Với giá bán cao lên đến 3.500 USD được xem là trở ngại lớn của Apple trong việc đưa sản phẩm này đến tay đông đảo người dùng.
Apple vừa ra mắt chiếc kính thực tế ảo đầu tiên của họ với tên gọi Vision Pro, giá từ 3.500 USD. Tại Việt Nam, một số hệ thống bán lẻ dự đoán thiết bị có giá khoảng 100 triệu đồng. Trước đó, nhiều chuyên gia công nghệ kỳ vọng, đây là “the next big thing”, chiếc iPhone thứ 2 của Apple. Sau khi ra mắt, Vision Pro được tán dương, khen ngợi là sản phẩm thay đổi ngành kính thực tế ảo.
Tuy nhiên, cũng không ít ý kiến cho rằng, chiếc kính Vision Pro của Apple sẽ gặp rất nhiều khó khăn và đối mặt với thất bại. Bằng chứng là Meta, công ty đang thống trị thị trường VR, đã phải đối mặt với hàng loạt khó khăn. Theo Wall Street Journal, tính đến cuối năm 2022, Meta chỉ có khoảng 200.000 người dùng hoạt động trong Horizon Worlds, ứng dụng giao tiếp xã hội thông qua VR.
Hiện tại, thị trường kính thực tế ảo, thực tế tăng cường vẫn còn tương đối nhỏ. Theo dữ liệu từ công ty nghiên cứu thị trường IDC, có khoảng 8,8 triệu kính AR/VR được xuất xưởng trên toàn cầu vào năm 2022. Con số trên đã giảm 21% so với năm 2021. Trong khi đó, Apple đã bán được hàng trăm triệu chiếc iPhone mỗi năm.
Ngoài ra, nhìn nhận từ góc độ thực tế, việc đeo kính VR trong thời gian dài là không thể, vì nó gây buồn nôn, đau đầu, chóng mặt. Kích thước là điểm cản trở lớn nhất của thiết bị. Khó thể dùng hàng ngày như máy di động. Kính cận cũng khiến mắt đau, cấn.
Joanna Stern, nhà báo của tờ Wall Street Journal, nằm trong số những người đầu tiên được trải nghiệm kính Vision Pro mới. Dù khá thích thiết bị, phần cuối video đánh giá của Stern lại khiến mọi người lo ngại.
Trong video, cô cho biết, khi gần dùng xong, phần chóp mũi và trán bắt đầu cảm thấy sức nặng của kính. Cô chụp bức ảnh cho thấy trán và mũi đều có vết ửng đỏ. Ngoài ra, cô còn thấy buồn nôn trong suốt màn demo 30 phút.
Giá bán cũng là phần khiến Vision Pro khó tiếp cận với con số 3.500 USD là mức quá cao so với một thiết bị cá nhân. iPhone thời mới trình làng cũng đắt, nhưng có hỗ trợ từ nhà mạng. Ngoài ra, mức giá của nó cũng phù hợp với chi tiêu của tầng lớp trung lưu. Trong khi đó, ứng dụng của Vision Pro lại không rõ ràng, khó thuyết phục chi tiêu.
iPhone mang tính cách mạng, giải pháp mới, nhiều ứng dụng có thể thấy ngay lập tức trên môt thiết bị lọt trong lòng bàn tay. Màn trình diễn của Apple với Vision Pro cũng rất hấp dẫn. Nhưng nó dấy lên câu hỏi lớn trong thời điểm này, người dùng không cần VR. Thực tế, sau đại dịch, con người cần kết nối với nhau nhiều hơn, thay vì giao tiếp qua màn hình hay một chiếc kính.
Bên cạnh đó, tính ứng dụng của sản phẩm hiện không cao, chủ yếu cho gaming, giải trí. Còn phần phục vụ cho công việc thì rất khó để đáp ứng. Chính Facebook cũng đang đình trệ dự án thế giới ảo, dù làm trước Apple 2 năm.