Không Đường: Đằng sau lời xin lỗi của các CEO công nghệ
Business

Không Đường: Đằng sau lời xin lỗi của các CEO công nghệ

Các CEO công nghệ lớn như Zuckerberg, Pichai và Elk đều dõng dạc nói rằng sẽ “chịu trách nhiệm hoàn toàn về quyết định sa thải hàng loạt”. Hẳn phải có lý do cho việc sử dụng cùng một ngôn ngữ và những tác động mà nó đem lại.

Khi lời xin lỗi cũng cần chiến thuật

Các ông lớn công nghệ đang sa thải một phần đáng kể lực lượng lao động của họ, khiến ngành công nghiệp này rơi vào tình trạng lo lắng và hoang mang. Đó không phải là một khởi đầu lý tưởng cho ngành công nghệ vào năm 2023.

“Tôi chịu trách nhiệm hoàn toàn về những quyết định đưa chúng ta đến đây ngày hôm nay,” Giám đốc điều hành của Spotify, Daniel Elk thú nhận khi cho biết 6% nhân viên của công ty đã bị sa thải. Elk đã thông báo trước cho nhân viên rằng khoảng 600 người trong số họ sắp có cuộc trò chuyện trực tiếp về tương lai của họ tại công ty. Elk đã sử dụng bản cập nhật về “những thay đổi của tổ chức” để hợp lý hóa việc anh không thể bảo toàn chi phí và cảm ơn những người lao động sắp ra đi vì “mọi thứ họ đã làm”. Thay vì đổ lỗi và viện cớ cho thất bại, Elk đã thừa nhận những thiếu sót và là một trong số các CEO công nghệ thừa nhận thất bại trong công tác quản lý và kinh doanh.

Đầu tháng này, Google thông báo sa thải 12.000 nhân viên trong sự ngỡ ngàng của nhiều người. Sundar Pichai, Giám đốc điều hành của công ty mẹ Alphabet Inc, cho biết: “Điều này đồng nghĩa với việc nói lời tạm biệt với rất nhiều người vô cùng tài năng mà chúng tôi đã dày công tuyển dụng và yêu thích làm việc cùng. Tôi vô cùng xin lỗi vì điều đó. Những thay đổi này sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống của nhân viên Google và nó làm tôi cảm thấy rất nặng nề. Tuy nhiên, tôi xin chịu trách nhiệm hoàn toàn về những quyết định đã đưa chúng ta đến tình cảnh này.”

Tương tự, Mark Zuckerberg cũng công khai nhận trách nhiệm về đợt sa thải lớn đầu tiên trong lịch sử 18 năm của Meta, khiến hơn 11.000 nhân viên mất việc. “Tôi muốn chịu trách nhiệm về những quyết định này và những lý do đã đặt chúng ta trong tình huống tiến thoái lưỡng nan này. Tôi đã sai và tôi chịu trách nhiệm hoàn toàn về điều đó”. Bên cạnh đó, những người đồng sáng lập Stripe (cổng thanh toán trực tuyến của Mỹ) – Patrick và John Collison và người sáng lập Twitter – Jack Dorsey, cũng đưa ra những lời nhận lỗi để dập tắt tin tức về sự thất bại của công ty, việc sa thải hàng loạt và hoạt động kém hiệu quả của họ.

Khi sự không chắc chắn về kinh tế gia tăng, ngành công nghiệp đã phản ứng bằng một loạt các vụ sa thải. Trong dài hạn và ngắn hạn, khi một doanh nghiệp thất bại hoặc phải thu hẹp quy mô, mọi cái nhìn sẽ dồn vào người vận hành – Giám đốc điều hành. Thứ ngôn ngữ cùng cách ứng xử của họ trước khủng hoảng, mà đơn cử là việc sa thải hàng ngàn người, gần như giống hệt nhau, rõ ràng không phải là ngẫu nhiên. Nghĩ một cách dễ chịu thì những tuyên bố “chịu trách nhiệm hoàn toàn” được soạn thảo một cách cẩn thận, để cân bằng khả năng lãnh đạo với sự đồng cảm. Còn nghĩ một cách thẳng thừng hơn thì những phát ngôn trông có vẻ cao cả thực chất là được soạn thảo và gợi ý từ các chuyên gia tiếp thị, không hơn không kém.

Bằng cách nhận lỗi, các nhà lãnh đạo có thể tỏ ra trung thực và đáng tin cậy – cả với công chúng và những người vẫn đang làm việc cho họ. Will Harvey, giáo sư chuyên ngành Lãnh đạo tại Trường Kinh doanh Đại học Bristol cho biết: “Một lời xin lỗi cởi mở và đầy đủ có thể giúp các CEO kết nối với nhiều đối tượng khác nhau, và cho thấy họ cũng là một con người bình thường như ai.” Động thái này của các CEO vừa làm giảm sự oán giận vừa giúp họ trấn an những nhân sự còn lại. Theo một số chuyên gia thì trách nhiệm mà họ đang tuyên bố không nhất thiết là sự nhận lỗi, mà đúng hơn là để tạo lập lòng tin, giữ gìn danh tiếng của mình.

Hành động vẫn thiết thực hơn

Các CEO cần có chiến thuật và cân nhắc thật kỹ trong phát ngôn của họ để xử lý khủng hoảng, nhưng miễn là họ có hành động hỗ trợ và minh bạch về lý do thu hẹp quy mô.

Sau khi đưa ra thông báo cắt giảm 12.000 nhân sự, Pichai chia sẻ về cách công ty sẽ thực hiện một số hành động để giảm bớt quá trình chuyển đổi cho người lao động, bao gồm cách công ty sẽ thanh toán đầy đủ tiền lương trong thời gian thông báo, cung cấp gói trợ cấp thôi việc, thanh toán thời gian nghỉ phép còn lại và cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe, giới thiệu việc làm và nhập cư hỗ trợ cho những người bị ảnh hưởng.

Zuckerberg cũng giải thích lý do đằng sau việc sa thải nhân viên, rằng: “Khi bắt đầu đại dịch Covid, thế giới chuyển sang trạng thái trực tuyến nhanh chóng và sự bùng nổ của thương mại điện tử đã dẫn đến tăng trưởng doanh thu vượt bậc. Nhiều người dự đoán đây sẽ là một đợt tăng tốc vĩnh viễn sẽ tiếp tục ngay cả sau khi đại dịch kết thúc. Tôi cũng vậy, vì vậy tôi đã quyết định tăng đáng kể các khoản đầu tư của mình. Thật không may, điều này đã không diễn ra theo cách tôi mong đợi. Không chỉ thương mại trực tuyến quay trở lại xu hướng trước đây, mà suy thoái kinh tế vĩ mô, cạnh tranh gia tăng và mất tín hiệu quảng cáo đã khiến doanh thu của chúng tôi thấp hơn nhiều so với tôi mong đợi. Tôi đã sai và tôi chịu trách nhiệm về điều đó.”

Mỗi CEO đều có lý do biện minh cho quyết định của họ và đưa ra những gói cứu trợ cho người lao động, song thật khó để người ngoài cuộc đánh giá nó có chính đáng hay không, hay biết được nỗ lực hỗ trợ đó liệu có đủ với cống hiến của người lao động hay chưa. Vì một số tiếng nói từ người trong cuộc vẫn cho thấy có nhiều sự bất mãn, thậm chí cảm thấy câu nói “chịu trách nhiệm” là xáo rỗng. Nhưng có một sự thật rằng, thế giới đang tập trung nhiều hơn về cách họ điều chỉnh, tái cơ cấu lại hậu khủng hoảng để biết được “chịu trách nhiệm toàn hoàn” rốt cuộc là ý nghĩa gì.

Ảnh: Tổng hợp
 

Related Article