Kính Lube: Có bao nhiêu hình dạng của tình yêu?

  • by mensfolio
  • February 20, 2022

Sự cô đơn của con người trong cuộc sống hiện đại là có thật. Nó đến cùng với tất cả những tiện nghi vật chất và sự thay đổi của thể thức giao tiếp giữa người với người, giữa cá thể với cá thể. Khi cách một mối quan hệ hình thành giờ đây có thể thiên biến vạn hoá đến… phát mệt, cũng chỉ vì bởi vì đa dạng của tình yêu.

Yêu như Alexia

Mùa hè năm 2021, giám khảo Liên hoan Phim Cannes đau đầu chọn ra cái tên giành giải thưởng cao nhất Palme d’Or. Từ “The Worst Person in the World” của đạo diễn người Na Uy Joachim Trier, Memoria của đạo diễn nổi tiếng người Thái Lan Apichatpong Weerasethakul cho đến “Drive My Car”, một bộ phim của đạo diễn Ryusuke Hamaguchi (chuyển thể từ tác phẩm của Haruki Murakami)… Tất cả đều trở thành những bộ phim hay nhất của năm, nhưng chỉ có “Titane”, cuốn phim kinh dị của nữ đạo diễn người Pháp Julia Ducournau, mới là cái tên được vinh danh trong buổi lễ trao giải. Cứ như một thứ luật bất thành văn của Liên hoan phim Cannes, những bộ phim được giải thưởng lớn nhất Palme d’Or luôn nhận lai ý kiến trái chiều từ giới phê bình và người yêu điện ảnh, và “Titane” chắc chắn cũng không phải ngoại lệ, nhưng cũng chưa có bộ phim nào khiến người ta phân chia cảm xúc thành hai thái cực dữ dội như “Titane”: hoặc căm ghét, hoặc yêu thích, hoặc hiểu được những gì đang trải qua trong đầu nữ nhân vật chính Alexia, hoặc chẳng hiểu cô ta đang làm cái quái gì trong phim.

Alexia không giống với bất cứ nhân vật nữ nào trong lịch sử điện ảnh thế giới. Một sát thủ hàng loạt có niềm đam mê mãnh liệt và sở thích tình dục với những chiếc xe hơi, có lẽ đến từ chiếc đĩa titanium người ta gắn vào xương sọ của cô sau một tai nạn xe hơi hồi nhỏ. Cũng như bộ phim trước đó của Ducournau Raw, “Titane’ khám phá sự bí ẩn và dễ thương tổn của cơ thể người. Số đông trong chúng ta chọn cách vật vã lý giải nó, số còn lại thỏa mãn nhu cầu của nó từ những kiểu vật chất khác. Với Alexia, đó là những chiếc xe hơi. Cũng như cái cách chúng ta để ý đến một người đẹp trên phố, một phẩm chất tuyệt vời của anh chàng này hay cô gái nọ.

Alexia tìm thấy ở hình hài, màu sắc, chất liệu của những chiếc xe hơi một sự hấp dẫn cả về tâm hồn và xác thịt. Nói tóm lại, đó là sự gắn bó, là nơi giải tỏa nhu cầu tình dục, là sự kết nối đỉnh điểm sau tất cả những điều đó. Cảm xúc của Alexia với xe hơi cũng chính là một kiểu tình yêu. “Titane” lồng ghép thứ tình yêu mãnh liệt này trong một bộ phim của đỉnh điểm bạo lực, đầy hài hước nhưng cũng chẳng xót thương. Lý lẽ của ban giám khảo Liên hoan phim Cannes năm ngoái khi dành cho nó giải thưởng quan trọng nhất, chính là ở cái cách bộ phim này có thể khiến người ta phải suy nghĩ đến thế nào về tất cả những gì còn thuộc về phần bí ẩn của tâm lý con người.

Nhưng đạo diễn Ducournau chắc chắn không sáng tạo một Alexia từ hư vô, trước một sự cuồng tín với xe hơi của nhân vật đặc biệt này, đã có những người công khai tình yêu mãnh liệt của mình với những thứ đồ vật khác. Giới học thuật gọi họ là “fetist”, và kiểu tình yêu được đề cập đến trong Titane được gọi với cái tên mỹ miều của khoa học tâm lý là “objectophilia” – chủ nghĩa ái vật. Như thể đủ kiểu tình ái còn chưa đủ đánh đố con người, cảm xúc ái vật từ một hiện tượng nghe có vẻ “là lạ” trước đây dần trở thành một xu hướng tình dục có thật.

Yêu đương vật chất

Tất nhiên đối tượng tình yêu của những người có xu hướng ái vật không chỉ dừng lại ở một nhân vật phim ảnh. Nữ cung thủ hai lần vô địch thế giới Erika Eiffel đã từng công khai tình yêu của mình với cây cung tên Lance. Rồi Erika lại phải lòng tháp Eiffel, rồi cô rời xa cây cung của mình chẳng khác nào người ta chia tay người yêu lâu năm, rồi cô lấy Eiffel làm chồng. Không biết hôn lễ này diễn ra như thế nào và ai là người chứng giám, chỉ biết giờ nhìn cái họ lạ lùng của cô, chắc nhiều người cũng chỉ nghĩ cô có họ hàng xa với kiến trúc sư Eifffel – người đã thiết kế tòa tháp của nước Pháp. Khi nghe câu chuyện này, tôi đã nghĩ rằng chắc chẳng ai lại có thể nghĩ ngay ra được họ đang nói chuyện với vợ của một tòa tháp đồ sộ, toàn cốt thép, “xấu xí” trong mắt nhiều người Pháp đến độ họ chế ra câu chuyện chính Eiffel còn ghét nó. Họ thêu dệt một câu chuyện hài kể Eiffel thời còn sống ngày nào cũng mang bữa trưa của mình lên ăn trên tháp Eiffel, vì “chẳng có chỗ nào ở Paris” để không phải nhìn phải cái thứ xấu hoắc đó. Eiffel nếu trường sinh bất lão chắc cũng tá hỏa. Xấu thế mà cũng có vợ. Còn gì thú vị hơn thế ở thế kỉ 21!

Nhưng cũng bởi họ một mực tin rằng đây là thứ tình yêu đích thực, nơi bất cứ ai cũng có thể  trúng một tiếng sét ái tình, nơi chẳng có gì xấu đau xấu đớn một khi người ta đã yêu, cũng chẳng có giới hạn cho những đối tượng tình yêu một khi Cupid đã nhắm mũi tên. Hơn 30 năm trước, cô gái người Đức Eija-Riitta Berliner-Mauer quyết định cưới Bức tường Berlin và bắt đầu sáng tạo nên thuật ngữ “Objectum Sexuality” để miêu tả về tình yêu của mình. Từ cái tên đến một mạng lưới dành cho những người có cùng xu hướng tình dục ái vật, chẳng mấy chốc mọi sự chú ý dồn cả vào kiểu tình yêu mới này. Nhờ mạng lưới, truyền thông thế giới mới được dịp kinh ngạc, hóa ra có nhiều người ái vật hơn họ tưởng, ở nhiều nơi hơn họ tưởng, ở những độ tuổi đa dạng hơn họ tưởng. Edward Smith ở bang Washington (Mỹ) thừa nhận đã làm tình với hơn 1000 chiếc xe hơi, làm thơ về chúng, hát cho chúng nghe. Amanda Whittaker ở Leeds (Anh) thậm chí còn có tình yêu xuyên biên giới với Bức tượng Nữ thần Tự do ở New York, còn Akihiko Kondo ở Nhật bỏ ra 2 triệu Yên Nhật để tổ chức một lễ cưới linh đình với một cô búp bê lấy cảm hứng từ nữ ca sĩ Pop Nhật Bản Hatsune Miku… Con người thì ở đâu cũng chỉ có từng ấy hình dạng, màu da, chủng tộc, nhưng với đồ vật, những thứ vô tri vô giác, không ai có thể hoạt định những đường biên của thế giới tâm lý mới mẻ này.

Sự đa dạng trong yêu đương vật chất khi mới được giới thiệu chẳng được mấy người bận tâm. Ai mà chẳng yêu thích không món đồ này thì cũng thứ nhảm nhí nọ, nhưng ham muốn quan hệ tình dục với nó, thề non hẹn biển với nó, chung thủy suốt đời với nó? Nói đến đây thôi cũng khiến người ta ngỡ ngàng đến mức… Miễn Bàn Luận!!! Chỉ đến một thập kỷ gần đây, các nhà tâm lý học mới bắt đầu nghiên cứu về hiện tượng này. Trong một công trình nghiên cứu được công bố trên Tạp chí điện tử Internet Journal of Human Sexuality, chuyên gia tình dục học Amy Marsh trò chuyện với 40 người thuộc nhóm ái vật để rồi đưa ra kết luận chúng ta nên thừa nhận nó như một xu hướng tình dục của con người cũng như những xu hướng đương thời khác. Amy Marsh có thể góp phần thừa nhận ái vật như một xu hướng tâm lý tình dục thay vì chỉ là sự mê muội cuồng tín với vật chất, nhưng nguyên nhân của hiện tượng này vẫn còn là câu hỏi để ngỏ.

Tân tình dục trong một xã hôi cô đơn

Chuyên gia tình dục người Đức Volkmar Sigusch (cực giám đốc Viện nghiên cứu Khoa học Tình dục của Đại học Frankfurt) lý giải xu hướng ái vật bằng một lý thuyết đơn giản và dễ hiểu đến không tưởng. Ông coi ái vật là một ví dụ hiện đại của “neo-sexuality” (tân tình dục), một nền tảng chứng tỏ giả thiết của ông trước đó rằng xã hội đang ngày càng dịch chuyển đến phạm trù vô tính của tình dục. “Ngày càng có nhiều người cởi mở chia sẻ rằng họ có thể sống mà chẳng cần đến bất cứ mối quan hệ thân mật và tin tưởng với bất cứ người nào khác. Các thành phố giờ đây chỉ toàn những cá thể sống biệt lập trong một xã hôi rời rạc.”

Sự cô đơn của con người trong cuộc sống hiện đại là có thật. Nó đến cùng với tất cả những tiện nghi vật chất và sự thay đổi của thể thức giao tiếp giữa người với người, giữa cá thể với cá thể. Khi cách một mối quan hệ hình thành giờ đây có thể biến thể đến phát mệt, nhiều người nhìn về quá khứ và ghen tị với chính bố mẹ, ông bà mình vì không hiểu sao tình yêu có thể đến với họ đơn giản và tự nhiên như vậy. Sự mất kết nối với thế giới bên ngoài và với con người khiến cho nhiều người ái vật tìm thấy cảm giác gần gũi, thân thiết với những món đồ vật luôn ở bên họ. Bởi vô tri vô giác cũng có cái hay của nó. Chúng chẳng chạy đi đâu được, chúng cũng chẳng gào thét với bạn nếu tranh cãi xảy ra, chúng sẽ chẳng bao giờ phản bội bạn, chẳng khiến bạn tổn thương, chẳng giận dỗi vô cớ và cũng chẳng ghen tuông đến tan cửa nát nhà…

Người vô tính sẽ chẳng cần được đáp lại, được ôm, được hôn, được là người lắng nghe bởi họ có thể tự thỏa mãn nhu cầu tình dục của bản thân một khi có thể tìm thấy cảm giác hưng phấn từ những món đồ họ yêu. Thuyết vật linh (animism) cũng thường được sử dụng như một lời giải cho bài toán ái vật, bắt nguồn từ niềm tin tôn giáo rằng đồ vật có linh hồn của riêng mình. Vậy là chẳng những là một đối tác tuyệt vời cho một mối tình bình yên không drama, những người ái vật cũng tìm thấy ở những món đồ họ yêu một sự gắn bó và kết nối tinh thần chỉ người trong cuộc mới hiểu.

Volkmar Sigusch kết luận theo cái cách hòa cả làng, “vì những người ái vật và tình yêu của họ chẳng gây ảnh hưởng đến ai hay hòa bình thế giới, nên tôi không cho rằng họ có bệnh về tâm lý.” Nói tóm lại, cũng cởi mở như chính xã hội châu Âu đương thời mà ông đại diện, Volkmar chấp nhận sự khác biệt. Nhưng dù có là một xu hướng tâm lý, một hình thái tính dục, một ngôn ngữ tình yêu, hay là gì chăng nữa, sự tồn tại của chủ nghĩa ái vật cũng khiến tôi nghĩ về mối quan hệ giữa người với người, những điều cơ bản nhất đã và đang dần lụi tàn hay biến thể. Nhưng hơi ấm, những cái ôm, những cái chạm, những sự tương tác… tôi hi vọng nó sẽ chẳng bao giờ mất đi.

Bài: Vân Anh
Ảnh: Tổng hợp

library