Trần Nguyễn Thiên Hương: “Bản chất của tôi là yêu cái đẹp và kiến thức”
InterviewStyle

Trần Nguyễn Thiên Hương: “Bản chất của tôi là yêu cái đẹp và kiến thức”

Người trong lẫn ngoài ngành đều biết chị Trần Nguyễn Thiên Hương là Tổng biên tập của Harper’s Bazaar Vietnam và hay gọi chị là “bà trùm của ngành truyền thông”. Nhưng tất cả chỉ là bề nổi của tảng băng trôi.

Trải qua 25 năm trầy da tróc vảy trong làng báo, tất cả những điều chị nhớ là gì?

Có lẽ là cơ may. Trong một lần tình cờ, tôi trở thành nhân viên của một tập đoàn Đức và được học nghề trực tiếp với các chuyên gia đầu ngành, tôi mới bén duyên với ngành này. Tôi bắt đầu với việc làm tờ Tin học và Đời sống vào tháng 4-1997, một trong hai tờ tin học duy nhất lúc bấy giờ. Năm 2005, khi học khóa học cao cấp dành cho lãnh đạo báo chí ở Đại học Stanford, Mỹ, tôi có cơ may gặp được ông George Green, CEO của tập đoàn Hearst Magazine International và bà Helen Gurley Brown, cựu Tổng biên tập nổi danh của tờ Cosmopolitan, Mỹ. Kiến thức cũng như quan hệ quốc tế từ khóa học giúp tôi đem tờ Her World về Việt Nam năm 2008, và sau đó là tờ Cosmopolitan năm 2010. Xét ở một khía cạnh nào đó, tôi tự hào đứng trong hàng ngũ tiên phong trong trào lưu truyền thông hiện đại, góp phần tạo nên diện mạo mới của truyền thông Việt Nam hiện nay.

Vì lý do gì Cosmopolitan lại nhường chỗ cho ấn phẩm Harper’s Bazaar?

Khi lấy bản quyền tờ này, tôi chỉ nghĩ nó là tượng đài của thế giới. Nhưng khi làm, tôi thấy Cosmopolitan không hợp với văn hóa nước mình. Tôi quyết định chọn Harper’s Bazaar ngay một năm sau đó. Tờ này hợp lý hơn với Việt Nam bởi đã đến thời điểm mà mọi người bắt đầu chú ý đến phong cách sống và thời trang cao cấp nhiều hơn.

Mọi người hay gọi chị là “bà trùm của ngành truyền thông”, cảm nhận của người trong cuộc thì sao?

Tôi không thích những danh xưng như thế. Ôi “bà trùm của ngành truyền thông” là may đấy, ngày xưa lúc làm tờ Thế giới phụ nữ và Tiếp thị & Gia đình còn bị gọi là “Mafia truyền thông” cơ (cười). Tôi chỉ là người có một tình yêu với cái đẹp và kiến thức, và muốn truyền tải đến mọi người mà thôi. Thậm chí, tôi thiệt thòi rất nhiều mặt trong cuộc sống, vì làm báo có phải nhiều tiền đâu? Nếu thật sự làm vì tiền thì không ai làm truyền thông cả.

Làm việc với con chữ đòi hỏi sự sáng tạo, sức bền và sức bật, chị nuôi dưỡng nội lực của mình thế nào?

biết cách nghiên cứu thì còn đi được với nghề. Khi tôi tốt nghiệp đại học, thầy tôi có bảo rằng: “Con không cần phải nhớ gì, điều quan trọng nhất là con phải biết phương pháp nghiên cứu, để khi cần gì, con biết đi tìm nó ở đâu”.

Vậy thế mạnh của chị là dạng nội dung gì hay đi đến đâu, chị tìm tòi đến đó?

Tôi nghĩ mình làm gì cũng được vì bản chất của tôi là yêu kiến thức. Tôi đào sâu góc rể để hiểu tường tận về mọi lĩnh vực, từ máy móc, xây dựng, kiến trúc, tâm lý… Ngày bé, tôi rất cô độc, ít giao tiếp với mọi người, cứ cắm đầu đọc sách suốt. Tôi quá quen với chuyện tìm hiểu mọi thứ rồi (cười).

Tổng biên tập của một ấn phẩm thời trang còn làm rất nhiều việc không tên, chị hẳn có không ít áp lực?

Tôi không bao giờ bắt đầu cái gì với mục đích kiếm tiền, mình làm vì tình yêu trước đã. Với Harper’s Bazaar cũng vậy, đâu ngờ có một ngày nó thành công như thế? Tôi không áp lực nhiều vì đội ngũ hiện tại đã đi cùng tôi từ những ngày đầu. Chỉ có đội ngũ biên tập phải thường xuyên thay đổi, vì các bạn cũng cần môi trường mới để kích thích sự sáng tạo. Tôi là kiểu lãnh đạo mặc kệ ai muốn làm gì cũng được, miễn tuân thủ nguyên tắc tôi đưa ra. Một khi các bạn đã chịu trách nhiệm cho phần việc của mình, tôi không bao giờ hỏi tới, vì các bạn cần không gian sáng tạo và cần được trao quyền.

Không ít lần chị gặp phải sự công kích và những bình luận trái chiều, chị đón nhận điều đó thế nào?

Tôi có bao giờ đọc đâu mà biết (cười). Trước giờ, tôi chưa từng xem lại bất kỳ chương trình nào mình tham gia. Với những tranh cãi liên quan đến lời nhận xét của tôi ở “Miss Grand Việt Nam” mới đây cũng vậy, tôi đâu có thời gian để lên mạng xã hội. Khi bạn bè nói, tôi mới biết.

Là người làm báo chuyên ngành, bản thân trước đây là nhà giáo, trách nhiệm của tôi là nói sự thật và truyền đạt đúng kiến thức. Tôi khen những gì đáng khen, nhưng với những gì không phải thời trang thì tôi phải nói nó không phải. Nếu không, tôi ngồi ở vị trí đó làm gì? Chưa kể đến việc tôi là một trong 24 Tổng biên tập của Harper’s Bazaar trên toàn thế giới, thì việc được học và tiếp thu kiến thức thời trang quốc tế những năm qua đủ khẳng định trình độ của tôi. Năm nay, tôi có tên trong danh sách 500 người có tầm ảnh hưởng về thời trang trên toàn cầu của The Business of Fashion (BoF500). Nói sai để được tung hô sẽ là sai lầm không thể tha thứ, và tôi không thể làm điều đó.

Người ta vẫn hay nói là bản chất của tạp chí là xa xỉ, cả những người làm ngành này cũng vậy, chị có thể chia sẻ một chút không?

Thời tôi làm về văn hóa, về phụ nữ đâu có xa xỉ. Nó là công cụ giáo dục đưa kiến thức đến hàng triệu người vô cùng rẻ. Những tạp chí hiện tại đang đưa các sản phẩm xa xỉ, thế giới giải trí màu sắc, đến gần với bạn đọc. Còn bản chất sang trọng của tạp chí là mang đến cho người đọc những giấc mơ đẹp đẽ, làm người ta đắm chìm hàng giờ đồng hồ trong những trang thông tin đó, và (tạm) thoát ra khỏi hiện thực xung quanh mình.

 

Ảnh: NVCC
 

Related Article