MF Meta: Metawashing – Đáng bị ghét
TechTechLifestyle

MF Meta: Metawashing – Đáng bị ghét

Bắt nguồn từ “greenwashing”, “metawashing” có thực sự là vấn đề đáng lo ngại trong vũ trụ ảo mà chúng ta đang xây dựng?

Một dự án xuất sắc của Dolce & Gabbana

Kể từ khi Mark Zuckerberg thông báo đổi tên Facebook thành Meta vào tháng 10 năm ngoái và bắt đầu đầu tư mạnh vào nền tảng trải nghiệm kỹ thuật số, những gã khổng lồ như Google và Microsoft cũng bắt đầu rục rịch chạy theo, từ đó kẻ “nhạy” xu hướng và người tiêu dùng cũng tự hỏi, meta là gì và sẽ làm được gì trong tương lai?

Và mặc dù báo cáo thu nhập tài chính gần đây của Meta đang sa sút còn tài sản của Mark Zuckerberg đã giảm hơn một nửa, rớt hạng từ thứ 6 xuống thứ 20 trong số trong top người giàu nhất thế giới, nhưng Giám đốc điều hành của Meta vẫn quả quyết về định hướng của mình và khẳng định việc đầu tư vào metaverse có thể cần đến 10 năm để xây dựng cũng như tạo ra lợi nhuận. Theo đó, metaverse hiện nay vẫn đang ở trong giai đoạn đầu hình thành và phát triển, và làn sóng NFT, vũ trụ ảo đã mở đường cho những tài năng sáng tạo không giới hạn, làm mờ ranh giới giữa ảo ảnh và đời thực.

Sự đa dạng của metaverse còn được khai thác trong nhiều lĩnh vực từ thời trang, du lịch, điện ảnh và cả cách chúng ta tư duy. Nhưng đi kèm với nó vẫn cần nhiều thử nghiệm, trách nhiệm và cái giá phải trả cho những thử nghiệm đó có thể rất cao.

Theo Digiconomist – một trang web chuyên về tiền điện tử, chia sẻ nguồn điện tiêu thụ để giao dịch đồng Ehtereum sẽ tốn nhiều hơn nguồn điện trung bình mà một hộ gia đình sử dụng trong một tuần. Trong khi trước đó, cách quảng bá về tính bền vững và thân thiện với môi trường của các thương hiệu xa xỉ thì được đẩy mạnh hơn bao giờ hết. Như vậy, chạy theo xu hướng vũ trụ ảo cùng với các chiến thuật quảng cáo sản phẩm xanh diễn ra cùng lúc có đang đi ngược với định hướng của thương hiệu? Và việc dành ra một khoảng tiền cũng như công sức để tiếp thị các thiết kế ảo hoặc NFT có đang giảm thiểu mối quan tâm của thương hiệu đến môi trường?

Khi đó, những hành động trên được gọi là “Metawashing”, bắt nguồn từ cụm từ “Greenwashing” – sử dụng khá phổ biến trong địa hạt kinh doanh thời trang, khi một công ty chi rất nhiều thời gian cũng như tiền bạc để quảng bá là doanh nghiệp xanh nhưng không thực sự tham gia vào quá trình giảm thiểu tác động xấu tới môi trường. Tương tự, điều này cũng sẽ xảy ra trong thế giới kỹ thuật số.

Tuy vậy, trong ngành công nghiệp tỉ đô đang tất bật thay đổi từng ngày, chúng ta vẫn có những cái tên biến định nghĩa trên trở nên vô nghĩa. Đầu năm nay, thương hiệu làm đẹp đến từ nước Pháp – Guerlain đã giới thiệu BST NFT mang tên 1828 “Cryptobees” (hay còn gọi là con ong ảo bởi dòng sản phẩm Guerlain Abeille Royale được chiết xuất từ mật ong) để gây quỹ hỗ trợ dự án “thiên nhiên hóa” khu bảo tồn Vallée de la Millière, Pháp. Mỗi cryptobee sẽ liên kết với 1828 vùng đất trong khu bảo tồn, và trên hết, thương hiệu sẽ sử dụng XTZ, loại tiền điện tử ít tiêu hao nguồn điện nhất, để triển khai dự án này.

Kế tiếp, phải kể đến cái bắt tay sáng giá của Balmain và Barbie – hai cái tên tưởng chừng không thể liên quan lại cùng nhau ra mắt BST gồm 50 sản phẩm NFT độc quyền, được triển khai trên nền tảng Flow blockchain. Và điều làm Flow trở nên khác biệt với nhiều đồng tiền ảo còn lại trên thị trường là thuật toán PoS có thể giảm tiêu thụ năng lượng và chi phí nhiên liệu. Mặc dù những thay đổi này chỉ góp phần rất nhỏ đến môi trường nhưng cũng đủ để tạo nên ảnh hưởng lớn cho thế hệ sau này.

Guerlain “cryptobee”

Tất nhiên, hai ví dụ trên chỉ là một trong những thương hiệu đủ sáng suốt để đi theo hướng bền vững trên vũ trụ ảo. Thương hiệu kinh doanh đồ thể thao nổi tiếng đến từ Đức – Adidas, đã tuyên bố mục tiêu dài hạn của mình về việc tăng cường sử dụng nhựa tái chế và sản xuất theo tiêu chí “có trách nhiệm với cộng đồng” từ đầu năm 2019. Nhưng điều này lại có vẻ như đang đi ngược hoàn toàn với chiến lược phát triển Web 3.0 của thương hiệu. Gã khổng lồ thể thao đã hợp tác cùng Bored Ape, Punks Comic, và Gmoney nhưng không có bất kì thông báo nào liên quan đến mục tiêu bền vững của mình, cũng như Adidas đã bán gần 30 000 NFTs từ “Into the metaverse” thông qua đơn vị tiền ảo Ethereum.

Prada Timecapsule NFT

Nếu như Adidas đang bỏ quên xứ mệnh của mình trong hành trình hướng đến tính bền vững, thì Prada lại có phần “nhỉnh” hơn. Năm 2019, Re-nylon (tái tạo từ những loại nhựa thu thập từ đại dương) được Prada đưa vào nhằm thay thế chất liệu nổi tiếng vốn có là nylon, cam kết với những nổ lực giảm thiểu tác động đến biến đổi khí hậu. Đến giữa năm nay, Prada không nằm ngoài cuộc đua xu hướng, BST Timecapsule NFT được phát hành. Khách hàng sẽ được tặng 1 NFT nếu như họ mua sản phẩm trong BST này. Mặc dù được nhà mốt nước Ý đã tái chế vải từ kho lưu trữ của mình như một cách để tận dụng tối đa nguồn nguyên liệu, nhưng đơn vị tiền tệ Ethereum mà hãng lựa chọn lại tiêu tốn quá nhiều điện năng, gây ảnh hưởng đến môi trường.

Theo: L’OFFICIEL Vietnam 
 

Related Article