc tôi có thể chất và tinh thần khác nhau. Năm 24 tuổi là thời điểm tôi đến gần hơn với trường phái Lập thể và fanpage Chú Môi chập chững thành hình, nên tôi muốn làm cái gì đó hay hay như một sự kỉ niệm. Vô tình, tôi lấy tấm canvas ra và vẽ số 24 lên, họa dần nét này nét kia thành một bức tranh mà tôi cảm thấy khá ý nghĩa. Cũng năm đó, tôi nhận thấy bản thân có nhiều sự thay đổi trong suy nghĩ, lối sống và thể chất. Rồi tôi cảm thấy ý tưởng này cũng hay nên sang tuổi 25, tôi lại tiếp tục vẽ. Bức tranh năm đó mở ra rất nhiều thứ mà tôi đã học hỏi được trong suốt quãng thời gian đại dịch. Đến năm 26 tuổi, tôi mong muốn sự nghiệp sẽ ổn định hơn nên bức tranh có nhiều khối, trông có vẻ cứng cáp hơn. Năm 27 thì lại là một nốt trầm, điềm đạm hơn một chút.

 

Quá trình thực hiện một tác phẩm trong series tranh tuổi mới này diễn ra như thế nào?

Tôi là một người làm nghệ thuật theo bản năng hơn là trình tự. Nếu đã có ý tưởng trong đầu thì tôi đặt bút vẽ luôn. Tất nhiên, lúc ấy cũng có thể vẽ sai nhưng thay vì “xé nháp” bỏ đi, tôi sẽ cố gắng cứu chữa, biến nó thành một yếu tố trong tác phẩm của mình. Tương tự, việc sử dụng màu sắc hoàn toàn cũng từ cảm nhận cá nhân mà ra. Mọi người thường nhận xét cách phối màu của tôi bắt mắt và hỏi cách tôi thực hiện nhưng kì thực, tôi không có gì định hình cả, đều là lựa chọn ngẫu nhiên, tùy vào cảm nhận và tâm trạng bản thân. Marker là một trong những loại bút mà tôi rất thích dùng bởi khi phết nhiều đường, nhiều lớp thì sẽ ra được hiệu ứng bề mặt khá hay.

Thành công trong lĩnh vực nghệ thuật, anh định nghĩa về nó như thế nào?

Từ nhỏ, tôi đã có suy nghĩ muốn khác biệt trong đám đông. Để làm được điều đó, tôi chú trọng vào trải nghiệm, thử rất nhiều thứ, thậm chí thời gian đầu là hoàn toàn sao chép những nét vẽ, cách dùng màu từ danh họa Picasso.

Rồi cứ vẽ nhiều thì nó thành thói quen của chính mình, cho đến một lúc mọi người nhận ra được tranh của tôi đang dần thoát ra khỏi ảnh hưởng của Picasso và có dấu ấn riêng. Như vậy là tôi thấy mình đã thành công.

Một điều khác tôi cũng xem là thành công đối với mình, đó là nhận được phản ứng của người xem, dù là tốt hay không tốt. Khi làm sáng tạo, thứ nhất tôi muốn tạo ra tác phẩm không giống ai. Thứ hai, tôi muốn mọi người khi nhìn tác phẩm phải ngừng lại vì sự hỗn loạn trong tranh của mình. Bởi vì trường phái tôi theo đuổi khá trừu tượng nên người khác nhìn vào tranh của tôi hiểu thì tốt, mà không hiểu cũng không sao, tôi vẫn rất biết ơn vì ít nhất, họ cũng đã dành thời gian ngừng lại, xem tác phẩm của mình và ngẫm nghĩ.

Anh sẽ lựa chọn dự án để làm hoặc kết hợp dựa trên tiêu chí gì? 

Các dự án tôi nhận khá đa dạng: thời trang, phim ảnh, kịch, rap,… và thường sẽ có hai kiểu. Thứ nhất là những dự án họ muốn mang màu sắc riêng của tôi vào, tôi chỉ cần gửi cho họ những tác phẩm của mình. Còn lại sẽ là những dự án vừa có phong cách nghệ thuật của tôi, vừa đảm bảo tính thương mại.

Tôi thường lựa chọn các dự án dựa trên thông điệp và góc nhìn của người phụ trách ý tưởng dự án đó, ngoài ra là cả quyền lợi của mình. Nếu tôi cảm thấy phù hợp để tác phẩm của mình truyền tải thì tôi nhận bởi có những trường hợp, họ thấy tác phẩm của mình bắt mắt và lạ quá nên muốn kết hợp nhưng thành quả thì không ổn, cả hai không đi tới đâu.

Giờ đây, câu chuyện về AI biết vẽ đang là mối đe dọa với rất nhiều họa sĩ trên toàn cầu. Anh có nằm trong số đó không? Anh nhìn nhận về vấn đề này như thế nào?

Tôi không quá lo lắng về AI vì dù sao nó vẫn hoạt động dựa trên dữ liệu do con người tạo ra. Ngược lại, tôi cảm thấy nếu sử dụng đúng cách thì AI còn giúp đỡ mình rất nhiều thứ, ví dụ tạo bố cục, moodboard,… rồi dựa vào đó phát triển thành phong cách của mình. Một số người theo dõi tác phẩm vật lý của tôi, họ nhận xét rằng tranh này làm sao AI vẽ được. Nhờ đó, tôi nhận ra mình vẫn luôn có tinh thần và chất riêng thông qua những gì mình thể hiện.

Tôi khá tự tin rằng mình có thể giữ gìn điều đó thật tốt và dùng AI ở một mức độ cho phép, trong đạo đức của mình.

Thời gian thực hành nghệ thuật của anh không ngắn, đến giờ, anh có còn lo sợ điều gì không?

Mọi người thường nghĩ rằng người làm nghệ thuật thì tâm hồn ngẫu hứng và tự do tự tại nhưng thật ra, lâu lâu tôi vẫn cảm thấy “burn out” một thời gian vì làm nhiều nhưng không cảm được bao nhiêu. Khi ấy, tôi cũng cần dành một khoảng nghỉ để quay vào trong bản thân, tự hỏi xem mình còn thích thú với những gì mình đang làm không. Rồi tôi “nạp” năng lượng và ý tưởng bằng cách đi dạo, tập thể dục,… Thường là khoảng 1 tuần, tôi sẽ lấy lại hứng thú và “ngứa tay”. Nếu cứ ép mình làm quá nhiều và liên tục thì sự hài lòng với công việc sẽ giảm xuống.

Ảnh: NVCC
 

Related Article