Không Đường: Lê Thanh – Khi hạt café trở thành “nàng thơ”
BusinessFeature

Không Đường: Lê Thanh – Khi hạt café trở thành “nàng thơ”

Lần cuối cùng tôi nói chuyện với Lê Thanh, sản phẩm khẩu trang làm từ sợi café của AirX đã xuất khẩu đi đến không biết bao nhiêu quốc gia. Chưa đầy một năm sau, Lê Thanh đã lại bận rộn với sáng tạo mới.

Những đôi giày có đế làm từ bã café, những chiếc khẩu trang sợi café đưa Lê Thanh và doanh nghiệp start-up của mình vào tâm điểm ở một thương trường vật lộn trong cơn bão đại dịch, rồi những sản phẩm gia dụng từ hạt café… CEO – Nhà sáng lập ShoeX là tổng hòa của những gì tạo nên anh: một cựu sinh viên Kỹ thuật Hóa học, một nguồn năng lượng khởi nghiệp căng đầy, và một mưu cầu sáng tạo không ngừng nghỉ gắn với những giá trị bền vững và không có điểm dừng.

Tôi tưởng tượng nếu anh mà là nghệ sĩ thì những chất liệu thân thiện với môi trường cũng chẳng khác gì “nàng thơ” của anh?

Nói như vậy cũng đúng. Chỉ riêng với hạt café thôi, bạn không thể tưởng tượng được có thể làm ra những sản phẩm gì với nó. Tôi vẫn đang sử dụng hạt cà phê để làm nguyên liệu cho các đồ dùng nội thất và sinh hoạt hằng ngày như dao, muỗng nĩa, khẩu trang,… Vấn đề chỉ là thời gian để nghiên cứu ra một nguyên liệu thân thiện với môi trường. Ví dụ với sản phẩm nguyên liệu hạt café, chúng tôi mất khoảng hai năm từ lúc nảy ra ý tưởng đến lúc có thể sản xuất ra nó. Nếu nói về “nàng thơ”, thì vấn đề cần cân nhắc cũng nằm ở việc tùy vào thông điệp họ truyền đi mà họ sẽ ứng dụng hạt cà phê và các vật dụng của mình.

Ý tưởng hạt nguyên liệu đến từ đâu?

Ý tưởng làm nguyên liệu từ các đồ vật tái chế cũng đã tương đối cũ. Thực ra trước lúc đó, tôi cũng đã nhiều trăn trở về việc nên dùng nguyên liệu nào, giữa bắp, ngô, khoai, gạo và rất nhiều cái tên khác. Lợi thế của Việt Nam chính là nguồn nguyên liệu dồi dào mà các nước khác không có. Cà phê sữa đá chẳng hạn cũng đã đi vào văn hóa quốc gia rồi. Vì vậy tôi muốn làm ra một cái gì đó mang dấu ấn của Việt Nam, để khi đi ra thế giới người ta sẽ biết “à đây là sản phẩm làm từ cà phê Việt Nam”. Câu chuyện dùng nguyên liệu đại diện cho quốc gia nó sẽ hay hơn là mình dùng nguyên liệu bình thường như bắp hay rơm, gạo.

Anh có dự định phát triển thêm hạt nguyên liệu mới?

Năm 2021 chúng tôi coi như hoàn tất hạt nguyên liệu từ cà phê. Năm 2022 chúng tôi sẽ bắt đầu phân phối nó. Năm 2023, sau khi ổn định, chúng tôi sẽ nghiên cứu và phát triển thêm hạt nguyên liệu mới.

Phát triển hạt nguyên liệu, chứ không phải sản phẩm từ hạt nguyên liệu?

Tùy vào thị trường tiêu thụ, chúng tôi có hai dòng sản phẩm, một là nguyên liệu sẽ bán cho các nhà máy để gia công; thứ hai là thị trường xuất khẩu sản phẩm ở Âu Mỹ.

Theo anh, sáng tạo có phải là chìa khóa cho những thành công của giới start-up Việt Nam không?

Đúng vậy, sáng tạo rất quan trọng với tôi, và nằm nhiều ở cách bạn thích nghi được với tình hình kinh doanh và những biến đổi. Vì khi bạn sáng tạo và cho ra nhiều sản phẩm độc đáo, nếu cứ liên tục như thế thì sẽ bị loãng, lặp lại và phân tán sự tập trung ra nhiều hướng thay vì định hướng phát triển chủ lực, mũi nhọn cho công ty. Tôi thì muốn có những sáng tạo để công ty đi được đường dài hơn, xa hơn.

Đó là với kinh doanh, nhưng sự sáng tạo có ý nghĩa như thế nào với anh trong cả đời sống?

Sự sáng tạo đến với tôi một cách tự nhiên, không áp đặt. Những thứ mà bản thân thấy ý nghĩa thì nó sẽ tự động thúc đẩy tôi làm nó, và cuối cùng là để lại dấu ấn riêng của mình.

Phát triển theo hướng bền vững có phải là tôn chỉ anh theo đuổi ngay từ đầu quá trình khởi nghiệp không?

Ngày xưa tôi bán giày tây, sản phẩm này có bền vững gì đâu. Tìm ra và phát triển sản phẩm bền vững là cả một quá trình trải nghiệm và tiếp thu những nhu cầu của thị trường. Năm ngoái khi nhận giải thưởng “Thương hiệu bền vững”, tôi mới nhận nhiều doanh nghiệp cũng muốn theo đuổi mô hình này. Thế là tôi lùi lại làm một doanh nghiệp cung cấp nguyên liệu cho những đối tác cần một câu chuyện như vậy.

Một shark tank đời đầu Lê Thanh và một Lê Thanh ở thời điểm hiện tại có gì khác nhau?

Kinh nghiệm lớn nhất tôi học được là: việc vấp ngã và nhanh chóng rút ra bài học quan trọng hơn là việc mình gặp được một khoản đầu tư và quá tập trung vào một sản phẩm mà không nhận ra được lỗ hổng. Tôi nghĩ là nhanh chóng nhận ra lỗ hổng trong mô hình kinh doanh, và quyết định một là sửa hai là bỏ thì sẽ tốt hơn là cứ đeo đuổi và duy trì nó.

Cảm ơn anh vì những chia sẻ thú vị!

Bài viết thuộc ấn phẩm Men’s Folio Vietnam #8 – The Icon Issue. Đặt ấn phẩm tại ĐÂY:

Bài: Vân Anh
 

Related Article