Lạm phát đã ảnh hưởng đến chi tiêu và nền kinh tế của các nước trên thế giới và Hàn Quốc cũng không ngoại lệ. Thường trong cái khó ló cái khôn, người dân xứ Hàn đang cho thấy sự chuyển mình tích cực khi cùng nhau tham gia “thử thách không chi tiêu” (No spend challenge).
Theo dữ liệu từ Cơ quan Thống kê Hàn Quốc, chỉ số giá tiêu dùng đã tăng 6% lên đến 108.22 tính đến tháng 6, mức cao nhất trong 23 năm và 7 tháng. Bằng cách sử dụng tỷ lệ thất nghiệp và lạm phát, chỉ số khốn khó ấy đo lường mức độ khó khăn của nền kinh tế.
Kim Ji Yeon, một giáo viên tiểu học 29 tuổi, đã bỏ ăn ngoài vào các ngày trong tuần và bắt đầu ăn trưa tại căng tin của trường. Thay vì đến quán cà phê sau bữa trưa, cô uống cà phê hòa tan ngay tại văn phòng của mình. Đã hai tuần rồi cô ấy không tiêu một đồng nào. “Lần đầu tiên tôi nghe nói về thử thách không chi tiêu trên Instagram và nghĩ rằng đó là một cách tốt để tiết kiệm tiền. Tôi đã có thể tiết kiệm khoảng 200.000 won (153 đô la) trong hai tuần.” Ji Yeon thuộc vào nhóm những người thuộc thế hệ Gen Y và Gen Z tại Hàn Quốc đang cố gắng thắt lưng buộc bụng thay vì chi tiếu phù phiếm trong bối cảnh lạm phát đang ảnh hưởng đến kinh tế chung.
Trên Instagram, hiện có khoảng hơn 3.300 hashtag bắt đầu bằng #nospend (không chi tiêu), #nospendchallenge (thách thức không chi tiêu) và #nospendday (ngày không chi tiêu), chứa đầy trong các bài đăng của người chơi mạng xã hội. Họ đang cho thấy những thành tựu “chi tiêu không đồng” của mình một cách đáng kinh ngạc.
Người dùng YouTube chia sẻ các mẹo về cách cắt giảm đáng kể chi phí hàng ngày và thay đổi mô hình chi tiêu. Một y tá toàn thời gian và một vlogger họ Kim đã tải lên YouTube các công thức nấu các bữa ăn hàng loạt với chi phí thấp, chẳng hạn như cà ri. Kim đặt ra một nhiệm vụ như sống với 50.000 won trong một tuần và cho người xem thấy điều đó có thể thực hiện được như thế nào. “Một ngày nọ, tôi kiểm tra tài khoản ngân hàng của mình và nó hoàn toàn trống rỗng. Tôi nghĩ nếu tôi không bắt đầu tiết kiệm từ bây giờ, tôi sẽ trở thành người vô gia cư và không có một xu dính túi”, Kim chia sẻ trong video YouTube của mình. Bài đăng được xem nhiều nhất của Kim đã đạt 352.800 trong tuần vừa qua.
Tuy nhiên để tránh cho xu hướng này gây nên những hệ quả không mong muốn về sức khỏe, các chuyên gia cũng cảnh báo rằng tiết kiệm quá mức có thể gây hại vì “Tiết kiệm không tệ. Nhưng cắt đứt bạn bè và cô lập bản thân không phải là cách tiết kiệm tiền lành mạnh nhất”, Lee Eun Hee, giáo sư khoa học tiêu dùng tại Đại học Inha, cho biết. Thế nên nói một cách chính xác, “thử thách không chi tiêu” không khuyến khích mọi người phải tuyệt đối không tiêu tiền và nhịn ăn bấp chấp, thay vào đó, họ tự đặt hạn mức chi tiêu trong 1 tuần/tháng và nghiêm túc tuân thủ nó. Phần lớn kết quả luôn cho thấy mọi người đều có khả năng thắng thử thách, chỉ là trước nay họ chi tiêu chưa có kế hoạch và vô cùng dễ dãi với bản thân.