Hoàng Dũng: “Tôi có tham vọng được công nhận!”
TrendsInterviewMusic & Film

Hoàng Dũng: “Tôi có tham vọng được công nhận!”

Sau concert “Yên” rất được lòng người hâm mộ của Hoàng Dũng, tôi rất lấy làm tò mò về chặng đường mới sắp tới của bạn sẽ như thế nào. Trong bài phỏng vấn độc quyền này, Dũng đã tâm sự rất nhiều về khoảng thời gian bế tắc của mình, quan điểm về thời trang thay đổi ra sao, đến hành trình 7 năm vững tin vào lựa chọn theo đuổi âm nhạc. Thần thái và cách nói chuyện của Dũng nhẹ nhàng và điềm đạm đúng như tôi mường tượng, nhưng điều khiến tôi thấy thú vị hơn cả… đó là sự hài hước, chân thành và quyết liệt từ Dũng.

Chúc mừng Dũng với concert “Yên” nhận được những phản hồi tích cực của khán giả. Lời đầu, tôi muốn biết cảm xúc của bạn trước, trong và sau đêm diễn như thế nào?

Trước concert khoảng vài ngày, tôi khá háo hức vì nhớ lại những khoảnh khắc tuyệt vời trong concert “25”. Đến giai đoạn tổng duyệt sân khấu, chuẩn bị những công đoạn cuối cùng trước thềm đêm diễn, tôi cảm thấy lo lắng, vì concert lần này khác nhiều so với concert trước từ quy mô, cách tiếp cận, đến kết quả mình mong muốn. Có nhiều màn trình diễn phải tập dợt nhiều lần để có sự hoàn hảo nhất định, có những nốt tôi sợ không lên đúng độ cao cần thiết, phải vừa hát vừa tương tác mượt với máy quay, vì có những đoạn kết hợp flycam trong nhà… nên rất nhiều nỗi sợ hình thành trong tôi. Lúc diễn trên sân khấu tôi cũng run, nhưng hát được vài bài thì thấy dần thoải mái (cười). Sau đêm diễn, tôi ngồi với bạn bè, ban nhạc để chung vui, đồng thời xem cảm nhận của khán giả thế nào. Tôi cảm thấy bất ngờ vì đêm diễn nhận được nhiều sự chú ý hơn mình nghĩ. Phải nói thêm là đạo diễn sân khấu quá giỏi, khi tận dụng triệt để mọi thứ trong không gian của concert.

Trong suốt đêm diễn của Dũng, có khoảnh khắc nào làm bạn bị phân tâm không?

Tôi bị mất tập trung trong một vài khoảnh khắc, đầu tiên là lúc mở màn. Nếu bên dưới khán giả trầm trồ, reo hò khi biết tôi sẽ từ đâu bước ra, thì tôi ngồi bên trong căn nhà xoay 360 độ rất hồi hộp. Bên trong ngôi nhà có đến khoảng 25 người, bao gồm phụ trách chiếu tôi lên màn hình, đem máy chiếu đi và dọn thật nhanh mọi thứ, sau đó đẩy cho căn nhà xoay ra hướng sân khấu. Trước mắt tôi là rất nhiều chuyển động, mọi người hối hả thao tác, thật sự rất khó để không phân tâm lắm.

Ngôi nhà xoay 360 độ là một sáng tạo thông minh, ngay đến ban công của nó cũng rất kiên cố…

Đó là một sự đấu tranh của tôi và đạo diễn, nó là điều mà chúng tôi quyết tâm thực hiện bằng được. Câu hỏi đầu tiên chúng tôi muốn đi tìm lời giải trong giai đoạn lên ý tưởng, đó là sân khấu của một nghệ sĩ ballad sẽ như thế nào? Chúng tôi muốn phá bỏ định kiến cho rằng một ca sĩ muốn khuấy động sân khấu là phải có vũ đạo, vũ đoàn. Tất nhiên một người nghệ sĩ biết nhiều kỹ năng là rất tốt, nhưng chúng tôi chọn giải đề theo cách khác. Đó là một nghệ sĩ hát ballad vẫn có thể làm chuyện mình giỏi nhất – tập trung “phiêu” nhạc, và phần còn lại từ sân khấu sẽ bổ trợ cho người nghệ sĩ đó.

Chúng tôi không muốn lãng phí những gì mình có, nên gia cố rất kỹ phần ban công. Thật ra, ban đầu tôi muốn làm một sân khấu giống y hệt bìa của album, một căn nhà nằm trên một quả đồi to, nhưng quy mô đó có chút không khả thi, nên đành làm quả đồi nhỏ hơn (cười).

Quá trình chuẩn bị show diễn hẳn là nhiều cảm xúc, kỷ niệm nào đáng nhớ nhất với Dũng?

Làm concert ở Nhà thi đấu quân khu 7 có lẽ là một dấu mốc đáng nhớ, vì nó là cả một sự hoài niệm. Hồi vào Sài Gòn thi “The Voice” (2015), tôi tình cờ thấy nơi này khi đứng ở cây xăng đối diện. Tôi thấy có một show ca nhạc, nhiều người ra vào lắm. Tôi chợt nghĩ rằng sau này, có khi nào mình sẽ làm chương trình trong đó không? Lúc khảo sát địa điểm cho concert, nơi đầu tiên tôi đặt chân đến là địa điểm ngày xưa mình từng tò mò về nó. Tôi không phải là người buộc bản thân tại thời điểm nào phải đạt được cột mốc nào, cũng không quá nghiêm khắc với bản thân về một lộ trình chi tiết, nhưng đến một thời điểm nào đó, tôi lại vô tình thực hiện được điều mình từng muốn. Với tất cả những gì đạt được hôm nay, tôi thấy mình đi đúng hướng. Không biết sau này, khi làm chương trình ở chỗ khác, tôi sẽ có cảm giác bồi hồi như thế không.

Chiến lược làm concert ở Sài Gòn và Hà Nội có điểm gì khác nhau?

Chiến lược có chăng là tôi luôn muốn tổ chức một tour lưu diễn đến những nơi mà mọi người ít có cơ hội nghe nhạc. Về phần khách mời tại Hà Nội, tôi sẽ đồng hành cùng Orange, GDucky và chị Thu Phương. Ai cũng hiểu khách mời góp phần khá quan trọng để thu hút khán giả nhưng với tôi, họ không chỉ là những thỏi nam châm, mà phải có sự kết nối với mình, từng cộng tác với mình nhiều. Họ đứng trên sân khấu sẽ cho mình cảm giác thoải mái và hợp lý với khán giả, để họ không phải đặt câu hỏi tại sao người nghệ sĩ này lại ở đây? Orange và GDucky đều là những người bạn của tôi trên suốt chặng đường hoạt động. Riêng chị Thu Phương, tôi đã muốn hát cùng chị trong concert trước nhưng có lẽ chưa thích hợp. Vì khi gửi lời mời đến người dẫn dắt mình, tôi muốn có sự tự tin nhất định để cả hai có thể thăng hoa cùng nhau.

Hành trình 7 năm hoạt động nghệ thuật của Dũng có rất nhiều cung bậc cảm xúc lẫn thăng trầm, có khi nào bạn cảm thấy bế tắc không?

Đó là vào cuối năm 2016 khi tôi trở lại Hà Nội sau cuộc thi, tôi nhận ra mình chẳng có kế hoạch nào cho bản thân. Tôi nhận lời tham gia vòng giấu mặt của “The Voice” phần lớn vì phấn khích trước cơ hội vào Sài Gòn, chứ không hiểu cuộc thi là một bước đệm tốt cho bản thân. Phải mất hơn một năm loay hoay tại Hà Nội, tôi mới quyết định theo đuổi ca hát và hoạt động như một nghệ sĩ indie. Tôi khá hoang mang khi không tìm được người quản lý phù hợp để làm việc cùng, nhưng rồi tôi nhận ra điều quan trọng nhất của một người nghệ sĩ là sản phẩm, thứ cho người ta biết tôi đang sống, đang làm việc, đang theo đuổi đam mê. Tôi bắt đầu tự sản xuất sản phẩm cho mình, từ hát, đánh đàn đến quay, dựng và đăng tải lên mạng.

Concert “Yên” đánh dấu một Hoàng Dũng trưởng thành hơn với những nỗi buồn và niềm đau trong tình yêu lẫn tuổi trẻ. Tiếp theo đây, chúng tôi sẽ được nhìn thấy Hoàng Dũng trong diện mạo và dòng nhạc mới hơn không?

Khán giả sẽ thấy nhiều thứ mới hơn. Tiếp theo, dù chưa biết sẽ hát dòng nhạc nào nhưng chắc chắn không phải là pop ballad nữa. Khán giả sẽ gặp một Hoàng Dũng sôi nổi hơn với những trải nghiệm mới. Tôi là người trân trọng trải nghiệm, vì nó giúp ích rất nhiều cho sáng tác của tôi. Tôi nghĩ âm nhạc cũng không phải là điều gì quá cao siêu đến mức mình cần làm điều gì đó quá khó hiểu, xa vời với khán giả. Quan trọng với người nghệ sĩ/người sáng tác nhạc, đó là có sự trải nghiệm khi trình diễn/viết một ca khúc. Thế nên, dù Hoàng Dũng trong dòng nhạc nào, trải nghiệm sẽ luôn là thứ được nâng niu. Và khi mọi thứ được bồi đắp đủ đầy nhất sẽ là lúc tôi trở lại với dự án mới.

Hai năm vừa qua, nếu khán giả để ý sẽ thấy, quan điểm về thời trang của tôi đã thay đổi hoàn toàn. Trước đây, tôi cho rằng đàn ông là phải mặc những thứ làm cho mình đàn ông nhất có thể, như phải gắn liền với màu đen, các bộ suit, hay chọn các item cơ bản. Hiện tại, tôi thích gì thì mặc đó, vì nó cũng chẳng thay đổi con người mình. Thời gian vừa rồi, tôi diện đồ khá màu mè, chủ yếu là màu hồng, thậm chí là trang phục unisex và cảm thấy thoải mái, tự tin hơn rất nhiều.

Dũng phát triển thế mạnh với dòng nhạc ballad quá tốt, sự thay đổi tiếp theo hẳn sẽ đặt ra cho bạn rất nhiều thách thức?

Thách thức là rất nhiều vì tôi không chỉ đơn thuần là làm quen, mà còn sống với nó trong một khoảng thời gian nhất định. Khi tôi hát nhạc pod ballad thì phong thái, kiểu nói chuyện, cách tiếp cận vấn đề của tôi cũng rất… “pop ballad” (cười). Tôi tìm cảm hứng nhiều từ phim Hàn, tiểu thuyết ngôn tình… và lâu dần, vô hình hay cố ý, nó cũng khiến mình ảnh hưởng ít nhiều. Tôi chưa nghĩ nhiều về phản ứng của khán giả, nhưng tôi tin họ sẽ hiểu sự đổi mới này của Hoàng Dũng. Vấn đề là tôi phải thay đổi như thế nào, để khán giả có thời gian tiếp nhận và cảm thấy dễ chịu.

Từ những chia sẻ của mình, Dũng hiện lên là một người sống hết mình với âm nhạc, mối quan tâm duy nhất của bạn. Vậy tham vọng của Dũng trong thế giới âm nhạc là gì?

Tôi có tham vọng được công nhận. Tôi không phải là người có mưu cầu về vật chất hay địa vị. Tôi muốn được công nhận với vai trò là ca sĩ nên thi “The Voice”, và muốn khẳng định khả năng sáng tác nên thử sức với “Sing My Song”. Sau đó, tôi vẫn thấy chưa đủ, muốn là một ca sĩ và nhạc sĩ thực thụ còn cần nhiều hơn vậy nữa. Đến bây giờ, tôi vẫn đang trên con đường tìm kiếm sự công nhận với hai vai trò đó.

Đó là những mục tiêu ngắn hạn, còn dài hạn thì sao?

Tôi nghĩ khái niệm “nghề chọn người” là đúng. Trước khi đến với âm nhạc, tôi hoàn toàn không có hình dung về một ngày mình sẽ trở thành ca sĩ. Nhưng theo luật hấp dẫn, mình tìm đến chỗ này, mình quen biết người kia, dần dà dẫn dắt mình trở thành ca sĩ lúc nào không hay. Và tôi nhận thấy mình không thể cảm hứng mãi được, đã đi đến bước này rồi, tôi phải nghiêm túc với âm nhạc. Đến giờ phút này, tôi nghĩ mình hạnh phúc với việc tiếp tục nghiên cứu và làm những việc liên quan đến âm nhạc như nhạc sĩ, người sản xuất âm nhạc, giám đốc âm nhạc…

Nếu chọn ra 3 ca khúc để lột tả 3 giai đoạn trưởng thành của Dũng, đó sẽ là các ca khúc nào?

“Yếu đuối” – Bài hát trong chung kết “The Voice”, sáng tác đầu tiên của tôi được mọi người yêu thích.

“Nàng thơ” – Ca khúc này đưa tôi đến gần với khán giả Sài Gòn và mở ra cho tôi nhiều cơ hội, gặp gỡ những người bạn mới. Trước khi có sự xuất hiện của “Nàng thơ”, mọi người gọi tôi là “One hit wonder”, và tôi chứng minh mình làm được nhiều hơn thế.

“Nửa thập kỷ” – Nhạc phẩm giúp mọi người nhìn thấy một màu sắc khác ở tôi, không còn là Hoàng Dũng, một chàng thơ, suốt ngày thơ thơ thẩn thẩn.

Cảm ơn những chia sẻ của Hoàng Dũng.

Nhiếp ảnh: Rabhuu Studio
Biên tập & phỏng vấn: Huyền My Trương
Sản xuất: Văn Minh Thư
Stylist: Terry Nguyen
Trang điểm: Pham Quoc Toan
Social team: Belle Hoàng (Social Editor), Thu Hà, Đình Phú
Quay phim: Thịnh Lương
Trang phục: CAO STU, Goldie
Trợ lý nhiếp ảnh: Ogami
Trợ lý: Harry Le
 

Related Article