Kính Lube: Từ điển những xu hướng hẹn hò mới cho những người yếu bóng vía
Lifestyle

Kính Lube: Từ điển những xu hướng hẹn hò mới cho những người yếu bóng vía

Hãy chuẩn bị tinh thần, đây sẽ không phải từ điển toàn nến và hoa hồng. Nhưng đáng buồn là khả năng cao bạn đã từng gặp phải những tình huống hẹn hò kiểu này ngoài đời thực.

Ai bảo hẹn hò lúc nào cũng vui? Nhiều người ví von chuyện hẹn hò bây giờ cũng như mua tấm vé số mỗi ngày, may thì vui vẻ cùng nhau, rủi thì ôm cục tức vào người vì đủ mọi lý do bạn có khi… chẳng bao giờ có thể hiểu nổi. Cùng với những cách mới để con người tiếp cận nhau, vô số cách để con người ngưng tiếp cận nhau cũng đẻ ra từ đó. Cách ứng xử trong hẹn hò yêu đương thời hiện đại đã và đang ngày càng biến tướng, đến mức trở thành một kiểu xu hướng. 

Quá nhiều lựa chọn là một nỗi buồn, không có lựa chọn nào lại là một nỗi buồn khác, cơn ác mộng hẹn hò này sẽ có vẻ chẳng bao giờ chấm dứt. Nhưng vì sẽ vẫn có người lao đầu vào (vì biết đâu, bạn sẽ ở trong số may mắn, chỉ là… biết đâu đấy?), nên tôi sẽ ở đây để chuẩn bị bông băng thuốc đỏ và cung cấp cho bạn một cuốn cẩm năng rút gọn những xu hướng hẹn hò mới, thứ tôi gọi là “red flag”, để nếu bạn có ngửi thấy tín hiệu này thì hãy đừng ngạc nhiên và buồn khổ làm gì mà hãy cười mỉm và vẫy tay chào tạm biệt. Vì, ít nhất giờ đây bạn cũng biết mình không phải kẻ kém may mắn duy nhất trong sự nghiệp tình trường. Đâu đó xung quanh bạn, trên mạng xã hội, ở một quốc gia khác, thậm chí một châu lục khác, họ cũng đang hì hục vượt qua những tình huống dở khóc dở cười như vậy để tổng quát hoá chúng thành những từ ngữ xứng đáng xuất hiện trong từ điển hiện hò kiểu hiện đại. 

Tất cả bắt đầu với một từ đã trở nên quá phổ biến “ghosting” – một từ ngữ chỉ ai đó bạn từng quen hay hẹn hò bỗng chốc biến mất như bọt biển, lần cuối họ xuất hiện trong đời bạn là một chữ ‘seen’ lạnh lùng trên cửa sổ chat. Những thuật ngữ diễn tả xu hướng hẹn hò kiểu mới sẽ còn kéo dài như một tấm sớ.

“Dogfishing” 

Bạn thấy một profile không thể hoàn hảo hơn, một khuôn mặt sáng sủa, những dòng giới thiệu ẩn ý về một con người thú vị có sở thích cá nhân và đặc biệt, họ còn có ảnh chú cún của mình trong những tấm hình. Nhưng tấm hình chú chó đó có thực sự của họ hay không? Nếu không, thì họ chỉ đang “dogfishing” bạn, một người thích động vật mà thôi. Trong một bài viết trên tờ Washington Post, hiện tượng này xuất phát từ quy luật tâm lý rất đơn giản, những người nuôi thú vật thường hứa hẹn là những người có khả năng chăm sóc, một trái tim ấm áp, một số phụ nữ thậm chí trong tiềm thức tin rằng cách đàn ông đối xử với chú chó của mình cũng tương tự cách họ thể hiện với đối phương. Dù lý do là gì, hãy đảm bảo người bạn đang nói chuyện cùng thực sự có chú chó xuất hiện ở một trong những tấm hình profile của họ, chứ không phải một chú chó đi mượn đâu đó. 

“Zombieing”

Bạn tưởng “ghosting” đã là hết nấc, họ sẽ chẳng bao giờ xuất hiện trong đời bạn nữa, họ đã thực hiện công cuộc biến mất rất êm đềm và lặng lẽ và bạn cũng đã (sau chuỗi ngày chửi rủa), tiến bước với cuộc đời. Rồi đùng, vài tháng/năm sau, cửa sổ chat của bạn hiện lên cái tên nửa cũ nửa mới: “Hey dạo này thế nào?”. Đây chính là “zombieing”, đúng kiểu trong phim “The Walking Dead”. Có thể họ đang buồn chán và nghĩ rằng hãy thử nhắn lại những người trong danh sách họ từ phớt lờ xem có ai còn hứng thú hay không. Có thể họ đã có đủ thời gian để thay đổi suy nghĩ của mình về mối quan hệ với bạn. Dù lý do là gì, bạn cũng sẽ phải đưa ra quyết định: trả lời như thể chưa có chuyện gì xảy ra? Phớt lờ lại? Hay trả lời một cách rất ẩn ý về thái độ nhảm nhí của quá khứ? Nếu bạn gặp phải trường hợp này, hãy tiếp cận nó một cách trung thực nhất, và đừng quên, nếu đã không có sự tôn trọng ở lần đầu tiên, rất khó để có sự tôn trọng ở (những) lần tiếp theo. 

“Tindstagramming”

Nhiều người chắc chắn đã gặp phải trường hợp này, có khi chính bạn đã làm điều này rồi cũng nên. Về cơ bản, đây là từ chỉ ai đó bạn quẹt trái, nhưng lại quyết định lên Instagram để tìm cách kết nối với bạn (vì họ không thể nói chuyện với bạn ở Tinder được nữa). Đó là những người chẳng thèm bận tâm đến chuyện rõ ràng bạn không có hứng thú gì với họ mà cứ cố đấm ăn xôi làm quen cho bằng được, với một số người, hành động này có thể coi như một kiểu xâm phạm cá nhân. Tin vui là bạn hoàn toàn có quyền không reply dm. 

“Stashing”

Nếu ai đó stashing bạn, họ coi bạn như một bí mật trong đời họ. Tưởng tượng bạn quen ai đó hàng tháng trời, họ gặp gỡ bạn bè của bạn, chẳng ngại xuất hiện trên kênh mạng xã hội của bạn, nhưng vì một lý do nào đó bạn cứ như chẳng hề tồn tại trong đời sống riêng của họ. Bạn chưa từng được giới thiệu với người bạn nào, bạn chẳng biết họ sống ở nơi thế nào, bạn biệt tăm trên kênh social media của họ. Đó là lúc họ đang cố tình giữ bạn vắng bóng hoàn toàn khỏi thế giới xung quanh họ, thậm chí ngại ngần không muốn nhắc đến bạn trong cuộc trò chuyện với ai đó. Lý do giải thích cho xu hướng này được tờ Metro (Anh) gợi mở: họ đang cố tự thuyết phục mình rằng họ không thực sự ở trong mối quan hệ với bạn, và khả năng cao nếu bạn nhắc đến chuyện này, họ sẽ vin vào cái cớ bạn là người đòi hỏi hay nhạy cảm quá mức. Nói chung đây là một trong những xu hướng đáng báo động, vì chẳng ai muốn là một người trong bóng tối cả, nên chắc chắn cần một đoạn hội thoại thẳng thắn ba mặt một lời nếu bạn gặp phải tình huống này. 

“R-bombing”

Nghe thì có vẻ rất đao to búa lớn, nhưng thực ra từ này chỉ đơn giản có nghĩa ai đó đọc tin nhắn của bạn và chẳng bao giờ (hoặc vài ngày sau) mới thấy trả lời. Dù bạn có đang ở trong mối quan hệ với họ hay chỉ ở mức tìm hiểu nhau, thậm chí có khi chính bạn cũng đã làm điều này vài lần rồi cũng nên, cố tình hay vô tình. Tình cảnh này thường đến từ việc họ không muốn tiếp tục trò chuyện với bạn, gặp bạn, tiến xa hơn với bạn, nhưng chẳng biết phải nói thế nào để không làm bạn tổn thương bằng lời lẽ rõ ràng, nên họ cứ xử sự như thể bạn sẽ tự đọc được thứ quái gì đang diễn ra trong não họ mà tự động biết điều biến mất. Không khắc ghosting là mấy, dù xuất phát từ một nguyên do tử tế là họ không muốn làm bạn tổn thương. Nếu bạn cũng làm điều này với ai đó, thì tin buồn, đây không phải một cách thức tử tế để đối đãi với bất cứ ai, dù đó là bạn bè hay đối tượng hẹn hò. 

“Cushioning”

Động thái này thường ở giai đoạn bắt đầu một mối quan hệ khi ai đó gặp gỡ chính thức một người nhưng vẫn thường xuyên (tiện đường) liên lạc với những người khác phòng khi cuộc hẹn hò chính thức không thành công như mong đợi. Họ muốn đời mình cứ phải như giá đồ ở siêu thị, luôn có vô vàn lựa chọn. Một lý do khác, họ không muốn bị tổn thương, nên nghĩ rằng nếu có sự xuất hiện của ai đó khác thì khi một mối quan hệ không thành công, họ cũng có thể đi ngay đến một chân trời mới và giảm thiệt hại cảm xúc với mối quan hệ cũ. Nói chung, đây là tín hiệu của những người không sẵn sàng mở lòng hoàn toàn cho một mối qua hệ, và từ chỗ cushioning đến phản bội cũng chẳng phải là con đường quá xa. 

“Kondo-ing”

Chẳng ai còn lạ gì Marie Kondo và phương pháp dọp dẹp của cô nàng: thứ gì không mang lại niềm vui! Dẹp!. Hoá ra người ta thực sự tin vào cách thức này đến độ sẵn sàng áp dụng nó vào cả chuyện hẹn hò. Dù sex có tuyệt vời thế nào, dù hai người có cảm thấy hoà hợp đến đâu, chỉ có một thứ gì đó “không ổn” ở đây, không vui lắm ở đây, và ai đó lên tiếng về một cuộc chia tay (hay thậm chí còn chẳng lên tiếng), đó là lúc họ đang “kondo” ai đó ra khỏi đời mình. Nghe thì nực cười, và tình ngay lý gian, họ hoàn toàn có lý do để không muốn ở bên cạnh ai đó nếu không thực sự cảm thấy vui, nhưng cách họ “kondo” người ta như thế nào mới là thứ đáng để bàn.

Bài: Vân Anh
Ảnh: Tổng hợp
 

Related Article