NTK Phan Huy: Tôi có góc nhìn riêng biệt về cái đẹp
MF Talent HubTalent Hub

NTK Phan Huy: Tôi có góc nhìn riêng biệt về cái đẹp

Nhà thiết kế trẻ Phan Huy cho rằng cảm xúc, sự chiêm nghiệm chính là những gì tạo nên tâm hồn và tính cách của một nhà thiết kế.

Phan Huy là một trong những nhà thiết kế trẻ của trường đại học Kiến trúc TP.HCM nhận được sự quan tâm của giới mộ điệu, bởi đồ án tốt nghiệp của anh được ví như buổi triển lãm nghệ thuật lấy cảm hứng từ ký ức tuổi thơ hòa quyện cùng chất liệu mang đậm tinh hoa của văn hóa Việt Nam với tên gọi “Việt Nam thanh bình”. Đối với Phan Huy, thời trang hay cái đẹp cũng cần có cảm xúc và đặc biệt là lòng tin vào một bộ sưu tập có thể gửi đến những cảm xúc mãnh liệt nhất cho người xem.

Niềm đam mê thời trang của Huy bắt đầu từ đâu?

Tôi sinh ra ở tỉnh Quảng Trị, đến cấp 3 chuyển vào Huế học tại trường chuyên Quốc Học Huế. Lí do cho sự thay đổi đến từ việc ở quê tôi không có nơi dạy vẽ để thi vào các trường về hội họa, kiến trúc, nên bản thân quyết định sẽ tự lập sớm để theo đuổi ước mơ. Những năm đầu tại trung học phổ thông, tôi chưa bao giờ có dự định thi vào ngành thời trang, mặc dù đã thích thời trang từ lúc còn bé. Vào năm lớp 3, tôi đã đăng tải những bức diễn họa thời trang đầu tiên lên các cộng đồng thiết kế, nhưng vì ngành thời trang là một nghề khá lạ lẫm đối mọi người ở quê tôi thời điểm đó, thêm nữa ai cũng nói đó là một ngành xả xỉ và tốn kém.

Đến năm lớp 12 khi thật sự nghiêm túc suy nghĩ liệu bản thân thích vẽ, nghệ thuật hay chính xác điều mình muốn là gì, tôi vô tình xem những show diễn Haute Couture quốc tế và bị choáng ngợp, cảm thấy có những linh cảm thôi thúc bản thân cần mạo hiểm nên từ đó chính thức chọn ngành thời trang cho con đường tương lai.

Trở thành Á khoa đầu vào của ngành thiết kế thời trang ở trường Kiến Trúc, Huy đã phải chuẩn bị những gì để đạt được mục tiêu?

Ở thời điểm đó, tôi bắt đầu với việc học vẽ chuyên sâu để chuẩn bị cho kì thi đại học. Tôi đã dành rất nhiều thời gian để luyện tập, hoàn thành những bài tập vẽ trang trí màu hay nghiên cứu vẽ hình họa, tĩnh vật… bên cạnh đó, tôi cũng trau dồi thêm hai môn thi là văn và toán để có thể đạt được số điểm tốt, giúp em trở thành sinh viên á khoa đầu vào của trường Đại học Kiến Trúc TP.HCM.

Ở trường đại học Kiến trúc TP.HCM, tôi đã được thầy cô và nhà trường chỉ dạy kỹ lưỡng về những kiến thức chuyên môn, kiến thức học thuật. Đó là môi trường tuyệt vời để tôi được học cách nghiên cứu một đề tài, triển khai một ý tưởng sâu sắc. Những đồ án nhỏ, môn học đi qua là từng viên gạch để tôi hoàn thiện kiến thức từ cơ bản đến nâng cao. Tất cả điều này đã xây dựng nên một tư duy có tính hệ thống và bước đệm để tôi thực hiện hóa những ý tưởng một cách hoàn thiện và chuyên môn nhất.

Với kinh nghiệm tích lũy tại đại học Kiến trúc, Huy đã làm thế nào để bước chân vào ngành thời trang chuyên nghiệp khi trở thành trợ lý cho các nhà thiết kế nổi tiếng?

Có lẽ, đó là cái duyên mà tôi có được, khi ở thời điểm đó tôi chỉ là sinh viên năm nhất chưa có nhiều kinh nghiệm hay cũng chưa có những sản phẩm thời trang chỉn chu, nhưng bản tân tôi rất yêu thích việc va chạm thực tế, chủ động nộp đơn xin vào những công ty thời trang chuyên nghiệp và may mắn được những đàn anh, đàn chị tạo điều kiện, cơ hội để tiếp xúc, làm việc. Mọi người yêu quý tôi bởi tính cách cần cù và chăm chỉ trong lúc làm việc.

Rất nhiều điểm khác biệt khi ngồi ghế nhà trường và làm việc ở môi trường thực tế mà nổi bật có thể nói đến chính là việc được trực tiếp tiếp xúc và thực hiện những sản phẩm thời trang cao cấp. Bên cạnh đó, tôi hiểu được thị trường thời trang cao cấp nhiều hơn, làm “giàu” hơn cho mình bằng những kĩ năng thực tế khi từ bản vẽ đến việc hiện thực hóa sản phẩm cần những khâu nào. Có những lỗi sai trong quá trình làm việc, tô nhận ra và không cho phép mình mắc sai lầm đó lần sau hay sự vô tình khám phá thêm những điều hay ho trong quá trình nghiêm cứu, thực nghiệm. Đặc biệt, áp lực và cường độ cao ở những môi trường làm thời trang cao cấp đã tôi luyện tôi có một tinh thần vững vàng và luôn thực hiện mọi thứ một cách chỉn chu, chuyên nghiệp nhất.

Huy có gặp khó khăn khi va chạm với thực tế?

Ai cũng sẽ vướng phải nhiều khó khăn khi va chạm với thực tế và việc gặp nhiều người có tài năng khiến tôi bị choáng ngợp, tự đặt ra những áp lực cho mình để bản thân luôn phải tiến lên, hỏi học thêm kiến thức từ những người đi trước. Tôi cũng dần hiểu được thời trang cao cấp là câu chuyện của một tập thể, của những bộ phận và bản thân sẽ phải làm việc chăm chỉ để đi theo được con đường thời trang mà mình đã chọn. Những khó khăn mà tôi cũng thường gặp phải chính là việc thực hiện hóa những thiết kế đẹp nhất cho khách hàng, để sản phẩm khi mang đến tay họ sẽ chất lượng nhất, khiến khách hàng yêu thích và hài lòng.

Việc Huy định hình phong cách, tư duy sáng tạo trong lĩnh vực thiết kế đến từ việc làm trợ lý cho nhà thiết kế?

Tôi cả thấy mình may mắn khi nhận ra tầm quan trọng của tư duy thiết kế khi đi theo một nhà thiết kế. Ngay từ ban đầu bước chân vào ngành thời trang, tôi đã luôn trăn trở và chọn cho mình một phong cách đặc trưng, mang bản sắc cá nhân để theo đuổi. May mắn hơn khi ở trường học hay quá trình làm việc tôi có thêm góc nhìn thực tế và đã có sự điều chỉnh để phát triển thêm những khía cạnh trong tư duy sáng tạo của bản thân, phù hợp và đáp ứng với thị trường thời trang tốt hơn.

Bộ sưu tập tốt nghiệp của Huy nhận khá nhiều đánh giá tốt và lan tỏa trên mạng xã hội trong thời gian gần đây, cảm xúc của bạn thế nào?

Tôi khá bất ngờ và hạnh phúc không nghĩ được mọi người quan tâm và chia sẻ rộng rãi đến như vậy. Trước khi làm bộ sưu tập, điều tôi mong muốn chỉ là các thiết kế sẽ được những anh chị trong ngành hay sinh viên, cộng đồng thời trang quan tâm và cho những lời nhận xét. Nhưng khi bộ sưu tập được đón nhận bởi những đối tượng người xem khác nhau, thì tôi nhận ra mọi người vẫn dành nhiều sự quan tâm đến thời trang, yêu thương và trân quý cái đẹp.

Vì sao Huy chọn chủ đề Việt Nam cho bộ sưu tập tốt nghiệp của mình?

Chủ đề Việt Nam không chỉ ở bộ sưu tập tốt nghiệp mà đây đã là một chủ đề luôn khiến tôi trăn trở và đưa vào ngay từ những đồ án đầu tiên. Những ý tưởng đã thực hiện như “Hoa lúa”, “Hát bội”, “Đưa em tìm động hoa vàng” hay “Chạ” đã chứng mình được phần nào tình yêu của tôi dành cho đất nước, con người, văn hóa Việt Nam. Thế nên, ở bộ sưu tập tốt nghiệp, tôi thực hiện một ý tưởng tôn vinh Việt Nam, đặc biệt bản thân còn muốn đưa vào một điều gì đó gắn liền với kí ức tuổi thơ và từ đó hình ảnh về cánh đồng của Ngoại trong buổi chiều vàng ra đời.

Bộ sưu tập tốt nghiệp là tất cả kinh nghiệm được tôi đúc kết suốt 5 năm em học tập và làm việc. Những kinh nghiệm chuyên sâu về tính học thuật như nghiên cứu ý tưởng, triển khai đề tài, hay kĩ năng vẽ sketch, đặc biệt là khâu lên sản phẩm thực tế cần rất nhiều sự trải nghiệm của một người có chuyên môn như chọn chất liệu vải, lên phom dáng, xử lí chất liệu, chi tiết đính kết… đến việc lên concept cho buổi chụp hình và cuối cùng là một show diễn. Tất cả là những gì tôi vận dụng trong quá trình học tập và rèn luyện từ nhà trường và những nơi làm việc tôi đã đi qua.

Nhiều người cho rằng, bộ sưu tập của Huy mang nhiều dấu ấn của anh Lê Thanh Hòa, Huy nói sao về điều này – Thậm chí, nhiều bình luận cho rằng anh Hòa ảnh hưởng khá nhiều đến tư duy sáng tạo của Huy?

Anh Lê Thanh Hòa đã truyền cho tôi tinh thần làm nghề, tình yêu đối với thời trang và sự cầu toàn chỉn chu tuyệt vời mà tôi vô cùng ngưỡng mộ và học hỏi cho bản thân mình. Nhưng đối với tôi, cái hay của một người nghệ sĩ hay nhà thiết kế chính là phải có những góc nhìn riêng biệt khi cùng cảm nhận một sự vật. Cảm xúc và sự chiêm nghiệm luôn là những gì tạo nên tâm hồn và tính cách của một nhà thiết kế. Cho nên tôi cảm nhận sâu sắc những gì được thực hiện đều xuất phát từ tâm hồn, cảm xúc riêng biệt của chính bản thân khi vẽ nên bức tranh tuổi thơ của mình, từ đó tôi mang đến những thiết kế bản sắc, đặc trưng của riêng tôi.

Làm trợ lý cho một nhà thiết kế nổi tiếng cũng có “mặt trái” khi bản thân dễ bị ảnh hưởng nhiều vào tư duy của họ, quan điểm của Huy thế nào?

Đó cũng là điều trăn trở khi tôi bắt đầu đi làm. Nhưng, chính nhờ sự thấu hiểu về tâm hồn và cảm xúc của bản thân, đã giúp tôi có thể phân định mọi thứ một cách rạch ròi và luôn giữ cho mình những góc nhìn riêng biệt về cái đẹp. Những điều tôi đúc kết và học hỏi trong quá trình làm việc thường là những kĩ năng nghề nghiệp, kinh nghiệm thực tiễn hay sự hiểu biết, kiến thức về thị trường. Về tư duy thiết kế, tôi luôn giữ cho mình một góc nhìn của bản thân để có thể tạo ra những điều mới mẻ, riêng biệt cho một chàng trai có tên Phan Huy.

Sau thành công của bộ sưu tập tốt nghiệp, tạo được tiếng vang, Huy có cảm thấy áp lực khi phải vượt qua “cái bóng” quá lớn của chính mình cho những sản phẩm sau?

Em là tuýp người luôn có những hoạch định cho bản thân mình, đối với con đường sự nghiệp và cụ thể hơn là những bộ sưu tập tiếp theo cũng vậy. Những gì tôi thể hiện ở đồ án tốt nghiệp lần này chính là một câu chuyện về tâm hồn tôi đã vẽ ra, nhưng sau đó tôi vẫn để dành cho mình nhiều câu chuyện về những góc khác trong tâm hồn dần được tiếp nối và kể bằng ngôn ngữ của thời trang. Cho nên tôi không quá áp lực vì tôi biết thời trang là con đường dài và bản thân đã có sự chuẩn bị cho những dự án của mình sau này.

Huy nhận định thế nào về tư duy thời trang của mình?

Có 3 từ mà tôi luôn mong muốn đạt được và giữ cho tư duy thời trang của mình chính là: Tĩnh lặng, Choáng ngợp và Thuần khiết. 3 từ này tạo nên một tư duy về sáng tạo cho tôi với những thiết kế có sự duy mĩ nhưng không quá phô trương, luôn mong manh thuần khiết và khiến người xem có sự dễ chịu khi nhìn thấy một tác phẩm vô cùng “tĩnh”.

Con đường sự nghiệp tiếp theo của Huy sẽ đi như thế nào?

Con đường quan trọng nhất của tôi hiện tại có lẽ là tập trung phát triển thương hiệu cá nhân. Để thực hiện được điều đó tôi sẽ ngày càng nâng cao chất lượng sản phẩm của mình để những khách hàng yêu thích và trân trọng, mong muốn sở hữu sản phẩm của Phan Huy bằng một sự hài lòng và hạnh phúc. Bên cạnh đó, tôi cũng sẽ tạo ra các thiết kế, bộ sưu tập ngày càng chăm chút, đặt để nhiều tâm tư hơn để mãn nhãn những người yêu thích thời trang, yêu thích cái đẹp.

Ảnh: Phan Huy
 

Related Article