Giữa hàng loạt các sản phẩm và sự kiện âm nhạc rầm rộ và có phần ồn ào trong tháng 6-7/2022, MV “Cơn Đau” của Wren Evans đến như một làn gió mát nhẹ nhàng. Kể về nỗi đau của tình yêu, nhưng rất đẹp.
Hoa, màu và sự lạc quan trong lạc lối
Ở MV lần này, Wren Evans có sự đầu tư hơn hẳn trong việc tạo dựng không gian và phối màu. Liên tục sử dụng các gam màu có độ tương phản lớn với nhau như đỏ, vàng, xanh lá, xanh dương, đen… trong bối cảnh khu rừng um tùm của lá, hoa và sắc xám của sương mù tạo cho không gian một cảm giác rối bời. Chen lẫn giữa sự sinh động, nhiệt thành của đoàn người bước đi, là một tâm trạng lạc lối bên trong, khi đứng trước chốn rừng cây âm u không bảng chỉ dẫn. Tựa như những mộng mơ vô định còn sót lại, sau khi tình yêu đời mình đã không còn bên cạnh.
Bốn người bạn đồng hành cùng Wren đều có một không gian sắc màu riêng, tựa như từng sắc thái trong tâm lý của chàng trai khi trải qua nỗi đau mất người yêu: lúc rực đỏ trong tức giận, lúc ảm đạm một màu xanh dương, lúc nhợt nhạt và trắng bệt. Và đỉnh điểm của “cơn đau” chính là không gian dành riêng cho Wren Evans, chỉ còn lại hai màu trắng-đen lạnh lẽo, vô vị.
Ở phân cảnh cao trào, khi Wren rơi xuống giếng để bước sang một thế giới mới, những lớp sơn mờ ảo tượng trưng cho mớ cảm xúc hỗn độn mà chàng trai đang vượt qua, để tiến đến một trạng thái lạc quan, sẵn sàng bước tiếp trong tâm trí, được đặc tả qua bối cảnh bãi đá trắng muốt cùng vòm hoa rực rỡ trên cánh “cổng kết nối” phía trên.
“Chất hơn lượng”
Và không thể không nhắc dấu ấn thời trang của Wren. Kể từ khi ra mắt khán giả Việt cùng DEC.AO trong MV FASHION 3, Wren Evans luôn tạo sự thích thú cho người xem bởi gu thời trang độc dị của mình. Trải qua nhiều sản phẩm âm nhạc khác nhau, cậu tiếp tục “giữ vững phong độ”, thời trang càng ngày càng đặc sắc hơn. Nếu ở Gặp May là sự phô bày với hàng loạt trang phục đa dạng phong cách, thì với Cơn Đau, Wren chọn lọc và có ý đồ hơn nhiều trong cách lựa chọn trang phục. Với việc tập trung xây dựng bối cảnh, những bộ trang phục trong MV có sự liên kết mạnh mẽ với từng không gian. Từ đó, mạch câu chuyện lẫn dòng hình ảnh được chạy mạch lạc hơn, kết nối hơn.
Tuy nhiên, mỗi trang phục vẫn có nét độc đáo và mềm mại đặc trưng, hơi hướng phi giới tính mà Wren luôn yêu thích. Bộ trang phục đỏ-xanh dương tạo ấn tượng mạnh với chi tiết dây chất liệu lông chạy dài ở hai bên nón, đồng bộ cùng hải mảnh vải thả dài từ chiếc áo tank top vải len có chút rách rưới. Chiếc áo da màu đỏ khoác ngoài cũng mang phom dáng khá thú vị, với nửa trước được cắt xén cao như crop top, trong khi đằng sau giống như chiếc áo được nối rời thêm mảnh vải che. Bộ trang phục màu đen của Wren có sự tối giản hơn, khi chàng nghệ sĩ chỉ mang găng tay da, kính đen cùng chiếc quần dáng váy, tập trung sự ấn tượng cho lớp phao phủ dài mà Wren khoác trên vai.
Ngoài ra, hầu hết các trang phục của MV đều đến từ nhà thiết kế và thương hiệu nội địa: Vicki Virus, Trần Quang Bảo, Jun Nguyễn, Trần Đức Trí, Simba, Duc Studio và ARM gallery. Không đơn thuần ủng hộ ngành thời trang nước nhà, chính những thiết kế đầy cá tính cũng cho thấy một thị trường thời trang trẻ cực kỳ xán lạn.
Một cơn đau nhẹ nhàng
Dù đặt tên là Cơn Đau, Wren lại tiếp cận câu chuyện tình yêu buồn một cách rất khác. Nếu sự bình thản khi hát về nỗi đau của Khánh Ly là vì người nghệ sĩ đã trải qua quá nhiều khổ ải, thì ở Wren, “bình thản” này lại có chút mơ hồ và ngu ngơ. Như thể, nhân vật chính của câu chuyện vẫn là một chàng trai “chưa trải sự đời” gặp phải cú sốc tình cảm đầu đời. Và đúng là như vậy thật, khi xuyên suốt bài hát luôn dăng dẳng một câu hát bè “Chắc em lại nghĩ anh luôn vô tư”. Và khi để ý vào các câu hát, đặc biệt ở đoạn đầu, sự non trẻ trong chuyện tình cảm của anh chàng hiện rõ mồn một: “Một sai lầm, có ai ngờ em không thuộc về nơi đây”, “Anh níu em trong tay tại nắm em không hay để rồi mình tuột mãi mãi”, “Em nấp xong anh đi tìm bốn phương không ra, tại anh kẹt trong quá khứ”…
Lụy tình và mất phương hướng vì “nhìn xung quanh mà thấy em xa vời”, thế nhưng nhân vật chính ở đâu đó vẫn có những biến chuyển trong tâm lý. Cậu nhận thức được nhiều bài học từ cơn đau mất người yêu, về cách đối diện với cảm xúc, cách bước tiếp: “Baby anh cất đi bao nhiêu sĩ diện đằng sau, đau thì thốt là đau”, “Không vì một người mà ta mất chục ngày”…
Từ những lời hát và giai điệu trôi êm, Cơn Đau đã thể hiện được một góc nhìn còn lắm bỡ ngỡ, hỗn loạn nhưng vẫn đầy sự lạc quan và bình tĩnh cần có của người trẻ về nỗi đau tan vỡ của tình yêu. Trộn lẫn giữa những cảm xúc dằn vặt khó tả, vẫn có những giây phút nhìn nhận tỉnh táo để tìm cho mình một con đường mới. Wren Evans đã cho khán giả một trải nghiệm nhẹ nhàng với chính nỗi đau của mình. Không trầm trọng hóa, không bi quan hóa, không “xấu xí hóa”.