NTK Hiếu Lê: Không có khuôn mẫu, tối giản chính là hơi thở ta đang mang
Talent Hub

NTK Hiếu Lê: Không có khuôn mẫu, tối giản chính là hơi thở ta đang mang

Giám đốc sáng tạo được ví như ngọn hải đăng định hướng và dẫn dắt thương hiệu trong ngành thời trang. Vị trí quan trọng ấy giờ đây được rất nhiều bạn trẻ gen Z đảm nhận. Tư duy tươi trẻ của họ chính là làn gió mới đưa thời trang phát triển đa chiều hơn. Hiếu Lê – Giám đốc sáng tạo của thương hiệu thời trang Việt GIAN SAIGON là một trong số đó.  

Đam mê được xem là chất xúc tác cho mọi bước đi trên con đường mà mình muốn. Hiếu Lê đã tìm thấy chất xúc tác ấy như thế nào?

Niềm đam mê thời trang của tôi được khơi nguồn từ những trang tạp chí như L’Officiel, Đẹp hay Vogue từ khi còn rất nhỏ. Hình ảnh mà tôi nhìn thấy như cái chạm đầu tiên của thời trang và nó đã nuôi dưỡng sự quyết tâm giành tâm trí, thời gian để học hỏi và được “làm thời trang” của tôi. Nghĩ lại, tôi cảm thấy biết ơn vì bản thân đã dám nghĩ khác để “đâm đầu” vào thứ mà người khác thường không chọn để có cuộc sống an nhàn.

Hành trình Hiếu trở thành Giám đốc của của GIAN SAIGON như thế nào?

Tôi xuất phát từ một sinh viên ngành Thiết kế thời trang của Đại học Kiến Trúc, sau đó làm biên tập cho tạp chí Style-Republik. Hành trình đó đã giúp tôi hiểu hơn về lĩnh vực mình đang theo đuổi, không chỉ là kiến thức mà còn kĩ năng mềm và những trải nghiệm thú vị khác. Tuy nhiên, chỉ đến khi làm việc tại Gia Studios, tôi mới được tiếp xúc và phát triển trong phong cách tối giản. Câu trả lời cho sự hoài nghi “Bản thân sẽ làm gì?” càng rõ ràng hơn.

Rồi GIAN SAIGON đến với tôi vừa là một cơ duyên vừa là thử thách mới. Bởi nơi đây không chỉ đòi hỏi những điều tôi đã học và làm trước đây, mà còn yêu cầu kiến thức chuyên ngành về rập, cấu tạo cơ thể, lịch sử quần áo nam giới, hiểu suy nghĩ của khách hàng và khả năng đưa ra định hướng cho một thương hiệu đang phục vụ nhóm khách hàng mới. 

Người ngoài nhìn vào có thể thấy con đường bạn đi khá thuận lợi và suôn sẻ, bạn có nhận thấy như vậy không?

Tôi tin việc gì cũng sẽ có khó khăn cả và những người quan sát hành trình của mình có thể hiểu được điều đó. Khi đón nhận khó khăn, tôi xem nó như một thử thách, một bài thi cho những gì mình đã học và cố gắng giải quyết nó. Đương nhiên vẫn sẽ có nhiều thứ mình bỏ ngỏ, phải tạm cất đi để chờ đến khi đủ chín muồi mới tiếp tục. Nhưng điều đó không có nghĩa là tôi cổ súy việc lười nhác và thiếu quyết tâm. Chỉ là đôi khi, sẽ có những thất bại mà mình cần chấp nhận và tiếp tục bước đi về phía trước.

Trở thành một NTK gen Z góp phần xây dựng thành công thương hiệu thời trang được nhiều người đón nhận, đây có phải là cột mốc đầu tiên mà Hiếu Lê đã đặt ra?

Bản thân tôi luôn xem thành quả tại GIAN SAIGON được tạo ra từ sự nỗ lực của một tập thể. Bằng cách này hay cách khác, mỗi người đã đóng góp vào sự phát triển của thương hiệu và tôi vinh hạnh là một phần trong đó, sớm hơn nhiều so với dự tính. Do đó, bộ sưu tập đầu tiên tại GIAN SAIGON là một cột mốc mà tôi vô cùng trân trọng.

Trước khi bắt tay vào xây dựng thương hiệu GIAN SAIGON, Hiếu và đội ngũ đã ưu tiên cân nhắc những yếu tố nào để tạo nên sự khác biệt và có chỗ đứng trong thị trường muôn vàn “local brand”?

Mỗi thương hiệu sinh ra và phát triển đều có sứ mệnh mà nó được giao phó. GIAN SAIGON mong muốn hoàn thiện tủ đồ của người đàn ông với những sản phẩm được chăm chút từ ý tưởng đến tay người dùng. Bên cạnh đó, GIAN SAIGON còn tập trung phát triển khả năng nhận diện và truyền tải câu chuyện thương hiệu đến khách hàng. Những gì khách hàng nhận được không chỉ là sự kết tinh của trí óc và đôi tay con người Việt Nam, mà còn là sự đảm bảo về tính ổn định trong triết lý thiết kế, giá trị thẩm mỹ và những giá trị vô hình khác.

Thị trường thời trang Việt hiện nay không thiếu những thương hiệu theo đuổi phong cách tối giản. Hiếu Lê và GIAN SAIGON đã làm gì để trở nên khác biệt?

Sau một khoảng thời gian theo đuổi và đào sâu hai từ “tối giản”, tôi hiểu rằng nó là hơi thở mà ta đang mang, là chính ta chứ không phải một khuôn thước nào đó được định nghĩa là “tối giản”. Mỗi người cũng có thế giới quan về tối giản khác nhau, chúng ta cần tôn trọng điều đó. Trong quá trình quan sát, tôi cũng cảm nhận được người Việt Nam, đặc biệt là tại Sài Gòn đã sống một cách tối giản như vậy. Chỉ là bản thân trước đó chưa kịp chậm lại để nghĩ sâu hơn mà mải chạy theo những thẩm mỹ mà mình không thật sự sống trong nó. Vẻ đẹp của những kiến trúc, lối sống, văn hóa con người Sài Gòn xưa và nay truyền cảm hứng mạnh mẽ cho tôi để phát triển những ý tưởng của mình. Tôi gọi đó là “đổi mới” thay vì “sáng tạo”. Khi càng đi sâu vào những điều đó, tôi càng cảm nhận được sự liên kế và thân thuộc vô cùng rõ rệt.

Đôi khi tôi tự hỏi rằng: Khi ra quốc tế, ta sẽ mang theo gì? Ta sẽ mời người Pháp bánh croissant, đến Nhật Bản với hộp cơm nắm, hay giới thiệu với họ về bánh chưng, bún đậu, cơm hến của Việt Nam? Họ có cần mua những món đồ mang giá trị thẩm mỹ xuất phát từ chính nền văn hóa của họ không? Hay họ đang mong chờ những thứ mới mẻ về một nền văn hóa Việt Nam mà họ cần biết và muốn khám phá? Những điều đó giúp bản thân tôi nhận ra con đường phát triển cho GIAN SAIGON và bản thân rõ ràng hơn. Để từ đó, với tư cách là một người trẻ, tôi có thể làm ra những thứ dựa trên sự hiểu và cảm nhận của mình khi kế thừa những giá trị văn hóa và tư duy của người Việt Nam. Hy vọng mọi người sẽ đón chờ và trải nghiệm những sản phẩm mà tập thể GIAN SAIGON sẽ mang đến trong thời gian tới. Cảm ơn Men’s Folio đã giúp mình có cơ hội được chia sẻ cùng quý độc giả. Và cảm ơn mọi người đã dành thời gian cùng mình. 

Cảm ơn những chia sẻ thú vị của bạn!

Phỏng vấn: Trân Nguyễn
Biên tập: Thương Phạm
Ảnh: NVCC
 

Related Article