Hội họa ng.anhanh: “Make paint, not war”
Arts & CultureLifestyle

Hội họa ng.anhanh: “Make paint, not war”

Cảm màu là một bản năng tự nhiên của họa sĩ ng.anhanh. Vì thế, trong quá trình thực hành hội họa, cô đơn giản lắng sâu vào dòng chảy sáng tạo này mà không đặt nặng những câu hỏi phải vẽ gì, chủ đề ra sao, hay cố gắng tạo ra những áp lực về phong cách hay ý niệm nghệ thuật cụ thể. Và khi không dính mắc vào thứ “phải là”, cô hoàn toàn trọn vẹn trong những thứ “đang là”.

Triển lãm cá nhân “Làm màu” của ng.anhanh biểu hiện cho quá trình sáng tạo hoàn toàn rỗng-lặng về mặt khái niệm. Hàm ý rằng, cô không bám lấy một định nghĩa để theo đuổi, mà đơn giản tung tẩy với những chất liệu hội họa mà bản thân cô có. Vì thế, “Làm màu” diễn ra theo đúng nghĩa đen của nó. Đó là trải nghiệm hoàn toàn việc tô, vẽ, trong khi tâm trí hồn nhiên. Lúc này, những gì hiển hiện lên nom thật duyên dáng.

Mỗi họa sĩ, mỗi người yêu hội họa thường có một khái niệm sẵn trong đầu “hội họa là gì” và họ cũng thường men theo “ngã rẽ” ấy như một triết lý nghề nghiệp. Nhưng với ng.anhanh, cô không nhất thiết chỉ rẽ vào một lối, vì sáng tạo không thể chỉ ở trong một con đường. Cô không đặt nặng việc hội họa phải như thế nào, và thế, cô cứ “make paint, not war”.

Chơi đùa với màu sắc

Đúng như tên gọi triển lãm, ng.anhanh chơi với mực tàu, oil stick, chì, bút lông… trên chất liệu giấy mộc mạc để cảm nhận tính trong veo từ bên trong khi bản thân không đặt nặng việc mình đang vẽ điều này cho ai xem, và mục tiêu của quá trình là gì. Cô không vẽ cho một sự trưng bày, mà trưng bày chỉ đơn giản là hệ quả.

Nhiều người phản biện: “Nếu không có mục đích vẽ, thì làm sao vươn tới sự hoàn hảo? Làm sao có thái độ nghiêm túc trong đó?” Nhưng vốn dĩ, khi bạn trọn vẹn với mỗi giây vẽ, thì cả quá trình vẽ đó chính là sự trọn vẹn. Lúc này, rõ ràng, bạn không cần đặt ra một chí hướng, nhưng vẫn cảm nhận sự thư thái và uyển chuyển xuyên suốt thực hành. Trong khi đó, không ít người tự gây ra áp lực cho chính mình, và cũng chính áp lực đó khiến họ đánh mất đi sự mềm mại, uyển chuyển lẫn nguồn sáng tạo bản năng vốn vượt thoát ra ngoài tầng lý trí, toan tính nông cạn.

Vì sao người lớn đôi khi cảm thấy rất bất ngờ trước một bức vẽ của một đứa trẻ? Kiểu tô, kiểu đưa bút cùng tạo hình ngô nghê và không giống ai cả. Vì trong sự trong sáng, thì không có sự bắt chước và sự sắp đặt. Chính lý trí khiến tác phẩm đánh mất đi dòng chảy uyển chuyển và mềm mại của chính nó. Nhưng khi một nghệ sĩ chỉ đơn giản hiện diện với quá trình sáng tạo, chính dòng chảy nội tại này “đưa đường dẫn lối” cho những sắc màu được nhịp nhàng, truyền cảm và lôi cuốn như nước.

Trong hội họa của ng.anhanh, có khi là vẽ, có khi là tô, có khi như đang phá phách, có khi như đang uốn nắn, có khi lại ngạo nghễ, có khi chấm phá và có khi viết nguệch ngoạc… Một kiểu chơi không theo lề thói. Những sắc màu cứ thế va chạm vào nhau, nương tựa, và luồn lách qua nhau. Nhưng ta vẫn cảm nhận tính hòa nhập mà không bị hòa tan, đa sắc mà không rơi vào trạng huống hỗn mang. Sự trật tự một cách tự nhiên, với những khoảng trống giấy là sự cân bằng và cũng là khoảng thở cho tác phẩm.

Không tự tạo chủ đề vì nó vốn sẵn có

Ng.anhanh không men theo một chủ đề nào cho từng tác phẩm, vì nội tại cô đã là nội dung. Vì thế, cô không cần bám lấy một ý niệm mà tâm trí tự đặt ra. Cô cứ thể “tung màu”, và những màu sắc này sẽ men theo dòng chảy bên trong mình. Mỗi dòng chảy đều mang theo năng lượng riêng của mình. Và hẳn nhiên điều đó sẽ hiển hiện lên tranh. Hội họa của ng.anhanh là tập hợp của những cung bậc tuôn qua bên trong bạn và tôi: đó là tinh thần thiên nhiên, là nỗi buồn lặng lẽ, là sự ngây ngô, là những dư âm trống rỗng. Đôi khi chúng đồng thời xuất hiện, khiến tâm trí rơi vào tình thế hỗn mang của những câu hỏi. Nhưng ẩn đằng sau những câu hỏi mà cô viết ra, đó vẫn là sự chú tâm để không rơi vào guồng quay lặp-đi-lặp-lại của lý trí. Với tinh thần chơi màu, tính loang-chảy cũng như đặc-quánh tự nhiên tạo nên cảm xúc riêng cho từng tác phẩm. Ở đó, ta không thấy sự tắc nghẽn hay “chết” mà như một bản nhạc tự do, mà khi càng lắng nghe, thì một là sắc màu múa nhảy hoặc rơi vào sự lặng lẽ.

Triển lãm “Làm màu” của họa sĩ Ng.anhanh diễn ra vào ngày 27/2 tại Chu Artspace, 33/1b Đặng Văn Ngữ, Phường10, Quận Phú Nhuận, Tp.HCM.

Bài: Trang PS
 

Related Article