Trào lưu kỳ thị smartphone và sự nổi loạn của thế hệ “dumbphone” 
TechLifestyle

Trào lưu kỳ thị smartphone và sự nổi loạn của thế hệ “dumbphone” 

Vào tháng 4/2022, Selena Gomez đã tiết lộ trong một cuộc phỏng vấn với Good Morning America rằng cô đã thành công một việc mà nhiều người nghĩ tới nhưng chưa làm nổi.

Nữ ca sĩ cho biết cô đã tạm ngưng sử dụng Internet, không phải chỉ vài tuần, vài tháng, mà là suốt 4,5 năm qua. Và điều này đã thay đổi cuộc đời nữ ca sĩ. “Cuộc đời tôi đã thay đổi hoàn toàn, tôi hạnh phúc hơn, tôi tận hưởng cuộc sống hơn, tôi kết nối được với mọi hơn nhiều hơn”, Selena Gomez nói. 

Internet ngày càng trở thành một nơi gây mệt mỏi, nhưng để bỏ hẳn Internet không phải là điều ai cũng làm được. Thế nhưng, hàng triệu người trẻ đang cố gắng rời bỏ Internet thông qua việc rời bỏ smartphone và trở lại với feature phone, hay “điện thoại cục gạch”. Trào lưu này đang lan tỏa rất mạnh với tên gọi “Cách mạng điện thoại cục gạch” (Dumb phone Revolution). 

Thời đại smartphone đã mang cả thế giới vào bàn tay của chúng ta, nhất là từ khi iPhone xuất hiện vào năm 2007. Smartphone cũng đánh dấu triều đại của mạng xã hội và những hệ lụy của nó. Không khó để thấy smartphone đã chiếm đoạt tâm trí của chúng ta, một người dùng smartphone thông thường sẽ chạm vào điện thoại của họ 2.617 lần mỗi ngày. Một điều thú vị là 1/2 số lần chúng ta chạm vào điện thoại chỉ cách lần trước đó khoảng 3 phút.

Dùng điện thoại giờ không phải là một thói quen, mà nó đã trở thành một chức năng của cơ thể người. Mỗi ngày chúng ta dành khoảng 3 giờ nhìn vào chiếc màn hình điện thoại tí tẹo và nó thay đổi những cảm xúc của người dùng. Chúng ta có thể cảm thấy dằn vặt vì mình phí phạm thời gian quá nhiều; mạng xã hội khiến người ta tiêu cực và cô lập hơn với thế giới. Chưa kể, các gã khổng lồ công nghệ cũng âm thầm can thiệp vào đời sống của chúng ta bằng việc bí mật theo dõi, thu thập dữ liệu và thói quen người dùng. Vì thế, nhiều người dùng trẻ đang bắt đầu trào lưu rời bỏ smartphone và trở lại với điện thoại cục gạch. Giờ đây, họ trở lại với thời kỳ những năm 2000, khi điện thoại chỉ có thể dùng để gọi và nhắn tin; và nhiều người thấy rằng đây là một làn gió mới thổi vào cuộc đời họ.

Theo thống kê từ BBC, từ khóa “dumb phone” đã tăng vọt trên Google từ năm 2018 đến 2021. Số lượng điện thoại cục gạch bán ra trong năm qua cũng đạt đến con số 1 tỷ thiết bị, trong tương quan với 1.4 tỷ smartphone được bán. 1.4 tỷ thiết bị tương đương với mức sụt giảm 12.5% so với năm 2020; và một nghiên cứu của Deloitte năm 2021 cho thấy 1/10 người dùng smartphone ở UK có một chiếc cục gạch.

Trả lời BBC, Robin West, một người dùng 17 tuổi cho biết cô đã bỏ smartphone được 2 năm, mỗi tháng cô chỉ phải chi khoảng 8 bảng Anh để nghe gọi, và không còn lo lắng về các gói kết nối. Cô cho biết sẽ không bao giờ mua thêm một chiếc smartphone nào nữa. “Tôi rất hài lòng với cục gạch của mình, tôi không nghĩ mình bị giới hạn gì cả. Chắc chắn là tôi đã sống chủ động hơn. Trước đây, tôi chưa từng để ý rằng smartphone đã chiếm hữu cuộc sống của mình thế nào cho tới khi tôi mua một chiếc cục gạch. Tôi nhận ra mình phí nhiều thời gian ra sao cho mạng xã hội, tôi chẳng làm được gì ra hồn, lúc nào tôi cũng bấm điện thoại”, Robin nói.

Nhưng bạn bè của cô thì tỏ ra khó hiểu với quyết định này. “Ai cũng nghĩ tôi chỉ tạm rời bỏ smartphone, kiểu tuần sau tôi lại mua điện thoại thông minh ấy mà”. Có thể Robin không đại diện được cho “giới trẻ”, nhưng trường hợp của cô đã đặt ra một câu hỏi thú vị: Liệu smartphone có thực sự cần thiết trong thế giới hiện đại, hay sự hữu dụng của nó chỉ là một ảo ảnh?

Chúng ta đã sống rất tốt khoảng 15 năm trước dù smartphone chưa xuất hiện và có lẽ giờ đây chúng ta chỉ tự cảm thấy dị hợm nếu mình ra đường mà không cầm trên tay một chiếc smartphone.
Shubham Agarwal, phóng viên của Digital Trend cũng đã đổi sang dùng Nokia 8110. “Tôi cảm thấy cuộc sống của mình bị smartphone và các công ty công nghệ bắt cóc, chuyển sang dùng dumb phone giúp tôi vượt qua ảo tưởng rằng cuộc sống của tôi sẽ ngưng trệ khi không có smartphone”, anh nói, “Tôi nhận ra những thứ tôi làm trên smartphone thực ra ít có ý nghĩa”.

Một vài YouTuber cũng chia sẻ câu chuyện sử dụng điện thoại cục gạch của họ, như Ashton Womack. “Bản thân tôi cũng cảm thấy khó tin khi tôi đã dùng điện thoại cục gạch được hơn 6 tháng. Tôi tự nghĩ rằng mình sẽ thử trong 30 ngày thôi coi nó ra sao”. Womack chia sẻ, “Và giờ đã 6 tháng trôi qua, có nhiều nơi hiện tại yêu cầu bạn quét mã QR để sử dụng dịch vụ và cái dumb phone của tôi không scan được, nhiều chỗ bây giờ họ còn không có menu, bạn quét QR code trên bàn để gọi món và thường thôi sẽ đi với một người có smartphone. Tất nhiên là tôi chủ động chọn không dùng smartphone nhưng điều này khiến tôi nhận ra những người không đủ khả năng mua smartphone đang thiệt thòi như thế nào”.

Nhưng những bất tiện đó đem lại cho cô những cảm xúc chưa từng có. “Điều tôi cảm thấy hạnh phúc nhất là không còn noti nữa, điện thoại của tôi không còn rung hay tít tít trừ khi có người gọi hay nhắn tin sms, rất tuyệt vời”, cô hào hứng, “Cuối cùng thì điện thoại cũng chỉ là một thiết bị mà tôi dùng nếu cần và không bị nó cuốn hút nhiều quá. Chuyển qua dùng cục gạch cũng khiến tôi cảm thấy an tĩnh hơn, tôi cũng nhận ra nhiều sự lo lắng đã biến mất cùng chiếc iPhone, tôi không còn cố phải bắt kịp những gì đang xảy ra trên Internet. Trước đây khi tôi đang đứng chờ xe hay gì đó, tôi sẽ mở iPhone ra và cố tiếp nhận càng nhiều thông tin nhất càng tốt. Giờ thì tôi có thể cho não mình nghỉ ngơi một chút và đó là điều mà chúng ta ngày càng thiếu trong xã hội ngày nay. Tôi thực sự bất ngờ vì mình không quay lại dùng iPhone nữa, và tôi cũng chẳng phải tự quy định là đừng dùng điện thoại sau 8h tối hay kiểu vậy”.

Dù có những bất tiện nhất định, nhưng cái được lại nhiều hơn. GS Sandra Watch, chuyên gia công nghệ tại ĐH Oxford giải thích lý do giới trẻ muốn một chiếc điện thoại giản đơn hơn. “Chiếc smartphone là trung tâm giải trí của giới trẻ, là nguồn tin tức, nguồn chỉ đường, nhật ký, từ điển và cả ví tiền”, bà nói, “Smartphone muốn chiếm cứ mọi sự chú ý của bạn bằng thông báo và cập nhật, bằng tin tức nóng hổi chen chúc trong một ngày của bạn”.

“Nó có thể khiến bạn khó chịu, khiến bạn bực mình, nó khiến bạn cảm thấy bị quá tải và vì thế người trẻ ngày càng trông đợi những công nghệ đơn giản hơn. Họ tin rằng dumb phone cho họ một lối nhỏ để trở về những tháng ngày xưa cũ, cho họ cơ hội tập trung vào từng công việc một, và thậm chí giúp họ bình tĩnh hơn”.

Các nghiên cứu cho thấy quá nhiều lựa chọn có thể khiến chúng ta không hạnh phúc và bực dọc. Bạn có thể bắt đầu sử dụng dumb phone vào các kỳ nghỉ, khi đang tập trung cho một dự án mới hay đơn giản chỉ là muốn nghỉ ngơi một vài ngày.

Các nhà sản xuất điện thoại cục gạch cũng bắt đầu chú ý đến trào lưu này, Light Phone, một công ty điện thoại ở New York đã có những kế hoạch của họ. Light phone có nhiều tác dụng hơn một chút so với những chiếc cục gạch Nokia năm xưa, nó có thể chơi nhạc và podcast, có thể kết nối bluetooth với headphone. Công ty vừa ghi nhận doanh thu kỷ lục vào năm 2021 với mức tăng trưởng 150% so với năm 2020. Vào năm 2014, Joe Hollier và Kaiwei Tang công bố dự án Light phone trên kickstarter với tham vọng “chiến đấu với chứng nghiện smartphone”; 50.000 người ký tên vào waiting list.

Kaiwei Tang cho biết ban đầu họ chỉ muốn tạo ra một thiết bị để người dùng tạm xa smartphone vào cuối tuần, nhưng giờ thì phân nửa số khách hàng của họ đã chuyển sang dùng mỗi Light phone.
“Nếu người ngoài hành tinh đến trái đất, có khi họ cho rằng smartphone là một giống loài tân tiến đang điều khiển loài người; người dùng nhận ra những điểm không ổn và chúng tôi muốn trao đến cho họ một giải pháp”, Kaiwei hài hước.

Khách hàng mục tiêu của Light Phone là những người lớn tuổi, thế nhưng gen Y từ 25-35 lại đang là nhóm mua chủ lực. Điều này cũng cho thấy thế hệ lớn lên trước thời kỳ Internet dường như đã bắt đầu mệt mỏi với không gian mạng.

Một tay chơi mới gia nhập thị trường là Punked với thiết bị MP02. Không chỉ đơn giản, thiết bị này cũng mang thiết kế thời trang phù hợp với xu hướng minimalist. Có thể thấy, nhu cầu dumb phone đã phát triển lên một bước mới và chúng ta sẽ nhanh chóng nhìn thấy nhiều công ty khác gia nhập cuộc đua này.

Nokia cũng đã có những động thái đầu tiên, họ công bố một chiếc feature phone với kết nối tai nghe bluetooth. Vào năm 2017, Nokia cũng khởi động lại dự án 3.310, chiếc feature phone nổi tiếng một thời 2000s. Cú hồi sinh này gây nhiều chú ý và cũng tạo ra những tranh cãi mới; những lựa chọn mới giữa viên pin xài được 1 tuần, bộ vỏ ngoài nồi đồng cối đá.

Liệu trào lưu này có kéo dài được hay không? Khó mà trả lời được. Trước mắt, trào lưu này vẫn đang tiếp diễn và chắc chắn nó còn kéo dài khi cuộc sống của chúng ta ngày càng gắn liền với Internet. Vật cực tất phản và sẽ có những người cố gắng rời xa thiết bị công nghệ, dù họ phải chấp nhận những khó khăn khi thiếu thốn công nghệ mới. Các bạn có nghĩ trào lưu này sẽ chết yểu hay bản thân mình cũng sẽ thử sống một tuần, một tháng, hoặc mãi mãi với những chiếc dumb phone?

Bài: Jason
Ảnh: Tổng hợp
 

Related Article