Internet đã chứng tỏ tác động sâu sắc của nó đối với cuộc sống, công việc của con người và tất cả các khía cạnh của xã hội. Với công nghệ truyền thông không ngừng tiến bộ và đổi mới, Internet dường như đã sẵn sàng chuyển sang kỷ nguyên tiếp theo, từ bối cảnh Web 2.0 sang Web 3.0, dẫn đến một cuộc cách mạng thông tin mới. Đáng nói hơn trong cuộc cách mạng công nghệ này là sự chạy đua giành vị trí tối cao về công nghệ của Trung Quốc.
Công nghệ Tokenization (chuyển hóa thông tin nhạy cảm của khách hàng thành một mã kí tự, được gọi là mã token), DeFi (Tài chính phi tập trung – một hình thức tài chính dựa trên blockchain), DAOs (các tổ chức tự trị phi tập trung, khác với các tổ chức truyền thống như Facebook, Google… chúng có thể hoạt động một cách độc lập mà không cần sự can thiệp của con người), hợp đồng thông minh, NFTs, GameFi (các trò chơi blockchain chơi để kiếm tiền) là các cụm từ thường được sử dụng khi thảo luận về Web 3.0, một thuật ngữ mô tả tầm nhìn về một phiên bản Internet mới, tốt hơn dựa trên công nghệ blockchain. Những người ủng hộ Web 3.0 mơ về một Internet trong tương lai do người dùng dẫn dắt, được tổ chức trong một mạng lưới phi tập trung và chạy trên công nghệ blockchain, trái ngược với Internet hiện tại, mạng lưới mà các công ty công nghệ và các thực thể khác kiểm soát.
Hướng phát triển Web 3.0 của Trung Quốc có gì đặc biệt?
Về sự khác biệt giữa Web 3.0 ở Trung Quốc và các quốc gia khác, ta cần phân biệt giữa hai blockchain: Chuỗi công khai (Public Blockchain – hệ thống sổ ghi chép không bị giới hạn truy cập, bất cứ ai có thể truy cập vào Internet đều có thể đăng nhập vào hệ thống và trở thành thành viên có thẩm quyền) và Chuỗi liên hợp (Consortium Blockchain – hệ thống bán phân quyền với nhiều hơn một tổ chức quản lý). Chuỗi công khai mở cho tất cả mọi người và cung cấp quyền truy cập không hạn chế cho tất cả người dùng, đồng thời dữ liệu minh bạch và không thể bị làm giả. Các chuỗi liên hợp có xu hướng được bảo vệ quyền riêng tư tốt, chi phí giao dịch thấp và tốc độ giao dịch nhanh.
Sự khác biệt giữa hai chuỗi cũng đã dẫn đến hai hướng ứng dụng Web 3.0: hướng tài sản kỹ thuật số và hướng blockchain công nghiệp. Ở nhiều quốc gia, khả năng ứng dụng của Web 3.0 chủ yếu xoay quanh việc đầu tư và giao dịch tiền điện tử. Các dự án tiền điện tử và các sàn giao dịch tiền điện tử được tạo ra trên các chuỗi công khai khác nhau đã phát triển mạnh, cũng như ví tiền điện tử, nền tảng giao dịch NFT và các ngành liên quan khác. Tuy nhiên, ở Trung Quốc, việc phát hành và tài trợ token từ lâu đã bị cấm và chính phủ vẫn đàn áp hoạt động khai thác tiền điện tử và đầu cơ tiền ảo. Việc Trung Quốc tập trung vào “chuỗi” (chain) thay vì “xu” (coin) giúp đảm bảo rằng những dao động của tiền điện tử không ảnh hưởng đến sự phát triển và sử dụng công nghệ blockchain của quốc gia này.
Trong giai đoạn đầu của quá trình phát triển blockchain, Trung Quốc tập trung vào các đột phá công nghệ và cải thiện sinh thái. Trong giai đoạn sau của quá trình phát triển blockchain, Trung Quốc đã tích cực áp dụng công nghệ blockchain để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế và cải thiện sinh kế của người dân ở nhiều khía cạnh, bao gồm tài chính toàn diện và chuyển đổi kỹ thuật số.
Do đó, nỗ lực áp dụng Web 3.0 ở Trung Quốc đã bắt đầu trong một môi trường được kiểm soát chặt chẽ hơn như thế. Nhưng sự phát triển của Web 3.0 được kiểm soát chặt chẽ bởi chính quyền trung ương lại thành công theo nhiều cách khác nhau. Trong lĩnh vực chuỗi cung ứng, hiện có thể truy xuất nguồn gốc nông sản, sản phẩm công nghiệp, hồ sơ y tế, hóa đơn điện tử và bằng chứng tư pháp… Thậm chí, dự án thí điểm để thúc đẩy đồng Nhân dân tệ kỹ thuật số cũng đang tiến hành tốt.
So với Mỹ, Trung Quốc đã tập trung nhiều hơn vào trao đổi dữ liệu và công nghiệp hóa. Với môi trường Internet độc đáo của đất nước và các đặc điểm của công nghệ liên quan đến Web 3.0 (đặc biệt là blockchain), các dự án do chính phủ lãnh đạo là một lựa chọn tất yếu.
Tương lai Web 3.0 của Trung Quốc
Lợi ích của cách tiếp cận Web 3.0 của Trung Quốc chủ yếu nằm ở những đóng góp của nó cho nền kinh tế thực. Nhìn từ góc độ toàn cầu, tương lai của Web 3.0 là không rõ ràng, nhưng ở Trung Quốc, nó có tiềm năng rất lớn dù vẫn phải đối mặt với những trở ngại như nền tảng kỹ thuật yếu kém, rủi ro tài chính về đầu cơ và gian lận và sự không chắc chắn trong chính sách quản lý.
Sự phát triển của Web 3.0 của Trung Quốc vẫn chưa bắt kịp với các quốc gia khác, cụ thể là Mỹ. Sự kiểm soát chặt chẽ của chính phủ đối với tiền điện tử, việc không có nghiên cứu hệ thống pháp lý thích hợp và các quy tắc thực thi pháp luật không rõ ràng đều đã xuất hiện như những rào cản đối với sự phát triển của các doanh nghiệp Web 3.0 trong nước. Tuy nhiên, động thái này đã truyền cảm hứng cho ngày càng nhiều doanh nghiệp Trung Quốc khám phá các ứng dụng mới của công nghệ blockchain. Theo một báo cáo thị trường của IDC, thị trường blockchain của Trung Quốc có thể đạt giá trị hơn 3.2 tỷ đô la Mỹ vào năm 2025, với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) là 47% từ năm 2020 đến năm 2025.
Bằng cách đặt trọng tâm vào việc phát triển cơ sở hạ tầng cơ bản của nền kinh tế kỹ thuật số, chẳng hạn như công nghệ blockchain và thiết lập các quy tắc quản lý mới, Trung Quốc có thể xây dựng hệ sinh thái Web 3.0 của mình thông qua cơ chế thực hành và phản hồi. Gần đây, chính phủ Trung Quốc cũng đang thăm dò việc xây dựng các nền tảng giao dịch NFT và số hóa tài sản để thúc đẩy Web 3.0 như một phần của kế hoạch phát triển nền kinh tế kỹ thuật số. Ngoài ra, với việc phổ biến đồng nhân dân tệ kỹ thuật số, Trung Quốc cũng dự kiến sẽ khám phá ứng dụng của tài sản kỹ thuật số trong tương lai.
Những phát triển như vậy đều chỉ ra rằng Trung Quốc đang dựa nhiều hơn vào blockchain công nghiệp và các sáng kiến do chính phủ lãnh đạo để chuẩn bị cho những bước đi táo bạo sắp tới cho kỷ nguyên Web 3.0.