Nhà sưu tập là một trong những thành tố chính thiết lập tiêu chuẩn cả về gout thẩm mỹ lẫn trào lưu không chỉ trên phạm vi hẹp như trong thị trường, mà cả giáo dục hay ký ức văn hóa lên một số mặt của đời sống xã hội.
Xin chào anh Hoàng Anh Tuấn. Anh đã bắt đầu hoạt động sưu tập tác phẩm mỹ thuật của mình như thế nào? Và tác phẩm đầu tiên mà anh sở hữu là gì?
Cũng không gì đặc biệt, thậm chí cũng “tầm thường” – nghĩa là lấp vào khoảng tường trống của căn nhà đầu tiên mà mình sở hữu. Nhưng nghĩ lại, có lẽ nhu cầu trang trí ban đầu đó là biểu hiện của sự vô thức thúc đẩy của việc là tôi luôn muốn mở rộng mối quan tâm của mình. Việc sau đó sưu tập tác phẩm nghệ thuật là quá trình tự nhiên.
Những khởi đầu rất mờ nhạt khi nhớ lại. Nhưng có lẽ bức đầu tiên mà tôi coi là nghiêm túc sau một thời gian ngắn chơi tranh là một bức chất liệu bột mầu trên giấy của họa sỹ Đặng Xuân Hòa sáng tác năm 1994, một thành viên của nhóm Gang of five danh tiếng một thời, khổ 80 cm x 105 cm. Sở dĩ tôi còn nhớ kích thước vì tình cờ sau đó biết được tranh tác giả lựa chọn in trong sách mỹ thuật của mình.
Người ta vẫn thường nói, sưu tập tranh là “niềm đam mê bạc tỷ”, vậy bên cạnh “đam mê” và “bạc tỷ”, ta còn cần những yếu tố gì nữa thưa anh?
Đầu tiên, tất nhiên là kiến thức, phải dành thời gian nghiên cứu tìm hiểu của riêng mình bởi tư vấn của người ngoài chỉ là tham khảo. Sưu tập luôn mang tính cá nhân, không ai thay được mình và cũng không nên, sưu tập một món đồ là khi món đó mang chính là “cái tôi” cả về niềm yêu thích lẫn gout thẩm mỹ, nó kể câu chuyện về ta và diễn đạt một phần con người ta.
Có nhiều cách để có kỹ năng ngoài sách vở. Học hỏi từ các “tay chơi” chuyên nghiệp, tham khảo từ các gallery, nghệ sĩ, phê bình. Quan sát và lắng nghe luôn không thừa để thấy góc độ mà mình bị sự phấn khích che lấp. Hiểu biết về thị trường cũng quan trọng nếu không muốn biến thành “ngố”, không có khả năng so sánh, bởi chất lượng luôn đi kèm giá trị lượng hóa thành tiền bạc.
Đâu là sự giao điểm giữa tâm hồn của nhà sưu tập Hoàng Anh Tuấn với các tác phẩm nghệ thuật? Và có chăng giao điểm đó giúp anh quyết định phải sở hữu cho được tác phẩm đó?
Tôi coi các nội dung mà một tác phẩm nghệ thuật biểu hiện chỉ là một khía cạnh. Mà hình thức thể hiện của nó, cách bức tranh diễn đạt nội dung quan trọng hơn, vì suy cho cùng tranh hay tượng là nghệ thuật thị giác, cách anh thể hiện khác biệt có sức nặng với tôi. Và vẫn phải dựa trên nền tảng cốt lõi của nó là kỹ thuật và kỹ năng. Một tác phẩm nghệ thuật mà nghệ sĩ làm chủ được kỹ thuật, diễn đạt nội dung bằng một biểu diễn hình thức ấn tượng và cuối cùng mới là cái như bạn ngụ ý: chia sẻ giá trị nhân sinh là cái cuối cùng chứ không phải đầu tiên. Hội tụ đủ những điều đó là một tác phẩm nghệ thuật tốt. Và nếu tôi đánh giá thì tác phẩm ấy hoàn toàn có cơ hội trở thành tác hạng nhất, tôi trong chừng mực có thể sẽ muốn có nó, bất kể là tác giả trẻ vô danh hay có danh tiếng.
Và ở khía cạnh này khi quyết định sở hữu, tác phẩm đã là câu chuyện của tôi và cũng là cách tôi diễn đạt mình. Nhưng còn một khía cạnh khác tôi cũng muốn trả lời bạn về việc “phải sở hữu”, tôi không nghĩ có bất kỳ tác phẩm hay tác giả nào là một người sưu tập “phải” có theo nghĩa là bằng mọi giá. Mọi tác phẩm nghệ thuật đều có giá trị thị trường của nó. Đó cũng là một chiều nữa trong quy trình sưu tập tác phẩm nghệ thuật của tôi.
Anh đánh giá thế nào về tác động của nhà sưu tập đến với thị trường nghệ thuật nói riêng và nền nghệ thuật của một quốc gia nói chung?
Trong một nền mỹ thuật trưởng thành, thị trường nghệ thuật phải mang trong mình đủ các thành tố. Trong đó các nhân sự chủ chốt là các nhà môi giới, nghệ sĩ, giám tuyển, nhà phê bình và cuối cùng không thể thiếu nhà sưu tập. Họ có thể chồng lấn vai trò hoặc giả kiêm vai như nghệ sĩ cũng có thể là môi giới và nhà sưu tập cũng là giám tuyển.
Nên chỉ nhìn qua qua thấy dù không liên hệ chặt chẽ, song sự tương tác cộng sinh là rõ ràng. Như bất kỳ thị trường hàng hóa nào khác nó chịu quy luật chi phối và tác động lại: Họ phải được thỏa mãn, nếu không cũng sẽ không có thị trường nghệ thuật và cả nền mỹ thuật.
Nhưng vì đặc thù của tác phẩm là hữu hạn, đa phần độc nhất và độc đáo. Nên những nhà sưu tập tiên phong, có hiểu biết và tiềm lực tài chính thường cùng với giám tuyển, định chế nghệ thuật như bảo tàng, gallery, tạp chí nghệ thuật, nhà phê bình và các nghệ sĩ thiên bẩm là những thành tố chính thiết lập tiêu chuẩn cả về gout thẩm mỹ lẫn trào lưu không chỉ trên phạm vi hẹp như trong thị trường mà cả giáo dục hay ký ức văn hóa lên một số mặt của đời sống xã hội. Theo góc chủ quan của tôi như vậy.
Với lĩnh vực sưu tập tranh, ban đầu ta khởi từ đam mê và khi đã có số lượng tác phẩm nhất định rồi, hành trình tiếp theo của người sưu tập tranh sẽ là gì thưa anh? Những di sản khi đã được lưu trữ rồi thì phải chăng nó nên được lan toả (bằng những triển lãm sưu tập cá nhân, gửi tới các triển lãm chuyên đề, mở không gian riêng) để nó đến gần hơn với công chúng, từ đó nâng cao giá trị thẩm mỹ cho xã hội?
Để tôi kể một câu chuyện về một cặp vợ chồng nhà sưu tập nghệ thuật Vị niệm và nghệ thuật Tối giản – Vogels Herbert và Dorothy. Họ sưu tập gần 5000 tác phẩm nghệ thuật trong suốt cuộc đời mình, sau đó đã hiến toàn bộ cho hệ thống bảo tàng công với yêu cầu duy nhất là mở cửa miễn phí cho công chúng.
Kể câu chuyện này cũng là chia sẻ cách tôi nhìn, muốn ai cũng có thể xem nó. Quan trọng không phải ít hay nhiều tác phẩm vì các triển lãm hay bảo tàng mọi người cũng có thể tìm thấy. Nhưng các bộ sưu tập cá nhân nó có một đời sống riêng, và sẽ có những người đồng cảm hoặc tò mò về gout sưu tập, hoặc nhìn thấy một chút cảm hứng hoặc bất ngờ thấy một hay một số tác phẩm “mất tích” nay thú vị được xem, thậm chí tác giả của nó cũng chờ đợi.
Tôi cũng có dự định, đúng hơn là cũng sẽ có các triển lãm sưu tập cá nhân và nhóm cho một phần sưu tập của mình. Triển lãm đầu tiên mang tên “Chung Đường” sẽ diễn ra trong năm nay.
Nếu như muốn dành lời khuyên cho những người sưu tập trẻ tuổi, có nhiều đam mê nhưng ít tiền, thì anh sẽ khuyên họ bắt đầu ra sao?
Nếu là họ, tôi sẽ bắt đầu bằng câu hỏi là tại sao sưu tập tác phẩm nghệ thuật? Khi thành thật trả lời nghĩa là bạn – như cách gọi là nhà sưu tập trẻ tuổi bắt đầu với ngân sách hạn chế, sẽ cho mình biết mình thích gì và sẽ cho biết sẽ khám phá ở khu vực nào trong rất nhiều cách để tiếp cận trong giới hạn ngân sách.
Thứ hai về mục tiêu, nếu là đầu tư thì nên biết đúng là nhiều tác phẩm và tác giả có giá trị tăng nhanh, nhưng không gì đảm bảo điều đó.
Thứ ba là sưu tập tác phẩm nghệ thuật gì? bạn có thể lựa chọn mua các phác thảo, các bản in độc bản hay tranh giấy khổ nhỏ…Như vậy hoàn toàn khả thi và rất có thể theo thời gian là một bộ sưu tập giá trị. Và giá trị nghệ thuật của bộ sưu tập nhiều khi không phải chỉ là rất nhiều tiền. Cũng như bức tranh đơn lẻ vậy, thật sai lầm nếu là đánh giá là một tác phẩm có giá 10 triệu có giá trị nghệ thuật kém hơn một tác phẩm ai đó bán với giá 100 triệu.