Chiron Duong, chàng nhiếp ảnh gia nổi tiếng với nhiều bức ảnh thời trang – nghệ thuật độc đáo, phản ánh những chủ đề xã hội thiết thực nhưng theo cách vô cùng sáng tạo, sinh động. Chiron chia sẻ mình luôn muốn tác phẩm phải kể được điều gì đó trước khi cố gắng gây ấn tượng về mặt thị giác. Vậy nên, mỗi bộ ảnh chính là một câu chuyện xuyên suốt và đồng điệu, dệt nên từ chính những trải nghiệm, chiêm nghiệm khác lạ của Chiron.
Xin chào Chiron Duong! Bạn có cảm thấy con đường mình gặp gỡ và thành công với nhiếp ảnh giống như một cái duyên không?
Chào Men’s Folio Vietnam! Chiron Duong tiếp xúc với và thực hành nhiếp ảnh từ những sự kiện bất ngờ trong đời, điều này thực sự là một cái duyên để đưa mình đến với nhiếp ảnh. Khi mình xâu chuỗi lại từ bao giờ mình đến với nhiếp ảnh cũng là lúc mình hiểu rõ hơn “những dấu hiệu của vũ trụ” va chạm với nguồn gốc cá nhân và bối cảnh xã hội.
Về khái niệm thành công, chắc mỗi người sẽ có một định nghĩa khác nhau. Với mình đến thời điểm hiện tại, nhiếp ảnh như một cách “thiền định” để hiểu về chính mình và sự liên kết với cuộc sống. Vì lẽ đó mà thành công trong nhiếp ảnh đối với mình là cách cảm nhận sự thay đổi tư duy, hiểu biết xã hội, kết nối tự nhiên và lắng nghe tĩnh vật. Câu nói mà mình chiêm nghiệm ở giai đoạn này là: “Chân không diệu hữu”. Mọi vật từ hư vô và sự hiện diện của bất kỳ vật thể nào trước mắt đều thật sự kỳ diệu.
Bạn nghĩ mình là một người mơ mộng hay thực tế, vì nhìn vào những bức ảnh của Chiron thì luôn có cảm giác rất mềm mại giống như trong những giấc mơ?
Không ai là người thực tế hay mộng mơ. Thực tế và mộng mơ là điều đan xen và bổ trợ lẫn nhau. Đối với mình, mơ mộng và thực tế phản ánh nguồn gốc và mang tính xã hội khi nhìn nhận về chính mình. Khi bé, chúng ta may mắn có trí tưởng tượng phong phú, những mảnh đất màu mỡ sinh động. Nhưng khi lớn lên, chúng ta lại quên đi những ký ức đó và trở nên thực dụng đến mức trống rỗng. Vì vậy, mình luôn cố gắng thể hiện các khía cạnh tương phản giữa mơ mộng và thực tế, giữa mềm mại và mạnh mẽ, giữa niềm vui và lạc lõng,… Tuy nhiên, hiểu được sự tương phản/bổ sung này cũng là một quá trình tư duy từ thực tế. Mặt khác, khi thực hiện một đề tài bất kỳ, mình đều xuất phát từ việc tìm hiểu thực tế cuộc sống rồi đưa ra cách nhìn theo nhiếp ảnh nghệ thuật.
Bức ảnh lấy cảm hứng từ nhiếp ảnh thời trang được thực hiện bằng cắt giấy thủ công, với câu chuyện về các sinh vật thoát khỏi một cơn khủng hoảng nhiệt do cháy rừng. Ngay cả các loài có năng lực đặc biệt như thiên thần cũng không thoát được cơn khủng hoảng này.
Sau khi đã thử nghiệm với rất nhiều loại hình nhiếp ảnh khác nhau: thời trang, chân dung, fine art, conceptual,… thì trong tương lai gần, sự chú tâm của Chiron sẽ hướng vào lĩnh vực nào?
Từ trước đại dịch Covid-19, mình đã tìm hiểu các vấn đề có thể xảy ra trong tương lai bao gồm dịch bệnh và khủng hoảng khí hậu, cùng một số vấn đề xã hội như di cư lên đô thị. Đây thực chất là các vấn đề mình được va chạm khi học chuyên ngành kiến trúc cảnh quan tại Đại học Kiến trúc TP.HCM. Mình dành nhiều sự quan tâm cho nhiếp ảnh tĩnh vật (still life) và các dự án thiên về cộng đồng, giáo dục, thiên nhiên nhiều hơn là nghệ thuật cá nhân đơn thuần. Đồng thời, mình cũng phát triển dự án cá nhân “La Main de Saigon” – một studio nhiếp ảnh từ kỹ thuật cắt giấy thủ công và mang cảm hứng thời trang. Dự án này được bạn bè quốc tế yêu thích. Tác phẩm “Lối Thoát” được giới thiệu trên bìa một tạp chí nổi bật về nhiếp ảnh nghệ thuật của Pháp là FISHEYE MAG. Mong muốn của mình đối với “La Main de Saigon” là tìm ra cách thức mới trong nhiếp ảnh để hạn chế lượng rác thải giấy in.
Thành công trong nhiếp ảnh đối với mình là cách cảm nhận sự thay đổi tư duy, hiểu biết xã hội, kết nối tự nhiên và lắng nghe tĩnh vật.
Phong cách sáng tạo của Chiron Duong là gì? Có vẻ như bạn thường sẽ dành rất nhiều thời gian ngâm cứu, đôi khi kéo dài cả năm, để nạp vào tất cả những gì bạn quan tâm trước khi bước vào quá trình sáng tác?
Ở giai đoạn 2020 về sau, mình đã hoàn thành một số dự án nghệ thuật nhiếp ảnh kết hợp với kiến thức cộng đồng. Quá trình phát triển các tác phẩm sẽ đi từ dữ liệu của các tổ chức uy tín, đến cách thức thực hiện mỗi bộ ảnh theo những tiêu chí mình đặt ra (đối tượng xem ảnh, mức độ cảm thụ, đóng hay mở) để từ đó lên kế hoạch thực hiện, làm sao để lượng rác thải khi mình thực hiện tác phẩm là tối thiểu, biến các dự án nghệ thuật của mình trở nên thực tiễn, có ý nghĩa với xã hội.
Đây là quy trình mình đã quen thuộc kể từ khi bắt đầu các đồ án thiết kế kiến trúc ở trường và mình cảm thấy may mắn vì được thực hành chúng nhuần nhuyễn: học tập – tư duy – sáng tạo.
Những cột mốc mà Chiron thấy đáng nhớ nhất kể từ khi bắt đầu với nhiếp ảnh?
Đối với mình, mỗi chặng đường đều có ý nghĩa, đôi khi không nằm ở cột mốc nào mà có thể chỉ là một ngã rẽ. Sự dừng lại cũng là điều đáng nhớ.
Nếu được chọn một cột mốc đáng nhớ nhất, mình nghĩ đó là khoảnh khắc khi hội đồng Picto Pháp xướng tên mình ở Giải Đặc biệt cuộc thi nhiếp ảnh thời trang Pháp với ban giám khảo bao gồm Sarah Moon, Paolo Roversi, bảo tàng Palais Galliera, Paris năm 2020.
Mình chưa bao giờ có cơ hội đi nước ngoài, nhưng vì đại dịch nên mình cũng không thể đi nhận giải trực tiếp. Tuy vậy, khoảnh khắc đó đối với mình giống như việc tinh thần đã được đi xa hơn thể xác, và ranh giới địa lý không còn nữa. Từ giải thưởng đó, mình học tập nhiều hơn các thể loại nhiếp ảnh và mở ra một hướng tư duy mới.
Nếu có một động lực duy nhất vẫn thúc đẩy Chiron Duong tiếp tục với hành trình này ngay từ ngày đầu tiên thì đó là gì? Nhiếp ảnh đem lại cho bạn những gì?
Đã có rất nhiều lần mình có ý định dừng lại. Tuy nhiên, mỗi lần như thế, mình lại nhận được một sự công nhận. Điều này nếu suy nghĩ kỹ hơn thì nó như thể cách vũ trụ gửi tín hiệu đến cho mình rằng hãy cứ tiếp tục đi. Đôi khi, hành trình không dừng lại ở một đích đến như mình mong muốn, mà sẽ ở đoạn khác của chặng đường.
Thực tế và mộng mơ là điều đan xen và bổ trợ lẫn nhau. Đối với mình, mơ mộng và thực tế phản ánh nguồn gốc và mang tính xã hội khi nhìn nhận về chính mình
Đơn giản vì mỗi người đã luôn khác nhau về nguồn gốc, bối cảnh xã hội, môi trường lớn lên,… nên sẽ có người biết cách kế hoạch cho cuộc sống của mình, nhưng cũng có người khác chọn cách sống bình dị, làm những điều khiến họ hạnh phúc và nương theo sự vận động của thời đại.
Đến bây giờ, động lực mạnh mẽ nhất giúp mình đi trên hành trình này là niềm hạnh phúc bình dị mà nhiếp ảnh đem lại cho mình, không phải những giải thưởng. Mỗi sáng, mình tìm một vật để chụp và quan sát, thử nghiệm, nghe chúng kể câu chuyện của chính chúng.
Nếu học hỏi là giá trị quan trọng nhất đối với bạn, thì có khi nào đến một lúc Chiron cảm thấy đã học đủ với nhiếp ảnh, bạn sẽ dừng lại cuộc chơi này?
Không bao giờ là đủ. Giống như bạn khám phá vũ trụ vậy – càng đi sâu lại có có nhiều điều hấp dẫn. Càng tìm hiểu, mình lại càng biết được nhiều sự liên kết. Cứ thế, sự liên kết này lại kết hợp với nhiều lĩnh vực và hiện tượng khác. Đôi khi, chúng làm mình xúc động đến choáng ngợp.
Bạn từng chia sẻ với Men’s Folio Vietnam trước đây là “không muốn được nghĩ đến như một nhiếp ảnh gia chỉ biết chụp đẹp”. Vậy thì lý tưởng Chiron muốn mọi người nhớ đến mình như thế nào?
Một trong những niềm cảm hứng sáng tạo của mình đến từ series “Chef’s Table” trên Netflix. Mình tưởng tượng bản thân cũng như một bếp trưởng trong “căn bếp nhiếp ảnh” của riêng mình. Mỗi bếp trưởng sẽ có một triết lý riêng – họ tìm kiếm nguyên liệu, liên kết với nông dân địa phương, sáng tạo ra món ăn, chú ý tới trải nghiệm của thực khách và quan tâm đến môi trường. Những điều này thật sự tuyệt vời!
Khi tìm hiểu sâu hơn ý nghĩa của nhiếp ảnh, mình nhận ra nhiều điều về vai trò của nhiếp ảnh trong các giai đoạn lịch sử và trong cách thể hiện sự quan tâm của cá nhân, cách bộc lộ cái đẹp. Vì vậy, mình muốn mọi người hiểu hơn về mình thông qua những nền tảng kiến thức đó. Các chủ đề cung cấp và tác động về nhận thức cho cộng đồng thông qua nhiếp ảnh chính là lý tưởng của mình.
Cảm ơn Chiron Duong về cuộc trò chuyện này!
Xem thêm các tác phẩm của Chiron Dương tại Behance.