Một loại rượu mạnh, ví như biểu tượng của văn hóa Bohemian, rất được yêu thích bởi giới văn nghệ sỹ, được ngợi ca là nguồn cảm hứng của những tâm hồn lãng mạn, nhưng cũng gắn liền với nhiều lời đồn đại.
Năm 1899, nhà thơ, tiểu thuyết gia người Anh – Ernest Dowson từng viết: “Rượu whisky và bia dành cho những kẻ ngốc; absinthe dành cho những nhà thơ”.
Sự mạnh mẽ mà dòng rượu nặng màu xanh lá Pháp này sở hữu, như cách Dowson từng tuyên bố, là “sức mạnh của phù thủy”. Những người khác trong giới nghệ thuật châu Âu đồng ý với nhà thơ người Anh này. Họ đặt biệt danh cho absinthe là “nàng tiên xanh” (the green fairy) hay “nữ thần xanh” (the green goddess) và cho rằng thức uống này giúp tăng khả năng sáng tạo và giải phóng tâm trí.
Những họa sỹ mê muội “nàng tiên xanh”
Absinthe trở thành nguồn cảm hứng hoặc tiêu điểm trong một số bức tranh châu Âu nổi tiếng nhất vào cuối thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX, từ “The Absinthe Drinker” (Người uống rượu absinthe) năm 1859 của Edouard Manet, đến “Two Women Seated at a Bar” (Hai người phụ nữ ngồi ở quán bar) năm 1902 của Pablo Picasso, hay “L’Absinthe” (tạm dịch: Rượu absinthe) năm 1875/1876 của Edgar Degas, và chân dung Vincent van Gogh say khướt vì rượu absinthe (hoàn thành vào năm 1887) của Henri de Toulouse-Lautrec
Toulouse-Lautrec là một trong những người sùng bái nhiệt thành nhất của “nàng tiên xanh”. Ông thường mang theo một cây gậy chống rỗng ruột, chứa đầy rượu absinthe, và dạy con chim cốc tên Tom của ông uống cùng (đáng tiếc là về sau Tom đã bị thợ săn bắn chết). Các tác phẩm của nghệ sỹ người Pháp, Gustave Moreau, bạn của Toulouse-Lautrec, còn được lưu ý rằng, chúng “được vẽ hoàn toàn bằng rượu absinthe”.
Những người cùng thời với Toulouse-Lautrec cũng rơi vào bùa mê của “nữ thần xanh”. Paul Verlaine, Walter Sickert, Edgar Allan Poe và Paul Gaugin cũng đã uống rất nhiều. Oscar Wilde đã ví một ly rượu absinthe giống như một buổi hoàng hôn và nói rằng sau ba ly, ta sẽ nhìn thấy thế giới như nó vốn có. Họa sĩ minh họa người Bỉ, Felicien Rops, thì bị ám ảnh bởi các vũ trường ở Paris, ông nốc rượu absinthe và vẽ những người phụ nữ với “đôi mắt chết chóc như có điện”.
Tất cả trong tâm trí
Đối với những người Bohemian thời đó, “nàng tiên xanh” cũng giống như LSD [Lysergic acid diethylamide, một chất gây ảo giác mạnh] đối với những kẻ hippie của thập niên 60. “Nàng” được ví như người mở ra cánh cửa của nhận thức.
Ngoài việc nó không như vậy, bởi vì tất cả những tuyên bố về rượu absinthe – bao gồm từ tuyên bố về khả năng tăng cường sinh lực nam giới cho đến phục hồi cảm giác thèm ăn đã mất – đều không đúng về mặt khoa học. Ảnh hưởng của absinthe, theo nghĩa đen, tất cả đều xảy ra trong tâm trí.
Nguồn gốc của rượu absinthe
Thức uống có sức ảnh hưởng mạnh này được phát minh bởi bác sỹ người Pháp, Pierre Ordinaire. Ông là một người ủng hộ chế độ quân chủ đã lưu vong ở Thụy Sỹ vào năm 1790. Tại đây, vị bác sỹ này đã sử dụng cây ngải cứu và 14 loại thảo mộc khác, ngâm trong rượu nồng độ cao, để tạo ra một loại thuốc tiêu hóa. Đây là một thức uống rất mạnh và đắng. Cái tên “absinthe” bắt nguồn “absinthion” trong tiếng Hy Lạp, có nghĩa là “không thể uống được” – và đó không hẳn là một mánh khóe tiếp thị tốt nhất.
Bác sỹ Pierre Ordinaire qua đời khi còn chưa lập gia đình, và không có con cái. Ông đã để lại công thức ngâm rượu thuốc này cho người quản gia là bà Henriod. Vì lý do nào đó, người phụ nữ này tin rằng đây là một loại thuốc kích thích tình dục và đã rao bán nó như vậy. Năm 1897, thiếu tá Dubied – một trong những khách hàng của bà Henriod, đã tỏ ra rất ấn tượng và mua lại công thức ngâm rượu, sau đó cùng con rể là Henry Louis Pernod thành lập một nhà máy chưng cất để sản xuất đồ uống, đặt tên là Pernod et Fils.
Vào những năm 1830, rượu absinthe của công ty Pernod đã bùng nổ doanh số, nhờ vào việc cung cấp thức uống này cho những người lính Pháp đang chiến đấu ở Algeria, như một cách để chống lại bệnh sốt rét (mặc dù không có bằng chứng cụ thể cho thấy hiệu quả đó). Những người lính đã ưa thích loại rượu này đến mức vẫn tiếp tục uống sau khi trở về quê nhà.
“Giờ xanh lá”
Vào những năm 1860, những vườn nho ở Pháp đã bị tàn phá bởi loài rệp phylloxera. Giá rượu tăng chóng mặt. Rượu absinthe được đưa ra như một giải pháp thay thế rẻ tiền. Người Paris bắt đầu uống absinthe thay cho rượu chardonnay hay cabernet sauvignon.
Chẳng mấy chốc, xu hướng thời thượng ở thủ đô nước Pháp là uống rượu absinthe từ 5 giờ chiều đến 6 giờ tối, khoảng thời gian đó được gọi là “the green hour” (tạm dịch: giờ xanh lá). Những người sành điệu và nghệ sỹ, bất kể giàu nghèo, kéo từ quán bar nay đến quán bar khác, cho đến khi mùi cay nồng khó chịu của thứ đồ uống màu xanh lá cây gớm ghiếc này, lơ lửng trên các đại lộ như sương mù trên mặt hồ thu.
Không thần bí, chỉ mạnh mẽ
Vào đầu thế kỷ XX, người Pháp đã tiêu thụ 36 triệu lít rượu absinthe mỗi năm. Vấn đề là, trong khi rượu vang đỏ mạnh thậm chí có nồng độ cồn khoảng 14% theo thể tích, thì rượu absinthe được bán vào thời đó là 80%.
Nếu rượu absinthe gây cho người ta ảo giác, thì đó không phải là do cây ngải cứu (có chứa dấu vết của thuốc mê thujone, mặc dù với số lượng không đủ để có tác dụng khi pha loãng với rượu) hay bất kỳ sức mạnh thần bí nào, mà đơn giản là vì nó mạnh gấp đôi so với rượu nặng hiện đại, như gin hay whisky.
Những người uống rượu absinthe có vẻ ngoài xanh xao kỳ lạ và ma quái, không phải vì họ đã quy phục một ác quỷ trần gian nào đó và bước vào trạng thái ý thức mơ hồ, mà vì họ đang phải chịu đựng cơn say tồi tệ nhất từng biết đến trên đời.
Bị đổ lỗi làm sụp đổ đạo đức xã hội
Absinthe đã được gán cho những thứ sức mạnh mà nó không có, cũng bị đổ lỗi cho những thứ mà nó không phải chịu trách nhiệm. Chúng bao gồm từ bệnh động kinh và bệnh lao, đến bệnh điên, chủ nghĩa công đoàn và chiến dịch đòi quyền bình đẳng của phụ nữ. Hơn thế, rượu absinthe còn bị đổ lỗi làm suy đồi đạo đức xã hội.
Nhà văn người Anh Marie Corelli, khi khảo sát Paris vào cuối thế kỷ XIX, đã viết rằng “tiêu chuẩn thấp về trách nhiệm đạo đức” hoàn toàn là lỗi của “chứng cuồng rượu absinthe vô tội vạ”. Về sau, có vẻ như các chính trị gia và cơ quan tư pháp ngày càng đồng thuận với nhau. Do đó, việc bán và sản xuất absinthe đã bị cấm ở Bỉ vào năm 1906, ở Hà Lan vào năm 1908, ở Thụy Sỹ (vùng đất khai sinh ra nó) vào năm 1910, và vào năm 1912 ở Hoa Kỳ.
Khi Chiến tranh Thế giới thứ Nhất bắt đầu, “nàng tiên xanh” được xác định là mối nguy hiểm về tinh thần cho quân đội Pháp. Qua những gì được Bộ trưởng Bộ Nội vụ Pháp mô tả như “một hành động tự vệ”, Quốc hội Pháp đã cấm rượu absinthe vào năm 1914. Khi thời gian đã điểm vào “giờ xanh”. Pablo Picasso đã đánh dấu năm đó [như một lời từ giã] bằng cách tạo ra một tác phẩm điêu khắc, “Glass of absinthe”. Đó chính là tác phẩm nghệ thuật cuối cùng mà “nàng tiên xanh” tác động đến.