Sự tồn tại của DAOS501 (hay Danny Daos) trong cộng đồng grafitti không phải là minh chứng rằng “cứ vẽ đi rồi bạn sẽ làm nên chuyện”. Chính xác hơn, anh luôn dừng lại sau mỗi bước tiến dài để hiểu việc mình đang làm và thực hành sáng tạo sao cho đúng cách. Bởi graffiti với anh không phải cách để giải tỏa cảm xúc hay chứng tỏ độ ngầu với người đời. Nó là chính nó, đã tồn tại trước cả sự xuất hiện của anh; anh không dán nhãn, không gắn nó với vật chất, anh đắm chìm vào nó một cách thuần khiết nhất.
Xin chào anh Danny Daos, Men’s Folio Vietnam cảm thấy rất hào hứng khi có sự góp mặt của anh trong triển lãm “Ẩn Concept”. Thông qua triển lãm, anh muốn gửi gắm điều gì đến người xem?
Thông điệp thì rất nhiều nhưng việc quyết định xuất hiện ở đâu cũng đã có ý nghĩa riêng. Nó tạo điều kiện cho mọi người tiếp cận, chiêm ngưỡng và giao tiếp với tôi thông qua việc tôi đang làm, cũng như nét đẹp nghệ thuật tôi đang theo đuổi.
Trong suốt quá trình theo đuổi điều mình thích, anh có từng phải ẩn mình bao giờ không?
Thật ra tôi cũng không có chủ đích hoặc quan trọng mình có “xuất hiện” hay không. Văn hóa đường phố rất đúng với tên “Ẩn”, khi sống và làm điều mình thích, tôi không đặt nặng chuyện người khác phải biết đến. Khi bạn muốn tự do sáng tạo thì không nên để nhiều thứ tác động đến mình. Ngay từ đầu, tôi không muốn xuất hiện nhiều trên các phương tiện truyền thông, tôi muốn được biết đến thông qua tác phẩm của mình. Việc ẩn mình đằng sau những bức tranh giúp tôi tồn tại đến bây giờ.
Vẽ chẳng khác gì hơi thở của anh nhỉ?
Từ khi tôi cầm cọ đến giờ cũng 30 năm và nó đã trở thành một phần cuộc sống của tôi. Hầu hết các công việc của tôi đều xoay quanh vẽ, có một thời gian tôi làm hình xăm, một thời gian làm phim hoạt hình; nhưng điểm chung là tất cả đều giúp tôi truyền tải ý thích của mình thông qua vẽ. Thử thách cũng nhiều nhưng cũng là cơ hội, nó giúp tôi thuần thục nhiều kỹ năng sống khác nhau để làm phong phú thêm những sáng tạo của mình, bao gồm đục, khoan, quét sơn, pha trộn màu sắc, trám, sắp đặt, làm điện… (cười). Nói chung, khó khăn xung quanh việc sáng tác cũng chỉ làm cho các ý tưởng và giá trị của những sáng tạo vững chắc hơn thôi.
Ngoại trừ đam mê lớn là vẽ tranh, anh còn sở thích nào khác không?
Từ bé tôi đã thích sưu tầm tem. Trong quá trình sưu tầm, mấy cô trong hội khuyên là không nên mua tùy hứng, nên sở hữu bộ tem cùng chủ đề/bộ sưu tập thì chúng mới có ý nghĩa và giá trị. Vậy nên tôi quyết định sưu tầm tem liên quan đến mỹ thuật. Từ đó tôi hiểu được ý nghĩa đằng sau những con tem đó. Ví dụ như từ con tem thư, tôi thấy được dòng lịch sử của nghệ thuật, đến gần hơn với người họa sĩ, phát hiện nhiều thứ hay ho từ mốc thời gian in tem. Với tôi, sưu tầm là một khoản đầu tư nhưng không nặng về vật chất, mà đến từ ý nghĩa nó mang lại.
Có một bộ sưu tập cụ thể nào truyền cảm hứng sáng tác cho anh không?
Thật ra, tôi có cơ hội học được nhiều điều từ những người nghệ sĩ tôi may mắn gặp, hơn là các tác phẩm mà tôi có khả năng mua. Bản thân là người vẽ và sống với nghệ thuật đường phố, khái niệm về nghệ thuật hàn lâm với tôi cũng có rào cản ít nhiều. Cá nhân tôi không thích sự phức tạp nên lộ trình phát triển của tôi tuy tự do, nhưng cũng làm tôi mất nhiều thời gian để đạt được thành quả nhất định trong tiêu chuẩn mỹ thuật mình muốn hướng tới. May mắn là trong vài năm nay khi đến tham dự các buổi triển lãm, tôi được tiếp xúc với các nghệ sĩ lão làng trên 70-80 tuổi. Tôi được truyền cảm hứng rất nhiều từ cách họ sử dụng thời gian và cuộc sống của họ để cống hiến cho việc sáng tác. Dù lực tay rất yếu nhưng họ vẫn vẽ, vẫn tạo ra những bức tranh khiến người khác phải thán phục. Tôi muốn đó là hình ảnh về già của mình.
Là nghệ sĩ của phòng Rise, đại diện cho giai đoạn mà văn hóa đường phố dần nổi lên như một cộng đồng sáng tạo của giới trẻ, chứng tỏ giá trị sáng tạo của bản thân với xã hội. Cảm xúc của anh như thế nào?
Những sáng tác của một người nghệ sĩ sẽ có ảnh hưởng đến không ít thì nhiều người nên rất dễ khiến họ bó buộc mình. Nhưng tôi nhận thấy cách sống, cách tôi sáng tác mới là điều ảnh hưởng tới người khác, và tôi muốn duy trì điều đó. Tôi tìm thấy sự đồng điệu của mình với căn phòng mình được chọn. Nếu cơ hội đồng hành cùng Men’s Folio Vietnam trong một triển lãm quy mô từ nhiều năm trước, tôi sẽ cảm thấy áp lực. Nhưng tôi của hiện tại hoàn toàn tự tin về bản thân, nên cảm thấy rất vui và thoải mái khi cơ hội này đến.
Cộng đồng graffiti không phát triển đồng đều, chỉ có một vài cá nhân nổi bật như Liar Ben, Daos501, Wallovers, KD,… anh đánh giá như thế nào về sự phát triển của cộng đồng graffiti ở Việt Nam?
Rất khó để nhận định chính xác vì ở thế hệ của tôi, mọi thứ còn mới lắm, khác nhiều với xã hội 20 năm sau. Mỗi thời kỳ sẽ có những khó khăn riêng của nó. Cái khó của thời trước là không có đủ phương tiện và tài chính để theo đuổi đam mê, nhưng bù lại do không có nhiều sự tác động, mình có thể tập trung hoàn toàn vào điều mình thích và trong quá trình tìm tòi sáng tạo, phong cách cá nhân của mỗi nghệ sĩ cũng được tô đậm rõ nét. Còn hiện tại, thời đại thông tin được số hóa, tuy dễ tiếp cận nhiều kiến thức và tư liệu nhưng cũng cảm thấy bị quá tải. Xem nhiều biết nhiều đôi khi sẽ khiến các bạn trẻ không có đủ tự tin để đi tìm bản sắc của mình. Nhưng bất chấp những hạn chế đó, cộng đồng của tôi vẫn sống đến thời điểm hiện tại và ranh giới đường phố cũng đang thu hẹp dần. Mọi người sẽ nhìn thấy câu chuyện của những cá nhân đó thông qua nét vẽ của tôi và những người bạn của tôi.
Từ một chàng trai trẻ bản năng và ngông cuồng, đến một người đã có nhiều thành tựu và ở độ tuổi trưởng thành, những nghĩ suy về graffiti của anh đã thay đổi như thế nào?
Graffiti ban đầu là cách tôi đối thoại với thế giới này, cho thấy sự ngông cuồng, sức trẻ; về lâu dần, nó như niềm tin tôi trao cho chính mình, giữ tôi đi đúng hướng, không sa ngã; và ở cái tuổi này, tôi nhìn graffiti không còn là điều gì đó gai góc, nó là một phần trong cuộc sống.
Tháng 9 sắp tới đây, tôi có góp mặt trong một triển lãm nhóm với vai trò người chọn lọc tác phẩm. Sự lựa chọn của tôi không dựa hoàn toàn vào việc bức tranh đó có đẹp không, mà đến từ người tham gia họ là ai. Những tác phẩm của họ thể hiện cách họ nhìn cuộc đời, phản ánh tính cách và tư duy của họ sau rất nhiều năm họ sống cùng graffiti. Một người đặt nặng chuyện được mất, những tác phẩm của họ chỉ đem lại cảm giác bề nổi, người đã lánh xa những thị phi, họ sẽ vẽ rất đơn giản thôi; hoặc có những người trăn trở nhiều đến mức những bức vẽ của họ cũng không giấu nỗi những muộn phiền.
Riêng anh, có khi nào anh trăn trở đến mức dừng vẽ một thời gian không?
Có chứ. Đó là lúc những nét vẽ của tôi y xì nhau, không nhìn thấy tương lai của mình như thế nào. Nhưng may mắn thời điểm đó rơi vào đúng 2 năm đi lính của tôi. Nhờ vậy, tôi có thời gian để dừng lại tất cả những việc đang làm, bình tâm nghĩ lại cuộc đời mình. Tôi nhận ra graffiti không phải là nguồn để kiếm sống, mà nó là cuộc sống của tôi. Tôi không cần phải dán nhãn nó, tìm cách để nó bóng bẩy hoặc xịn xò. Nó càng không phải là phương thức để giải tỏa cảm xúc. Vẽ graffiti là công việc tôi yêu thích, và một khi đã yêu thích thì mình dốc lòng vì nó. Tôi có thể kiếm tiền từ tranh vẽ, còn graffiti đã đến với tôi từ trước khi tôi biết tên gọi của nó, nên tôi sẽ giữ nó thuần khiết như lúc tôi nguệch ngoạc những nét vẽ đầu tiên.
Chuyển từ những sáng tạo đường phố sang trưng bày trong các phòng triển lãm. Anh nhận thêm gì và đã mất những gì?
Triển lãm là phải bán được tranh, nếu không thì vô nghĩa vì chẳng ai quan tâm tác phẩm của mình. Không phải vấn đề về tiền, mà là không có người có mong muốn sở hữu nét đẹp bạn trưng ra, một công trình bạn dày công nghiên cứu. Tôi tiếp cận triển lãm rất sớm nhưng thời gian gần đây công việc bắt đầu trôi chảy hơn, tác phẩm của tôi có độ “chín” hơn và nó làm người khác xúc động, truyền cảm hứng cho họ. Tôi biết mình đang đi đúng hướng và lộ trình phát triển của mình là hợp lý. Về công việc là vậy, còn về khía cạnh nghệ thuật, tôi có thể đánh giá lại giai đoạn sáng tác đó của mình.
Cảm ơn những chia sẻ của anh!
Hãy cùng tham dự triển lãm Ẩn Concept: Tuyên ngôn từ đường phố vào hai ngày mở cửa công khai 27 & 28/08/2022 để đón xem những tác phẩm nghệ thuật đa dạng loại hình từ phim ảnh, tranh vẽ, tranh sơn tường, vật phẩm thời trang đến những art toys độc đáo!
Ẩn Concept, thuộc chuỗi hoạt động Ẩn By Men’s Folio Vietnam, là sự kiện triển lãm nhằm tri ân, tôn vinh và lan tỏa giá trị sáng tạo của văn hóa đường phố.
Địa điểm: AREUS Atelier, 8 Lê Ngô Cát, Quận 3, TP.HCM
Sự kiện khai mạc giới hạn: 2:30PM – 9:00PM, 26/08/2022
Thời gian mở cửa công khai: 10:00AM – 9:00PM, 27 – 28/08/2022
Chi phí tham dự: 99,000 VND/người (thanh toán tại triển lãm và nhận 1 ấn phẩm thời trang Men’s Folio Vietnam!)
Triển lãm Ẩn Concept – Tuyên ngôn từ đường phố, được tổ chức bởi ấn phẩm thời trang Men’s Folio Vietnam, rất hân hạnh khi có sự đồng hành đắc lực của Chivas Regal, Ash Asia Vietnam – nhà phân phối loa và tai nghe Marshall chính hãng, AREUS Atelier – showroom nội thất và không gian trưng bày nghệ thuật cao cấp, khu nghỉ dưỡng cao cấp Alba Wellness Valley By Fusion và Fusion Suites Vũng Tàu.