7 bộ phim miêu tả sự khốc liệt của chiến tranh hay nhất mọi thời đại
LifestyleEditor's PickFilm

7 bộ phim miêu tả sự khốc liệt của chiến tranh hay nhất mọi thời đại

Chiến tranh dẫu với mục đích gì cũng vô cùng tàn khốc và gieo rắc những nỗi đau mà thời gian chẳng thể làm nguôi ngoai. Mỗi một tác phẩm sau đây với bối cảnh hoành tráng, khai thác những mặt tối của chiến tranh một cách chân thực, hứa hẹn sẽ khiến cảm xúc của bạn bùng nổ vừa kích thích, choáng ngợp song cũng vô cùng nghẹt thở.

“The Forgotten Battle” (2021)

Tác phẩm điện ảnh dựa trên trận chiến sông Scheldt, sự kiện quyết định vận mệnh đất nước Hà Lan trong Thế chiến thứ hai. Phim lấy bối cảnh vùng Zeeland (Hà Lan) năm 1944, lúc này đang bị phát xít Đức chiếm đóng.

“The Forgotten Battle” kể về ba thanh niên trong thời chiến. Trong đó, Teuntje Visser (Susan Radder) làm việc trong văn phòng của quân Đức và mong chờ ngày Đức trả lại tự do cho vùng Zeeland theo thỏa thuận. Không lâu sau đó, em trai cô bị bắt vì tham gia lực lượng kháng chiến. Marinus van Staveren (Gijs Blom) là thanh niên Hà Lan tự nguyện xin chiến đấu cho quân Đức. Trong một lần giúp đỡ Visser khi gia đình cô bị bắt, anh bị đẩy ra chiến trường trước trận Scheldt. Sau cùng, William Sinclair (Jamie Flatters) – một lính người Anh cùng tiểu đội bị rơi máy bay và mắc kẹt ở Zeeland. Họ phải tránh sự truy đuổi của quân Đức để chờ đợi và cùng quân Đồng Minh tham gia trận chiến quyết định trên sông Scheldt. Dù cả ba tham gia trận chiến Scheldt với chiến tuyến nào, họ cũng chỉ là nạn nhân của chiến tranh.

Mô tả tính khốc liệt của chiến tranh và không lãng mạn hóa những hy sinh và mất mát, “The Forgotten Battle” luôn bày tỏ thái độ phản đối những hành động phi đạo đức của phát xít và khẳng định chiến tranh đi đến cùng là gì vẫn phi lý.

“1917” (2019)

Được nhào nặn bởi bàn tay đạo diễn tài hoa Sam Mendes – người từng đoạt giải Quả Cầu Vàng cho hạng mục “Đạo diễn xuất sắc nhất”, “1917” thành công đem về nhiều chiến thắng tại Oscar 2020 cho các hạng mục: “Phim chính kịch hay nhất”, “Quay phim xuất sắc nhất”, “Đạo diễn xuất sắc nhất”, “Âm thanh xuất sắc nhất”,… Phim theo chân hai Hạ sĩ người Anh đóng quân tại miền Bắc nước Pháp là Blake (Dean-Charles Chapman) và Schofield (George MacKay) với nhiệm vụ bí mật được nhận vào ngày 6/4/1917. Họ phải gửi công điện khẩn đến tiền tuyến, ngăn tiểu đoàn số 2 Denvos rơi vào cái bẫy của Đức quốc xã.

Hành trình của hai người lính trẻ không hề dễ dàng khi nguy hiểm luôn chực chờ nuốt chửng họ. Thật không may, Blake đã phải bỏ mạng vì thương cảm cho một gã lính không quân phe địch, còn Schofield phải cắn chặt răng nén đau thương sau cái chết của đồng đội để chạy đến tiền tuyến, với hy vọng sẽ gặp được Trung úy Black của Denvos.

Để thực hiện rất nhiều cảnh quay táo bạo trong phim, đoàn phim đã gắn máy quay vào cần cẩu và xe chạy, thậm chí chạy theo diễn viên để thực hiện những cảnh quay đắt giá. Âm nhạc của “1917” phải nói là trên cả tuyệt vời, khi thì dồn dập tạo hiệu ứng ngột ngạt và căng thẳng đến vỡ tim, lúc thì nhẹ nhàng êm dịu khiến người xem chìm đắm trong cảm xúc của nhân vật.

“Dunkirk” (2017)

Là tác phẩm điện ảnh được hóa phép bởi bậc thầy Christopher Nolan, người giữ vai trò biên kịch, đồng sản xuất và đạo diễn, “Dunkirk” kể câu chuyện từ ba góc nhìn – trên mặt đất, trên biển và trên không – nhằm tối giản phần thoại và tập trung hoàn toàn vào việc phát triển cốt truyện.

Trận chiến Dunkirk diễn ra từ ngày 26/5 – 4/6/1940 ở thành phố Dunkirk của nước Pháp trong bối cảnh thế chiến thứ hai, là một trong những trận chiến ác liệt nhất thời điểm này. Ở trận này, quân Đức đã chiếm đóng nước Pháp và vây hãm liên quân của Bỉ, Canada, Anh và Pháp. 400.000 quân đồng minh phải mở đường máu theo phía eo biển để rút về nước Anh.

“Dunkirk” là một bộ phim minh chứng cho cuộc đấu tranh của những anh hùng vô danh, tình đoàn kết, và nêu bật tầm quan trọng của việc không bỏ cuộc trong những thời khắc bất lợi nhất, nơi mọi thứ dường như sụp đổ. Đồng thời, phim còn khẳng định kỹ năng kể chuyện bằng hình ảnh xuất chúng của Nolan khi cuốn khán giả vào sâu bên trong những cuộc chiến, biến họ trở thành người trong cuộc.

“Northern Limit Line” (2015)

Dự án này dựa trên một sự kiện lịch sử đau thương xảy ra tại đảo Yeonpyeong. Vào tháng 6/2002, lúc người Hàn Quốc đang chuẩn bị trận thi đấu World Cup với Thổ Nhĩ Kỳ, Bắc Triều Tiên đã bí mật đưa hai tàu tuần tra của họ tới đường biên giới gần đảo Yeonpyeong và bất ngờ tấn công tàu Hàn Quốc.

Tất cả người lính bị đặt ở tình trạng ngàn cân treo sợ tóc khi họ chưa ở tâm thế sẵn sàng cho một cuộc chiến. Trận tử chiến tại đảo Yeonpyeong đã tái hiện lại cuộc giao tranh hải quân tàn khốc nổ ra tại nơi đây, đồng thời vinh danh những người lính trẻ dũng cảm đã chiến đấu bảo vệ đất nước. Sáu người lính giữ vai trò chủ chốt trên con tàu của Hàn Quốc đó là hạ sĩ Park Dong Hyuk (Lee Hyun Woo), thiếu tá Yoon Young Ha (Kim Mu Yeol), trung sĩ Han Sang Gook (Jin Goo), đại úy Lee Hee Wan (Lee Wan), Jo Chun Hyung (Kim Ji Hoon) và Hwang Do Hyun (Jang Joon Hak).

Bộ phim của đạo diễn kiêm biên kịch Kim Hak Soon đã nhận được hiệu ứng vô cùng tốt và đạt doanh thu phòng vé cao nhất năm tại quê nhà. Hàn Quốc vẫn sử dụng tốt thế mạnh của mình khi lồng ghép những phân đoạn về tình cảm và triết lý nhân sinh thông qua đề tài về người lính.

“Stalingrad” (2013)

“Stalingrad” đánh dấu lần đầu tiên sau nhiều thập kỷ Nga có một bộ phim nội địa đánh bại những đối thủ nặng ký của Hollywood để trở thành phim có doanh thu cao nhất trong năm của nước này. Đây là bộ phim đầu tiên của Nga hoàn toàn được sản xuất với công nghệ 3D. Đạo diễn Fedor Bondarchuk đã sử dụng thành thạo tất cả công nghệ để lôi kéo người xem vào một trong những trận chiến kinh hoàng nhất trong Thế chiến II. Như tên gọi, chuyện phim xoay quanh trận chiến vĩ đại nhất của Nga, trận đánh đẫm máu nhất lịch sử với con số thương vong có thể lên đến hai triệu người – trận Stalingrad.

Trận Stalingrad là một trận đánh lớn diễn ra trong Chiến tranh Xô-Đức giữa một phe là quân đội phát xít Đức cùng với các chư hầu và phe kia là Hồng quân Liên Xô tại thành phố Stalingrad (nay là Volgograd) ở miền Tây Nam nước Nga. Trận đánh diễn ra từ ngày 17/7/1942 đến ngày 2/2/1943 và được đánh giá như một bước ngoặt quan trọng, làm xoay chuyển cục diện trong chiến tranh thế giới thứ 2, thậm chí là một trong những bước ngoặt lớn nhất của nền quân sự thế giới vào thế kỷ 20.

“Downfall” (2004)

“Downfall” của đạo diễn Oliver Hirschbiegel, kể về mười ngày cai trị cuối cùng của Adolf Hitler (Bruno Ganz) và Đảng Quốc xã. Bộ phim lấy cảm hứng từ sự việc có thật, vào năm 1942 khi Traudl Junge (Alexandra Maria Lara) được Hitler thuê làm thư ký và trở thành nhân chứng chứng kiến ​​sự thối rữa trong cơ thể và tâm trí của Hitler. Cô đã viết một cuốn hồi ký về những trải nghiệm của mình. Như tất cả những thư ký khác, cô bị choáng ngợp bởi quyền lực của chủ nhân và không biết mình đang ngày càng lún sâu vào tội ác.

Tất cả quyền lực đều chảy từ Hitler. Ông ta là một kẻ độc tài xấu xa, điên cuồng, ốm yếu, và rất lâu sau khi cuộc chiến thất bại, ông vẫn tiếp tục thực hiện nó trong tưởng tượng của mình, di chuyển những đội quân không còn tồn tại, ra lệnh cho những chỉ huy đã chết, tính đến việc giải cứu những đội quân hoàn toàn không tồn tại,…

“Downfall” được công chiếu lần đầu tại Toronto 2004, và được đề cử Oscar cùng năm cho “Phim nước ngoài hay nhất”. Nó đã truyền cảm hứng cho nhiều cuộc tranh luận về bản chất của Hitler. Rốt cuộc có phải là sai lầm khi cho rằng Hitler là một con quái vật đội lốp người hay đó chỉ là một con người khác của ông ta?

“Tae Guk Gi: The Brotherhood of War” (2004)

Phim kể về hai anh em ruột Jin Tae (Jang Dong Jun) và Jin Seok (Won Bin) tham gia quân đội Hàn Quốc khi chiến tranh Triều Tiên xảy ra vào năm 1950, và người anh Jin Tae luôn liều mình thi hành những nhiệm vụ nguy hiểm để giúp em mình có cơ hội trở về nhà học đại học. Tuy nhiên, Jin Seok cũng muốn anh mình có thể bảo toàn mạng sống để về đoàn tụ cùng mẹ và chị dâu tương lai khi chiến tranh kết thúc.

Mọi chuyện càng trở nên phức tạp hơn khi người yêu của Jin Tae bị xử bắn với tội danh ủng hộ Cộng sản khi Seoul sắp bị quân Triều Tiên xâm chiếm. Trong một một cuộc chiến loạn lạc, Jin Tae đã lầm tưởng em trai đã hy sinh. Sau đó, anh quyết định đầu quân cho Triều Tiên để trả thù cho bạn gái và em trai. Bên cạnh những cảnh chiến đấu hoành tráng, “Taegukgi” còn có ý nghĩa xã hội. Chiến tranh Triều Tiên đã chia cắt nhiều gia đình và không có gì lạ khi hai anh em ruột phục vụ ở các phe khác nhau (thậm chí còn có một bức tượng về điều đó). Vì vậy, “Taegukgi” đã gây được tiếng vang lớn về mặt cảm xúc ở Hàn Quốc, nhắc nhở sâu sắc mọi người về nỗi đau chia cắt kéo dài.

Bộ phim cũng đánh dấu sự trưởng thành của điện ảnh Hàn Quốc. “Taegukgi” là bộ phim hiện đại, có kinh phí lớn đầu tiên của Hàn Quốc về Chiến tranh Triều Tiên. Thành công về mặt phê bình và thương mại của nó đã giúp mở đường cho nhiều bộ phim khác cùng thể loại.

Ảnh: Tổng hợp

 

Related Article